Hà Vũ Trọng
Đời sống san bằng mọi con người. Cái chết phơi mở sự ưu tú.
-
Bernard Shaw
Cuối
cùng thì bao nhiêu chiếc mặt nạ (personae) con người đeo vào, diễn đủ
vai trò trên sân khấu đời người rồi cũng đến lúc cũ kĩ, mệt mỏi, phải trút
xuống hết. Ở khoảnh khắc của cái chết, gương mặt con người hiện nguyên hình, in
hằn và chồng chất những dấu vết không thể xoá nhoà của một kiếp người. Liệu có
cách nào ghi lại mọi ấn tượng này khi hoàng hôn đời người đã tắt bóng?
Vừa khi
trút hơi thở cuối, đời sống của nhiều nhân vật lịch sử và kiệt xuất được “bất
tử hoá” bằng những chiếc mặt nạ khuôn đúc từ chính gương mặt thật của họ để cho
hậu thế chiêm ngắm, dù phải chấp nhận cách “tả chân” tự nhiên và phũ phàng này
đối với những nhân vật nổi tiếng, hoặc cũng có thể chỉ là… khét tiếng. Chúng
được tạo ra bằng sáp hoặc thạch cao và thường được tạo ra ngay sau khi họ chết,
và có trường hợp tạo ra khi họ còn sống. Trước khi kĩ thuật nhiếp ảnh phổ biến thì ở phương Tây việc đắp mặt nạ người chết được dùng như một loại công cụ pháp y
giúp cho thân nhân nhận dạng được người quá cố nếu người thân của họ là người
bị mất tích (xem hình).
“Người đàn bà vô danh
của sông Seine” (L'Inconnue de la Seine). Chiếc mặt nạ có nụ cười bí ẩn nồi
tiếng của một cô gái vô danh, được cho là đã tự trầm xuống dòng sông Sein vì
thất tình, sau đó trở thành vật thịnh hành treo trong nhà của giới nghệ sĩ vào
thế kỉ 19.
Việc tái tạo gương mặt người chết là một
tập tục cổ xưa trong mọi nền văn minh và văn hoá thế giới, từ Ai Cập cổ đại,
châu Phi, châu Á, thổ dân Da Đỏ, Thái bình dương, v.v… và được coi là bộ phận
quan trọng trong đời sống xã hội và tín ngưỡng. Một mặt để gia đình tưởng nhớ
người quá cố, mặt nạ người chết còn đóng vai trò truyền thông giữa người sống
và người chết trong tang lễ, tạo nên một “căn cước” mới và mang tính siêu nhiên
cho người đeo nó, khoác lấy vai trò chiêu hồn hoặc để xua đuổi tà ma. Và chúng
là công cụ giúp linh hồn người chết dễ bề vượt sang thế giới bên kia, và còn có
màn múa mặt nạ để tránh sự báo thù của người chết, ngăn linh hồn không bị nguy
cơ thành cô hồn lang thang.
Mặt nạ chết của vua Tutankhamun chết trẻ năm 19 tuổi
Mặt nạ xác ướp của một phụ nữ trên cỗ quan tài Ai Cập tk. 1 CN (thời La Mã)
Ở
châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… việc bảo tồn nhục thân của các bậc
chân tu là một truyền thống thịnh hành từ thời trung cổ, nguyên phát sinh từ tục
sùng bái xá lợi Phật, và rồi dẫn đến việc bảo tồn nhục thân của các bậc cao
tăng sau khi họ viên tịch bằng cách ướp xác. Trong đó phương tiện bảo quản đặc
biệt bằng những lớp sơn mài đã khiến có thể giúp bảo tồn bền vững hình hài của
họ. Điển hình cho “kì quan” này là nhục thân của Lục tổ Huệ Năng, hiện vẫn thờ
và bảo tồn ở chùa Nam Hoa ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ thế kỉ thứ 8 đến
nay kể từ khi Huệ Năng viên tịch, thân thể và khuôn mặt ngài vẫn nguyên vẹn, và
vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (638-713) với khuôn mặt “đốn ngộ”
Hai người đang trong quy trình đắp khuôn mặt nạ người chết
Đặc biệt với kĩ thuật tái tạo gương mặt và in dấu chi tiết ba chiều với đặc
điểm chính xác, đã thịnh hành kể từ thế kỉ 13 ở phương Tây, nhất là từ thời
Phục hưng, những chiếc mặt nạ người chết để lại một “bản gốc” cho chúng ta thấy
rõ những đặc trưng về tính cách của những nhân vật lịch sử. Có những điều bí ẩn
bao quanh những con người sừng sững của lịch sử cùng rất nhiều văn nhân, nghệ
sĩ, mà những chiếc mặt nạ này có thể tiết lộ một số điều về họ. Ngày nay, không
chỉ dừng lại với mặt nạ người chết, với tiến triển vượt bậc của kĩ thuật trong
ngành này, các bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud trên khắp thế giới trở thành
nơi thu hút những bí ẩn về những nhân vật nổi tiếng của thời hiện đại, như thể
họ được “phục sinh” và hiện diện bằng xương bằng thịt.
Lịch sử mặt nạ người chết mang sự tôn kính rất mực, vì gương mặt là biểu
tượng và lưu giữ mãi cái ấn tượng cuối cùng cho cái phần tinh anh của con
người, về những người mà chúng ta đã từng nghe biết đến, hoặc họ đã từng ghi
dấu ấn trong tâm khảm của nhân loại. Chúng ta sẽ nhìn kĩ vào từng gương mặt để
lại của những vĩ nhân này, và có vài lời ánh chiếu.
VĂN NGHỆ SĨ
DANTE ALIGHIERI (1265-1321) nhà thơ người Ý, ông tin rằng chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu mới giúp con người vượt thoát khỏi Địa ngục. "Đường lên Thiên đàng bắt đầu từ Địa ngục", "Tình yêu làm di chuyển mặt trời và muôn tinh tú."
BUONARROTI MICHELANGELO (1475-1564) nhà điêu khắc, hoạ sĩ, kiến trúc và nhà thơ Ý thời đỉnh cao Phục hưng. Những lời cuối của ông:
”Tôi vẫn còn đang học tập.” (Ancora imparo)
TORQUATO TASSO (1544-1595) nhà thơ Ý, nổi tiếng với trường thi Jerusalem được giải phóng.
WILLIAM SHAKESPEARE (1564-1616) nhà viết kịch và nhà thơ Anh.
“Trần gian là một sân khấu, mọi người chỉ là những vai tuồng, hết kẻ này vào người khác ra, một đời người sắm nhiều vai, đóng bảy thời kì của kiếp người”.
SAMUEL JOHNSON (1709-1784) nhà thơ, nhà văn Anh, có ảnh hưởng lớn tới nền phê bình văn học Anh.
"Chủ nghĩa dân tộc là nơi trú ẩn cuối cùng của những kẻ vô lại."
FRIEDRICH SCHILLER (1759-1805) nhà thơ, nhà viết kịch Đức, lãnh đạo phong trào “Sturm und Drang” (Bão táp và hưng phấn).
JOHANN WOLFGANG VON GOETHE (1749-1832), nhà thơ, tiểu thuyết gia Đức. Trước phút nhắm mắt về với bóng tối vĩnh cừu, ông vẫn đòi "Thêm ánh sáng!” (mehr Licht). Cái chết của ông minh chứng cho cả đời say mê những hiệu quả vật lí và ẩn dụ của ánh sáng đối với con người, mà ông đã gửi gấm đặc biệt trong tác phẩm Lí thuyết về màu sắc. Di chúc của ông chỉ định đích danh Mozart thực hiện kiệt tác Faust, “Lẽ ra Mozart phải soạn nhạc cho Faust”. Đáng tiếc, hai thiên tài này hầu như “bất phùng thời”, Mozart đã qua đời trước đó 41 năm!
*Hai chiếc mặt nạ trên được đắp khi Goethe còn sống và khi chết.
HEINRICH HEINE (1797-1856) nhà thơ trữ tình Đức, “Tôi hôn, tức là tôi tồn tại”, và câu nói trước khi chết: “Thượng Đế sẽ tha thứ cho tôi. Đó là công việc của ngài.”
EDWARD MÖRIKE (1804-1875) một trong những nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của Đức.
JOHN KEATS (1795-1821) nhà thơ Lãng mạn Anh, “Ước chi chúng ta là những cánh bướm, sống chỉ ba ngày hè–nhưng ba ngày ấy cùng em, tôi có thể tràn đầy hoan lạc hơn năm mươi năm thường tình.” Và hàng chữ khắc trên bia mộ không nêu danh tính của nhà thơ đoản mệnh này: “Nơi đây yên nghỉ một người, tên của chàng được viết trên nước.”
WILLIAM WORDSWORTH (1770-1850), nhà thơ Lãng mạn Anh.
"Hãy bước vào ánh sáng vạn vật, hãy để Thiên nhiên là thầy của bạn."
WILLIAM BLAKE (1757-1827) nhà thơ, hoạ sĩ và nhà huyền học người Anh trong Thời kì Lãng mạn, ông đã làm cuộc hôn phối thiên đàng với địa ngục, “Vĩnh cửu phải lòng với những đứa con của thời gian”.
GIACOMO LEOPARDI (1798-1837) Nhà thơ và nhà tư tưởng Ý.
“Mỗi người nhớ về tuổi thơ như thời thần thoại của mình, hệt như tuổi thơ của mỗi dân tộc là thời thần thoại của nó.
CHARLES BAUDELAIRE (1821-1867) nhà thơ Pháp. Người chết hân hoan, 'Le Mort joyeux'
JONATHAN SWIFT (1667-1745) nhà văn trào phúng Anh. Gulliver du kí trở thành kinh điển của thế giới, châm biếm sự sa đoạ của con người nếu để cho dục vọng thống trị lí trí. Chúng ta có đủ mọi thứ tông giáo khiến chúng ta thù hận, nhưng không đủ để khiến chúng ta yêu thương nhau.”
“Phúc cho kẻ nào không kì vọng, bởi chưng hắn sẽ chẳng bao giờ thất vọng.
GUSTAV FLAUBERT (1821-1880) tiểu thuyết gia Pháp. Nổi tiếng nhất với Madame Bovary, ông nói trong đó phần lớn cũng là cuộc đời của chính ông: “Bà Bovary chính là tôi”.
A. S. PUSHKIN (1799-1837) nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của Nga và người sáng lập văn chương hiện đại Nga. Ông chết trong một trận quyết đấu.
“Sầu ơi cơn khát thanh cao nhất của ta, cùng bao giấc mộng và trầm tưởng tinh khôi, rồi vội theo nhau tan rã, như lá mùa thu tàn tạ..” (Eugene Onegin)
FRIEDRICH HEBBEL (1813-1863) nhà thơ và nhà soạn kịch Đức, đem kích thước tâm lí mới vào kịch nghệ, và sử dụng quan niệm về lịch sử của Hegel để tạo những xung đột trong những bi kịch lịch sử.
LEO TOLSTOY (1828-1910) văn hào Nga, sau những chuyến đi vô định, cuối cùng ông nghỉ và chết trong ngôi nhà của một trưởng ga, những lời cuối của ông, “Thế còn người nông dân, họ chết ra sao?”
F. M. DOSTOYEVSKY (1821-1881) nhà văn Nga, người viết tiểu thuyết hiện sinh đầu tiên, “Thà sống bất hạnh mà hiểu được điều tồi tệ nhất, còn hơn sống hạnh phúc trong thiên đàng của kẻ xuẩn ngốc”. Trên bia mộ ông khắc lời của chúa Giêsu từ sách Tân Ước:
“Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả!”, đây cũng là đề từ cho cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, Anh em nhà Karamazov.
I. S. TURGENEV (1818-1883) tác phẩm của nhà văn Nga này phần lớn viết về cuộc sống dưới chế độ nông nô và người trí thức bình dân, dân chủ trong văn học Nga. “Bạn ơi, chúng ta ngồi trong vũng lầy mà với tay lên những vì sao.”
N. V. GOGOL (1809-1852) nhà văn, nhà viết kịch Nga. Những linh hồn chết của ông được xem là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Nga.
Dante Gabriel ROSSETI (1828-1882) nhà thơ, hoạ sĩ Anh, sáng lập phái Tiền Raphael. "Một bài Sonnet
là tượng đài của một khoảnh
khắc - Đài tưởng niệm
từ cõi vĩnh hằng của Linh hồn, cho một giờ chết
bất tử."
Nhà văn và nhà thơ Pháp VICTOR HUGO (1802-1885), sau những cơn bệnh thống khổ vật vã, lời cuối cùa nhà văn nhân bản này, “Tôi nhìn thấy ánh sáng đen”.
WALT WHITMAN (1819-1892), nhà thơ Hoa Kì. Tập thơ Lá cỏ của ông khởi xướng thể thơ tự do, vừa ca ngợi tinh thần dân chủ. “Tôi kí thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu – Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới gót giày của bạn”.
WILLIAM MAKEPEACE THACKERAY (1811-1863) nhà văn Anh nổi tiếng về nghệ thuật châm biếm xã hội, thể hiện qua qua cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa.
SAINTE-BEUVE (1804-1869) nhà phê bình văn học Pháp. “Tôi chỉ biết một thứ tự do, đó là tự do tư tưởng”.
AMEDEO MODIGLIANI (1884-1920), hoạ sĩ và nhà điêu khắc Ý.
“Với một con mắt bạn nhìn ra thế giới bên ngoài, còn con mắt
kia bạn nhìn vào bên trong tự thân.”
FRIDA KAHLO (1907-1954) nữ hoạ sĩ Mexico, nổi tiếng về tranh chân dung tự hoạ. “Tôi vẽ chân dung tự hoạ bởi vì tôi thường cô độc, bởi tôi hiểu rõ mình nhất.”, “Đôi chân, ta cần mi làm gì khi ta có đôi cánh để bay?”; “Tôi hi vọng sự ra đi là
niềm vui, và không
mong sẽ quay trở lại.”
ANTONI GAUDI (1825-1926) kiến trúc sư Tây-ban-nha, người xứ Catalan.
“Ai kiếm tìm những quy luật của Tự nhiên để trợ giúp cho tác phẩm mới của mình, là cộng tác cùng với đấng sáng tạo.”
BERNARD SHAW (1856-1950) nhà viết kịch, nhà phê bình Ireland.
“Cái cách khôi hài của tôi là kể sự thật. Đó là lối khôi hài buồn cười nhất trên đời. Vở kịch là sự thành công lớn, còn khán giả là sự thất bại thảm hại.”
CÉSAR VALLEJO (1892-1938), nhà thơ Peru, một trong những nhà cách tân thơ vĩ đại của thế kỉ 20.
JAMES JOYCE (1882-1941) nhà văn Ireland,
“Khi tôi chết, Dublin sẽ được viết trong trái tim tôi”
EZRA POUND (1885-1972) nhà thơ Hoa kì.
“Văn học là tân văn vẫn giữ được văn tân” (Literature is news that stays news)
ANDRÉ BRETON (1896-1966), nhà thơ Pháp, người sáng lập chủ nghĩa Siêu thực.
“Điều đáng phục về sự quái dị là khi không còn thứ gì quái dị nữa: chỉ còn cái thực.”
NATSUME SOSEKI (1867-1916), nhà văn hiện đại trụ cột của Nhật Bản.
"Thật khó định nghĩa về con người. Họ là những sinh vật, chẳng vì lí do gì cả, tự gây cho mình sự đau khổ không cần thiết.” (Tôi là con mèo)
VISSARION BELINSKY (1811-1848), nhà phê bình văn học, nhà tư tưởng xã hội, “cha đẻ” của giới trí thức cấp tiến Nga.
“Giáo dục là một điều trọng
đại. Nó xác định số phận của một con người.”
MIKHAIL VRUBEL (1856-1910) hoạ sĩ Nga theo chủ nghĩa Tượng trưng, với phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ nghệ thuật Byzantine hậu kì và Phục hưng sơ kì.
MAXIMILLIAN VOLOSHIN (1877-1932) nhà thơ Nga tiêu biểu của phái Tượng trưng.
“Đây không phải là lần đầu tiên, mỗi khi mơ về tự do, chúng ta lại xây một ngục tù mới.”
ALEXANDER BLOK (1880-1921) nhà thơ Nga đứng đầu thi phái Tượng trưng. Ông vỡ mộng với cuộc Cách mạng Nga và bị suy sụp về tinh thần và thể xác cho tới chết.
“Mọi âm thanh đã im bặt. Bạn có nghe thấy chẳng còn âm thanh nào nữa hay sao?”
SERGEI YESENIN (1895-1925) nhà thơ Nga, đã tự kết liễu đời mình, để lại hai câu thơ tuyệt mệnh: “Ở đời chết chẳng có gì mới, nhưng sống ở đời cũng chẳng mới gì hơn.”
Nhà thơ Sôviết VLADIMIR MAIAKOVSKY (1893-1930), nhà thơ của phái Vị lai, từng hô hào “Hãy vứt Pushkin, Dostoievsky, Tolstoy,.. ra khỏi Con tàu Hiện đại.” Chỉ sau khoảng dăm năm sau cái chết của Esenin, ông cũng tự sát, để lại bài thơ tuyệt mệnh chua chát, có câu: “Xin đừng đơm đặt dựng chuyện. Người chết kinh tởm việc này.”
MAKSIM GORKY (1868-1936), nhà văn Nga và Sôviết, đặt nền móng cho phái hiện thực xã hội. Ông chết bí mật dưới bàn tay của nhân viên Bộ Nội vụ trong cuộc đàn áp của chủ nghĩa Stalin. “Chỉ những người mẹ mới có thể nghĩ đến
tương lai - bởi vì họ sinh ra nó trong con cái mình.”
MIKHAIL BULGAKOV (1891-1940) nhà văn, nhà viết kịch Nga Sô. Tiểu thuyết Bậc thầy và Margarita là một trong những kiệt tác của thế kỉ 20. "Cái thiện của bạn để làm gì nếu cái ác không tồn
tại, và mặt đất sẽ ra sao nếu mọi bóng tối đều biến mất?"
Sergei EISENSTEIN (1898-1948), đạo diễn lớn của Nga. Bộ phim kiệt tác của ông, Ivan Bạo chúa, có số phận, Phần 1: Stalin chấp nhận vì cảnh tượng hoàng đế Ivan đăng quang như một anh hùng dân tộc, nhưng Phần 2 không được chấp nhận vì bị cho rằng ám chỉ chính sách tàn bạo và thanh trừng của Stalin, còn Phần 3 dang dở, bị tịch thu và bị tiêu huỷ.
BORIS PASTERNAK (1890-1960), nhà thơ, nhà văn Nga-Sôviết. Nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago.
“Văn chương là nghệ thuật phát hiện ra điều phi thường về những con người bình thường, và nói bằng những lời bình thường về điều phi thường.”
ANNA AKHMATOVA (1889-1966) nhà thơ hiện đại lẫy lừng của Nga. Chuỗi thơ Khúc truy điệu của bà viết năm 1936-40 là kiệt tác bi thương về nỗi kinh hoàng dưới thời Stalin.
"Đó là thời đại mà chỉ những người chết mới mỉm cười và hạnh phúc trong sự yên nghỉ."
KONSTANTIN PAUSTOVSKY (1892-1968) nhà văn Nga Sôviết, chuyên về thể loại truyện ngắn. "Nghệ thuật hình thành tâm hồn con người và tạo ra những con người tốt."
HERMANN BROCH (1886-1951) nhà văn Áo và nhà tư tưởng.
“Trong cơn say của sự sa ngã, con người dễ tin rằng mình được đẩy lên cao.”
ALFRED HITCHCOCK (1899-1980), nhà đạo diễn người Anh đã làm nhiều phim tâm lí kinh dị về cái chết trong suốt sự nghiệp 60 năm, nhiều phim trở thành kinh điển. Vị Vua Trinh thám này cuối cùng cũng được bất tử hoá bằng chiếc mặt nạ của chính mình trông rất hợp với cảnh trong nhà trọ Bates Motel (Psycho). Ông chết vì bệnh thận, căn bệnh của nhiều khán giả của ông: nín thở, nín đái và sợ đến...tè ra quần.
*
NHẠC SĨ
GEORGE FRIDERIC HANDEL (1665-1759) nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức, nổi tiếng với Giáo trường ca Messiah.
WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1791) Những lời lâm chung của nhạc sĩ người Áo này: “Mùi vị thần chết trên môi tôi… tôi cảm thấy có gì đó, nó không thuộc về cõi trần này.” Trước đó ông phát biểu kinh nghiệm về cái chết: “Đối với cái chết, khi chúng ta xét thật kĩ, nó chính là mục tiêu đích thực của đời người. Vài năm qua, tôi đã tạo được mối quan hệ gần gũi với người bạn tốt nhất và chân thành nhất này, và hình ảnh người bạn này không còn làm tôi kinh sợ, mà thực sự là nguồn xoa dịu, và an ủi! Tạ ơn Thượng Đế độ lượng ban cho tôi cơ hội học biết rằng cái chết là chìa khoá mở cửa tới nguồn hoan lạc đích thực.” Kiệt tác Bộ lễ cầu hồn (Requiem), thực vậy, được soạn ra cho “người bạn ẩn danh” mà Mozart đang chờ đợi đến đón ông vừa hoàn tất kịp thời.
JOSEPH HAYDN (1732-1809), những lời cuối của lão đại nhạc sĩ người Áo ở tuổi 77 tuổi này cố xoa dịu và trấn an những người hầu của ông khi bom đại bác nã xuống khu vực lân cận: “Các con, đừng sợ, vì ở đâu có Haydn, ở đó không có tai hoạ”, ngay sau trận quân Pháp do Napoleon chỉ huy tấn công vào thành Vienna vào cuối tháng Năm 1809.
Gương mặt và bàn tay của nhạc sĩ dương cầm Ba Lan FRÉDERÍC CHOPIN (1810-1849), trước khi chết: “Ôi lòng đất thì ngột ngạt… như cơn ho này làm tôi ngạt thở. Tôi van xin các người cho thân thể tôi được lộ thiên, để tôi không phải bị chôn sống.” Và lời nhắn nhủ: “Hãy chơi Mozart để tưởng nhớ đến tôi”.
LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770-1827) nhạc sĩ Đức, “Vỗ tay đi, các bạn! Vở hài kịch đã chấm dứt.” Đó là lời mỉa mai của người nhạc sĩ vĩ đại này sau khi vị giáo sĩ đã làm xong nghi thức lâm chung cho ông. Một lời cuối khác của ông, “Tôi cảm thấy cho tới giờ mình đã viết không quá vài nốt nhạc.”
FRANZ LISZT (1811-1886) nhạc sĩ biểu diễn piano kì tài và nhà soạn nhạcHungary, đại biểu của “Trường phái Đức Mới”.
*Mặt nạ đắp sinh thời khi còn trẻ (trái) và khi qua đời (phải).
FRANZ SCHUBERT (1797-1828) nhà soạn nhạc Áo.
FELIX MENDELSSOHN (1809-1847) nhà soạn nhạc và nhạc trưởng Đức, thời kì đầu của chủ nghĩa Lãng mạn.
JOHANNES BRAHMS (1833-1897) nhà soạn nhạc Đức. Brahms, một trong “3 B” (hai người kia là Bach, Beethoven). Ông được xem là đại biểu cuối cùng của âm nhạc thời kì Cổ điển.
P. I. TCHAIKOVSKY (1840-1893) nhà soạn nhạc Nga. Ông chết vì bệnh tả mặc dù có nhiều giả thuyết về cái chết của ông do bị cưỡng bách. Giống như Mozart, “khúc hát thiên nga” của ông là bản Giao hưởng số 6Pathétique được viết ra như để trở thành khúc cầu hồn (requiem) cho chính ông, có thể minh chứng trong Chương I, chủ đề kèn trombon bất chợt được hoà âm theo thanh giọng hợp xướng từ lễ nhạc cầu hồn của Chính giáo Nga:“Cầu cho linh hồn kẻ chết được yên nghỉ cùng với linh hồn chư thánh.”
RICHARD WAGNER (1813-1883) nhà soạn nhạc Đức. Các vở nhạc kịch của ông là kết quả tổng hợp của các thể loại: âm nhạc, kịch nghệ, và thơ ca, gọi là Tổng nghệ phẩm (Gesamtkunstwerk). Do chủ nghĩa bài DoThái của ông hết sức nặng nề, cho nên âm nhạc của ông đã từng bị Đức Quốc Xã tiếm đoạt.
GUSTAV MAHLER (1860-1911) nhà soạn nhạc Áo này, số phận cũng như những nhạc sĩ khác: không ai sống qua khỏi bản giao hưởng số 9, dù đã rán sức. Hai từ cuối cùng Mahler thốt lên trước khi chết: “Mozart, Mozart!”.
HUGO WOLF (1860–1903) nhà soạn nhạc Áo, người phát triển thể ca khúc lied, hay ca khúc nghệ thuật lên tới đỉnh cao.
ALBAN BERG (1885-1935) nhà soạn nhạc Áo, trường phái Vienna, với những sáng tác kết hợp chủ nghĩa Lãng mạn của Mahler và hấp thu kĩ thuật 12 cung của Schoenberg.
*
TRIẾT GIA, KHOA HỌC GIA
MARTIN LUTHER (1483-1546) nhà thần học Đức, nhà cải cách tông giáo. Ông dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, được xem là cột mốc của nền văn chương Đức.
“Nơi nào Thiên Chúa xây nhà thờ, nơi đó Ma quỷ cất nhà nguyện.”
Khuôn mặt mang 'nỗi bất an hiện sinh' của KIERKEGAARD (1813 – 1855) - triết gia, thần học gia, được coi là triết gia hiện sinh đầu tiên. 'Cuộc đời không phải là một vấn đề cần phải được giải
quyết, mà là một thực tại cần phải được trải nghiệm.’
RENÉ DESCARTES (1596-1650), đây là cái sọ homo sapiens của ông, không có mặt nạ đắp sau khi triết gia Pháp này qua đời. Bộ hài cốt của ông bị một Đại sứ Pháp ở Thuỵ Điển bí mật cải táng và đem về lại Pháp. Sau đó suốt 350 năm, xương cốt của ông bị phân tán, tranh đoạt, đánh cắp, buôn bán, và được sùng bái như thánh tích, được các nhà khoa học nghiên cứu, và còn được dùng trong hầu đồng.
Người ta nhớ đến Descartes là người ủng hộ mạnh mẽ nhất về sự biện biệt triệt để giữa hồn và xác, thường gọi là thuyết nhị nguyên. “Tôi có một khái niệm rõ ràng và biện biệt về tự thân, như một vật thể nó tư duy và không chiếm trương độ trong không gian (…) và một ý niệm biện biệt rằng thân xác mình, như một vật thể có một trương độ và không tư duy.” Và ông đưa ra tiên đề nổi tiếng: “Cogito, ergo sum” (Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu). “Cái ‘tôi’ này—chính là linh hồn, nhờ nó mà tôi là cái tôi đang là, vốn khác biệt hoàn toàn với thân xác, và nó vẫn là nó ngay cả thân xác không hiện hữu.”
BLAISE PASCAL (1623-1662) triết gia Pháp. Gương mặt trầm tư của người đánh cược vào sự hiện hữu của Thượng đế và vào thế giới vĩnh cửu.
ISAAC NEWTON (1642-1727) nhà vật lí, thiên văn người Anh có ảnh hưởng nhất trong lịch sử khoa học. Tuy vậy, Newton lại dành thời gian để viết về Kinh Thánh và về thuật luyện đan (alchemy) nhiều hơn là khoa học. Những lời cuối nhận định về bản thân:
“Tôi chẳng biết mình là cái gì đối với thế gian. Riêng bản thân, tôi thấy mình chỉ là đứa trẻ nghịch chơi trên bãi biển, thỉnh thoảng tìm ra một viên sỏi nhẵn hơn hoặc một vỏ sò đẹp hơn bình thường, trong khi trước mặt mình còn cả một đại dương bao la chưa được khám phá.”
VOLTAIRE (1694-1778) nhà văn và triết gia Pháp. Ông luôn tranh đấu phát huy và bảo vệ cho quyền tự do của con người, và sự phán xử công minh.
"Thà mạo hiểm cứu vớt một kẻ phạm tội còn hơn lên án một người vô tội."
Jean-Jacques ROUSSEAU (1712-1778) nhà triết học thuộc trào lưu Ánh sáng, ảnh hưởng tới cuộc Cách mạng Pháp
"Con người sinh ra vốn tự do nhưng lại bị xiềng xích ở khắp nơi."
G. W. F. HEGEL (1770-1831) triết gia Đức, tư tưởng duy tâm biện chứng và những tác phẩm về quan hệ giữa nhà nước và xã hội của ông có sức ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với Karl Marx thời trẻ và sau đó. Những lời cuối của ông nói với người học trò yêu quý: “Chỉ có con hiểu thầy… nhưng mà hiểu sai!” Những học trò đời sau của ông cũng không ngoại lệ.
EDMUND BURKE (1729 -1797) triết gia Ireland, sáng tập chủ nghĩa bảo thủ hiện đại, và đại diện của chủ nghĩa tự do cổ điển.
"Điều duy nhất cần thiết để cho cái ác chiến thắng là người tốt không làm gì cả."
JEREMY BENTHAM (1746-1832) triết gia Anh, người sáng lập chủ nghĩa Công lợi
THOMAS PAINE (1737-1809) triết gia Hoa Kì của phong trào Khai sáng.
“Lí trí phục tùng chính nó, còn ngu dốt thì vâng lời bất cứ thứ gì ra lệnh cho nó.”
ALFRED NOBEL (1833-1896) nhà hoá học, người phát minh ra thuốc nổ. Người sáng lập giải Nobel.
FRIEDRICH NIETZSCHE (1844 - 1900), triết gia và nhà thơ Đức.
“Chúng ta còn có nghệ thuật để không phải chết vì hiện thực.”
*
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO, CHÍNH TRỊ GIA
LORENZO DE MEDICI (1449-1492) nhà chính trị và nhà cai trị Cộng hoà Florence trong thời hoàng kim của Phục hưng. Công đóng góp lớn nhất của ông là bảo trợ các học giả, nhà thơ, và nghệ sĩ tạo nên những kiệt tác.
HENRY VII (1457-1509) vua của nước Anh và là Chúa của Ireland, là quân vương đầu tiên của nhà Tudor.
MARY Nữ hoàng xứ Scotland (1542-1587), đối thủ chính trị của nữ hoàng Elizabeth, bị thất bại và cuối cùng bị đối thủ chém đầu.
OLIVIER CROMWELL (1599-1658) nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Anh, đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nền cộng hoà Anh.
AXIMILLIEN DE ROBESPIERRE (1758-1794) một trong những nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Pháp 1789, thuộc phái Jacobin. Ông bị xử tử khi mới 36 tuổi.
“Chỉ có hai giai cấp người: những người bạn của tự do và bình đẳng, những người bảo vệ cho những ai bị áp bức nghĩa là bạn của người nghèo chống lại bọn giàu sang bất lương và giai cấp quý tộc tàn bạo.”
JEAN-PAUL MARAT (1743-1793) nhà lý thuyết xã hội, nhà khoa học, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Pháp 1789, chủ chương những quyền căn bản cho xã hội người nghèo. Hình ảnh Marat bị sát hại đã được hoạ sĩ Jacques-Louis David bất tử hoá trong một bức tranh nổi tiếng nhất về cuộc Cách mạng.
“Chúng ta hãy đánh thuế người giàu để trợ cấp người nghèo.”
NAPOLÉON BONAPARTE (1769-1821), “Nước Pháp, quân đội, chỉ huy quân đội, Joséphine”, là những lời cuối của vị anh hùng này trước lúc chết trên đảo St. Hélena ở tuổi 51. Nhìn chiếc mặt nạ bằng cẩm thạch của vị đại đế này, ta nhớ tới những lời của thi sĩ Heine: “Napoleon không phải là thứ mà các bậc đế vương được làm ra—ông làm bằng cẩm thạch, thứ mà từ đó các thần linh được tạc ra.”
PYOTR Đại đế (1672-1725), nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga.
BENJAMIN FRANKLIN (1706-1790) một trong những người sáng lập của Hoa Kì. Ông đa tài và kiệt xuất trong mọi lãnh vực: chính trị gia, nhà khoa học, tác gia, thợ in, nhà lí thuyết chính trị, trưởng phòng bưu chính, nhạc sĩ, nhà trào phúng, nhà hoạt động dân sự, nhà phát minh, và nhà ngoại giao.
"Đầu tư cho tri thức luôn là sự đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhất".
GEORGE WASHINGTON (1732-1799), tổng thống đầu tiên của Hoa Kì
THOMAS JEFFERSON (1743-1826), tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) tổng thống thứ 3 của Hoa Kì, người sáng lập ra Đảng Dân chủ Cộng hoà, và một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại.
JOHN ADAMS (1735-1826) tổng thống thứ hai của Hoa Kì, nhà tư tưởng chính trị, người đỡ đầu của cuộc Cách mạng Mĩ. “Hạnh phúc của xã hội là kết thúc của sự cai trị.”
Abraham LINCOLN (1809-1865) tổng thống thứ 16 của Hoa kì, người giải phóng và bãi bỏ chế độ nô lệ.
ULYSSES GRANT (1822-1885) tổng thống Hoa Kì thứ 18. Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, ông là tướng của quân đội Liên bang miền Bắc.
WILLIAM McKINLEY (1843-1901), tổng thống thứ 25 của Hoa Kỳ.
SITTING BULL (1831-1890) thủ lĩnh bộ tộc Da Đỏ Lakota Sioux, lãnh đạo dân tộc mình kháng chiến chống chính quyền Hoa Kì.
"Không cần nhiều lời để nói ra sự thật". "Nếu phải chết, chúng tôi chết để bảo vệ cho quyền hạn của chúng tôi."
PANCHO VILLA (1878-1923) tướng cướp và cũng là thủ lĩnh quân sự tự do củaMexico.
GEORGI PLEKHANOV (1856-1918) nhà cách mạng, nhà lí thuyết Marxist đầu tiên của Nga.
VLADIMIR ILICH LENIN (1874-1924), người thành lập nước Nga Sôviết. Câu nói nổi tiếng của ông, “Người Cộng sản phải có một cái đầu lạnh và một trái tim hồng!”. Sau lần ông bị đột quỵ đầu tiên vào tháng 5 năm 1922, thời gian còn lại trước khi bị tê liệt hoàn toàn cho tới lúc chết, đã biểu hiện rõ nhất qua bản Di chúc của ông kêu gọi lật đổ Stalin lúc đó đang tập trung quyền lực cá nhân và sẽ trở thành hiểm hoạ.
LEON TROTSKY (1879-1940 ) nhà lí thuyết Marxist, lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nga 1917, ông đưa ra tư tưởng về cuộc Cách mạng Thường trực, và thành lập Đệ tứ Quốc tế dự định thay cho Quốc tế Cộng sản của Stalin. Ông bị mật vụ của Stalin ám sát tại nhà ở Mexico.
*
Các trang tham khảo trực tuyến về “mặt nạ người chết”:
*Bộ sưu tập trực tuyến, từ One Street Museum ở Kiev, Ukraina:
*Undying Faces: Death Masks-Life Masks:
*Bộ sưu tập của Laurence Hutton, ở Thư viện Đại học Princeton:
*It THING:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét