Jun’ichiro Tanizaki
Hà Vũ Trọng dịch
8.
Kiến
trúc và bí ẩn của bóng âm
Tôi không rành về kiến trúc, nhưng nhận thấy rằng kiểu Gothic của các nhà thờ phương Tây đều có mái vòm được đẩy lên cao tột đỉnh, thật cao như lên tới cõi trời và được cho rằng vẻ đẹp của nó nằm ở đó. Trái lại, những ngôi chùa của Nhật thì bộ mái ngói nặng nề được lợp trước tiên, và trong cái bóng râm rộng rãi và sâu thẳm được tạo nên bằng những mái hiên ấy, phần còn lại của kiến trúc mới được xây. Điều này không chỉ đúng với đền chùa mà ngay cả cung điện của giới quý tộc và nhà thường dân, điều đập vào mắt đầu tiên là bộ mái lợp ngói hoặc lợp tranh đồ sộ và bóng tối bao trùm bên dưới mái hiên. Ngay cả vào giữa trưa mà tăm tối như trong hang động toả khắp dưới gờ mái, làm cho cửa chính, cửa ra vào, tường, và cột nhà cơ hồ không thấy rõ. Những ngôi chùa lớn trang nghiêm ở Kyoto, như Trí Ân Viện (Chion-in), Bản Nguyện Tự (Honga-ji) và cả những loại nhà trang trại vùng nông thôn hẻo lánh đều giống nhau về mặt này: như hầu hết những toà nhà xưa, gây ấn tượng bộ mái nặng hơn nhiều, cũng như chiều cao và diện tích lớn hơn so với tất cả những gì bên dưới mái hiên.
Khi muốn làm cho mình một nơi để ở, đầu tiên chúng ta trải một cái dù gọi là mái nhà để cái bóng rợp xuống mặt đất, và dưới độ sáng nhạt của cái bóng râm đó chúng ta mới dựng nên cái nhà. Tất nhiên nhà phương Tây cũng có mái che, nhưng dùng để che mưa và sương gió hơn là che nắng, ngay cả trông bên ngoài, rõ ràng nó được xây để bóng râm càng ít càng tốt và để nội thất lộ ra với ánh sáng càng nhiều càng tốt. Nếu bộ mái của ngôi nhà Nhật là một cái dù, thì bộ mái nhà Tây không khác cái mũ gắn cái lưỡi trai nhỏ cho phép ánh nắng chiếu thẳng vào dưới mái hiên. Không nghi ngờ gì về các lí do như khí hậu và vật liệu xây dựng và nhiều yếu tố khác khiến cho người Nhật làm mái hiên sâu như vậy. Thực tế là chúng ta đã không sử dụng thuỷ tinh, bê tông, gạch để tạo nên bộ mái thấp cần thiết tránh mưa gió lùa vào. Một căn phòng sáng hẳn tiện lợi cho chúng ta hơn một căn phòng tối. Tuy nhiên, phẩm chất mà chúng ta gọi là đẹp vốn dĩ được phát triển từ thực tế của đời sống, và tổ tiên chúng ta vì buộc phải sống trong những gian phòng u tối, và rồi họ phát hiện ra vẻ đẹp trong bóng âm, và cuối cùng hướng bóng âm tới cứu cánh của cái đẹp.
Do đó, vẻ đẹp của căn phòng Nhật phụ thuộc vào sắc độ biến thiên của bóng âm, ngoài bóng nùng (đậm) so với bóng đạm (nhạt) ra, không còn gì khác. Người phương Tây ngạc nhiên về sự giản phác của những gian phòng trải chiếu Nhật, khiến họ cảm thấy chúng không khác gì những bức tường xám tro thiếu sự trang trí, thành ra họ không thể hiểu được sự bí ẩn của bóng âm. Phía ngoài phòng khách nơi mà ánh mặt trời đáng lẽ chiếu vào nhiều nhất, chúng ta lại nới rộng mái hiên hoặc xây hàng hiên để tránh nắng được nhiều hơn. Ánh sáng ngoài vườn len lén vào nhưng lờ mờ xuyên qua lớp cửa giấy lùa, và chính thứ ánh sáng gián tiếp này tạo nên vẻ quyến rủ của căn phòng. Chúng ta tạo nên vách tường có màu cát vàng để sao cho những tia nắng buồn, mong manh, nhạt nhoà dần rồi chìm vào sự yên tĩnh tuyệt đối. Nhà kho, nhà bếp, hành lang,... bề mặt có thể bóng bẩy, nhưng vách tường phòng khách hầu như luôn trát bằng đất sét với lớp cát mịn. Độ bóng láng ở đây sẽ làm tiêu tan vẻ đẹp mong manh mềm mại của thứ ánh sáng nhạt nhoà kia. Chúng ta thích thú ngắm ánh phơn phớt của những tia sáng đang tàn phai nấn ná trên vách tường hoàng hôn, ở đó chúng sống nốt mảnh đời còn lại. Cảnh tượng ấy chẳng bao giờ chán, vì với chúng ta, vầng sáng nhạt ấy và những cái bóng mờ ảo này vượt trội so với bất kì loại trang trí nào. Vì vậy, nếu không muốn làm hỏng vầng sáng đó, chúng ta hoàn thiện những vách tường bằng một lớp cát màu trung tính. Màu sắc của phòng này phòng nọ có thể khác nhau, nhưng chỉ khác về sắc độ đậm nhạt, và sự khác biệt này dường như có được cũng tuỳ vào tâm trạng người xem. Và những khác biệt tinh tế này nằm trong sắc độ của những vách tường cho nên bóng âm mỗi phòng đều nhuốm một sắc thái riêng của nó.
Tất nhiên căn phòng khách Nhật có gian bích khám (tokonoma), bên trong
treo bức tranh cuộn và một bình hoa. Nhưng bức tranh và bình hoa không
dùng như vật trang trí mà chính là để tạo thêm chiều sâu cho bóng âm. Chúng ta đánh giá bức tranh trước nhất vì
cách nó hoà hợp với
gian bích khám,
do đó chúng ta coi việc bồi và trang trí tranh cuộn cũng quan trọng như nghệ
thuật thư hoạ. Ngay cả một kiệt tác thư hoạ
sẽ giảm giá trị nếu nó không hoà hợp
với cái khám này,
trong khi một tác phẩm không đặc sắc cũng có thể phối hợp tuyệt vời với căn
phòng và làm nổi bật ưu điểm bất ngờ cho chính nó và cho cảnh xung quanh. Vậy sức mạnh một tác phẩm bình thường ấy
nằm chỗ nào mà tạo
được hiệu quả đến thế?
Thường thì phần lớn là giấy, sắc mực,
vải bồi trang trí đem lại một vẻ cổ kính nhất định, và vẻ cổ kính này khiến
hoà điệu với bóng tối trong gian bích khám
và căn phòng.
Chúng ta đều đã có lần
tới thăm một trong những ngôi chùa lớn ở Kyoto hoặc Nara, được cho xem một những bảo
vật của chùa
là bức tranh cuộn treo
trong gian bích khám được
âm sâu vào tường. Những bích khám này
khá tối tăm ngay
cả giữa ban ngày đến nỗi khó
mà thấy rõ những đường nét tác phẩm; tất cả chúng ta chỉ việc vừa lắng nghe những thuyết
minh của người
hướng dẫn vừa chăm chú rất mực vào những nét cọ gần như vô
hình, và tự nhủ rằng bức
hoạ tuyệt vời biết bao.
Tuy thế, sự
kết hợp của bức cổ hoạ với gian bích khám âm u
là một trong những sự hài hoà tuyệt đối. Sự thiếu rõ ràng này không thành vấn đề, mà trái lại dường như hoàn
toàn phù hợp.
Trong trường hợp này, bức tranh không gì khác hơn là một bề mặt mong manh khác mà trên đó ánh
sáng mông lung và yếu ớt
có thể nô đùa,
và nó có tác dụng hệt như
bức tường cát. Đó là lí do tại sao chúng ta xem trọng đối với niên đại và sự lên nước của thời gian đến thế. Khi chọn tranh để treo, một bức tranh mới dù vẽ thuỷ mặc hoặc màu sắc nhẹ tinh tế đi nữa cũng có thể phá hỏng cái bóng âm
của gian bích khám
nếu không thật cẩn thận.
9.
Phòng khách kiểu Nhật
Thiên tài của tổ tiên chúng ta ở chỗ, qua việc cắt đứt ánh sáng ra khỏi cái không gian trống này họ đã truyền đó vào một thế giới của những bóng âm mang phong vị bí ẩn và chiều sâu vượt trội so với bất kì bức tranh tường hoặc sự trang trí nào. Đây có vẻ là một kĩ xảo giản dị nhưng không dễ dàng đạt tới. Chúng ta không khó hình dung ra những lao tâm khổ tứ với từng chi tiết vô hình, như việc lắp đặt song cửa trong hốc khám, chiều sâu của rầm ngang, độ cao của ngưỡng. Tuy nhiên đối với tôi, vẻ tinh tế nhất lại là vầng sáng trắng nhạt của bình phong giấy ở gian thư hiên (shoin) mà tôi chỉ việc dừng lại trước nó và rồi quên đi dòng thời gian trôi qua.
Trong kiến trúc chùa, gian đại sảnh cách khu vườn một khoảng cách đáng kể; ánh sáng ở đó thật
mờ nhạt bất kể mùa nào,
vào ngày đẹp trời hay u ám, sáng, trưa, hay chiều tối, thứ ánh sáng mờ nhạt ấy hầu như không thay đổi. Và bóng râm trên những
gờ bình phong có vẻ bất động kì lạ, như thể bụi bậm ở các góc đã trở thành một
phần của giấy. Tôi chớp mắt mà không dám chắc
ánh phát quang như mộng
huyễn này, cảm thấy như một lớp sương bạc làm mờ thị giác. Ánh sáng từ giấy trắng
mờ không đủ sức xua
tan bóng tối dày của gian bích khám,
thay vào đó lại bị bóng tối đẩy lùi, tạo nên một thế giới mông lung, nơi mà sáng
tối không thể phân biệt được. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt của thứ ánh
sáng khuếch tán trong gian phòng ấy một sự thanh tịnh hiếm hoi không thể tìm thấy trong thứ ánh sáng bình thường không? Bạn đã có bao giờ cảm giác giống như sợ hãi khi đối mặt với sự vĩnh cửu, nỗi sợ
rằng trong căn phòng đó bạn có thể mất hết ý thức về dòng thời gian trôi qua, những năm
tháng không kể xiết trôi
qua, để rồi khi bước ra ngoài bạn thấy mình đã già nua tóc bạc?
(Xem tiếp trang sau)
____
Nguyên tác: 陰翳礼讃 (In'ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4. Tác giả: Jun'ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965).
Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker dịch, Nxb Leete's Island Books 1977. Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html
Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét