Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Vài điều làm sáng tỏ sáu bức tranh tường trong cung An Định

Hà Vũ Trọng


Cung An Định vốn ban đầu là phủ Phụng Hoá được vua Đồng Khánh xây tương đối khiêm tốn cho mẹ con hoàng tử Bửu Đảo (Khải Định). Tới năm 1917 thì vua Khải Định cho xây dựng cung này hoàn toàn mới dành cho vợ con là bà Từ Cung và thái tử Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại); điều đáng lưu ý rằng cung An Định là một biệt thự cá nhân được xây bằng tiền riêng của vua Khải Định, chứ không lạm vào quốc khố và nó không thuộc tài sản chung của cung đình. Sau khi thoái vị, vua Bảo Đại cùng vợ là hoàng hậu Nam Phương và con cái về sống ở cung An Định cùng với mẹ là bà Từ Cung. Đầu thập niên 1950, hoàng hậu Nam Phương cùng các con qua Pháp, bà Từ Cung ở lại cung này cho tới khi nó bị quốc hữu hoá dưới thời Ngô Đình Diệm. Chính quyền mới tiếp quản cung này có thể đã dẫn tới những việc sửa chữa, quét vôi, di dời một số đồ vật trang trí sang nơi khác. Cho tới biến cố tàn phá Mậu Thân và sau 1975 thì mọi thứ không còn như xưa nữa, cung này trở thành Nhà văn hoá Lao động hoặc sử dụng làm khu nhà tập thể do đó dẫn đến sự xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2003 các chuyên gia bảo tồn Đức đã tiến hành phục nguyên những đồ án trang trí trong cung An Định, trong đó có sáu bức bích hoạ bị hư hỏng và các vách tường có hoạ tiết trang trí bị quét vôi. Sáu bức tranh tường này vẽ phong cảnh và kiến trúc lăng tẩm các vua nhà Nguyễn, sau khi được phục chế trong những chiếc khung lộng lẫy giờ đây chúng trở thành một trong những điểm son cho quan khách vào chiêm ngưỡng.


Cung An Định là một toà lâu đài nguy nga xây theo phong cách kiến trúc Roccoco với thiết kế, trang trí ngoại thất và nội thất hết sức công phu và hoa mĩ theo thị hiếu thẩm mĩ của vua Khải Định. Về trang trí nội thất, trong đó có những đồ án trang trí trên vách tường và trần nhà vốn là những hạng mục không thể thiếu của phong cách Roccoco. Hiển nhiên các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, điêu khắc, hoạ sĩ trang trí người Pháp đã đảm nhiệm nhiều công việc cùng với sự cộng tác của nghệ nhân Việt Nam. Sau khi đã xây xong Cung An Định năm 1919, công việc trang trí nội thất hẳn là tiếp tục cho tới đầu năm 1920, trong đó có những bích hoạ do các nghệ nhân Huế thực hiện, và cùng thời điểm này nhà điêu khắc Paul Ducuing cũng vừa hoàn tất pho tượng vua Đồng Khánh và tượng thái tử Vĩnh Thụy (Bảo Đại) hồi nhỏ.

Sáu bức tranh tường vẽ phong cảnh và kiến trúc của 5 lăng tẩm các hoàng đế: 1) Gia Long; 2) Minh Mạng; 3) Thiệu Trị;  4) Tự Đức; 5 & 6) Đồng Khánh. Riêng tên tuổi của hoạ công, bút pháp phương Tây, và đồ án sáu bức tranh tường vẽ bằng chất liệu sơn dầu trực tiếp lên tường trong Khải Tường Lâu tới nay vẫn còn là những nghi vấn. Dưới đây xin trình bày ngắn gọn ba chủ điểm để làm sáng tỏ vấn đề.


Về hoạ công, trong 6 bức thì 4 bức đầu có bố bục và phối cảnh chặt chẽ và hoàn chỉnh theo luật viễn cận phương Tây do một hoạ công thiện nghệ vẽ, tuy nhiên hai bức 5 và 6 (kích thước nhỏ hơn nằm hai bên cửa ra vào) không hoàn chỉnh và sai về luật viễn cận khi so với 4 bức trên, lối vẽ cũng không giống, cho thấy hai bức này do một hoạ công khác kém nghề hơn. Như đã biết, các chuyên gia Đức khi trùng tu đã phát hiện ra tên của hoạ công kí dưới góc một bức tranh: ‘Nguyễn Văn Ngoan’ (cũng có thể là Ngoạn hay Ngoãn), tuy nhiên ta cần thông tin cho biết tên hoạ công này được kí ở dưới bức nào, rất có thể là trong 4 bức đầu trong sảnh và ông là hoạ công chính.

Về mặt hoạ pháp, các bích hoạ này thường được xem là ảnh hưởng phương Tây, tuy nhiên ta cần lưu ý hai điểm trong đó vừa tương phản vừa hoà trộn vào nhau: một mặt, có thể xem đây là lối vẽ Tây hoạ trong miêu tả cảnh thiên nhiên như cây cối, mây, nước, tuy bút pháp thể hiện chất liệu sơn dầu còn tương đối đơn giản và ước lệ. Mặt khác, kiến trúc các lăng tẩm lại thiên về lối hình hoạ bằng những nét vẽ viền tương tự như các bản vẽ kiến trúc (hoặc tranh cổ Á Đông), tuy nhiên hoạ công đã tạo thêm chút bóng và sắc độ để có cảm giác hình khối ba chiều. Dù cả hai bút pháp Đông-Tây tuy tương phản như đã trình bày ở trên nhưng thuyết phục người xem do tất cả đã được đặt sẵn trong phối cảnh và luật viễn cận hợp lí.

Điểm quan trọng thứ ba làm sáng tỏ luận điểm thứ hai về đồ án của hoạ công khi dựng cảnh vẽ những lăng mộ hoàng gia, đó chính là qua sự trợ giúp của nhiếp ảnh thịnh hành đương thời, và điều này cũng tự giải thích cho cách nhìn phối cảnh theo lối phương Tây trong các bức tranh tường Cung An Định. Ta biết rằng từ năm 1902, nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils đã bắt đầu làm bưu ảnh (hay bưu thiếp), và cho tới giữa thập niên 1920 ông đã phát hành hơn 5000 bưu ảnh chụp phong cảnh, đền đài, sinh hoạt, lịch sử, phong tục, vv… của các xứ Đông Dương, trong đó có nhiều bưu ảnh lăng tẩm Huế mà ta sẽ dùng để dẫn chứng. 

Dưới đây ta hãy so sánh 4 bức tranh tường với 4 bức ảnh chụp mà hoạ công đã dùng làm mẫu vẽ, vốn đã được Dieulefils in trong cuốn sách xuất bản năm 1909: Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin (Đông Dương diễm lệ và kì vĩ: Trung Kì và Bắc Kì)



Bức 1: Lăng Gia Long với góc nhìn từ bậc thềm qua hồ nước sang núi Thiên Thọ với hai trụ biểu. So sánh với bưu ảnh của Dieulefils.

*


Bức thứ 2: Lăng Minh Mạng - góc nhìn từ Bửu Thành hướng về tòa Minh Lâu, so với bưu ảnh của Dieulefils; lưu ý những gốc cây đại mới du nhập vào Việt Nam và được trồng trong Đại Nội lúc này còn khá nhỏ.

*



Bức thứ 3:  Lăng Thiệu Trị nhìn từ Hồ Ngưng Thuý và Bửu Thành. Bưu ảnh này của Dieulefils được hoạ công vẽ lại với độ chính xác cao về kiến trúc lẫn cảnh vật, cây cối.


*


Bức thứ 4:  Lăng Tự Đức với hồ Lưu Khiêm, Xung Khiêm Tạ và Khiêm Cung Môn, so với bưu ảnh của Dieulefils.

*

Còn lại hai bức thứ 5 và 6 vẽ Lăng Đồng Khánh, có kích thước nhỏ hơn và nằm ở hai bên cửa ra vào, rất có thể do một nghệ nhân khác thực hiện, tuy cố gắng giữ theo lối vẽ của 4 bức trước nhưng không bằng.


Bức thứ 5: Lăng Đồng Khánh với bi đình. Tuy chưa tìm ra bức ảnh gốc mà hoạ công dựa vào, nhưng có thể thấy rõ bố cục của nhiếp ảnh chẳng hạn cắt góc đột ngột tượng voi ở ngay tiền cảnh bên trái. Tuy dựa trên ảnh chụp, nhưng vì nghệ nhân không nắm vững luật viễn cận cho nên kiến trúc bi đình (và cả hàng ngựa và các quan bên trái) đã thể hiện không đúng lắm về luật phối cảnh hay điểm tụ đồng quy với đường chân trời.

*
Bức thứ 6 rõ ràng không dựa trên ảnh chụp, và có thể xem là một bức thể hiện yếu kém. Thực sự đây là một lối vẽ kiến trúc mất phương hướng vì thiếu điểm hội tụ và sai tỉ lệ khiến mỗi thứ đi một đàng một nẻo và người xem không thể nhận ra ở đâu. Xem xét kĩ thì thấy hoạ công đang cố gắng thể hiện khuôn viên mộ vua Đồng Khánh với cổng vào và ba bậc thềm tạo thành ba lớp thành bao quanh trong khuôn vuông vức. Hãy đối chiếu bức tranh với một bức ảnh chụp (xem bên dưới) khu mộ này một cách cụ thể hơn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét