Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

KHU VƯỜN HOAN LẠC - KIM BÌNH MAI Hồi thứ 27

KIM BÌNH MAI TỪ THOẠI 金瓶梅詞話

Tác giả: Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh 蘭陵笑笑生

Hà Vũ Trọng dịch


HỒI 27 

Lí Bình Nhi tư tình bên Hiên Phỉ Thuý

Phan Kim Liên say loạn dưới giàn nho

                                                                                           Tranh: Đới Đôn Bang

Ngày đầu tháng Sáu, sang tiết hè nóng bức. Đúng là: “Tiết Đại Thử không quá ngày Mùi-Thân vào tháng Sáu; tiết Đại Hàn không quá ngày Sửu-Dần vào tháng Chạp”Thời tiết vô cùng nắng nóng, đó là lúc:

Con quạ đỏ giữa ngọ,

Chiếc ô lửa lơ lửng,

Trời không một gợn mây,

Đá chảy, vàng hoá lỏng.

Một nhà thơ xưa có bài ca từ miêu tả cái oi bức này:

Chúc Dung tới từ phương nam quất con rồng lửa;

Mây ngùn ngụt thiêu bầu trời đỏ rực.

Bánh xe mặt trời đậu ở thiên đỉnh không chịu lăn bánh;

Muôn xứ sở như đang trong hoả lò hồng.

Trên Ngũ Nhạc cây cỏ héo khô, mây mù sạch bóng;

Dưới đáy biển cả thần Sóng cũng sợ thuỷ cung cạn kiệt.

Liệu cơn gió kim phong đêm nay có thổi qua,

Quét đi hơi nóng trần gian cho ta!

     Có thể nói trên thế gian này có ba hạng người sợ nóng, và ba hạng người không sợ nóng. Ba hạng người sợ nóng là những ai?

     Thứ nhất là người nông phu ở thôn quê. Hàng ngày họ canh tác trên ruộng đồng, dẫm đạp trên đê điều, đẩy cày kéo bừa. Và để trả khoản thuế thóc cho kịp thời hạn nửa năm một lần, họ đành từ bỏ số ngũ cốc dư còn lại trong kho. Trong những ngày hè nắng nóng, nếu ruộng không có mưa, lòng họ như lửa đốt.

     Hạng thứ hai là những thương khách phải đi buôn bán phương xa. Họ xa nhà nhiều năm, bán rong dầu hồng hoa, tử thảo, sáp ong, và kẹo ngậm hương trà. Trên vai họ gánh nặng, tay đẩy xe cút kít cồng kềnh. Dọc đường đi, họ càng thấy đói hơn, khát hơn. Mặt mũi đầm đìa mồ hôi và nước bọt, quần áo ướt sũng, họ không thể tìm ra một mảnh bóng râm. Việc đi thật gian nan, dãi dầu.

     Hạng thứ ba là những người lính nơi biên cương. Đầu đội mũ nặng, thân bọc giáp sắt, khi khát họ liếm máu đọng trên lưỡi kiếm, khi mệt thì nằm trên núm yên ngựa. Họ đi chinh chiến nhiều năm không thể trở về nhà, quần áo đầy chấy rận, vết thương mưng mủ và không còn mảng da nào lành lặn trên thân thể họ. 

     Đấy là ba loại người sợ nóng. Cũng có ba loại người không sợ nóng.

     Đầu tiên là những người ở trong nội viện của hoàng cung. Bên những mái vòm thuỷ tạ và phong đình, những suối khe ngoằn ngoèo tạo thành ao, chảy thành đầm. Những mảnh ngọc trang trí lớn, nhỏ sắp cạnh những vật điêu khắc bằng sừng tê giác có hoa văn đảo ngược. Bên những lan can bằng đá lưu li trồng đầy những kì hoa dị quả. Trong những chiếc chậu pha lê chất đầy đồ vật bằng mã não và san hô. Trên những cái bàn khảm pha lê bày nào là những nghiên mực Đoan Khê, bút với cán ngà voi, mực thỏi Thương Hiệt, giấy Thái Diễm, cũng như giá treo bút bằng pha lê và thanh bạch ngọc chặn giấy. Khi buồn chán, những người này làm phú, ngâm thơ. Lúc ngà say họ tựa gối thiu thiu trong gió nam.

     Hạng kế tiếp là những vương hầu quý thích của hoàng gia, những thành viên của phú gia và danh gia. Hàng ngày họ ở trong “động tuyết” và lương đình. Họ dành cả ngày ở chốn phong hiên và thuỷ các. Rèm treo của họ được bện bằng “râu tôm”, màn che giường được dệt bằng lụa sa ngư. những quả cầu hương nhài treo trong phòng; trên giường khảm xà cừ được trải thảm trúc mát rượi với hoa văn gợn sóng và gối san hô trang trí cặp uyên ương. Bốn phía đều có những bánh xe gió lưu động không khí. Bên cạnh là những chậu nước đá ngâm mận chìm và dưa nổi, củ ấu đỏ và củ sen tuyết, quả dương mai và trám, táo và hạt dẻ nước. Và còn có những người đẹp như hoa đứng hầu quạt.

     Cũng vậy, hạng tiếp theo là những Đạo sĩ và Thiền tăng trong những đạo quán và tự viện, trú xứ của họ là những tàng kinh các mây mù bao phủ và những tháp cao chọc trời. Lúc nhàn rỗi, họ đến phòng trụ trì để giảng giải đạo Pháp, hoặc tụng kinh Hoàng Đình. Có khi họ vào vườn tự viện hái đào tiên hoặc những loại dị quả. Khi thấy buồn chán, họ triệu tập đám học trò dưới bóng cây tùng rồi gảy đàn cầm trên đầu gối. Lúc rượu ngà say, họ mang theo bàn cờ và nhàn đàm với bạn hữu dưới bóng liễu rủ. 

     Đấy là ba hạng người không sợ nóng. Có một bài thơ chứng minh điều đó:

Mặt trời đỏ như muốn thiêu đốt vạn vật;

Ruộng đồng dưới kia phân nửa cháy xém rồi.

Lòng người nông phu như vạc lửa sôi:

Khi ấy, trên lầu vương tôn phe phẩy quạt.

     Khi Tây Môn Khánh thức dậy, thấy trời nắng nóng quá, gã quyết định ngày hôm đó không ra ngoài mà ở nhà, xoã tóc và chỉ khoác chiếc áo chùng để tránh nóng. Gã đi đến hiên Phỉ Thuý trong hoa viên, xem các cậu bé gia nhân đang tưới hoa. Khi Tây Môn Khánh nhìn thấy một chậu thuỵ hương thơm ngát nở rộ trước hiên Phỉ Thuý, bèn sai cậu bé giúp việc Lai An đi lấy một bình tưới nhỏ rồi nhìn xem cậu tưới nước chậu hoa đó.

    (Các minh hoạ rút rừ bộ liên hoàn hoạ Kim Bình Mai, Cổ thiện Văn hoá Xuất bản xã, 2017)

     Lúc này, còn ai nữa xuất hiện ngoài Phan Kim Liên và Lí Bình Nhi, ăn mặc thường ngày áo lụa trắng sọc bạc và váy dài lụa gấm màu mật ong với họa tiết phượng vờn hoa thêu chỉ vàng. Lí Bình Nhi thì mặc áo tỉ giáp bằng vải lanh dệt bằng tơ chuối màu đỏ thẫm, Kim Liên thì mặc tỉ giáp màu đỏ bạc được viền bằng chỉ vàng. Kim Liên không đeo mão mà búi tóc thành một “túi lụa” giản dị theo kiểu Hàng Châu, được buộc lại bằng trang sức hình đám mây và cài lông chim thuý. Hai búi tóc có lúc lật sang bên thái dương, còn bên trên trán của khuôn mặt thoa phấn, nàng đã đính ba viên lam ngọc có đốm vàng, nhằm tôn lên hơn nữa: mặt phấn hồng, tóc óng ả, môi hồng ngọc và răng trắng ngần.

     Hai nàng nắm tay nhau cười khúc khích, bất ngờ đến nơi nhìn thấy Tây Môn Khánh đang giám sát việc tưới hoa. 

     Kim Liên nói: “Thì ra chàng ở đây trông coi việc tưới hoa. Sao chàng còn chưa chải đầu nữa kìa!” 

     Tây Môn Khánh nói: “Bảo nha đầu đi lấy nước. Ta chải tóc tại đây.” 

     Kim Liên nói với Lai An: “Mi bỏ bình tưới xuống rồi quay về phòng ta. Bảo a hoàn đem nước và lược lại đây, nói nó làm mau lên, cùng cha ngươi chải tóc ở đây.” Lai An vâng lời đi làm theo.

     Kim Liên nhận ra mùi thuỵ hương thơm lừng định hái một đoá cài lên tóc thì Tây Môn Khánh ngăn lại nói: “Ấy đừng đụng vào! Để ta tặng mỗi nàng một bông.”  

     Thì ra Tây Môn Khánh đã hái vài đoá thuỵ hương mới nở bên nách chùm hoa rồi ngâm vào trong cái bình sứ hình túi mật màu ngọc lam. 

     Kim Liên cười nói: “Tiểu nhi, con hái những bông này cho mình mà không tặng cho nương nương là sao?” 

     Tây Môn Khánh chưa kịp đưa thì nàng đã chộp lấy một bông rồi cái lên tóc, còn lại bông kia Tây Môn Khánh đưa cho Lí Bình Nhi.

     Còn ai khác xuất hiện vào lúc này ngoài Xuân Mai, nàng mang theo gương lược cùng với Thu Cúc bưng chậu nước rửa mặt tới. 

     Tây Môn Khánh đưa ba đoá hoa cho Xuân Mai, dặn: “Đưa mấy bông hoa này cho Nguyệt Nương, Lí Kiều Nhi và Mạnh Ngọc Lâu để cài tóc và mời Tam nương tham gia cùng chúng ta. Nói với Tam nương rằng ta muốn nghe nàng ấy chơi một vài khúc nguyệt cầm. 

     Kim Liên nói: “Để thiếp giao bông cho Tam nương. Chàng cho Xuân Mai giao cho Đại nương và Lí Kiều Nhi. Lát nữa quay lại, chàng tặng thiếp thêm một bông nữa nhé. Vì thiếp chắc sẽ gặp rắc rối khi gọi ca nương cho chàng, nên thiếp đáng được thưởng một đoá thuỵ hương khác.” 

     Tây Môn Khánh nói: “Nàng cứ đi đi, quay lại ta sẽ cho.” 

     Kim Liên nói: “Tiểu nhi ơi, ai dạy con láu lỉnh như thế? Chàng tưởng lừa được thiếp gọi Mạnh tam nương cho chàng, thiếp không đi, phải cho trước thì thiếp mới đi gọi nàng ta.” 

     Tây Môn Khánh cười lớn nói: “Tiểu dâm phụ! Cả đến việc như thế này mà nàng cũng đòi có phần.” 

     Bèn tặng cho một bông nữa, Kim Liên cài vào tóc cạnh thái dương, rồi đi ra phía sau, còn lại có mỗi Lí Bình Nhi với Tây Môn Khánh trong Hiên Phỉ Thuý.

     Tây Môn Khánh nhìn thấy dưới lớp váy lụa mỏng nàng mặc ẩn hiện nội y bằng lụa hồng xuyên qua ánh nắng lung linh, để lộ làn da trắng nuột, bất chợt lòng dâm đãng trỗi lên. Nhìn quanh không thấy ai, Tây Môn Khánh bỏ luôn cả việc chải tóc, đè sấp Lí Bình Nhi lên cái ghế bố mát rượi, vén cái váy màu hoa hiên lên, tuột quần lót hồng xuống, cui cúi trên lưng nàng và "châm lửa từ bên kia núi"

     Tây Môn Khánh làm một hồi lâu vẫn giữ không xuất ra. Cả hai tận hưởng khúc hoan lạc “sánh đôi bay lượn” thật tràn trề.

     Ai ngờ Phan Kim Liên thực ra không quay lại hậu viện để gọi Ngọc Lâu mà chỉ ra đến cổng sau dẫn ra ngoài hoa viên rồi sai Xuân Mai đưa bông cho Mạnh Ngọc Lâu. Nàng ngẫm nghĩ giây lát rồi quay lại rón rén ngoài Hiên Phỉ Thuý để nghe lén sự tình. 


     Tiếp tục nghe lén một hồi nàng biết hai người họ ở bên trong đang làm chuyện gì. Nàng nghe Tây Môn Khánh nói với Lí Bình Nhi: “Cục cưng, ta chẳng yêu thứ gì khác cho bằng cặp mông trắng ngon lành này. Hôm nay nàng cho ta tận hưởng hết mức nhá!”

     Một lát sau, nghe tiếng Lí Bình Nhi thấp giọng: “Cha* yêu! Đừng thúc vào con mạnh quá. Hiện con không mấy khoẻ. Vì lần trước Cha hơi thô bạo khiến bụng dưới con đau, chỉ mấy ngày gần đây mới thấy đỡ hơn.” 

     Tây Môn Khánh nói: “Sao vậy, bây giờ nàng thấy không ổn ư?” Lí Bình Nhi nói: “Không giấu chàng, nô tì đang mang thai và sắp đến tháng cuối của thai kì. Vậy nên hãy nhẹ nhàng với nô tì một chút nhé.”

      Khi nghe những lời ấy, Tây Môn Khánh quá đỗi vui mừng, nói, “Cưng ơi! Sao không nói sớm? Nếu đúng vậy, ta chịu coi đây là trò chơi bình thường thôi.” Sau đó: khi khoái lạc sắp lên tới cực đỉnh, tình lại càng nồng; hai tay gã sướng khoái bấu lấy bờ mông nàng và xuất tinh như mạch nước phun trào. Người nữ bên dưới cong mông lên hứng tinh dịch. 

     Lúc sau, mọi thứ nghe được là tiếng hổn hà hổn hển của Tây Môn Khánh lẫn tiếng rủ rỉ như tiếng chim oanh của người nữ. Tất cả được Kim Liên nghe rõ mồn một từ một chỗ thuận lợi ngoài song cửa đến nỗi có lẽ nàng cũng thấy ngất ngư. Há chẳng vui sướng sao?

     Trong khi Kim Liên vẫn đang nghe trộm, thì còn ai xuất hiện ngoài Mạnh Ngọc Lâu, đột nhiên từ phía sau tới và hỏi “Ngũ nương đang làm gì ở đây vậy?” 

     Kim Liên ra hiệu cho nàng im lặng bằng cái xua tay, rồi hai người cùng bước vào nhà nghỉ mát. Tây Môn Khánh bối rối đến mức không biết phải làm gì. Kim Liên nói: “Thiếp đi cả nửa ngày rồi, chàng mải làm gì? Hình như còn chưa chải đầu rửa mặt nữa kìa!” “

     Tây Môn Khánh nói: "A, ta chờ nha đầu nó mang dầu hoa nhài ra rồi mới rửa mặt.” 

     Kim Liên bảo: “Thật phí hơi sức với chàng, chàng cứ nhất quyết đòi có loại dầu đặc biệt đó mới chịu rửa, chẳng lạ gì mặt mũi chàng được tẩy rửa có khi còn trắng hơn cả mông ai đó.” 

     Tây Môn Khánh nghe nhưng làm ngơ. Sau khi chải tóc và rửa mặt xong, Tây Môn Khánh ngồi xuống đoạn hỏi: “Nàng ở hậu viện làm gì? Có mang theo nguyệt cầm chứ?" 

     Ngọc Lâu nói: “Thiếp ở phòng chính, xâu chuỗi ngọc trai và các đồ trang sức khác cho đại tỉ tỉ cài tóc để ngày mai mặc đi dự tiệc trà cho cô dâu của cháu trai, Ngô Thuấn Thần sắp cưới Trịnh tam nương, còn vài ngày nữa thôi.” Còn nguyệt cầm thì Xuân Mai sắp mang đến.

     Chẳng mấy chốc, Xuân Mai mang đàn tới, nói: “Hoa được giao tới tay Đại nương và Nhị nương rồi." 

     Tây Môn Khánh bảo Xuân Mai bày rượu. Lát sau, trong chậu nước đá đã có ngâm mận chìm dưa nổi. Trong hiên đình mát mẻ Tây Môn Khánh tận hưởng, ôm hồng ấp thuý. 

     Ngọc Lâu hỏi: “Sao chàng không sai Xuân Mai mời Đại tỉ tỉ tham gia cùng chúng ta?” 

     Tây Môn Khánh nói: “Nàng ấy có thích rượu đâu mà mời uổng công.” 

     Lúc này, bốn người đã ngồi vào bàn. Tây Môn Khánh ngồi chỗ danh dự, ba thê thiếp hàng ngang hai bên. Đúng là: rượu ngon rót thẳng từ bình. Những đồ ăn ngon quý lạ được bày biện trên đĩa. 

     Phan Kim Liên không chịu ngồi ghế mà ngồi lên chiếc đôn sứ màu xanh đậu.   

     Mạnh Ngọc Lâu nói: “Ngũ thư, lại ngồi trên ghế này đi, chứ đôn sứ làm chị lạnh đó.” 

    Kim Liên nói: “Chả sao, già rồi như tôi, không có thai nghén đâu sợ cảm lạnh, cô lo làm gì?” 



     Sau một hồi, uống hết ba tuần rượu, Tây Môn Khánh bảo Xuân Mai đưa nguyệt cầm cho Ngọc Lâu và lấy tì bà cho Kim Liên đàn và nói: “Hai nàng hát cho ta nghe tổ khúc có điệu mở đầu ‘Nhạn quá thanh’ (Tiếng nhạn xa), bắt đầu bằng những lời như vầy: ‘Xích đế đường quyền diệu thái hư.’ 

     Kim Liên từ chối nói: “Tiểu nhi, ai dạy con gian xảo thế? Nếu bọn thiếp hát, thì hai người chàng chả làm gì ngoài việc tận hưởng. Thiếp không hát đâu, trừ phi Lí Bình Nhi cũng chơi đàn.” 

     Tây Môn Khánh phản đối: “Nhưng nàng ta có biết đàn địch gì đâu,” 

     Kim Liên nói: “Nếu không biết, thì để nàng ấy đứng một bên gõ phách giữ nhịp.” 

     Tây Môn Khánh cười lớn. “Tiểu dâm phụ! Thật lắm chuyện!” Rồi sai Xuân Mai đi lấy cái phách ngà đỏ đưa Bình Nhi cầm lấy.

     Sau đó, với người hầu gái của Ngọc Lầu là Tú Xuân đứng bên cạnh phe phẩy quạt, hai nàng buông những ngón tay thon thả khéo léo, nhẹ nhàng gảy dây tơ rồi cùng hát theo điệu “Nhạn quá thanh”: Xích đế đường quyền diệu thái hư…

     Hai người hát xong, Tây Môn Khánh thưởng mỗi nàng một chén rượu. 

     Trong tiệc, Phan Kim Liên gây chú ý bằng việc cứ ừng ực từng ngụm nước lạnh và ngấu ngiến trái cây tươi. 

     Ngọc Lâu thấy vậy mới hỏi: “Ngũ tỉ, sao hôm nay chị chỉ ăn đồ nguội thế?” 

     Kim Liên cười nói: “Tôi già rồi, trong bụng cũng không có chuyện gì, sao phải sợ ăn đồ nguội và nếp chứ!” Lí Bình Nhi nghe thẹn đến mức sắc mặt đổi từ đỏ sang trắng bệt. 

     Tây Môn Khánh liếc Kim Liên một cái, nói: “Tiểu dâm phụ, ngươi chỉ có nói nhảm thôi!” 

     Kim Liên nói: “Chàng mới lắm chuyện, rốt cuộc thân thiếp cũng chỉ như bà già liệt giường ráng gặm thịt khô. Thiếp chỉ có thể mỗi lần nhấm được một mẩu nhỏ xíu thôi. Dù sao thì nó có liên quan gì đến chàng?”

     Khi họ mải uống rượu, đột nhiên, mây dồn hướng đông nam, sương mù che hướng tây bắc. Tiếng sấm rì rầm, rồi một trận mưa lớn trút xuống, hoa cỏ trước đình đều ướt đẫm. Đúng là: nước sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Hoài đầy tràn thêm nước mới. Rặng thuý trúc và hoa lựu đỏ được rửa sạch tinh khôi. Chẳng bao lâu, mưa tạnh, còn lại mảnh cầu vồng treo trên bầu trời xa xa, mặt trời lại ló dạng hướng Tây. Ấy thật là, một làn mưa nhẹ lướt qua làm những tảng bích thạch thấm nhuần, làn gió mát buổi chiều làm sân hoa viên thêm trong xanh.

     Ai xuất hiện vào lúc này, ngoài Tiểu Ngọc đi ra từ khu nhà phía sau tới tìm Mạnh Ngọc Lầu. Ngọc Lầu nói: “Đại tỉ tỉ muốn tôi giúp, vì vẫn còn mớ ngọc trai và đồ trang sức chưa xâu chuỗi. Tôi đi đây, nếu không tỉ tỉ quở trách.” Lí Bình Nhi nói: “Chúng ta đi chung, tôi cũng muốn vào xem tỉ tỉ xâu chuỗi như thế nào.” Tây Môn Khánh nói: “Vậy thì ta cũng tiễn hai nàng. Ngay sau đó đưa cây đàn nguyệt cho Ngọc Lầu gảy vừa vỗ tay đệm và tất cả cùng hát điệu “Lương Châu tự”:

Trời về chiều, mưa giông hắt qua nam hiên

Làm xao động mặt hồ bềnh bồng cánh hồng rơi

Tiếng sấm rì rầm

Mưa tạnh và mây tan

Mười dặm ngát hương sen

Trăng non lưỡi liềm

Cảnh đẹp vô ngần

Giai nhân tắm trong nước lan thơm

Gột đi lớp trang điểm lúc chiều tối

Hoàng hôn trong sân vắng, nàng uể oải còn chưa ngả lưng.

Hợp xướng: 

“Kim lũ” xướng, “bích đồng” khuyến, yến tiệc mĩ lệ bày nơi vùng tuyết băng. Mấy ai thấy được cảnh giới trong trẻo như thế?

Họ tiếp tục hát cũng điệu ấy nhưng với ca từ khác:

Dưới bóng liễu, tiếng ve sầu sớm râm ran,

Mấy con đom đóm bay trước sân.

Đâu đó vang lên tiếng hát của người hái cù ấu,

Chiều tối trở về trên những chiếc thuyền sơn màu.

Chòm sao Chuỗi Ngọc lơ lửng,

Cánh cổng son im lìm.

Nhưng cảnh này càng khiến người ta ghen tị.

Đứng dậy, nắm bàn tay nàng trắng như lụa

Sửa lại kiểu tóc cho nàng

Trăng đã chiếu đầu giường rèm tơ, nhưng họ vẫn chưa ngủ.

Hợp xướng:

“Kim lũ” xướng, “bích đồng” khuyến, yến tiệc mĩ lệ bày nơi vùng tuyết băng. Mấy ai thấy được cảnh giới trong trẻo như thế?

 Mọi người tiếp tục hát điệu “Tiết tiết cao”:

Trên mặt nước lăn tăn, đàn uyên ương đùa giỡn

Những lá sen xanh lật qua lật lại

Thanh hương tỏa khắp và như trân châu tung toé

Một làn gió quạt thơm

Bờ ao ngát hương

Bên đình vắng

Người ngồi đây, nhàn nhã và khoan khoái

Cần chi đảo Bồng Lai với vườn Lãng Uyển! 

Hợp xướng:

Chỉ sợ gió Tây lại làm ta giật mình bởi mùa thu

Vì ta không nhận ra năm tháng đã vun vút qua.

     Trong khi mọi người vừa đi vừa hát, không nhận ra họ đã tới cổng sau. Mạnh Ngọc Lâu đưa cây nguyệt cầm cho Xuân Mai, cùng Lí Bình Nhi trở lại khu hậu viện. 

     Phan Kim Liên gọi với theo: “Mạnh tam nhi, đợi tôi cùng đi chứ.” 

     Nàng đang định bỏ lại Tây Môn Khánh để đi cùng những người khác, thì Tây Môn Khánh đưa tay giữ lấy nàng, nói: “Ả mồm mép kia, nàng thì trơn trượt, nhưng ta không để nàng vuột khỏi đâu.” 

     Tây Môn Khánh vừa nói vừa kéo giật nàng suýt ngã. 

     Nữ nhân nói: “Chàng kì cục! Thiếp đã mặc trang phục đầy đủ rồi. Chàng có thấy đủ cánh tay thiếp không này? Cả hai người họ đều đi rồi. Thiếp không biết chàng muốn giữ thiếp lại để làm gì.” 

     Tây Môn Khánh nói: “Chúng mình ra dưới hòn Thái Hồ kia, hãy uống chút rượu rồi chơi một ván đầu hồ, chỉ để cho vui thôi. Nào, uống vài ba cốc với ta.” 

     Kim Liên kêu lên: “Thật kì cục! Nếu chơi ném đầu hồ thì chơi trong đình, chứ sao lại ở đây? Nếu chàng không tin, cứ thử chơi chút xem, còn Xuân Mai chắc nó không chịu lấy rượu cho chàng nữa đâu.”

     Tây Môn Khánh bảo Xuân Mai đi lấy rượu, Xuân Mai đưa cây nguyệt cầm cho Kim Liên rồi đi với dáng vẻ thờ ơ.  

     Kim Liên cầm đàn nguyệt trong tay, gảy một hồi rồi nói: “Thiếp đã nhờ Mạnh tam nương dạy cho mấy câu.” 

     Lúc đang gảy đàn, nàng thấy cạnh hòn giả sơn có một bông hoa lựu nở rộ sau cơn mưa, nàng tinh nghịch ngắt một nhánh, cài vào một bên tóc mây, nói: “Đã ba ngày nay không ăn miếng nào, hoa ở trước mắt.” 

     Tây Môn Khánh nghe vậy liền bước tới, nhấc bổng hai gót sen vàng nhỏ xíu của nàng lên không, tinh quái đe doạ: “Tiểu dâm phụ này! Nếu mặc kệ miệng đời, ta chỉ muốn đụ nàng cho tới chết!” 

     Người phụ nữ đáp: "Đồ quỷ! Đừng đùa nữa. Đợi thiếp đặt cây đàn xuống cái đã.” Rồi nàng tiện tay dựa cây nguyệt cầm vào mép bồn hoa, nói: “Tiểu nhi ơi, càng đòi hỏi thì khả năng có được càng thấp. Mới vừa rồi chàng đã xoạc nhau với Lí Bình Nhi mà còn không biết xấu hổ à, giờ lại muốn quấy nhiễu thiếp?” 

     Tây Môn Khánh nói: “Nô tài này lạ nhỉ! Toàn nói năng vớ vẩn. Ai làm gì với nàng ấy đâu?” 

     Nữ nhân nói: “Tiểu nhi, dù con làm gì đi nữa, cũng không thể lấy vải thưa che mắt thánh đâu. Con nghĩ mẹ con là ai mà dám lừa dối? Trong khi thiếp đi giao hoa ở khu hậu viện, thì hai người đã làm chuyện gì đó hay ho quá nhỉ.” 

     Tây Môn Khánh kêu lên: “Quái tiểu dâm phụ! Đừng nói nhảm nữa.” Liền sau đó, đè nàng xuống bồn hoa rồi hôn. Nàng cũng kịp đáp lại bằng cách luồn lưỡi vào miệng Tây Môn Khánh. Gã nói: “Nếu nàng gọi ta là Cha, ta sẽ tha cho nàng đứng dậy.” Nàng thấy không thể cưỡng lại đành nói: “Cha ơi! Người mà chàng đeo đuổi không phải thiếp, vậy chàng quấy quả thiếp làm gì?”. Hai người họ, đúng là: Trời quang đãng, lưỡi chim oanh càng điêu luyện, được mưa tưới ướt, cành hoa lại thêm quyến rũ (Lộng tình oanh thiệt vu trung xảo, trứ vũ hoa chi phân ngoại nghiên). 

     Hai người đùa giỡn với nhau một hồi, Kim Liên nói: “Sao chúng mình không ra vườn bồ đào chơi ném đầu hồ ở đó. Nào, đi thôi.”

     Rồi nàng vừa đi vừa kẹp nguyệt cầm vững vào cánh tay, chơi đoạn kết vốn bắt đầu với “Lương Châu tự”, tới điệu “Tiết tiết cao”:

Vào đêm thanh gió mát, lòng khoan thai

Ánh trăng tràn ngập Thanh Hư Điện nơi Dao Đài.

Những tình nhân thần tiên,

Trải chiếu đồi mồi,

Lại bày tiệc hoan lạc.

Những mũi tên bạc của chiếc đồng hồ ngọc vun vút,

Tiếng sáo và khúc ca vẫn tiếp tục trong Thuỷ Tinh Cung

Hợp xướng:

Chỉ sợ gió Tây lại làm ta giật mình bởi mùa thu

Vì ta không nhận ra năm tháng đã vụt trôi qua.

     Hai người sánh vai nhau đi. Chẳng mấy chốc họ đã vòng quanh hồ nước biếc, men theo giàn mộc hương, qua trước Đình Phỉ Thuý và đến vườn bồ đào. Họ mở to mắt nhìn kĩ, một giàn bồ đào tuyệt đẹp!

     Khi hai người đến bên dưới giàn nho, họ thấy bốn cái đôn bằng sứ đã được đặt ở đó với chiếc bình bằng đồng dùng chơi đầu hồ đặt một bên. Kim Liên tựa nguyệt cầm vào một cái đôn rồi bắt đầu chơi ném đầu hồ với Tây Môn Khánh.

     Từ đằng xa đã thấy Xuân Mai đang mang rượu, còn Thu Cúc mang hộp đồ ăn, bên trên có một bát trái cây ướp lạnh.

     “Đồ ranh!” nữ nhân kêu lên. “Mới phút trước mi còn giận dỗi bỏ đi. Sao giờ lại đem đồ tới?”

     Xuân Mai kêu ca: “Nô tì đã tìm kiếm khắp nơi, nào ngờ người ta lại lén tới đây?”

     Thu Cúc đặt đồ xuống rồi đi.

     Tây Môn Khánh mở chiếc hộp ra, bên trong chia thành tám ngăn, mỗi ngăn một món mĩ vị khác nhau. Ngăn đựng mề ngỗng và chân ngỗng muối chua. Ngăn đựng thịt lợn xắt nhỏ, ép thành những lát mỏng và bó lại như những phong thư. Ngăn thịt cá ngân ngư được muối và ướp hương vị hoa mộc hương. Ngăn đựng ức và cánh gà mái tơ sấy khô xẻ thành miếng. Ngăn hạt sen tươi. Một ngăn hạt hạnh đào tươi. Ngăn củ cải tươi. Và một ngăn hạt dẻ nước. Ngoài ra còn có bình rượu bồ đào nhỏ bằng bạc có vòi hình cổ chim, hai chiếc cốc vàng nhỏ hình búp sen và hai đôi đũa ngà voi.

     Khi mọi món đã được bày trên chiếc bàn mát lạnh, Tây Môn Khánh và nữ nhân ngồi đối diện nhau, tiếp tục giải trí bằng trò ném đầu hồ. Họ chơi các biến thể gọi là “Qua cầu giây lát”, “Lắp mũi tên lộn ngược”, “Đôi nhạn đang bay”, “Thi đỗ cao khoa”, “Nhị Kiều đọc sách”, “Dương Quý Phi ngủ giấc xuân”, “Rồng đen vào hang” và “Cuộn bức rèm ngọc từ dưới lên”

     Họ chơi được mười ván hoặc hơn, nữ nhân đã say khướt.

     Hoa đào đã nở trên đôi má,

    Khoé thu ba đã dậy sóng tình. 

     Tây Môn Khánh muốn uống chút rượu ngũ hương nên bảo Xuân Mai đi lấy. 

     Kim Liên nói: “Tiểu nha đầu, ngươi xong việc thì giúp ta một việc nữa nhé, vào phòng ta lấy chiếu và gối ra. Ta buồn ngủ quá sức nên muốn nằm nghỉ ở đây một lát.” 

     Xuân Mai điệu bộ ngúng nguẩy, nói, “Đủ lắm rồi! Tay nô tì đã đầy ắp mọi thứ linh tinh rồi, còn tay nào ôm gối với chiếu nữa?” 

     Tây Môn Khánh nói: “Nếu mi không muốn thì cứ bảo Thu Cúc nó mang lại đây trong khi mi đi lấy rượu.” Xuân Mai vừa đi vừa lắc đầu. 

     Như thể sau cả nửa ngày, Thu Cúc là người xuất hiện trước, trên tay ôm tấm chiếu, chiếc gối và chăn bông.

     Nữ nhân sai bảo: “Trải chiếu xuống, và khi ra ngoài thì chốt cổng vườn. Rồi về trông coi phòng, khi nào ta gọi thì quay lại.”

     Thu Cúc gật đầu nghe lời, trải chăn chiếu xong rồi đi thẳng.

     Tây Môn Khánh liền đứng dậy, cởi chiếc áo dài lụa màu ngọc, treo trên lan can, rồi đi tới dưới giàn hoa cạnh hàng rào bách xù ở phía tây luống mẫu đơn để đi vệ sinh.

     Lúc Tây Môn Khánh quay lại, nữ nhân đã trải chiếu trúc, đặt gối và chăn theo đúng ý của nàng. Kim Liên đã cởi hết quần áo, không còn mảnh lụa nào trên người, nàng nằm nghiêng trên chiếu, chân mang đôi giày đỏ, tay đang phe phẩy chiếc quạt lụa trắng. 

     Nhìn thấy cảnh tượng ấy Tây Môn Khánh sao không sinh lòng dâm đãng cho được? Đang hưng phấn vì men rượu, gã tuột hết quần áo từ trên xuống dưới, rồi ngồi lên cái đôn, dùng ngón chân ngoáy vào mồng đốc của nàng. Gã kích thích chỗ đó khiến cho dịch âm đạo chảy ra như con ốc sên tiết ra chất nhờn. 

     Sau đó, gã cởi đôi giày thêu màu đỏ của nàng, tháo hai sợi dây bó chân, và thích thú đem treo hai cổ chân nàng lên giàn bồ đào trên đầu, khiến nàng trông giống như “Rồng vàng duỗi móng” (Kim long thám trảo), khiến cho kê khẩu (miệng gà mái: lỗ âm đạo) há ra, hồng câu (lưỡi câu hồng: môi âm hộ) lồ lộ, kê thiệt (lưỡi gà: mồng đốc) nhú lên.

     Tây Môn Khánh khom người xuống, tra cây cán ngọc của gã vào miệng âm đạo nàng, tư thế này gọi là “Tra mũi tên ngược” (Đảo nhập linh hoa). Chống một tay lên cái gối, gã tiếp tục đẩy vào mạnh hết sức. Và cứ tiếp tục đẩy cho đến khi dâm khí của nàng chảy ra liên tục, phát ra tiếng bì bọp như đàn cá chạch quẫy trong bùn. Ở dưới, nữ nhân không ngớt ú ớ kêu: “Cha ơi!”

     Vừa lúc hai người đang sắp lên đến đỉnh cực lạc, thì Xuân Mai xuất hiện mang rượu hâm nóng đến. Thoạt khi thấy tình cảnh đang diễn ra, nàng đặt bình rượu xuống rồi chạy lên đỉnh hòn giả sơn, điểm cao nhất trong vườn, trên đó nàng cúi xuống bàn cờ trong Ngoạ Vân Đình và nghịch với mấy quân cờ.

     Khi Tây Môn ngẩng lên thấy nàng bèn đưa tay ra hiệu nhưng nàng không chịu xuống. Y kêu lên: “Tiểu nha đầu! Ngươi không xuống thì ta đi bắt ngươi xuống.” Tây Môn Khánh bỏ nữ nhân lại để đuổi theo, nhưng khi y sải những bước dài chạy lên những bậc đá tới tận đỉnh thì Xuân Mai đã đi xuống bằng lối nhỏ ngoằn ngoèo “ruột dê” ở bên phải hòn giả sơn, chui qua “động tuyết” trắng của Tàng Xuân Ổ, rồi tới hang Trích Thuý Sơn ở lưng chừng eo núi với hoa lá um tùm. Vừa khi nàng đang trốn trong chỗ tối, Tây Môn Khánh bất ngờ bắt gặp bèn ôm lấy eo nàng, nói: “Tiểu nha đầu! Rút cục ta bắt được ngươi rồi!”

     Sau đó, y nhẹ nhàng nhấc nàng lên rồi bế xuống giàn nho, cười nói: “Nhất định ngươi phải uống một cốc rượu”, rồi đặt nàng ngồi lên đùi, hai người cùng chuyền nhau uống chung một cốc. 

     Xuân Mai thấy hai chân của nữ nhân bị treo lơ lửng trên giàn nho, nói: “Chẳng biết hai người đang làm trò gì ngay giữa ban ngày ban mặt! Nhỡ có kẻ ngang qua bắt gặp cảnh này thì trông xấu mặt lắm đó.”

     Tây Môn Khánh hỏi: “Cổng sau đã đóng lại chưa?”

     Xuân Mai nói: “Lúc nô tì vào đã cài then rồi”

     Tây Môn Khánh nói: “Ngươi hãy xem ta chơi trò ‘đầu nhục hồ’ (ném vào bình thịt). Biến thể này gọi là ‘Kim đạn đả ngân nga’ (Đạn vàng bắn nhạn bạc). Xem đây! Cứ mỗi viên đạn bắn trúng, ta sẽ tự thưởng một cốc rượu.” Rồi thò tay lấy ra một quả mận màu hoàng ngọc trong tô nước lạnh rồi ném vào cửa mình của nữ nhân. Gã ném ba quả liên tiếp đều trúng vào hoa tâm (mồng đốc), và theo đó uống ba chung rượu ngũ vị. Gã còn bảo Xuân Mai rót một cốc đưa cho nữ nhân uống.

     Đoạn Tây Môn Khánh nhét một quả mận vào âm đạo của nữ nhân, không lấy nó ra cũng như không làm gì cả, nhằm kích thích cho dục tình của nàng rộn rạo, và dâm thuỷ bắt đầu tràn ra, nhưng nàng mắc cỡ không dám kêu lên, thay vào đó: đôi mắt nàng dần lim dim và tứ chi im lìm trên gối chiếu. Cuối cùng nàng kêu lên bằng giọng chim oanh run run: “Thật là kẻ tình nhân độc ác! Chàng giết tôi mất.”

     Tây Môn Khánh không thèm để ý đến nàng, bảo Xuân Mai quạt mát bên cạnh, gã cứ mải uống không ngừng tay, cứ uống cho đến khi ngã ngửa lên chiếc trường kỉ ‘Tuý Ông’, gà gật rồi ngủ thiếp đi. Vừa khi Xuân Mai thấy gã say ngủ, nàng tới sở lên người y cho chắc mẩm rồi biến như làn khói vào ‘động tuyết’ về phía hậu viện. Nàng chợt nghe tiếng người gọi muốn vào cổng sau, mở ra thì ra là Lí Bình Nhi.

     Không ai quấy rầy giấc ngủ của Tây Môn Khánh, gã đánh một giấc khoảng một tiếng, và khi mở mắt ra, thấy hai bắp chân trắng nõn của nữ nhân vẫn còn dang rộng treo lơ lửng trên giàn nho, cơn hứng tình của gã lại nổi lên. Thấy Xuân Mai đã đi rồi, bèn quay sang nữ nhân, nói: “Dâm phụ bị bỏ rơi kia! Giờ để ta chăm sóc nàng.” Đoạn gã moi quả mận ra khỏi âm đạo và ép nữ nhân ăn. Rồi gã ngồi lên chiếc gối, rút cái ​​bao đựng dụng cụ trợ dục khỏi cái túi trên áo choàng, đầu tiên gã đeo chiếc kẹp bạc rồi gắn cái vòng tẩm lưu huỳnh bao quanh của quý.

     Lúc đầu, gã chỉ nhấp tới nhấp lui ở miệng âm đạo của nàng, không chịu vào sâu, việc này càng kích thích người nữ cho đến khi nàng uốn lưng theo từng cử động của y, đồng thời không ngừng kêu: “Cha ơi, mau cho vào đi! Dâm phụ này đang điên lên đây! Thiếp biết chàng đang chọc tức thiếp vì Lí Bình Nhi, sao chàng cố tình cứ rút ra rồi ngừng lại. Hôm nay chàng bỏ qua thủ đoạn này, từ nay thiếp không dám đắc tội với chàng nữa.” Tây Môn Khánh cười, “Tiểu dâm phụ, miễn nàng hiểu được chuyện thì chúng ta mới dễ dàn xếp chứ.”

     Tây Môn Khánh kích thích mồng đốc nàng thêm một chút, sau đó mở túi lấy ra một lọ thuốc mỡ kích dục có tên ‘Khuê diễm thanh kiều’, dùng ngón tay bôi mỡ lên quy đầu, rồi đẩy vào trong oa khẩu (miệng ếch: âm hộ) của nàng, thụt vào mấy cái. Chốc lát, dương vật trở nên căng cứng như một chiến binh hiên ngang, đầu ngẩng lên đầy giận dữ. Tây Môn Khánh cúi nhìn ngắm nó cho rõ hơn, cứ tới rồi lui, chọc mạnh rồi rút lại. Thưởng thức cái cảnh nó đi vào đi ra.

     Nữ nhân nằm bên gối, mắt nàng mờ mịt, rên rỉ không ngớt, ú ớ kêu: “Cha chim to! Cưng làm gì vậy? Cho vào hết đi. Hột le con đĩ này ngứa tới xương tuỷ rồi! Tha cho thiếp!” Từ miệng dâm phụ này không lời nào tục tĩu đến đâu mà không thốt ra được.

     Với Tây Môn Khánh, một khi đã khởi sự, gã có thể đâm vài trăm cú liền một lúc. Chống hai tay sấp mặt xuống gối và chiếu, cong lưng, dùng hết sức, đáp lại những chuyển động của nàng và nâng mình lên làm nhiệm vụ, gã rút dương vật ra xa đến cổ rồi đâm sâu tới tận gốc thêm khoảng trăm lần nữa. Nữ nhân từ bên dưới dùng khăn lau dịch tiết âm đạo nhưng chúng vẫn tiếp tục chảy ra khiến tấm chiếu ướt sũng. Tây Môn Khánh luân phiên nhấn chìm và để lộ núm quy đầu, cứ di chuyển tới lui vừa trêu chọc nàng không thương tiếc. Quay sang nữ nhân, gã nói, “Ta sẽ làm tư thế gọi là ‘Lão hoà thượng gióng chuông’”.

     Đột nhiên, gã khom lưng lao tới chọc sâu vào bên trong nàng cho tới khi đầu dương vật vào tận cổ tử cung. Cổ tử cung là phần lõm trong cùng của buồng âm đạo và chứa phần thịt giống như nhuỵ hoa đang chớm nở. Khi đầu dương vật xuyên vào đến điểm ấy mà không bị lệch, người đàn ông sẽ cảm thấy một cảm giác tan chảy với khoái cảm không thể diễn tả được.

     Nữ nhân cảm thấy đau nên phản ứng đột ngột hất người lên, nghe thấy tiếng nứt vì chiếc vòng tẩm lưu huỳnh bên trong nàng bị vỡ ra. Mắt nữ nhân mờ đi, hơi thở chậm lại, tiếng thở nhẹ hầu như không nghe thấy, đầu lưỡi lạnh như băng, tứ chi nàng bất động trên chiếu.

     Tây Môn Khánh hoảng hốt, vội cởi dây trói treo chân nàng khỏi giàn nho. Rồi lôi cái vòng tẩm lưu huỳnh và cái chuông kích thích ra khỏi âm đạo nàng, nó đã vỡ làm đôi. Đoạn gã giúp nữ nhân ngồi dậy, và một hồi sau: tinh nhãn nàng mở to ngạc nhiên, và dần dần tỉnh lại. Đoạn nàng quay sang Tây Môn Khánh, với những giọt nước mắt nũng nịu, “Cha ơi! Sao hôm nay Cha tàn nhẫn với thiếp như thế? Suýt nữa thì mạng thiếp đi đời rồi! Từ nay Cha không được làm thế nữa nhé. Đây không phải chuyện đáng cười đâu. Vì đầu thiếp thấy choáng váng, hầu như chẳng biết mình đang ở đâu.”

     Thấy mặt trời đã lặn, Tây Môn Khánh vội giúp nàng mặc quần áo, gọi Xuân Mai và Thu Cúc đem cất chiếu và gối, rồi giúp gã đưa nàng về phòng.

      Xuân Mai quay lại khu vườn để trông Thu Cúc dọn dẹp bộ đồ ăn của bữa tiệc. Nàng vừa định đóng cổng vườn thì đứa con trai nhỏ của gia chủ là Lai Chiêu, tức Tiểu Thiết Côn, từ dưới giàn hoa chạy ra hỏi xin nàng trái cây.

      “Ranh con, cậu từ đâu tới?” Xuân Mai nói và đưa cho nó một ít mận và đào. “Cha cậu say rồi. Nếu cậu không mau quay về, tôi e nếu ông ấy nhìn thấy, cậu sẽ bị đòn.”

      Con khỉ nhỏ cầm lấy trái cây rồi biến mất. Xuân Mai đóng cổng vườn rồi quay về phòng, giúp nữ nhân lên giường ngủ.

     Ở đây giờ không còn gì nữa. Đúng là:

Sáng yến tiệc nơi Kim Cốc, 

Tối vui vầy gái đẹp chốn lầu son.

Chớ bảo đấy là những cuộc truy hoan, 

Vì bóng Thời gian đang đuổi theo ráng mây chiều.

(Triêu tuỳ Kim Cốc yến, mộ bạn khỉ lâu oa

Hưu đạo ngu xứ, lưu quang trục mộ hà)


______________

Hà Vũ Trọng dịch dựa theo hai ấn bản:

1)    Kim Bình Mai từ thoại [Mộng Mai Quán hiệu bản] 金瓶梅词话[梦梅馆校本], Tác giả: Lan Lăng Tiếu Sinh 兰陵笑笑生, Lí Nhân Xuất bản xã, 2013; đây là ấn bản in nguyên bản Kim Bình Mai từ thoại là văn bản sớm nhất còn tồn tại được khắc in vào năm 45 Vạn Lịch đời Minh, và ấn bản khắc in này do Công ti Đại An (Daian) của Nhật Bản xuất bản vào năm 1963, vì vậy gọi là “Đại An bản”. Ấn bản gốc này giữ được nguyên vẹn, ngôn ngữ thuần chân, chứa đựng nhiều tình tiết mà các ấn bản từ đó về sau đều cố tình cắt xén và kiểm duyệt.

2)    Bản dịch Anh ngữ của David Tod Roy: The Plum in the Golden Vase (or Chin P’ing Mei), 5 tập (tổng cộng khoảng 4200 trang, có chú dịch), Princeton University Press, 1993; Bản dịch của David Tod Roy dựa trên “Đại An bản” nổi tiếng của Nhật Bản.

*Lưu ý: chương 27 này lược bớt khoảng một trang ở đầu chương vì mạch nối tiếp một số tình tiết của chương trước mà không liên quan tới nội dung chương này.

Bạn đọc có thể so sánh Chương 30 này tương ứng với Chương 28 “Ngày hè trong hoa viên" (https://truyenfull4.com/kim-binh-mai/chuong-29.html?t=1716262743863)  trong bản Việt dịch Kim Bình Mai của Nguyễn Quốc Hùng, Nxb Chiêu Dương, 1969 (khoảng 2400 trang); Nxb Khoa học Xã hội tái bản năm 1989. 

Về vấn đề “văn bản nền” của Kim Bình Mai được dịch giả chọn dịch ở Việt Nam, tham khảo bài viết quan trọng của Giáo sư Nguyễn Nam: Vàng thau lẫn lộn: Phiên dịch học văn hóa và trường hợp Kim Bình Mai ở Việt Nam” http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=5493%3Asdfcdsfsd&catid=65%3Ahan-nom&Itemid=153&lang=vi

________

Chú thích:

*Đạt đạt tức Cha, được xưng hô trong tiểu thuyết này, như Lí Bình Nhi, Phan Kim Liên gọi Tây Môn Khánh là Đạt đạt - đây là biệt danh xài riêng trong việc buồng the nam nữ thời bấy giờ (đại khái như “Daddy” hay "Sugar Daddy" trong tiếng Anh). Đạt đạt (Dada) nguyên ban đầu là tên tiếng Mông Cổ được phiên âm từ Tatar, và là cái tên được tôn kính trong thời nhà Nguyên. Sau khi nhà Minh thành lập, danh xưng Đạt đạt đã trở thành từ đồng nghĩa với cha trong các phương ngữ của một số vùng như Sơn Đông, Sơn Tây và Thiểm Tây, đặc biệt ngày nay thế hệ lớn tuổi vẫn gọi cha mình là Đạt đạt. Kim Bình Mai được viết vào thời nhà Minh, câu chuyện lấy bối cảnh xảy ra ở huyện Dương Cốc, Sơn Đông, cũng là quê hương của tác giả, cho nên tiểu thuyết này có nhiều phương ngữ của vùng Sơn Đông.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét