Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Cuộc Thập tự chinh cuối cùng của toàn cầu hoá

John Ralston Saul
Tạp chí Queen’s Quarterly đối thoại với John Ralston Saul
Hà Vũ Trọng dịch











Ông nói về một niềm tin vào toàn cầu hoá như một “tín ngưỡng” của thời đại chúng ta. Hiện nay tín ngưỡng này đã bắt rễ sâu xa như thế nào?

Sự sợ hãi thường được sử dụng để củng cố quyền lực với lập luận rằng có một Thượng đế giận dữ sẽ không dung tha việc đi trệch khỏi giáo lí của Ngài. Vào cuối thế kỉ 19, cùng với ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Kĩ nghệ, có một nhận thức nảy sinh cho rằng đấng Thượng đế truyền thống đã chết – và cuối cùng thì hiện trường mở ngỏ chờ thay thế. Và cái khoảng trống ấy được đổ đầy bởi giới kĩ trị mới – một nhóm người có giáo lí mới để thay thế Thượng đế cổ xưa. Qua thời gian, giáo lí đó phát triển dần cho đến khi kinh tế học trở nên tín ngưỡng của chúng ta, với ngôn ngữ giáo lí tín ngưỡng xưa được chuyển hoá thành thứ biệt ngữ kĩ trị. Cái “bàn tay vô hình” xưa từng biểu hiện cho khái niệm trừu tượng về Thượng đế đã được hấp thu một cách hết sức đầy đủ vào trong quy điển của kinh tế học mà người ta ngạc nhiên khi thấy nó đã từng thể hiện [qua tranh mosaic] trên tường những giáo đường thời Trung cổ. Đến độ chúng ta gắn liền thuật ngữ ấy riêng chỉ với Adam Smith và thị trường. Thế giới của chúng ta thấy không chỉ hiện tại và tương lai theo cung cách này, mà cả quá khứ nữa. Sự hiện xuất và phát triển của tất cả nền văn minh giờ đây được nhìn qua lăng kính của kinh tế học.

Rất nhiều sự đầu tư vào toàn cầu hoá như một sự hiểu biết về quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta, nhưng ông lại lập luận rằng chính những thế lực không ngờ tới giờ đây đang lay chuyển mô hình này tan rã. Đâu là những rạn nứt lớn nhất trong cái mô hình toàn cầu hoá ngày nay? Và đâu là những rạn nứt tiếp theo?

Vết rạn nứt lớn nhất hình thành trong sự toàn cầu hoá ngày nay xuất phát từ sự khăng khăng của những người trung thành ủng hộ nó khi xem toàn cầu hoá là một ý hệ. Toàn cầu hoá đơn thuần là một công cụ, nếu lạm dụng quá, nó khiến bạn mắc vào mọi thứ xáo trộn.

Một khi toàn cầu hoá đã được chấp nhận như một ý hệ thì những tín đồ đích thực của nó – trước đây gồm một số lớn nhưng giờ con số giảm xuống còn những nhà kinh tế – họ bó tay ngoài việc phó cho nó một đời sống riêng, và họ càng làm ngơ với những dấu hiệu khi sự việc không đem lại kết quả theo như cái ý hệ mà họ đã nâng niu đặt tin tưởng. Sau hết, những nhà kĩ trị này tự cho những gì đã đem họ tới quyền lực là điều tất nhiên. Cực kì khó cho họ chấp nhận rằng tín ngưỡng của họ đặt sai chỗ, rằng thế giới quan của họ bị khuyết điểm và tai hại.

Phe ủng hộ toàn cầu hoá tự liên minh với phe chủ nghĩa bảo căn (fundamentalist) ở Hoa Kì và những nơi khác. Đâu là căn nguyên của sự liên minh này?

Có thể thấy khó giải thích khi những kẻ tin vào toàn cầu hoá và những kẻ tin vào Thượng đế theo chủ nghĩa bảo căn đã trở nên những đại đồng minh vào cuối thế kỉ 20. Xét về lịch sử của họ – với lí thuyết kĩ trị vội hăm hở thay thế Thượng đế trong thời hiện đại – họ gần như là những kẻ thù của tự nhiên. Một phe thì tin vào quyền năng của kinh tế học; phe kia thì tìm một chìa khoá tâm linh tuyệt đối để hiểu thế giới. Nhưng những gì chúng ta thấy đang xảy ra hiện nay chính là việc toàn cầu hoá đang trong đà nhanh chóng suy tàn – và vào thời điểm này trong lịch sử, có một mức độ đồng tình giữa những kẻ vẫn tin vào toàn cầu hoá như một thứ triết học và những kẻ giải thích thế giới bằng thánh ý Chúa. Nó như thể hai con tàu, từ hai quốc gia rất khác biệt đang xi nhan với nhau.

Điiều này quả thực là một sự liên minh rất kì quặc giữa những kẻ ủng hộ thế lực thị trường không thể tránh khỏi với những kẻ bảo căn. Khoa học và kĩ thuật giả sử là bệ chống đỡ cho toàn thể kế hoạch toàn cầu hoá, thế nhưng những nhóm tông giáo bảo căn lại đồng minh với nhóm kĩ trị trong khi họ là những kẻ thù hung hăng của khoa học và kĩ thuật trên nhiều mặt trận – như trong trận chiến ngiên cứu tế bào gốc và thuyết tiến hoá, đây chỉ nêu cái hiển nhiên nhất thôi. Tôi giả sử cái lôi kéo họ lại với nhau là vì cả hai phe này đều trung thành với niềm tin thực sự vào những thế lực tuyệt đối.

Ông thấy đâu là sự khác biệt khi các quốc gia và công dân các nước đó nảy ý tưởng mới cho phép họ kiểm soát được tương lai của chính họ?

Hẳn sẽ là phúc lợi thực sự cho con người nếu chúng ta biện biệt được giữa tín ngưỡng và công ích. Một tín ngưỡng mù quáng trong kĩ thuật và một tín ngưỡng hiếu thắng, chật hẹp trong kinh tế học đều không phục vụ được lợi ích chung. Những tín ngưỡng này có thể chỉ nhìn thấy một thế giới của phát triển và tốc độ, một cỗ máy kinh tế toàn cầu cứ phải chạy càng nhanh hơn theo với mỗi năm tài chính. Nhưng nỗ lực luôn luôn đòi ngày càng nhanh hơn này phải trả những giá đắt cho con người – từ sự hâm nóng toàn cầu, sự huỷ diệt thuỷ sản thế giới, và sự lụi tàn của toàn thể những hệ sinh thái cho đến sự khốn khổ cùng cực của hàng triệu con người bị hất cẳng, tuyệt vọng, vì bằng cách nào đó họ không phù hợp với cái mô hình kinh tế kia. Thay cho nỗ lực không ngừng ngày càng nhanh hơn, chúng ta nên xác định lại những động cơ kinh tế sao cho vận hành hiệu quả hơn, nhân tính hơn – dưới ánh sáng của công ích. Chúng ta cần dung hoà những động cơ kinh tế bằng một số hình thức điều hoà tốc độ (cruise control), thay cho việc không ngừng đẩy mạnh sự gia tốc. Chúng ta cần điều chỉnh tốc độ kinh tế để tính toán địa hình chưa quen thuộc và những điều kiện đang đổi thay. Điều này nghe có vẻ đơn giản và thiết thực, và tất nhiên là thế.

Điểm đơn giản là đây: tốc độ không phải là một đặc tính của văn minh, mà chính là sự cân nhắc. Khả năng suy xét và chọn lựa là trung tâm cho tư tưởng chúng ta về tự thân, và sự cân nhắc được thiết kế để cho phép chúng ta chọn lựa tốc độ của mình – để phù hợp với nhu cầu thực thụ của chúng ta như một nền văn minh.

Cho tới gần đây, toàn cầu hoá quả là một thứ thượng đế đang ra lệnh cho con người hành xử. Chúng ta được bảo ban rằng toàn cầu hoá không khác gì hơn là thực tế rồi sẽ hình thành nên tương lai của chúng ta dù có chấp nhận nó hay không, và thật là ngu ngốc nếu có toan tính nào đó hơn là việc liệu mà “xoay sở” với cái thế lực không thể cưỡng lại của nó.

Nhưng vị thần linh giả tạo kia không phải là cái sẽ tạo hình nên số phận của chúng ta. Chúng ta có quyền năng để chọn lựa riêng và tạo hình nên tương lai của mình. Để làm điều này, chúng ta cần phải khám phá lại sự tôn trọng đối với những điển hình đạo đức học đã cho phép nền văn minh đứng vững và tiến triển cả hàng ngàn năm. Sự toàn cầu hoá mù quáng khước từ ý tưởng chọn lựa này, và đấy chính là lí do khiến nó đang lìa đời.


John Ralston Saul (1947) nhà văn và triết gia Canada. Tiểu thuyết của ông thiên về đề tài quyền lực, kinh tế và chính trị thế giới, nổi tiếng là bộ ba: BarakaThe Next Best Thing; và The Paradise Eater (1994). Về tư tưởng, ông được biết đến nhiều nhất với cuốn Voltaire's Bastards: The Dictatorship of Reason In the West (1992) và The Doubter's Companion: A Dictionary of Aggressive Common Sense (1994); The Unconscious Civilization (1995). Gần đây nhất: The Collapse of Globalism and the Reinvention of the World (2005).


Bản tiếng Việt © 2006 talawas 
Nguồn: Queen’s Quarterly, A Canadian Review, Summer 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét