Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Điêu khắc trong kiến trúc thuộc địa Pháp ở Sài Gòn

Hà Vũ Trọng


Mối tương quan giữa văn hoá và đế quốc nằm trong sự dấn mình phức hợp vào cuộc “tranh giành địa lí” (E. Said). Tự cái tên “Indo-China” do các nhà địa lí phương Tây đặt ra cho thấy việc thiết hoạch bản đồ, khoanh vùng ranh giới nằm trong tham vọng bành trướng của hệ thống bá quyền. Giờ đây, trong phê phán của lí thuyết hậu thuộc địa đối với di sản văn hoá thực dân Pháp ở Đông Dương, rút cuộc cho thấy thực chất tham vọng đó là một ý hệ kiến tạo mang tính hư cấu, đầy huyền thoại, và “Đông Dương là một ảo giác.” (Phantasmatic Indochina [Panivong Norindr]).

Trong sự kiến tạo ấy, kiến trúc giữ một trong những vai trò chủ chốt, tự nó hiện thân không chỉ cho sự thống trị đối với những thực thể địa lí mà cũng còn qua sự thuộc địa hoá nằm cả trong trí tưởng tượng. Chính những cuộc đại triển lãm thế giới về thuộc địa tổ chức tại Pháp (1889, 1900, 1906, 1921, 1927, 1931) cho thấy việc trưng bày đặt nặng về kiến trúc với đủ mọi phong cách bản địa khác nhau. Tất cả như tấm thảm thêu dệt khổng lồ toàn cảnh một “tour de force", gồm những hình ảnh lí tưởng về các thuộc địa đang đóng góp vào nền kinh tế Pháp, mà Đông Dương là một “thuộc địa gương mẫu”, nhằm biện minh cho những thành kiến về văn hoá của Pháp khi đang khuếch trương sự bành trướng. "Tấm thảm thuộc địa khổng lồ này"đã được nhà điêu khắc Pháp Alfred Janniot thực hiện qua những phù điêu đồ sộ theo trí tưởng tượng và lí tưởng hoá phong cảnh và cư dân các thuộc địa; chúng được miêu tả như là nguồn cung cấp cho đô thị văn minh với tất cả vật liệu dồi dào. 

Kiến trúc Đông Dương trong trong các cuộc Triển lãm quốc tế ở Pháp 


Việc khảo sát văn hoá thuộc địa trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc ở Đông Dương kể từ 1865 cho đến 1945, tiêu biểu cho sự phản ánh di sản nói trên của thực dân Pháp, khi họ muốn kiến tạo giấc mơ Đông Dương thành một nước Pháp mới,“la Française d’Asie”. Những nhà thực dân muốn cảm giác như đây là quê nhà của họ, hay một thứ quê nhà ảo trong tưởng tượng (“imaginary homeland” - chữ của Salman Rushdie). Ta có thể thấy sự luyến tiếc (nostalgia) này của người Pháp thể hiện trong suốt các tiểu thuyết của các nhà văn như Claudel, Malraux, Duras... và các phim ảnh như Indochine, Người tình,... với những mô tả, hình ảnh, phong cảnh, và huyền thoại về một “vầng hào quang” Đông Dương như một chốn đầy những tưởng tượng sắc tình (erotic) và những cuộc mạo hiểm hương xa (exotic). Điều trớ trêu, chính giấc mơ kiến tạo ấy của người Pháp hoài vọng một quá khứ chỉ còn là một thời vang bóng của giấc mơ và ảo tưởng của “thiên chức khai hoá” (mission civilisatrice), ngày nay lại trở thành cái đặc thù của Sài Gòn; vì nó đem lại một vẻ quyến rủ, một chút hương xa nào đó cho người dân từng là thuộc địa vọng về một kinh đô ánh sáng ở trời Tây, cách biệt với cảnh bùn lầy nước đọng và sự nghèo nàn chậm tiến.
Nhìn tổng thể, chủ trương quy hoạch không gian đô thị Sài Gòn của Hội đồng Thuộc địa chia thành hai loại hình tương phản: những khu vực chủ yếu được gọi là khu phố Tây có tính phô trương, biểu diễn nằm trên khu vực cao, tương phản với những khu vực trũng (dễ ngập lụt) của sinh hoạt đời thường tồi tàn bẩn thỉu vì thiếu nhiều cơ sở hạ tầng của cư dân bản xứ gồm Việt và Hoa (mà ngày nay, sau hơn nửa thế kỉ của thời hậu thuộc địa, “di sản” này tiếp tục trở thành một vấn nạn trầm trọng đối với việc phát triển và đô thị hoá Sài Gòn). Trong khi khu phố Tây thì có những đại lộ thênh thang với cây cối hai bên đường sạch sẽ, các biệt thự bề thế, nhà hàng, quán càfé, công viên, quảng trường.... Trước năm 1920 nhiều công thự quan trọng được kiến tạo theo phong cách tân cổ điển dựa trên các mẫu hình của kinh đô Paris và không đếm xỉa gì đến kiến trúc hoặc vật liệu truyền thống bản địa. Phải cho đến những năm 1920 (mất 60 năm!) với nhà thiết kế đô thị Ernest Hérbrard, thì trong dự án quy hoạch đô thị ở Đông Dương mới thực sự hình thành một phong cách mới gọi là “Đông phương” hay “Đông Dương”. Đây là giai đoạn của sự phối hợp, giao thoa tài tình những yếu tố kiến trúc Pháp với những mẫu thiết kế bản địa. Ở Sài Gòn, phong cách Đông Dương tiêu biểu là Musée Blanchard de la Brosse (1929, nay là Bảo tàng Lịch sử TPHCM) và trường Petrus Ký, ở Hà Nội với Musée Louis Finot của trường Viễn Đông Bác cổ (1932, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Sau thời thuộc địa, có thể xem phong cách kiến trúc này là mẫu mực, đáng kế thừa để định vị đặc trưng kiến trúc hiện đại Việt Nam đối với thế giới. Ngoài ra, các phong cách trang trí Art Nouveau, Art Deco trong thời gian này cũng đã được ứng dụng trong những công trình của chính quyền địa phương, các bệnh xá, biệt thự và tư gia, cũng như trên các bảng hiệu, đồ đạc ngoại thất và nội thất. Như thế, tất cả khối di sản to lớn trong quy hoạch và kiến trúc thuộc địa, với Đông Dương được xem như là một sự đầu tư cho “sự hùng vĩ điên rồ” với những dự án và kinh phí khổng lồ, mất rất nhiều thời gian và sự tranh cãi.

Loạt bài bằng hình ảnh dưới đây cùng các “cước chú”, sẽ không phân tích chuyên môn về kiến trúc mà muốn mời gọi vào một cuộc dạo ngắm, nhìn “cận cảnh” vào các hình tượng điêu khắc và trang trí kiến trúc, chủ iếu ở bề mặt các công thự trọng yếu nằm trên những trục lộ chính của Sài Gòn, để nỗ lực tìm ra ý nghĩa của chúng. Trong khi về mĩ thuật, có một mối tương quan nội tại không thể phủ nhận giữa kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ và trang trí cùng ý nghĩa chính trị trong kiến trúc, chúng được duy trì chặt chẽ trong các phong cách nghệ thuật; ở đây là phong cách tân cổ điển, thời Cộng hoà Đệ Tam Pháp, và phong cách Đông Dương. Mặc dù thời gian đã làm cho bề mặt của chúng có biến dạng ít nhiều nhưng không thật sự đáng kể. Các công trình để khảo sát trong chừng mực gồm: Dinh Phó Toàn quyền, Toà Thị chính, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Lớn, Toà án, Ngân hàng Đông Dương, Sở Thuế, Ngân Khố, Công ti Tàu biển, và Bảo tàng Blanchard de la Brosse.
*


DINH PHÓ TOÀN QUYỀN: MỘT BIỂU TƯỢNG CHO "THIÊN CHỨC KHAI HOÁ" CỦA PHÁP


 Dinh Phó Toàn quyền nguyên thuỷ, hai bên cửa chính có hai pho tượng nữ thần. (Photo: http://belleindochine.free.fr/)

 Nay là Bảo tàng Cách mạng (hay Bảo tàng TPHCM)


Được xây dựng xong vào năm 1890 và cho đến 1954 toà nhà này là Dinh Phó Toàn quyền (Palais du Vice-Gouverneur). Từ 1954 đến 1975 đổi thành Dinh Gia Long. Sau 1975 trở thành Bảo tàng TPHCM (toạ lạc tại số 65 Lí Tự Trọng, quận 1, TPHCM). Dinh này do kiến trúc sư Alfred Foulhoux vẽ kiểu và xây dựng theo phong cách tân cổ điển với những hàng cột thức và điêu khắc Hi Lạp quy mô, để phục vụ cho những tham vọng chính trị của Toàn quyền Đông dương ở xứ thuộc địa.

Cũng nên nhắc đến công trình hoành tráng khởi đầu là Dinh Toàn Quyền (sau gọi là Dinh Norodom do nằm trên đại lộ này) được xây xong năm 1875, theo phong cách tân-baroque tiêu biểu của thời Napoléon Đệ Tam, nay nó không còn tồn tại để mà khảo sát. Khi mới xây, nó được coi là công thự đẹp nhất Á Đông. Sau 1954, đổi tên thành Dinh Độc Lập. Năm 1962, sau khi bị hai phi công của Việt Nam Cộng Hoà dội bom làm đổ nát khoảng 50%, và sau đó ngay tại nền móng này, nó đã được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu và tái thiết lại hoàn toàn với cấu trúc và ý thức giải trừ thực dân. Sau 1975 nó trở thành Hội trường Thống nhất.

Như vậy, Dinh Phó Toàn quyền hiện còn tồn tại, với phong cách chiết trung điển hình có thể xem là đóng vai trò biểu tượng cho văn minh “mẫu quốc” trong cuộc hiện đại hoá của văn hoá đô thị Pháp ở Đông Dương. Với các dãy cột thức Doric ở mặt trước và ở dãy hiên uốn khúc ở mặt sau toà nhà, đặc biệt ở hệ thống trang trí suốt phần trán tường ở mặt trước và bên hông, không kể những biểu tượng phù điêu đặc trưng Hilạp - Lamã và Pháp, còn có những hình tượng bản địa với nghệ thuật chạm khắc thể hiện hết sức tinh xảo và sinh động như: cá chép hoá rồng, cá sấu, cò vạc, rái cá... trên một dòng sông lau lách nguyên sơ của đất rừng phương Nam xưa. Đông Dương trong trí tưởng tượng của người Pháp chủ yếu là vùng vẫn còn hoang sơ với những phế tích cần sự thám hiểm và mở mang.


Ở đầu hồi (pediment) trung tâm toà nhà trang nghiêm với phù điêu nổi tượng đầu nữ thần Athena (tên Lamã: Minerva) là nữ thần chiến binh của trí tuệ, thi ca, y học, và âm nhạc. Nhìn cận những chi tiết cho thấy nữ thần Athena đội nón sắt cùng những biểu tượng gắn liền như ngựa chiến, hai bên là chim cú và một con “gà trống Gaulois”, hai con rắn, và nhánh cây olive do nữ thần sáng tạo ra làm tặng vật cho thành Athens để sản sinh ra dầu olive và đem lại sự thịnh vượng lâu bền. Bên dưới tượng Athena có lẽ là đầu tượng thần biển hoang dã Poseidon – là vị thần từng tranh đua với Athena nhưng bị thất bại. Ở đây tượng nữ thần Athena là biểu tượng trung tâm, hàm nghĩa chính là sự toàn thắng của văn minh đô thị.



Chim cú, con vật tinh tường trong đêm, một thuộc tính biểu tượng cho trí tuệ của nữ thần Athena. 


Cặp rắn hai bên biểu tượng y học và phục sinh; và gà trống – con vật của ban ngày gáy thức bình minh, cũng là “con gà trống Gaulois” của Pháp.


Ở trên đầu cột thức Ionic trang trí dạng mũ với lá ô rô hình xoắn là đầu thần Hermes (Mercury) đội mũ sắt có cánh, là sứ giả truyền tin. Ở đây Hermes hàm nghĩa sự truyền bá “ánh sáng văn minh”. 
Một biểu hiện khác của Hermes, như một chiến binh với vành nguyệt quế trên mũ sắt không có cánh. 


 Cây trượng của thần Hermes có đôi cánh ý nghĩa cho sự truyền tin, và cặp rắn xoắn cho sự cứu trị trong y học, và lá cây ô rô xoắn cho sự sống và may mắn. Ngành Tây y, hay việc vệ sinh chống dịch lây nhiễm luôn được thực dân Pháp đề cao là sự văn minh ở những xứ thuộc địa.
Vành uốn lượn trang trí hình cái khánh đá trên cửa chính (trên có khắc hàng chữ gì đó nhưng đã bị đục bỏ!). 

Hoa huệ biểu tượng quốc gia Pháp và sư tử tượng trưng sức mạnh.


Mô típ điêu khắc lá sồi, quả thông, nguyệt quế, hoa huệ...


 Những nụ sen được kiểu thức hoá và đài gương.
Những hình tượng bản địa: phù điêu cá chép hoá rồng ý nghĩa về sự “tiến hoá”, và môtíp hai bông nha phiến.
Cá sấu trên đầm lầy thuở còn nguyên sơ của đất rừng phương Nam.


Vạc bắt mồi.


*

TOÀ THỊ CHÍNH: BIỂU TƯỢNG CHO NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NỀN CỘNG HOÀ PHÁP 




Toà Thị chính hay Toà Đốc lí chụp hồi đầu thế kỉ trên bưu thiếp
                                                        

Nay là Uỷ ban Nhân dân Thành phố 

 Toà Thị chính ở Paris/ Hôtel de ville, Paris (photo:wikipedia)

Toà Thị chính (L’Hotel de Ville), nay là Trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố (toạ lạc tại số 86 Lê Thánh Tôn), khởi công từ 1898 nhưng mãi đến 1908 mới hoàn thành do lịch sử xây cất mất nhiều năm tranh cãi để đi đến quyết định. Hình mẫu kiến trúc của Toà Thị chính Sài gòn tiếp thu từ Toà Thị chính ở Paris, theo phong cách Phục Hưng. Nó được xây theo bản vẽ của nhà kiến trúc Fernand Gardès, còn việc trang trí nội thất rất đa dạng và cầu kì do nghệ nhân Ruffier đảm nhiệm. Toàn bộ mặt tiền 30 mét của Toà Thị chính Sài Gòn được xem là trích dẫn của hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc của thời Đệ Tam Cộng hoà Pháp (1870-1914). Có thể nói, đối với du khách ngoại quốc ở Sài Gòn, đây là công trình thuộc địa được ưa chuộng và được chụp hình nhiều nhất do nằm ở kết điểm cảnh quan chính của thành phố cùng sự hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc và trang trí. Trước đây toà nhà mang nhiều phong cách này từng bị ví như một phụ nữ đeo quá nhiều đồ trang sức, nhưng giờ lại trở nên duyên dáng và đòi hỏi sự khám phá và quan sát kĩ hơn.
 Trên đầu hồi (pediment) của các tháp Toà Thị chính nổi bật với ba cụm điêu khắc phong cách cổ điển về ba hình tượng người nữ. Thực không dễ nhận dạng ra nguyên mẫu và tính biểu tượng của chúng. Nhưng dựa trên hệ thống hình tượng và đặc trưng của phần lớn các toà thị sảnh Pháp, ta có thể đoán rằng bộ ba này là hình tượng nhân cách hoá nữ tính về một Marianne hiện thân của nền Cộng hoà Pháp, biểu hiện cho những giá trị thường hằng gắn bó với công dân nền Cộng hoà: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Tên Marianne [Marie-Anne] là cái tên phổ thông và quen thuộc của tầng lớp lao động Pháp. Nhưng những giá trị thường hằng này từ cuộc Cách mạng Pháp lại được thực dân Pháp truyền bá với tư cách của một chủ thể áp đặt vào các thuộc địa nhằm để thuần hoá, hướng mọi phục vụ và quyền lợi về với “mẫu quốc”. Tất cả những giá trị biểu tượng này được trình bày trong công trình kiến trúc thuộc địa gần như không còn rõ nét, hoặc làm cho dịu xuống để phù hợp với khung cảnh của một Đông Dương được xem là đang “sống trong thanh bình”.

 Marianne của Bác ái



Hình tượng nữ thần Marianne thu hút người xem, và được đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông (campanile) và trên trán tường Toà Thị chính, rất có thể biểu tượng chính là cho tình Bác ái (Charity hay Huynh đệ/ Fraternity) nếu tương quan với hai cụm điêu khắc ở hai bên nó, trong khi tự thân lại bao gồm cả ba giá trị: Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Marianne trong tư thế và trang phục Hilạp Phrygia gần giống với tượng nữ thần Chiến thắng Samothrace, tà áo bay linh động hài hoà với tất cả chi tiết nằm trong cụm điêu khắc. Marianne đội chiếc mũ biểu tượng tự do Phrygian bonnet của các nhà cách mạng – cũng là biểu tượng chính được mô tả trên toàn bề mặt toà nhà, làm nhớ đến hình tượng nữ thần Tự do đi đầu dẫn dắt nhân dân trong tranh của Delacroix. Thuộc tính về sự Bác ái thường mô tả hai đứa bé dìu hai con sư tử ách chung với nhau, mà đáng lẽ một con là cừu, nhưng biểu tượng này khó nhất quán.



Tháp bên trái: Marianne của Tự do


 Marianne của Tự do cầm thanh gươm (biểu tượng sự cao quý) và tấm bia luật, với chim câu hoà bình đậu trên mũ Tự do Phrygia, một nhánh cọ biểu tượng chiến thắng. Khẩu đại bác và cây súng dưới chân nhắc đến cuộc Cách mạng Pháp. Marianne ngực trần như nữ thần Tự do trong tranh của Delacroix.

 Tháp bên phải: Marianne của Bình đẳng

Marianne Bình đẳng, đội vành nguyệt quế, sau lưng là cụm olive tươi tốt, tay cầm cuộn sách có trục, bên dưới là cây tích trượng của thần Hermes (tượng trưng sự truyền tin, hướng dẫn và cứu chữa), dưới chân là đống lúa mì với cái liềm gặt. Có lẽ trình hiện ở đây Marianne như một hiện thân của sự nuôi dưỡng và giáo dục bình đẳng với mọi công dân.
 Mũ Tự do Phrygia, vành nguyệt quế, và nhà cách mạng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét