Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Amin Maalouf SAMARKAND - Quyển Một: Thi nhân và Tình nhân

Nguyên tác Pháp văn: Samarcande. Nxb J. C. Lattès, 1988

Bản Anh văn: Samarkand, dịch giả: Russell Harris, Nxb Little Brown Book Group, 1994


Samarkand, tiểu thuyết lịch sử của Amin Maalouf. Qua cuộc truy tìm số phận của bản thảo tập thơ Rubaiyat, một kiệt tác thơ ca Ba Tư của Omar Khayyam – nhà thơ, học giả, nhà khoa học và triết gia người Ba Tư thời trung cổ -  cuộc đời của ông đã được khắc hoạ lại hết sức sống động. Đồng thời, Khayyam gặp lại hai người bạn tâm giao nổi tiếng: một “Machiavelli” của đế quốc Ba Tư là Tể tướng Nizam ul-Mulk và Hasan Ben Hassan, người sáng lập tổ chức Sát thủ (Assassins) bí mật; cuộc đời của cả ba nhân vật vĩ đại này đã đánh dấu lịch sử của đế quốc Ba Tư. Qua ngòi bút tuyệt vời của Maloof, sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế Seljuk, thế giới Hồi giáo huyên náo thời Trung cổ và tình trạng hỗn loạn ở Iran hiện đại đều được tái hiện sinh động.

 

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở thành phố Samarkand (nay thuộc Uzbekistan), một đô thị đa văn hoá và từng là thành phố vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm Khayyam sống ở đó. Samarkand được chia thành bốn phần, nửa đầu dành tái hiện phần nào chính xác về mặt lịch sử cuộc đời của Khayyam và mối tình của ông với nữ thi sĩ cung đình tên Jahan. Nửa sau, do những bài thơ của Khayyam khơi dậy trí tưởng tượng về phương Tây trong bản dịch tuyệt tác của Edward Fitzgerald, từ đó một học giả người Mĩ bị “phương Đông ám ảnh” biết được sự tồn tại của bản thảo Rubaiyat (từng bị thất lạc vào thế kỉ 11 trong các cuộc xâm lăng của người Mông Cổ), đã nỗ lực tìm ra nó với sự giúp đỡ của một công chúa Iran, và rồi họ cùng mang nó theo trong chuyến đi định mệnh trên con tàu Titanic…

 

Điểm sách cuốn Samarkand trên tờ The Independent, Ahmed Rashid viết: 'Maalouf đã viết một cuốn sách phi thường, mô tả cuộc đời và thời đại của những nhân vật chưa từng xuất hiện trong tiểu thuyết trước đây và khó có khả năng xuất hiện lại. Cuốn sách này không chỉ là cuốn tiểu thuyết lịch sử đơn thuần, mà giống như một tấm thảm phương Đông được thêu tinh xảo, được dệt đi dệt lại qua nhiều thế kỉ, liên kết thơ ca, triết học và niềm đam mê huyền học Sufi trong quá khứ với chủ nghĩa hiện đại.'

 

Có lẽ cần nói thêm, đối với độc giả quen thuộc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, đặc biệt bộ Ỷ thiên đồ long kí, thì bộ ba nhân vật được đề cập trong Samarkand có lẽ không xa lạ (chỉ khác cách phiên âm ra chữ Hán: Omar thành Mặc Nga, Nizam ul-Mulk thành Ni Nhược Mâu, Hassan thành Hoắc Sơn). Cuộc đời li kì của họ đã được nhân vật Tạ Tốn kể lại về nguyên uỷ bài thơ của Omar Khayyam (do Quách Mạch Nhược dịch) mà trong khúc hát của Tiểu Siêu và cuối cùng văng vẳng trên chuyến tàu đem nàng trở về Ba Tư để làm thánh nữ Minh Giáo: Lai như lưu thuỷ hề, thệ như phong. Bất tri hà xứ hề, hà sở trung (Đến như nước chảy xuôi khe, Đi như gió cuốn biết về nơi nao. Cuộc đời như thể chiêm bao, Về đâu rồi sẽ ra sao bây chừ?). Còn Hassan, giáo chủ của giáo phái sát thủ này đã gây kinh hoàng cho thế giới trung cổ, vốn được Marco Polo thuật lại trong du kí với biệt danh ‘Old Man of the Mountains’ mà Kim Dung chuyển dịch là 'Sơn Trung Lão Nhân', mà toàn bộ võ công của Minh giáo đều được cho là do ông truyền lại (cũng như phái sát thủ Nhất Điểm Hồng trong truyện Cổ Long nhắc tới). Kể từ thế kỉ 13, danh từ assassin hay sát thủ đã đi vào ngôn ngữ châu Âu - gốc từ hashishin là một thứ cần sa mà Hassan dùng để gây nghiện và sai khiến đám tín đồ đi ám sát.

 

Về tác giả

Amin Maalouf (1949-) là nhà văn và nhà báo người Arập gốc Liban, đã sống ở Pháp từ năm 1976. Tuy ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Arabic, nhưng ông chọn viết bằng tiếng Pháp. Xuất thân trong một gia đình theo Kitô giáo. Khi còn thiếu niên, ông được giáo dục tại một trường Dòng Tên ở Beirut. Vào giữa những năm 1970, chứng kiến ​​cảnh quê hương ngày càng lụn bại trong các cuộc xung đột tôn giáo và chính trị, đồng bào tàn sát lẫn nhau, ông buộc phải rời quê hương và di cư sang Pháp cùng vợ con. Malouf đã làm việc cho tờ Daily an-Nahar của Beirut khi còn trẻ và đi du lịch khắp Nam Á và các nước châu Phi. Sau khi chuyển đến Paris, ông vẫn chủ trì ấn bản quốc tế hàng tuần của Daily Beirut, đồng thời là tổng biên tập nguyệt san Jeune Afrique, và xuất bản nhiều chuyên khảo về nội chiến Liban và Trung Đông. Sau khi định cư ở Paris, ông bắt đầu viết tiểu thuyết và sách văn học lịch sử, Những cuộc Thập tự chinh qua mắt người Arập là tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1983 và được viết liên tục kể từ đó. Cuốn Samarkand này là một kiệt tác năm 1988 và đã giành được giải thưởng của Hiệp hội Báo chí và Xuất bản Pháp (Maisons de la presse), Năm 1993, Le Rocher de Tanios (Tảng đá của Tanios) đã nhận được Giải thưởng Văn học Goncourt của Pháp và Giải thưởng Prince of Asturias năm 2010. Maalouf là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Bản thân Maloof là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế về các vấn đề Trung Đông.


*


SARMAKAND


Amin Maalouf

Hà Vũ Trọng dịch


Mục lục

Quyển Một: Thi nhân và tình nhân

Quyển Hai: Thiên đường của những Sát thủ

Quyển Ba: Kết thúc thiên niên kỉ

Quyển Bốn: Nhà thơ trên biển cả


*


Giờ hãy hướng về Samarcand,

Phải chăng đó là nữ hoàng trần gian? 

Vinh quang nàng trên hết mọi thành phố? 

Trong tay nàng nắm giữ số phận của chúng?

- Edgar Allan Poe (1809-49)


Look ’round thee now on Samarcand,

       Is she not queen of earth? her pride

       Above all cities? in her hand

       Their destinies?

 Edgar Allan Poe (1809-49), “Tamerlane’


*



Dưới đáy Đại Tây Dương có một cuốn sách. Tôi sắp kể cho bạn nghe lịch sử của nó.

    Có lẽ bạn biết câu chuyện ấy kết thúc như thế nào. Các tờ báo thời đó đã đưa tin, cũng như những nguồn thông tin khác sau này. Khi con tàu Titanic chìm vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng 4 năm 1912 ở ngoài khơi Tân Thế giới, nạn nhân danh giá nhất của nó là một cuốn sách độc bản tập thơ Rubaiyaat của Omar Khayyam, nhà hiền triết, nhà thơ và nhà thiên văn học người Ba Tư.

    Tôi sẽ nói rất ít về con tàu đắm này. Những người khác đã định giá sự bất hạnh của nó bằng đô la, liệt kê những thi thể và báo cáo những lời cuối cùng. Sáu năm sau sự kiện này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi vật thể bằng da thịt và bằng mực ấy mà tôi là kẻ được uỷ thác không xứng đáng. Tôi, Benjamin O. Lesage, chẳng phải là người đã giành được nó từ quê hương châu Á của nó? Chẳng phải nó nằm trong số hành lí của tôi và ra khơi trên con tàu Titanic? Và ai đã làm gián đoạn hành trình ngàn năm của nó nếu không phải là sự kiêu ngạo của thế kỉ này?

Kể từ đó, thế giới ngày càng chìm trong máu và bóng tối, và cuộc đời đã không còn mỉm cười với tôi nữa. Tôi đã phải tách mình ra khỏi mọi người để nghe thấy tiếng nói của kí ức mình, ấp ủ niềm hi vọng ngây thơ và một viễn ảnh dai dẳng rằng ngày mai người ta sẽ tìm thấy bản thảo đó. Được bảo vệ trong cái hộp bằng vàng, nó sẽ nổi lên nguyên vẹn từ đáy biển sâu âm u, vận mệnh của nó sẽ phong phú hơn với một cuộc phiêu lưu mới. Những ngón tay sẽ có thể vuốt ve nó, mở nó ra và đắm chìm nào nó. Những con mắt say đắm sẽ dõi theo biên niên sử về cuộc phiêu lưu của nó từ lề trang này sang lề trang khác, họ sẽ khám phá ra nhà thơ, những bài thơ đầu tiên của ông, những cơn say đầu tiên và những nỗi sợ hãi đầu tiên của ông; và cả giáo phái Sát thủ. Sau đó, họ sẽ dừng lại, hoài nghi trước một bức tranh có màu của cát và ngọc lục bảo.

    Nó không ghi ngày tháng hoặc chữ kí, không có gì ngoài những con chữ này có thể được đọc lên đầy tha thiết hoặc thất vọng: Samarkand, khuôn mặt diễm lệ nhất của Trần gian từng hướng tới mặt trời.





QUYỀN MỘT

 

Thi nhân và tình nhân   

 

Xin cho biết, ai chưa từng phạm Luật của Ngài?

 Xin cho biết, một cuộc đời không tội lỗi mùi vị nó ra sao?    

 Nếu Ngài trừng phạt điều ác bằng điều ác mà tôi đã làm,

 Xin cho biết, giữa Ngài và tôi khác nhau chỗ nào?

- Omar Khayyam


                                                           

CHƯƠNG I

 

Đôi khi ở Samarkand,[1] vào lúc sẩm tối của một ngày chậm chạp và buồn tẻ, những người dân thành phố rỗi rãi đi tới con đường cụt của phố Hai Quán Rượu, gần chợ bán hồ tiêu. Họ đến không phải để nếm rượu xạ hương Soghdia mà để theo dõi những người đến và đi, hoặc rình rập một người say rượu nào đó, và rồi anh ta sẽ bị họ xô xuống cát bụi, hứng xối xả những lời sỉ nhục và nguyền rủa phải chịu số phận vào địa ngục cho đến khi kết thúc thời gian, mà ngọn lửa sẽ nhắc nhở anh ta nhớ lại màu đỏ hừng đầy cám dỗ của rượu.

     Chính từ một sự cố như vậy mà bản thảo Rubaiyat đã ra đời vào mùa hè năm 1072. Omar Khayyam hai mươi bốn tuổi và mới đến Samarkand. Chiều tối hôm đó anh đã tới thẳng quán rượu, hay cơ hội đi dạo đã đưa anh tới? Niềm vui mới mẻ được tham quan một thành phố lạ mở rộng tầm mắt đón nhận hàng nghìn cảnh tượng trong một ngày tàn. Trên con phố Cánh đồng Đại hoàng, một cậu bé lao vụt qua, đôi chân trần đạp lên những phiến đá lớn lát đường trong khi tay cậu nắm chặt lấy cuống một quả táo mà cậu ăn trộm từ một quầy hàng. Tại khu Chợ Vải, bên trong một quầy hàng được nâng lên cao hơn mặt đường, một nhóm người chơi cờ tào cáo tiếp tục cuộc tranh chấp dưới ánh sáng ngọn đèn dầu. Hai viên xúc xắc tung lên, theo sau là tiếng chửi thề và tràng cười ngặt nghẽo. Trong con đường mái vòm của khu Thợ Dây Thừng, một người lái la dừng lại gần đài phun nước, để cho dòng nước mát chảy vào vốc của hai lòng bàn tay, rồi cúi xuống, chu môi ra như thể muốn hôn lên trán một em bé đang ngủ. Cơn khát đã dịu, ông vuốt hai bàn tay ướt đẫm lên mặt rồi lầm bầm lời tạ ơn Chúa. Sau đó ông nhặt một quả dưa hấu đã khoét rỗng ruột, đổ đầy nước, mang đến cho con vật của mình để tới lượt nó uống.

    Tại quảng trường của khu chợ bán đồ ăn nấu chín, Khayyam bị một cô gái khoảng mười lăm tuổi đang mang thai tiếp cận, tấm mạng che mặt được cô vén lên. Không một lời hay một nụ cười trên đôi môi mộc mạc, cô khều khỏi tay Khayyam một ít hạt hạnh nhân nướng mà anh vừa mua, thế nhưng người qua đường không tỏ vẻ ngạc nhiên. Có một niềm tin cổ xưa ở Samarkand: khi một người mẹ tương lai bắt gặp một người đàn ông lạ trên đường phố mà cô vừa ý, cô phải mạo muội ăn phần thức ăn của anh ta để đứa trẻ cũng khôi ngô và có dáng người mảnh khảnh như vậy, cùng nét quý phái và lễ độ.  

    Omar đang nấn ná nhai những quả hạnh còn lại một cách tự hào trong khi nhìn người phụ nữ lạ mặt rời đi thì một tiếng ồn ào giục giã đi tiếp. Chẳng mấy chốc, anh đã ở giữa một đám đông náo loạn. Một ông già tay chân dài lêu nghêu nằm trên mặt đất, đầu để trần với vài sợi tóc bạc phơ trên hộp sọ rám nắng. Tiếng kêu la giận dữ và sợ hãi của ông già chẳng qua chỉ là tiếng nức nở kéo dài với đôi mắt cầu khẩn người mới đến.

    Xung quanh ông già khốn khổ ấy có mươi gã đàn ông râu ria xồm xoàm, đang vung lên những cây gậy đầy thù hận, và cách đó không xa, một nhóm khác thích thú với cảnh tượng này. Một trong số họ, nhận thấy vẻ mặt thất kinh của Khayyam, đã lên tiếng trấn an, ‘Không có gì đâu. Chẳng qua là Jaber Cao Kều thôi!’ Omar giật mình, một cơn rùng mình xấu hổ chạy khắp người và anh lẩm bẩm: ‘Jaber! Bạn đồng hành của Abu Ali!’

   Abu Ali là một trong những cái tên phổ biến nhất, nhưng khi một người có học thức ở Bukhara, Cordova, Balkh hay Baghdad, phát âm cái tên ấy với giọng điệu kính trọng quen thuộc, thì không thể nhầm lẫn được họ muốn nói đến ai. Đó là Abu Ali Ibn Sina, nổi tiếng ở phương Tây với cái tên Avicenna.[2] Omar không được gặp ông, vì anh sinh ra mười một năm sau khi ông qua đời, nhưng anh tôn kính ông như một bậc thầy không thể tranh cãi của thế hệ anh, người nắm giữ mọi ngành khoa học, Sứ đồ của Lí trí.

     Khayyam lại lẩm bẩm, ‘Jaber, đệ tử yêu thích của Abu Ali!’, bởi vì, dù mới gặp ông lần đầu, nhưng anh đã biết tất cả về số phận khốn khổ và hình phạt cảnh cáo đã định sẵn cho ông.

    Avicenna đã sớm coi Jaber là người kế thừa mình trong những lĩnh vực y học và siêu hình học; ngưỡng mộ sức mạnh lập luận của ông ta và chỉ trách vì ông đã trình bày tư tưởng của mình hơi quá kiêu căng và thẳng thừng. Điều này đã khiến Jaber phải ngồi tù nhiều lần và ba lần bị đánh đòn công khai, lần cuối diễn ra tại Quảng trường Lớn ở Samarkand, một trăm năm mươi roi trước sự chứng kiến ​​​​của tất cả người thân. Ông không bao giờ hồi phục sau sự sỉ nhục đó. Đã từ bao giờ ông ngấp nghé bên bờ vực của sự điên loạn? Chắc tại cái chết của vợ ông. Kể từ đó, người ta thấy ông lang thang trong bộ đồ bộ rách rưới, đi loạng choạng, la hét và chửi bới một cách xúc phạm. Theo sát gót ông, lũ trẻ con cười ầm, vỗ tay và ném những viên đá sắc nhọn khiến ông đau đến chảy nước mắt.

    Khi chứng kiến cảnh này, Omar không khỏi nghĩ, ‘Nếu không cẩn thận, một ngày nào đó mình có thể trở thành một kẻ khốn khổ như thế.’ Anh không đến nỗi sợ say vì anh và rượu đã học được cách tôn trọng lẫn nhau, và đằng này sẽ không bao giờ hạ thấp đằng kia. Điều khiến anh sợ nhất là đám đông có thể phá vỡ bức tường tôn trọng trong anh. Anh cảm thấy bị đe doạ trước cảnh tượng con người sa ngã này và muốn tránh xa. Tuy nhiên, anh biết rằng anh không thể bỏ mặc người bạn đồng hành của Avicenna cho đám đông. Anh bước ba bước chậm rãi, trang nghiêm, tạo ra một tư thế vô tư khi nói bằng một giọng chắc nịch kèm theo một cử chỉ đầy vương quyền.

     – Hãy để kẻ đáng thương kia được yên!

     Tên thủ lĩnh băng đảng đã cúi người xuống Jaber, hắn đi tới và đứng thẳng trước mặt kẻ đột nhập. Một vết sẹo sâu chạy dọc bộ râu gã, từ tai phải cho đến đỉnh cằm, và chính cái khuôn mặt nhăn nheo đó hất về phía Omar vừa thốt lên câu phán xét:  

      – Gã này là một bợm rượu, một kẻ vô đạo. Tiếp theo, gã rít lên từ cuối cùng như một lời nguyền rủa: – một triết gia (failasuf)!

      – Chúng tôi không muốn có thêm bất kì một triết gia nào ở Samarkand nữa!

     Những tiếng xì xào tán thành nổi lên từ đám đông. Đối với họ, thuật ngữ ‘triết gia’ chỉ bất kì ai rất gần gũi với khoa học Hi Lạp trần tục, và nói chung là về mọi thứ không phải là tôn giáo hay văn học. Mặc dù còn trẻ, Omar Khayyam đã là một triết gia lỗi lạc và như vậy là một “vố” lớn hơn so với Jaber tội nghiệp.

     Người đàn ông có vết sẹo chắc chắn không nhận ra anh, vì gã đã quay lưng lại với Jaber, người vẫn không nói nên lời. Gã nắm tóc ông, lắc đầu ông ba bốn lần và làm như muốn đập đầu ông vào bức tường gần nhất, nhưng rồi bất ngờ gã buông ông ra. Mặc dù tàn bạo, nhưng là một cử chỉ kiềm chế, như thể tỏ vừa tỏ ra quyết tâm vừa do dự ra tay giết người. Khayyam lại chọn thời điểm này để can thiệp.

     – Hãy để ông già kia yên. Ông ta goá vợ, ốm yếu, một người mất trí. Anh không thấy sao, ông ta gần như không thể mấp máy môi nữa kìa. ­

     Tên thủ lĩnh băng nhóm nhảy lên, tiến về phía Khayyam, chọc vào râu của Khayyam.

     – Anh bạn có vẻ biết ông ta rõ nhỉ! Anh là ai? Anh không phải dân Samarkand! Không ai thấy anh trong thành phố này!

     Omar gạt tay gã sang một bên một cách ngạo mạn nhưng không đột ngột đến mức khiến gã có cớ đánh nhau. Gã lùi lại một bước, nhưng vẫn khăng khăng:

     – Tên anh là gì hở người lạ?

     Khayyam ngần ngại nêu danh tính, và đang nghĩ kế. Anh ngước lên nhìn bầu trời có áng mây mỏng vừa che khuất vầng trăng khuyết. Vẫn im lặng, và thốt lên tiếng thở dài. Anh khao khát được đắm mình trong sự chiêm nghiệm, muốn nêu tên từng ngôi sao, ở rất xa, an toàn khỏi đám đông!

     Cả băng đảng đã bao vây anh, vài bàn tay quẹt qua người anh. Anh đã trở lại với mình.

     – Tôi là Omar, con trai của Ibrahim ở Nishapur. Còn anh là ai?

     Câu hỏi chỉ là chiếu lệ, vì gã kia không có ý giới thiệu bản thân. Gã đang ở thành phố quê nhà và đang tra hỏi. Sau này Omar sẽ biết tên gã. Gã là một sinh viên có biệt danh Mặt Thẹo. Với cây dùi cui trong tay và câu trích dẫn trên môi, ngày mai gã sẽ khiến cả Samarkand run sợ, nhưng hiện tại ảnh hưởng của gã chỉ nằm trong số những người trẻ tuổi bao quanh, và họ chú ý đến từng lời nói và cử chỉ của gã.

     Chợt mắt gã loé sáng. Gã quay sang đám đệ tử, rồi đắc thắng quay về phía đám đông và la lên:

     Ôi Chúa ơi, sao tôi lại không nhận ra Omar cơ chứ, con trai của Ibrahim Khayyam ở Nishapur? Omar, ngôi sao của Khorassan, thiên tài của Ba Tư và Lưỡng Hà, hoàng tử của các triết gia!

     Khi làm điệu bộ cúi đầu chào thật thấp, gã vẫy vẫy các ngón tay ở cả hai bên khăn vấn, thu hút được những tràng cười hô hố của người xem:

     Làm sao tôi không nhận ra chứ, kẻ đã sáng tác bài thơ tứ tuyệt rubai mộ đạo đầy thành kính như thế này đây:

Ngài làm vỡ bình rượu của tôi, Chúa ơi.

Ngài ngăn tôi khỏi con đường lạc thú, Chúa ơi.

Ngài làm đổ rượu hồng ngọc của tôi lên mặt đất.

Xin tha thứ cho tôi, Chúa ơi, nhưng có lẽ Ngài say rồi.

     Omar tức giận lắng nghe, nhưng lo lắng. Cách khiêu khích này có thể là cái cớ gây án mạng ngay tại chỗ. Không phí một giây nào, anh đáp lại bằng một giọng to, rõ ràng để không ai trong đám đông bị lừa.

    – Đây là lần đầu tiên tôi nghe được bài tứ tuyệt ấy từ miệng anh, người lạ à. Nhưng hãy nghe bài rubai này chính tôi thật sự sáng tác:

Họ không biết gì, họ cũng không muốn biết.

Những kẻ vô tri thống trị thế giới!

Nếu bạn không nằm trong số họ, họ gọi bạn là kẻ vô đạo

Mặc kệ họ, Khayyam, cứ đi con đường riêng của ngươi.

    Đáng lẽ Omar không nên kèm theo cụm từ ‘những kẻ vô tri’ bằng một cử chỉ khinh miệt với đối thủ. Những bàn tay vươn ra túm lấy rồi giật mạnh chiếc áo choàng của anh, và nó bắt đầu rách. Anh loạng choạng, lưng va vào đầu gối ai đó rồi ngã xuống phiến đá lát đường. Bị đè bẹp dưới một bầy đàn, anh không chịu vùng vẫy để thoát ra mà cam chịu để y phục bị xé toạc, cả thân thể bị giầy xéo, phó mặc cho sự tê liệt của một nạn nhân chịu hiến tế. Anh không cảm thấy gì, không nghe thấy gì. Anh đóng cửa rút vào chính mình, bức tường bao quanh kín mít. Và anh coi mười người đàn ông mang vũ trang đến để làm gián đoạn cuộc hiến tế này là những kẻ xâm nhập. Trên những chiếc mũ phớt của họ có phù hiệu màu lục nhạt của ahdath, lực lượng dân quân của thị trấn Samarkand. Ngay khi nhìn thấy họ, những kẻ tấn công anh đã rời khỏi Khayyam, nhưng để biện minh cho hành vi của mình, họ hét lên, “Nhà luyện đan! Nhà luyện đan!’, để kêu gọi đám đông làm chứng cho họ.

    Trong mắt các nhà chức trách, là một triết gia không phải là một tội ác, nhưng thực hành thuật luyện đan có thể bị tội chết.

     – Nhà luyện đan! Người lạ này là một nhà luyện đan!

    Tuy nhiên, trưởng đội tuần tra không có ý vướng vào cuộc tranh cãi.

     – Nếu người này quả là một thuật sĩ luyện đan, – ông quyết định, – thì việc bắt giữ anh ta phải do ngài thẩm phán trưởng (qadi) Abu Taher.

    Khi Jaber Cao Kều bị mọi người lãng quên, ông bò về phía quán rượu gần nhất và nhích từng chút một vào bên trong với quyết tâm không bước chân ra ngoài nữa, Omar gắng sức tự đứng dậy mà không cần ai giúp đỡ. Anh đi thẳng tới phía trước, trong câm lặng. Vẻ mặt khinh thị của anh che đi bộ y phục rách nát và khuôn mặt đẫm máu của anh như tấm mạng che mặt khiêm nhường. Trước mặt anh, những người dân quân cầm đuốc mở đường, theo sau là những kẻ tấn công anh, và sau đó nữa là nhóm những người xem hiếu kì.

   Omar không nhìn thấy hoặc nghe thấy họ. Đối với anh, đường phố vắng vẻ, Địa cầu tĩnh lặng, bầu trời không một gợn mây và Samarkand vẫn là nơi thơ mộng mà anh mới khám phá ra vài ngày trước.

    Anh đã đến đó sau một hành trình kéo dài ba tuần, không nghỉ ngơi chút nào, anh đã quyết định làm theo lời khuyên của những nhà du hành xưa. Đi lên, họ đã đề nghị, lên sân thượng của thành cổ Kuhandiz. Hãy nhìn kĩ xung quanh và bạn sẽ thấy chỉ có nước và cây cỏ, những luống hoa, những cây bách được những người làm vườn tinh tế nhất cắt tỉa theo hình dạng như những con bò, voi, lạc đà vạm vỡ hoặc những con báo trông như sắp vồ lấy. Thật vậy, ngay cả bên trong bức tường, từ cổng Tu viện, về phía Tây và cho đến Cổng Trung Quốc, Omar chưa bao giờ nhìn thấy những vườn cây ăn trái rậm rạp và những dòng suối lấp lánh như vậy. Tiếp theo, đây đó, một toà tháp bằng gạch mọc lên với mái vòm được đục chạm khắc bằng bóng tối, màu trắng tinh của bức tường gác chuông, và, ở ven một bờ hồ ấp ủ bên dưới những cây liễu rũ, một người bơi khoả thân xoã tóc nàng theo ngọn gió cháy bỏng.

    Phải chăng đây là ảo cảnh về thiên đường mà người họa sĩ ẩn danh muốn gợi lên, người mà rất lâu sau này đảm nhận việc minh hoạ bản thảo của Rubaiyaat? Phải chăng đó là những gì Omar vẫn ghi nhớ khi anh bị dẫn đến khu Asfizar, nơi cư trú của Abu Taher, thẩm phán trưởng của Samarkand? Anh đang lặp đi lặp lại với chính mình, ‘Ta sẽ không ghét thành phố này. Ngay cả nếu cô gái đang tắm kia chỉ là một ảo ảnh. Ngay cả nếu thực tế trở nên lạnh lùng và xấu xí. Ngay cả nếu cái đêm mát rượi này sẽ là đêm cuối cùng của ta.’

 


 

CHƯƠNG 2

 

Trong divan[3] rộng lớn của vị qadi (thẩm phán trưởng)[4], những ngọn đèn chùm phía xa khiến cho Khayyam có màu da trắng ngà. Ngay khi anh bước vào, hai người lính canh trung niên túm lấy vai anh như thể anh là kẻ điên nguy hiểm – và trong tư thế này, anh đợi ở gần cửa.

    Ngồi ở đầu kia của căn phòng, ngài thẩm phán không nhận thấy sự hiện diện của Omar vì ông đang đưa ra phán quyết về một số vụ việc và tiếp tục thảo luận với những nguyên cáo, lí giải với người này và khiển trách người kia. Một cuộc cãi vã cũ giữa những người hàng xóm, có vẻ như mối hiềm khích cũ được khơi lại và thói chấp nhặt. Abu Taher kết thúc bằng cách lớn tiếng cho thấy sự mệt mỏi của mình, ra lệnh cho hai người chủ gia đình ôm nhau, ở đó, ngay trước mặt ông, như thể họ chưa bao giờ cãi nhau. Một trong hai người tiến lên một bước nhưng người kia, một người dáng vóc khổng lồ với cái trán thấp, phản đối. Thẩm phán đã cho ông ta một cái tát mạnh khiến những người chứng kiến run sợ. Gã khổng lồ liếc xéo gã béo tròn, giận dữ và hay quậy phá này phải rướn người lên để với tới gã khổng lồ, sau đó gã cúi đầu, lau má và làm theo lệnh.

     Sau khi giải tán nhóm này, Abu Taher ra hiệu cho đám dân quân lại gần. Họ quay cuồng với bản báo cáo của mình và trả lời các câu hỏi, phải giải thích làm thế nào mà họ lại để cho một đám đông như vậy tụ tập trên đường phố. Sau đó đến lượt Mặt Sẹo đưa ra lời giải thích. Gã nghiêng người về phía qadi, người dường như đã biết anh ta từ lâu, và bắt đầu độc thoại sôi nổi. Abu Taher chăm chú lắng nghe mà không bộc lộ cảm xúc.

     Sau đó, suy nghĩ một lúc sau, ông ra lệnh:

     – Bảo đám đông giải tán. Để từng người về nhà bằng con đường ngắn nhất và, – nói với những kẻ tấn công, – tất cả các ngươi cũng về. Không có gì được quyết định cho đến ngày mai. Bị cáo sẽ ở lại đây qua đêm và anh ta sẽ được người của ta canh giữ chứ không phải ai khác.

     Ngạc nhiên vì bị yêu cầu biến mất quá nhanh, Mặt Sẹo phản đối yếu ớt nhưng rồi nghĩ sao lại thôi. Gã khôn ngoan nhấc đuôi áo choàng lên rồi rút lui bằng cái cúi chào.

     Khi còn lại một mình với Omar, cùng với những người thân tín là nhân chứng duy nhất, Abu Taher thốt ra một câu chào đón bí ẩn:

      – Thật vinh dự khi được đón tiếp Omar Khayyam lẫy lừng của Nishapur tại nơi này.

    Ông không để lộ một chút cảm xúc nào. Không mỉa mai cũng không nồng nhiệt. Giọng điệu của ông trung lập, tiếng nói đều đều. Ông đội chiếc khăn xếp hình hoa tulip, lông mày rậm và bộ râu muối tiêu không ria mép, và đang nhìn Khayyam bằng ánh mắt dò xét không ngừng.

    Sự chào đón càng khó hiểu hơn vì Omar đã đứng đó cả tiếng đồng hồ với bộ dạng tả tơi trước mọi ánh mắt, cười nhạo và xầm xì.

    Sau một vài khoảnh khắc im lặng được tính toán khôn khéo, Abu Taher nói thêm:

    – Omar, anh không xa lạ gì với Samarkand. Mặc dù thời còn trẻ tuổi, kiến ​​thức của anh đã trở thành huyền thoại, và tài năng của anh được nhắc đến trong trường học. Có đúng là ở Isfahan, anh đã đọc bảy lần một tác phẩm đồ sộ của Ibn Sina, và khi trở về Nishapur, anh đã sao chép nguyên văn nó từng chữ, từ trí nhớ?

    Khayyam rất hãnh diện vì kì công xác thực này đã được biết đến ở vùng Transoxania, nhưng nỗi lo lắng của anh vẫn chưa được dập tắt. Việc đề cập đến Avicenna từ miệng của một qadi theo phái Shafi[5] không làm anh yên tâm, và ngoài ra, anh ta vẫn chưa được mời ngồi xuống. Abu Taher tiếp tục,

   – Không chỉ những kì tích của anh được truyền miệng, mà một số câu thơ tứ tuyệt rất lạ lùng đã được gán cho anh.

    Câu nói thật thản nhiên. Ông không buộc tội nhưng ông ta hầu như không tha bổng cho anh - đúng hơn là ông ta chỉ gián tiếp hỏi anh. Omar đánh bạo phá vỡ sự im lặng.

   – Bài rubai mà người Mặt Thẹo trích dẫn không phải của tôi.

    Bằng cử chỉ phẩy tay thiếu kiên nhẫn, vị thẩm phán gạt bỏ lời phản đối và lần đầu tiên giọng nói của ông trở nên nghiêm khắc.

   – Việc anh viết câu thơ này hay câu thơ kia không quan trọng. Tôi đã có báo cáo về những câu thơ báng bổ đến mức tôi cảm thấy tội lỗi khi trích dẫn chúng vì sẽ thành ra người lan truyền chúng. Tôi không cố bắt anh thú nhận, tôi không cố trừng phạt anh. Những lời buộc tội về thuật luyện đan này không thể lọt vào tai này để chui ra tai kia. Chúng ta chỉ có hai người. Chúng ta là hai người đàn ông hiểu biết và tôi chỉ muốn biết sự thật.

     Omar không yên tâm chút nào. Anh cảm nhận được một cái bẫy và do dự trả lời. Anh có thể nhìn thấy mình bị trao cho đao phủ để bị biến dạng, bị thiến hoặc bị đóng đinh. Abu Taher cao giọng và gần như hét lên:

     – Omar, con trai của Ibrahim, người làm lều xứ Nishapur, anh có nhận ra một bằng hữu hay không?

    Giọng điệu chân thành trong câu nói này khiến Khayyam sửng sốt. ‘Nhận ra một người bạn’ ư? Anh xem xét câu hỏi này một cách nghiêm túc, lặng ngắm khuôn mặt của ông, để ý cách ông cười và bộ râu rung rinh. Anh dần dần khắc phục và lấy lại tự tin. Vẻ mặt của anh được thả lỏng và thư giãn. Anh tách mình ra khỏi những lính canh, và khi qadi ra hiệu, họ ngừng kiềm chế anh. Sau đó, anh ta ngồi xuống tuy không được mời. Vị thẩm phán mỉm cười một cách thân thiện nhưng không ngừng cuộc thẩm vấn.

     – Anh có phải là người ngoại đạo mà một số người mô tả?

    Đó không chỉ là một câu hỏi. Đó là tiếng kêu khổ tâm mà Omar không bỏ qua.

      Tôi nghi ngờ lòng nhiệt thành của những người sùng đạo, nhưng tôi chưa bao giờ nói rằng Một là hai.[6] Ngài có có bao giờ nghĩ về tôi như thế chưa?

     – Không bao giờ, Chúa làm chứng cho tôi.

     – Đối với tôi, thế là đủ, và tôi tin rằng đối với Đấng Tạo Hoá cũng vậy. Nhưng không phải dành cho đại chúng. Họ rình rập những lời nói của ngài, từng cử chỉ nhỏ nhất của ngài – của tôi cũng như của mọi ông hoàng. Ngài từng nghe nói, ‘Đôi khi tôi đến thánh đường nơi có bóng râm để đánh giấc ngon lành.’ Chỉ một người hoà thuận với Đấng Tạo Hoá mới có thể tìm thấy giấc ngủ ở nơi thờ phượng.

    Bất chấp cái cau mày nghi ngờ của qadi, Omar trở nên vô tư và tiếp tục:

    – Tôi không phải là một trong những người mà đức tin chỉ đơn giản là sợ hãi sự phán xét. Cách cầu nguyện của tôi ư? Tôi chiêm ngắm một bông hồng, tôi đếm những vì sao, tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp của tạo vật và trật tự sắp xếp hoàn hảo của nó, còn con người, là tác phẩm đẹp nhất của Đấng Tạo Hóa, với khối óc khao khát tri thức, trái tim khao khát yêu thương, và với các giác quan, mọi giác quan được đánh thức hoặc thoả mãn.

     Qadi đứng dậy với ánh mắt trầm ngâm, đến ngồi cạnh Khayyam, đặt bàn tay của một người cha lên vai anh. lính canh nhìn nhau sửng sốt.

    – Nghe này, người bạn trẻ của tôi. Đấng Toàn năng đã ban cho anh những điều quý giá nhất mà một người con trai của Adam có được – trí thông minh, tài hùng biện, sức khoẻ, sắc đẹp, khao khát tri ​​thức và tận hưởng đời sống, sự ngưỡng mộ của nam giới và, tôi nghi là, có cả tiếng thở dài của phụ nữ. Tôi hi vọng rằng Ngài đã không tước đoạt của anh trí tuệ trong sự im lặng, nếu không có nó, tất cả những điều đã nói ở trên không thể được đánh giá cao cũng như không thể bảo tồn được.

     – Liệu tôi có phải đợi đến khi già mới bày tỏ suy nghĩ của mình không?

     – Cái ngày mà anh có thể bày tỏ tất cả những gì anh nghĩ, con cháu dòng dõi của anh cũng tới lúc già đi. Chúng ta đang sống trong thời đại của sự bí mật và sợ hãi, bạn phải có hai khuôn mặt, một khuôn mặt cho đám đông, khuôn mặt kia cho chính bạn và Đấng Tạo Hóa. Nếu bạn muốn giữ mắt, tai và lưỡi của mình, hãy quên rằng bạn có mắt, tai và lưỡi.

     Qadi đột nhiên im lặng, nhưng không phải để Omar nói, mà để lời khuyên của ông thấm thía hơn. Omar nhìn xuống và đợi qadi bật ra thêm những suy nghĩ ra khỏi đầu.

    Tuy nhiên, Abu Taher hít một hơi thật sâu và ra lệnh dứt khoát cho lính canh rời đi. Vừa khi họ đóng cánh cửa lại, ông đi về phía một góc phòng divan, nhấc tấm thảm lên và mở nắp một chiếc rương gỗ khảm dát. Ông lấy ra một cuốn sách và trao cho Omar với cử chỉ trang trọng được làm dịu đi bằng một nụ cười của một người cha.

    Giờ đây, cuốn sách đó chính là cuốn sách mà tôi, Benjamin O. Lesage, một ngày nào đó sẽ cầm trên tay. Tôi cho rằng khi chạm vào nó, cảm giác luôn như nhau, với lớp da dày, nhám, với những đường vân như đuôi chim công, mép các trang không đều và sờn. Khi Khayyam mở nó ra vào cái đêm hè khó quên đó, anh chỉ thấy hai trăm năm mươi sáu trang trắng, không có thơ, tranh, không bình luận bên lề hoặc minh hoạ.

    Để che giấu cảm xúc của mình, Abu Taher nói với giọng điệu của một người bán hàng.

    Nó làm bằng kaghez (giấy) Trung Quốc, loại giấy tốt nhất do các xưởng ở Samarkand sản xuất. Một người Do Thái ở quận Maturid đã đặt làm theo lối cổ. Nó được làm hoàn toàn từ vỏ dâu tằm. Thử chạm vào xem, phẩm chất nó giống như lụa.

    Ông hắng giọng trước khi tiếp tục.

    – Tôi có một người anh, hơn tôi mười tuổi, đã chết khi bằng tuổi của anh. Anh ta bị đày đến Balkh vì đã viết một bài thơ làm phật lòng nhà cai trị thời bấy giờ. Anh bị buộc tội là dị giáo. Tôi không biết điều đó có đúng không, nhưng tôi buồn bực với anh trai mình vì đã lãng phí cuộc đời cho một bài thơ, một bài thơ khốn nạn dài hơn một rubai.

    Giọng ông run run, và tiếp tục thở hổn hển.

    – Hãy giữ cuốn sách này. Bất cứ khi nào một câu thơ hình thành trong tâm trí, hoặc ở trên đầu lưỡi của anh, hãy giữ nó lại. Hãy viết nó ra trên những tờ giấy sẽ được giấu kín này, và khi anh viết, hãy nghĩ đến Abu Taher.

     Qadi có biết đâu rằng với cử chỉ đó và những lời nói đó, ông ta đã khai sinh ra một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử văn học, và rằng thế giới sẽ phải đợi tám thế kỉ để khám phá ra chất thơ siêu phàm của Omar Khayyam, vì Rubaiyaat được tôn sùng là một trong những tác phẩm độc đáo nhất mọi thời đại ngay cả trước khi số phận kì lạ của bản thảo Samarkand được biết đến?

 

 *

 



CHƯƠNG III

 

Đêm đó, Omar không thể nào chợp mắt trong cái vọng lâu bằng gỗ nằm trên một ngọn đồi trọc ở giữa khu vườn rộng lớn của Abu Taher. Bên cạnh anh, trên cái bàn thấp có cây viết lông ngỗng và lọ mực, cây đèn không được thắp sáng và cuốn sách của anh – trang đầu tiên mở ra vẫn còn để trắng.

    Vào lúc rạng sáng thì có một khải tượng: một nàng nô lệ xinh đẹp mang đến cho anh một khay đựng những lát dưa, một bộ y phục mới và chiếc khăn vấn đầu bằng lụa Zandan. Cô thì thầm tin nhắn:

    – Chủ nhân sẽ đợi ngài sau buổi cầu nguyện ban sáng.

    Căn phòng đã chật kín những nguyên cáo, người ăn xin, cận thần, bạn bè và đủ loại khách, trong số họ có gã Mặt Sẹo, và chắc chắn y đến để nghe ngóng tin. Vừa khi Omar bước qua cửa, giọng nói của vị qadi đã trở thành mục tiêu của mọi ánh nhìn và những lời bình luận về ông.

    – Chào mừng đến với Imam Omar Khayyam, người hiểu biết vô song về truyền thống của Đấng Tiên tri, một nguồn tham khảo mà không ai có thể tranh cãi, một tiếng nói không ai có thể phủ nhận.

     Lần lượt từng người khách đứng dậy, cúi chào và lẩm nhẩm một câu nghi thức trước khi ngồi xuống trở lại. Qua khoé mắt, Omar quan sát Mặt Sẹo, gã có vẻ rất chịu khuất phục trong góc phòng, nhưng vẫn che giấu cái nhăn mặt rụt rè trên khuôn mặt.

    Theo thể thức trang trọng nhất, Abu Taher xin Omar ngồi vào ghế bên phải của ông, buộc những người ở gần ông phải tránh ra. Rồi ông tiếp tục:

    – Vị khách lỗi lạc của chúng ta đã gặp một sự cố không may vào tối hôm qua. Người vốn được vinh danh ở Khorassan, Fars và Mazandaran, người mà mọi thành phố đều mong muốn được chào đón trong những bức tường thành của nó, người mà mọi bậc vương tử đều mong thu hút được vào triều đình của họ, thế nhưng người này đã bị xâm phạm ngày hôm qua trên đường phố Samarkand.

    Những câu cảm thán phẫn nộ vang lên, theo sau là một sự náo động mà qadi cho phép tăng lên một chút trước khi ra hiệu im lặng và tiếp tục:

    – Tệ hơn nữa, gần như đã có một cuộc náo loạn trong khu chợ. Một cuộc bạo loạn vào đêm trước chuyến viếng thăm của vị quốc vương đáng kính của chúng ta, Nasr Khan, Mặt trời của Hoàng gia, ngài sẽ đến vào sáng nay từ Bukhara, nếu Chúa muốn! Tôi không dám tưởng tượng ngày hôm nay chúng ta sẽ khốn đốn như thế nào nếu đám đông không bị ngăn chặn và giải tán. Tôi nói với các bạn rằng những cái đầu sẽ không dễ còn ở trên vai đâu!

    Ông dừng lại để lấy hơi, để gây ấn tượng và để nỗi sợ hãi len lỏi vào tim người nghe.

    – May mắn thay là một trong những học trò cũ của tôi, người ấy đang ở đây, đã nhận ra vị khách lỗi lạc của chúng ta và đến đã đế báo cho tôi biết.

    Ông chỉ một ngón tay về phía Mặt Sẹo và mời gã đứng dậy.

    – Làm thế nào trò nhận ra Imam Omar?

    Hắn đáp lại bằng vài âm tiết lắp bắp.  

    – Nói to hơn nữa! Ông chú già của chúng ta ở đây không thể nghe! – Qadi hét to, chỉ vào một cụ già khả kính với bộ râu trắng ở bên trái ông.

    – Trò đã nhận ra vị khách lỗi lạc nhờ tài hùng biện của anh ta, – Mặt Thẹo khó có thể nói thành lời. – và trò  đã hỏi anh ta anh ta là ai trước khi đưa anh ta đến với qadi.

    – Trò đã làm tốt. Nếu cuộc hỗn loạn tiếp tục, có thể đã có đổ máu. Trò xứng đáng được ngồi cạnh vị khách của chúng ta.

    Khi Mặt sẹo tiến đến với vẻ phục tùng giả tạo, Abu Taher thì thầm vào tai Omar, ‘Y có thể không phải là bạn của anh, nhưng ít ra y sẽ không dám tấn công anh nơi công cộng nữa.’

    Ông tiếp tục lớn tiếng:

     – Tôi hi vọng rằng bất chấp mọi thứ mà anh ta đã trải qua, Khawaja Omar sẽ không mang kí ức quá tệ về Samarkand?

    Khayyam trả lời:

     ­– Tôi đã quên chuyện xảy ra tối qua rồi. Sau này, khi tôi nghĩ về thành phố này, một hình ảnh hoàn toàn khác mà tôi s ghi nh mãi, hình ảnh về một con người tuyệt vời. Tôi không nói về Abu Taher. Lời khen ngợi cao nhất mà người ta có thể dành cho một qadi không phải là tán dương phẩm chất của ông mà là sự trung thực của những người mà ông có trách nhiệm. Tình cờ là vào ngày tôi đến, con la của tôi đã phải vất vả leo lên con dốc cuối cùng dẫn đến Cổng Kish, và bản thân tôi chưa kịp đặt chân xuống đất thì một người đàn ông đã đến gần tôi:

     ‘Chào mừng bạn đến thị trấn này’, ông nói. ‘Bạn có người thân, hoặc bạn bè nào ở đây không?’

     Tôi trả lời rằng không, và không dám dừng lại, sợ rằng mình đang gặp một kẻ lừa đảo nào đó, hoặc ít ra là kẻ ăn xin hoặc quấy rối. Nhưng người đàn ông tiếp tục:

     ‘Xin đừng nghi ngờ sự nài nỉ của tôi, vị khách quý. Chính chủ nhân của tôi đã ra lệnh đợi ở đây và bày tỏ lòng hiếu khách đối với tất cả những du khách xuất hiện.’

    Người đàn ông này trông có vẻ xuất thân khiêm tốn, nhưng ăn mặc sạch sẽ và không phải là không biết cách cư xử của những người đáng kính. Tôi đã theo ông ta. Cách đó vài bước, ông dẫn tôi vào một cánh cửa nặng nề và tôi băng qua một hành lang có mái vòm để thấy mình đang ở trong sân của một đoàn lữ hành với một cái giếng ở giữa, xung quanh là người và thú nhộn nhịp. Bao quanh sân, trên hai tầng, có phòng cho lữ khách. Người đàn ông nói,

     ‘Anh bạn có thể ở đây bao lâu tuỳ thích, dù là một đêm hay cả mùa. Anh sẽ thấy một chiếc giường, thức ăn và cỏ khô cho con la của anh.’

Khi tôi hỏi ông ta tôi phải trả bao nhiêu, ông ta tỏ ra bị xúc phạm.

    ‘Anh là khách của chủ nhân tôi.’

    ‘Hãy cho tôi biết vị chủ nhà hào phóng ở đâu, để tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn tới ông ấy.’

    ‘Ông chủ của tôi đã mất cách đây bảy năm, để lại cho tôi một khoản tiền mà tôi phải chi tiêu để tiếp đãi những vị khách đến thăm Samarkand.’

    ‘Chủ nhân của anh tên là gì, để tôi có thể kể về nghĩa cử của ông ấy?’

    ‘Anh chỉ nên tạ ơn một Đấng Toàn Năng. Ngài biết những hành vi tử tế của ai đang được thực hiện nhân danh Ngài.’

    – Đó là cách tôi ở nhà người đàn ông này vài ngày. Tôi đi ra đi vào, và bất cứ khi nào quay về, tôi thấy những chiếc đĩa chất đầy những món ăn ngon và con ngựa của tôi được chăm sóc tốt hơn cả tự tay tôi chăm sóc nó.

    Omar liếc nhìn quan khách, tìm kiếm phản ứng nào đó, nhưng câu chuyện của anh không gây ra bất kì vẻ ngạc nhiên hay khó hiểu nào. Qadi đoán được sự bối rối của Omar, bèn giải thích:

    – Nhiều thành phố tự nhận là nơi hiếu khách nhất trong tất cả những xứ sở Islam, nhưng chỉ có cư dân của Samarkand mới xứng đáng với danh hiệu đó. Theo như tôi biết, chưa từng có du khách nào phải trả tiền nhà trọ và ăn uống. Tôi biết có những gia đình sạt nghiệp vì tôn trọng những vị khách hoặc người gặp khó khăn, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy họ tự hào hay khoe khoang về điều đó. Những đài phun nước mà anh thấy ở mọi góc phố, chứa đầy nước ngọt để làm dịu cơn khát của người qua đường, có hơn hai nghìn vòi nước ở thành phố này, làm bằng gạch, đồng hoặc sứ, tất cả đều do người dân Samarkand cung cấp. Liệu bạn có nghĩ rằng có người nào khắc tên mình lên đó để nhận được sự biết ơn?

    – Phải thú nhận, tôi chưa tìm thấy ở đâu mà sự hào phóng đến như vậy. Ngài có thể cho phép tôi hỏi một câu đã làm mình bận tâm hay không?

    Qadi nói đúng tâm trạng của Khayyam:

    – Tôi biết anh định hỏi điều gì: làm thế nào mà những người rất trọng đức tính hiếu khách lại có thể đối xử bạo lực với một vị khách như anh?

    – Hoặc chống lại một ông già tội nghiệp như Jaber Cao Kều?

    – Câu trả lời tôi sắp đưa ra cho anh được tóm gọn trong một từ – sợ hãi. Tất cả bạo lực ở đây được sinh ra từ sợ hãi. Đức tin của chúng tôi đang bị tấn công từ mọi phía bởi người Qarmatian[7] ở Bahrain, Imamis của Qom, bảy mươi hai giáo phái, Rum ở Constantinople, những kẻ ngoại đạo thuộc mọi giáo phái và trên hết là Ismailis ở Ai Cập, và họ có lượng người theo đông đảo ngay ở trung tâm Baghdad và thậm chí ở đây tại Samarkand. Đừng bao giờ quên rằng các thành phố Islam của chúng ta – Mecca, Medina, Isfahan, Baghdad, Damascus, Bukhara, Merv, Cairo, Samarkand – chỉ là những ốc đảo sẽ trở thành sa mạc nếu bị bỏ quên trong chốc lát. Chúng liên tục bị bão cát tấn công!

     Nhìn qua ô cửa sổ bên trái, qadi đã tính toán thành thạo quỹ đạo của mặt trời. Ông đứng dậy, nói:

    – Đã đến lúc đi gặp quốc vương của chúng ta rồi.

Ông vỗ tay:

    – Hãy mang theo thứ gì đó để đi đường.

    Ông có thói quen mang theo nho khô để nhai trên đường đi, một thói quen được nhiều người thân và những vị khách cũng bắt chước. Bởi đó, một chiếc khay đồng khổng lồ được mang ra, chất đầy một đống những viên kẹo màu mật ong để mọi người nhét vào túi.

    Khi đến lượt mình, Mặt Sẹo bốc một nhúm và đưa cho Khayyam với lời sau:

    – Tôi cho rằng anh muốn tôi mời anh những quả nho này như rượu vang.

     Tuy gã nói không to, nhưng như thể có phép màu, mọi người có mặt đều im bặt. Họ đứng nín thở, theo dõi đôi môi của Omar. Anh lên tiếng:

    – Khi một người muốn uống rượu, người ấy phải cẩn thận chọn người hầu rượu và bạn rượu của mình.

     Mặt Sẹo hơi lên giọng:

    – Về phần mình, tôi sẽ không đụng đến một giọt nào. Tôi muốn có một chỗ trên thiên đường. Anh có vẻ không muốn tham gia cùng tôi ở đó.

    – Dành toàn thời gian vĩnh cửu để sống cùng với những ulema[8] khoa trương đạo đức ư? Không đâu, cảm ơn. Chúa đã hứa với chúng ta một điều khác.

    Cuộc trao đổi dừng lại ở đó. Omar vội vã tham gia cùng với qadi đang gọi anh.

    – Người dân thành phố phải nhìn thấy anh cưỡi ngựa bên cạnh tôi. Điều đó sẽ xua tan ấn tượng của họ về buổi tối hôm qua.

    Trong đám đông tụ tập quanh dinh thự, Omar nghĩ mình nhận ra người trộm hạnh nhân nấp sau bóng một cây lê. Anh đi chậm lại và nhìn quanh tìm cô, nhưng Abu Taher thúc giục anh.

     – Nhanh lên. Khốn thay nếu Khan[9] đến trước chúng ta!

 



CHƯƠNG 4

 

    – Từ buổi bình minh của thời gian, các nhà chiêm tinh đã tuyên bố rằng bốn thành phố được sinh ra dưới dấu hiệu của cuộc nổi dậy: Samarkand, Mecca, Damascus và Palermo, và lời nói của họ đúng sự thật! Những thành phố này chỉ phục tùng những kẻ thống trị qua vũ lực. Họ chỉ đi theo con đường ngay thẳng khi nó được vạch ra bằng thanh kiếm. Đấng Tiên Tri đã giảm bớt sự kiêu ngạo của người Mecca bằng thanh kiếm và cũng bằng chính thanh kiếm này, ta sẽ làm giảm sự kiêu ngạo của người dân Samarkand!

    Nasr Khan, vị chúa tể của xứ Transoxania[10], một người khổng lồ bằng đồng trong bộ áo choàng thêu ren, đứng khoa tay múa chân trước ngai vàng. Giọng nói của ông khiến người trong gia đình và những vị khách của ông run lên. Đôi mắt ông lùng sục trong số những người có mặt một nạn nhân, một đôi môi không chịu run rẩy, một cái nhìn không đủ ăn năn, một kí ức về sự phản bội nào đó. Theo bản năng, mọi người đều tụt lại phía sau người bên cạnh mình, để lưng, cổ và vai cúi rập xuống và chờ cơn bão đi qua.

     Không tìm được con mồi cho móng vuốt của mình, Nasr Khan túm lấy những bộ áo choàng nghi lễ của ông đầy hai tay, lần lượt lột hết chúng ra, ném xuống đất, trong cơn thịnh nộ giẫm đạp lên chúng, và gầm lên một chuỗi những lời lăng mạ bằng phương ngữ Turco-Mongol vang dội của xứ Kashgar. Theo phong tục, các vị vua sẽ mặc áo choàng thêu, với ba, bốn hoặc đôi khi bảy lớp, ban ngày họ cởi ra, trang trọng đặt trên lưng những người mà họ muốn tôn vinh. Bằng hành vi như vừa rồi, Nasr Khan cho thấy ông không có ý thưởng cho bất kì vị khách nào trong số rất nhiều khách của mình ngày hôm đó.

    Như với mọi chuyến viếng thăm Samarkand của các vị quốc vương, lẽ ra đây là một ngày lễ hội, nhưng dấu hiệu niềm vui đã bị dập tắt ngay trong những phút đầu tiên.

    Sau khi leo lên con đường lát đá dẫn lên từ Sông Siab, Khan đã long trọng tiến vào Cổng Bukhara ở phía bắc thành phố. Ông cười bằng cả khuôn mặt, khiến đôi mắt nhỏ của ông dường như sâu hơn, xếch hơn bao giờ hết, và làm cho gò má ông sáng lên dưới ánh nắng mặt trời màu hổ phách. Rồi đột nhiên ông mất đi sự hài hước. Ông tiếp cận một nhóm khoảng hai trăm người nổi tiếng đang tụ tập xung quanh qadi Abu Taher, tập trung ánh mắt lo lắng và gần như nghi ngờ vào nhóm có Omar Khayyam ở giữa. Rõ ràng là không nhìn thấy những người mà ông đang tìm kiếm, ông đột ngột cho con ngựa dựng đứng lên, rồi giật mạnh dây cương và phóng đi, vừa lẩm bẩm những lời không thể nghe được. Giữ tư thế cứng nhắc trên lưng con ngựa đen tuyền, ông không còn cười, cũng không đáp lại bằng một cử chỉ nhỏ nhất trước những tiếng reo hò lặp đi lặp lại của hàng nghìn người dân đã tập trung ở đó từ rạng sáng để chào đón ông. Một số người giơ cao những bản kiến ​​​​nghị do các thư lại chấp bút. Vô ích, vì không ai dám trình kiến ​​​​nghị của mình lên quốc vương, mà lại nộp đơn cho viên thị thần đang cúi xuống nhận giấy tờ, miệng thì luôn hứa hẹn mơ hồ sẽ làm theo.

     Dẫn đầu là bốn kị binh giương cao cờ hiệu màu nâu của triều đại, theo sau là một nô lệ ngực trần mang theo một chiếc lọng to tướng, Khan băng qua những con đường lớn rợp bóng cây dâu tằm mà không dừng lại. Ông tránh các khu chợ và đi dọc theo các kênh thuỷ lợi chính, được gọi là arik, cho đến khi tới quận Asfizar. Tại đó, ông dựng lên một cung điện tạm thời, gần sát nơi ở của Abu Taher. Trong quá khứ, các quốc vương sẽ cư trú trong thành, nhưng vì những trận giao tranh gần đây đã khiến nó rơi vào tình trạng đổ nát nghiêm trọng nên phải bị bỏ hoang. Giờ đây, chỉ có quân đồn trú của Thổ Nhĩ Kì thỉnh thoảng dựng lều ở đó.

    Nhận thấy tính khí thất thường của vị quốc vương, Omar do dự đến cung điện để bày tỏ sự kính trọng, nhưng qadi thúc giục anh, với hi vọng chắc chắn rằng sự hiện diện của người bạn lỗi lạc sẽ mang lại sự chuyển hướng thuận lợi. Trên đường đi, Abu Taher thấy mình phải làm rõ với Khayyam về những gì vừa diễn ra. Các chức sắc tôn giáo của thành phố đã quyết định tẩy chay buổi lễ tiếp tân, cáo buộc Khan đã cho đốt cháy Đại Giáo đường ở Bukhara, nơi một nhóm đối lập có vũ trang đã cố thủ.

   – Giữa quốc vương và cơ sở tôn giáo, qadi giải thích, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt hơn bao giờ hết. Đôi khi công khai, đẫm máu, nhưng thường là bí mật và ngấm ngầm.

     Thậm chí còn có tin đồn rằng các ulema đã liên lạc với nhiều quan chức đang bực tức trước hành vi của ông hoàng này. Người ta nói rằng, tổ tiên của ông ta đã từng ăn uống chung với quân đội họ, và không tiếc lời tuyên bố rằng quyền lực của mình dựa trên lòng dũng cảm của các chiến binh của dân tộc họ. Nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác, các khan của Thổ Nhĩ Kì đã mắc phải những thói quen đáng tiếc của các vị vua Ba Tư. Họ tự coi mình là á thần, và vây quanh họ bằng thứ nghi lễ ngày càng phức tạp, không thể hiểu, và thậm chí là sỉ nhục đối với những quan chức của họ. Do đó, nhiều người trong số họ đã tham khảo ý kiến ​​​​của các thủ lĩnh tôn giáo. Họ vui khi nghe những quan chức phỉ báng Nasr và buộc tội ông đã đi chệch khỏi đường lối của đạo Islam. Để đe doạ quân đội, quốc vương đã phản ứng cực kì gay gắt chống lại nhóm ulema. Cha của ông ta, một người ngoan đạo, chẳng phải đã khai mở triều đại của mình bằng cách chặt một cái đầu đội chiếc khăn vấn turban dày cộp sao?

     Vào năm 1072 này, Abu Taher là một trong số ít các chức sắc tôn giáo duy trì được mối quan hệ thân thiết với quốc vương này, thường xuyên đến thăm ông tại kinh thành Bukhara, là nơi ở chính và tiếp đón quốc vương rất trọng thể mỗi khi ông ta dừng chân ở Samarkand. Một số ulema cảnh giác với thái độ hoà giải của Abu Taher, nhưng hầu hết đều hoan nghênh sự hiện diện của một trung gian như vậy giữa họ và quốc vương.   

    Tuy nhiên, một lần nữa qadi đóng vai trò hoà giải một cách khéo léo, tránh mâu thuẫn với Nasr, biết lợi dụng sự cải thiện dù là nhỏ rất bằng tính hài hước của mình để làm phấn khởi tinh thần của quốc vương. Chờ đợi cho đến khi những khoảnh khắc khó khăn qua đi, và khi quốc vương trở lại ngai vàng, và khi cuối cùng nhìn thấy ngài đã an toạ trên chiếc đệm mềm rồi, Abu Taher bắt đầu điều chỉnh tình hình một cách tinh vi, khó có thể nhận thấy, khiến Omar quan sát với sự nhẹ nhõm. Theo hiệu lệnh của qadi, thị thần triệu một nữ nô lệ trẻ đến nhặt những chiếc áo choàng bị ném lăn lóc trên mặt đất như những xác chết sau trận chiến. Lập tức, bầu không khí bớt ngột ngạt hơn, mọi người kín đáo duỗi chân tay, có người nhân cơ hội thì thầm vài câu vào tai người gần nhất.

     Sau đó, sải bước về phía khoảng trống ở giữa phòng, qadi đặt mình trước mặt quốc vương, cúi đầu và không nói một lời. Sự thao tác rất cẩn trọng đến nỗi sau một hồi im lặng, Nasr cuối cùng tuyên bố, với một sức lực pha chút mệt mỏi, “Đi và nói với tất cả các ulema của thành phố này hãy đến phủ phục dưới chân ta vào lúc bình minh. Cái đầu nào không cúi sẽ bị chặt. Đừng ai tìm cách chạy trốn, vì không vùng đất nào có thể trú ẩn ra khỏi cơn thịnh nộ của ta,” mọi người đều hiểu rằng cơn bão đã qua và giải pháp đang ở trước mắt. Chỉ cần các giáo sĩ sửa đổi và quốc vương hẳn sẽ từ bỏ các biện pháp khắc nghiệt.

     Ngày hôm sau, khi Omar lại tháp tùng qadi đến toà, bầu không khí thật khó nhận ra. Nasr đang ngồi trên ngai, một loại giường đi-văng cao được trải tấm thảm sẫm màu, bên cạnh là một nô lệ đang bưng một chiếc đĩa đựng những cánh hoa hồng kẹo kết tinh. Quốc vương chọn một người, đặt nó lên lưỡi mình, để nó tan chảy trong vòm miệng mỉnh, trước khi hờ hững đưa tay ra cho một nô lệ khác, người này sẽ rưới nước thơm lên các ngón tay ông và chăm chú lau chúng. Nghi thức này được lặp lại hai mươi hoặc ba mươi lần, trong khi các phái đoàn đi qua. Họ đại diện cho các quận của thành phố, đáng chú ý là Asfizar, Panjkhin, Zagrimach, Maturid, các tập đoàn chợ, hiệp hội thương mại của thợ đồng, thợ làm giấy, người nuôi tằm và gánh nước, cũng như các cộng đồng được bảo hộ: người Do Thái, người Parsees và người Kitô giáo Nestorian.

    Tất cả họ bắt đầu bằng việc hôn đất. Sau đó, họ đứng dậy và cúi đầu một lần nữa kéo dài cho đến khi quốc vương ra hiệu cho họ đứng dậy. Sau đó người phát ngôn của họ thốt ra một vài câu rồi tất cả bước lùi ra ngoài, thực ra việc quay lưng lại với quốc vương trước khi rời khỏi phòng là bị cấm. Một thực hành kì quái. Có phải nó được du nhập bởi một quốc vương quá quan tâm đến sự tôn trọng, hay bởi một vị khách đặc biệt thận trọng?

    Rồi thì, các chức sắc tôn giáo đến, vốn được chờ đợi với sự tò mò nhưng cũng e ngại. Có hơn hai mươi người trong số họ. Abu Taher đã không gặp khó khăn khi thuyết phục họ đến. Vì họ đã bày tỏ thái độ bất bình quá lớn, cho nên nếu cứ kiên trì theo lối đó hẳn đồng nghĩa đòi được tuẫn đạo, điều mà không ai trong số họ mong muốn.

    Bây giờ họ cũng trình diện trước ngai vàng, mỗi người đều cúi thấp ở mức tuỳ tuổi tác và khớp xương cho phép, chờ đợi tín hiệu từ quốc vương cho đứng dậy. Nhưng tín hiệu đã không đến. Mười phút trôi qua và ngay cả người trẻ nhất trong số họ cũng không thể giữ mãi tư thế khó chịu như vậy. Họ có thể làm gì? Đứng lên mà không được phép sẽ khiến bị quốc vương kết tội. Họ lần lượt quỳ xuống, một tư thế vừa tôn kính nhưng đỡ mệt mỏi hơn. Chỉ đến khi xương bánh chè cuối cùng chạm đất, quốc vương mới ra hiệu rằng họ có thể đứng dậy và rời đi không chần chừ gì nữa. Không ai ngạc nhiên trước các sự kiện lần lượt diễn ra. Đó là cái giá phải trả. Đó là trật tự sự việc của vương quốc.

    Các quan chức Thổ Nhĩ Kì và các nhóm chức sắc sau đó đã tới, cũng như một số dihkan, các trưởng làng từ các làng lân cận. Theo cấp bậc của mình, mỗi người hôn chân hoặc vai quốc vương. Sau đó, một nhà thơ đã tiến tới để đọc bài thơ tán dương đầy lời hoa mĩ để tôn vinh vị quân vương, nhưng ông rất chóng tỏ ra chán ngán. Bằng một cử chỉ, quốc vương ngắt lời nhà thơ, ra hiệu cho thị thần cúi đầu nghe lệnh và truyền đạt lại rằng:

     – Chủ nhân của chúng tôi mong các nhà thơ tập hợp ở đây biết rằng ngài đã chán nghe những chủ đề cứ lặp đi lặp lại, ngài không muốn được so sánh với sư tử hay đại bàng, và càng không muốn được so sánh với mặt trời. Nếu như không còn gì để nói, mọi người có thể ra về.


 

CHƯƠNG 5

 

Tiếp theo sau lời nói của viên thị thần là những tiếng thì thầm, khúc khích cười, và tiếng xôn xao của hơn hai mươi nhà thơ đang chờ đến lượt mình. Một số thậm chí lùi lại hai bước trước khi kín đáo lẻn đi. Chỉ có một phụ nữ bước ra khỏi hàng và bước tới với bước chân vững vàng.

     Bị ánh nhìn dò hỏi của Omar, qadi thì thầm:

     – Một nữ thi sĩ từ Bukhara. Cô ấy tự xưng là Jahan, nghĩa là thế giới rộng lớn. Cô là goá phụ trẻ có những cuộc tình đầy sóng gió.

    Giọng điệu của ông có vẻ khiển trách, nhưng lại khiến Omar càng quan tâm hơn và anh không thể nào rời mắt ra khỏi. Jahan vén mạng che mặt lên, để lộ đôi môi không trang điểm. Cô đọc một bài thơ thú vị, trong đó, thật kì lạ, tên của Khan không được nhắc đến dù chỉ một lần. Lời ca ngợi con sông Soghd ban phát hào phóng cho Samarkand và rồi tới Bukhara, trước khi nó tự mất hút trong sa mạc, vì không có biển nào xứng đáng nhận nước của nó.

     – Nàng nói hay lắm. Hãy lấp đầy vàng vào miệng nàng – Nasr nói, lặp lại công thức như thường lệ của ông.

    Nữ thi sĩ cúi xuống một cái khay lớn chứa đầy tiền vàng dinar, và bắt đầu đưa từng đồng vào miệng trong khi khán giả đếm to số lượng.

     Khi Jahan nén tiếng nấc và sắp nghẹn, cả triều đình, đứng đầu là quốc vương, phá lên cười. Người hầu phòng ra hiệu cho nữ thi sĩ trở về chỗ của mình. Họ đếm được bốn mươi sáu dinar.

     Riêng Khayyam không cười. Với đôi mắt dán chặt vào Jahan, anh cố gắng tìm kiếm cảm xúc mà anh dành cho nàng. Thơ nàng thật trong sáng, tài hùng biện thật trang nghiêm, dáng đi thật can đảm, vậy mà ở đây nàng nhét kim loại vàng vào miệng và chịu phần thưởng nhục nhã này.

     Trước khi kéo mạng che mặt xuống, cô vén nó lên cao hơn một chút và liếc mắt nhìn. Omar nhận lấy, hít vào và khao khát giữ lấy. Đó là một khoảnh khắc vụt thoáng qua mà đám đông khó phát hiện được nhưng lại là vĩnh cửu đối với người yêu.

     Thời gian có hai mặt, Khayyam tự nhủ. Nó có hai chiều, chiều dài đo bằng nhịp điệu của mặt trời còn chiều sâu bằng nhịp điệu của niềm đam mê.

     Khoảnh khắc tuyệt vời này giữa họ bị gián đoạn bởi qadi vỗ vào cánh tay của Khayyam và đưa anh ta trở về với chính mình. Quá muộn, người phụ nữ đã biến mất, nàng chỉ còn là những tấm mạng che mặt.

     Abu Taher muốn giới thiệu bạn của mình với Khan và ông thốt ra bằng loại thể thức:

    –  Mái nhà uy nghi của ngài ngày nay che chở cho trí tuệ vĩ đại nhất của Khorassan. Omar Khayyam, người mà đối anh ta cây cối thảo mộc không còn bí mật, các vì sao cũng không có gì bí ẩn.

     Không phải sự ngẫu nhiên đã khiến qadi nêu bật y học và chiêm tinh học trong số các lĩnh vực mà Omar xuất sắc, vì chúng luôn được các nhà quân vương ưu ái; y học để nỗ lực giữ gìn sức khỏe và tính mạng của họ, chiêm tinh học để bảo toàn vận mệnh của họ.

     Biểu hiện của nhà quân vương vui lên và nói rằng rất vinh dự. Tuy nhiên, không có tâm trạng tham gia vào cuộc trò chuyện trí tuệ và dường như hiểu nhầm ý định của vị khách, cho nên ông chọn nhắc lại công thức yêu thích của mình, “Hãy lấp vàng đầy miệng anh ta!”

     Omar sửng sốt và cố nén cơn nôn oẹ. Abu Taher nhận thấy điều này và lo lắng. Sợ rằng lời từ chối sẽ làm mất lòng quốc vương, ông nhìn bạn mình một cách nặng nề, khăng khăng và đẩy vào vai anh, nhưng vô ích. Khayyam đã đưa ra quyết định:

    –  Xin Đại vương lượng thứ cho. Hạ thần đang trong thời kì ăn chay và không thể bỏ thứ gì vào miệng.

     – Nhưng tháng chay đã kết thúc cách đây ba tuần rồi mà, nếu ta không lầm!

     – Trong tháng Ramadan, hạ thần đang đi từ Nishapur đến Samarkand, vì vậy phải gián đoạn việc ăn chay với lời thề sẽ bù đắp lại sau đó.

     Qadi sợ hãi và mọi người tập hợp đều bồn chồn, nhưng khuôn mặt của quốc vương vô cảm. Ông đã chọn đặt câu hỏi với Abu Taher:

     – Ông là người hiểu biết mọi chi tiết vụn vặt của đức tin, vậy có thể cho ta biết liệu việc cho đồng tiền vàng vào miệng anh ta và lấy ra ngay sau đó có cấu thành việc phá vỡ việc ăn chay đối với Khawaja Omar không?

     Qadi nói bằng giọng điệu hết sức trung lập:

     – Nghiêm túc mà nói, bất cứ thứ gì cho vào miệng đều có thể phá vỡ việc ăn chay. Đã từng xảy ra trường hợp vô tình nuốt phải một đồng xu.

     Nasr chấp nhận lập luận, nhưng ông không hài lòng và chất vấn Omar:

     – Anh đã cho ta biết lí do thực sự nào khiến anh từ chối?

     Khayyam do dự một lúc rồi nói:

     – Đó không phải là lí do duy nhất.

     – Nói đi, – Khan nói – anh không việc gì phải sợ ta.

     Liền sau đó, Omar đọc những câu thơ này:

Chẳng phải cái nghèo dẫn tôi tới ngài

Chẳng ai nghèo nếu ước muốn giản đơn.

Tôi không mong đợi ngài điều gì ngoài lòng tôn trọng

Tôn trọng một con người tự do và ngay thẳng.

         Lạy Chúa cho những ngày này của anh nên tăm tối, Khayyam! –  Abu Taher lẩm bẩm một mình.

     Ông không biết phải nghĩ gì nữa, nhưng nỗi sợ hãi của ông là có thật. Dư âm của cơn giận dữ mới đây vẫn còn văng vẳng bên tai và ông không chắc liệu mình có thể thuần hoá con thú này một lần nữa hay không. Khan vẫn im lặng, bất động, như thể bị đóng băng trong sự cân nhắc khó hiểu. Những người thân cận với Khan đang chờ đợi lời nói đầu tiên của ông như thể một bản án, và một số cận thần đã chọn rời đi trước cơn bão.

     Omar đã lợi dụng sự hỗn loạn chung để tìm kiếm đôi mắt của Jahan. Nàng đang dựa lưng vào cột, khuôn mặt vùi vào lòng hai bàn tay. Chẳng lẽ vì anh mà nàng rung động sao?

     Cuối cùng, Khan đứng dậy. Ông cương quyết tiến về phía Omar, ôm chặt lấy anh, rồi cầm tay dắt đi.

     ‘Chủ nhân của vùng Transoxania,’ các nhà biên niên sử tường thuật, ‘đã tỏ lòng kính trọng đối với Omar Khayyam đến mức đã mời ông ngồi cạnh mình trên ngai vàng.’



[1] Thành phố lịch sử Samarkand nằm như một ốc đảo bên dòng sông Zerafshan và có vị trí hết sức quan trọng trên Con đường Tơ lụa, là nơi giao thoa và giao lộ của các nền văn h trên thế giới. Được thành lập vào thế k thứ 7 trước CN giống như Afrasiab cổ đại, Samarkand có những phát triển quan trọng, nhất là vào thời kì Timurid. (Tất cả chú thích trong sách đều của người dịch)

[2] Avicenna là tên Latinh hoá của Ibn Sina (sinh khoảng 980, mất 1037), nhà triết học quan trọng nhất của Islam và được xem có ảnh hưởng nhất của thời kì tiền hiện đại. Sinh ra ở Afshana gần Bukhara ở Trung Á, ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là y sĩ đa khoa, với tác phẩm y khoa Quy điển y học (al-Qanun fi'l-Tibb/The Canon of Medicine) được dùng làm sách giáo khoa ở Châu Âu và thế giới Hồi giáo suốt cho mãi đến thời kì đầu hiện đại. Tác phẩm triết học summa (tổng luận) của ông là Sách Chữa lành (al-Shifa') có ảnh hưởng quyết định đến chủ nghĩa kinh viện châu Âu và đặc biệt là đối với thánh Thomas Aquinas.

[3] divan (tiếng Arabic hoặc Thổ-nhĩ-kì) là văn phòng hành chính của các xã hội Islam; một cơ quan lập pháp, phòng hội đồng hoặc toà án công lí. Nguyên nghĩa divan là 'sổ kế toán', rồi thành 'phòng hội đồng' và cuối cùng để chỉ loại ghế dài có đệm không lưng tựa (mà ta quen đọc theo âm tiếng Pháp là 'đi-văng') phổ biến trong các phòng hội đồng. 

[4] qāḍī (tiếng Arabic) là thẩm phán [của toà án sharīʿa], cũng là người thực hiện các chức năng ngoài tư pháp như hoà giải, giám hộ trẻ mồ côi và trẻ vị thành niên, giám sát và kiểm toán các công trình công cộng.

[5] Shafi'i - một trong bốn trường phái truyền thống lớn về luật tôn giáo (figh) trong nhánh Sunnī của Islam, được thành lập bởi nhà thần học Arập al-Shāfiʿī, ‘cha đẻ của luật học Islam’ vào đầu thế kỉ thứ 9. Ba trường phái luật học Sunni khác là Ḥanafī, Mālikī và Ḥanbalī.

[6] Câu tuyên xưng đức tin của tín đồ Muslim về tính duy nhất và nhất thể của Thượng đế: ‘Không có thần nào khác ngoài Thượng đế (Đấng Allah).’

[7] Qarmatian (hay Karmathian), một thành viên của giáo phái Hồi giáo Shiʽite thành lập vào thế kỉ 9 và phát triển mạnh trong thời trung cổ như là một hội kín mang tính cộng sản, theo thời gian đã bành trướng thành một quốc gia nhỏ độc lập trên vịnh Ba Tư, từ đó các thành viên của nó tấn công những vùng đất lân cận.

[8] Ulema, thành viên hay nhóm học giả được coi là có kiến thức chuyên môn về luật và thần học của Islam.

[9] Tước hiệu Khan hay Han, thường phiên là Hãn, hoặc Đại Hãn, Hãn vương. Trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kì – nghĩa ban đầu Khan là thủ lĩnh một bộ tộc. Khan có thể dịch là hoàng đế hay quốc vương. Tước hiệu này được sử dụng nhiều ở khu vực như Trung Á, Nam Á, Cận Đông, cũng như được các sultan dùng trong đế chế Ottoman. (Các thủ lĩnh người Nhữ Chân, Mãn Châu cũng dùng tước hiệu này, và Hãn vương cũng là tước hiệu nhà Kim (tộc Nhữ Chân) phong cho thủ lĩnh của các bộ lạc Mông Cổ; Hãn vương hay Đại Hãn nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại là Genghis Khan hay Thành-Cát-Tư Hãn).

[10] Transoxania (tiếng Latinh nghĩa là ‘Vùng đất bên kia Oxus’) là khu vực và nền văn minh nằm ở hạ Trung Á tương ứng với những phần đất ngày nay thuộc Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và và Kyrgyzstan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét