Paul Claudel (1868–1955)
Hà Vũ Trọng dịch
Năm 1921, nhờ sự khích lệ của người chị là Camille (học trò của Rodin), Claudel đã khởi hành sang phương Đông. Từ đó, ông trải qua hai mươi năm ở Trung Quốc và Nhật Bản với những chức vụ khác nhau về ngoại giao. Tại đó những trầm tư của ông về kí tự trong Hán văn và Nhật văn, những chiêm nghiệm về vườn cảnh, và quan tâm đến thiền tông, tất cả đã dẫn ông tới kết cuộc rút lui vào bản ngã, trong một vòng tròn mang dư vị ngọt đắng.
Những bài với các ‘văn tự biểu ý phương Tây’ (occidental ideograms) này thuộc trong số những tuyệt tác của Claudel, xuất bản lần đầu năm 1927 ở Tokyo. Như vậy, r ất lâu trước khi thơ haiku được các nhà thơ ‘Beatnik’ hấp thu vào thập niên 1960 thì Claudel đã thử nghiệm sự tổng hợp riêng của ông với thể thơ đặc thù này. Các bài thơ của Claudel gồm hai hoặc ba dòng ngắn tạo nên một tam đoạn luận đầy thi vị và biểu cảm. Bằng việc sắp cạnh nhau những hình tượng và những phương thức đầy ngụ ý làm bật ra những liên tưởng khác trong tâm trí. Chúng được in ra ở đây theo như ông quy định để kích thích một cơn ‘xuất huyết của những giác quan’. Ý niệm về chuyển động và bất động, điển hình bằng cái quạt phành phạch rồi bất ngờ gập lại, thường xảy ra trong tác phẩm của Claudel. Từ tư tưởng Đạo giáo, ông học được rằng ‘bất động (tĩnh) không phải là thiếu chuyển động, mà là sự chuyển động thoát khỏi sự bị dời chỗ cục bộ’; một quan niệm thích hợp cho một người như chính ông đã từng muốn vào dòng tu kín của Công giáo.
Cùng với cuốn Connaissance de l’Est (Để hiểu phương Đông) của ông, tập thơ Cent phrases pour éventails (Một trăm đề thơ cho những cái quạt) này đã mở ra những không gian mới cho những nhà văn khác của Pháp. Claudel biểu lộ với người bạn Stéphane Mallarmé cảm nhận của ông vể việc ‘sống trong sự quên lãng hoàn bích nhất làm tôi hân hoan’. Những vần thơ tao nhã và đầy ám dụ này bắt nguồn từ chính định nghĩa riêng của ông về xứ “phi tưởng phi phi tưởng” đó.
Bản dịch dưới đây chỉ là dịch tạm nghĩa, chưa tiện theo đúng cách trình bày các bài thơ trong nguyên tác. Claudel đã chủ ý kết hợp hình thức trình bày chữ viết hay thư pháp, kể cả chữ Nho, như một cách thử nghiệm ‘văn tự biểu ý kiểu phương Tây’, để biểu đạt một ý tưởng trong một bài thơ, như sự đảo vị các dòng và các từ, để chừa khoảng trống, để treo lửng những phụ âm câm, dấu chấm và trọng âm, sự hợp tác giữa trầm tư và biểu lộ, âm thanh, tiếng nói, giấc mơ, hổi tưởng, viết và suy tư; cũng chính sự giao động trí năng của mỗi từ hay phần thiết yếu của mỗi từ sẽ tự phơi mở tới người đọc đủ kiên nhẫn để thưởng thức hương vị từng bài thơ, cứ thong thả, bài này tiếp bài khác, như thể bạn hớp từng ngụm một tách trà nhỏ thật nóng.
Chiếc quạt
Những bài thơ
viết trên
hơi thở
Chiếc quạt
lời nhà thơ
chỉ còn lại hơi thở
Giữa nhuỵ
đoá mẫu đơn trắng
không phải sắc màu
mà tưởng niệm một sắc màu
không phải mùi hương
mà tưởng niệm một mùi hương
Trên mọi nẻo đường
quanh Kinh đô
những đoá diên vĩ bắt đầu diễu hành
để chiêm ngưỡng nhan Hoàng đế
Trên đỉnh cao vô lượng
như ngai Thần linh
hướng xuống chúng ta
chở theo một biển mây
Thiên sứ Nhật Bản
lại khoác vào
chiếc áo lông vũ
Bốn giờ sáng
Màu sắc và ánh sáng
mặt trời và mặt trăng
hoà quyện nhau
như nước với rượu vang
Bốn giờ chiều
Đêm lần lần gieo hạt
vầng trăng trên trời
gom ánh sáng lại
Dây tử đằng
ngàn cánh tay quấn vào
thân tuyết tùng tang tóc
con rắn muôn đầu của cuộc đời
leo lên tạ ơn Thần Chết
Địa Tạng ̶
trên bệ đá
mắt nhắm lại
như bị loá
ánh trăng rằm
Một lời cầu nguyện
tội nghiệp
chênh vênh như viên đá
đặt trên đầu Địa Tạng
Như người thợ dệt
nhờ con thoi thần kì
tôi kết hợp tia nắng
vào với sợi mưa
Đêm
áp gò má vào tượng phật đá này
để cảm nhận hơi nóng
ban ngày
Áp tai vào và cảm thấy
sâu thẳm trong lồng ngực thần linh
tình yêu dần nhạt phai
Vị thần nói
Chẳng phải dây tử đằng siết cổ ta
chính là dây nho và quả nho
Đêm nay
trên giường
tôi thấy bàn tay mình
dò tìm cái bóng trên tường
Trăng đã lên
Màu đỏ
Máu
thấm vào xác
tinh thần
thấm vào hồn
Bạn ơi
Gọi tôi là Hồng
Nhưng nếu bạn đã biết tên thật của tôi
tôi ắt sẽ héo
tức thì
Một đoá hồng
đỏ nồng đến nỗi
làm hoen ố linh hồn
như rượu vang
Chỉ có đoá hồng
đủ mong manh
biểu hiện cho Vĩnh cửu
Không phải gai bảo vệ tôi
đoá Hồng nói
mà là mùi hương
Một mùi hương
khi ngửi
bạn phải nhắm mắt lại
Ta nhắm mắt lại
và đoá Hồng nói
chính tôi đây
Ta lại mở mắt ra
và đoá hồng biến mất
ta hít tất cả nó vào lòng
Hương trầm
như dòng thơ
tôi đang viết
nửa tro nửa khói
Cuối tháng Tám
Trong lớp sương mù
giữa ngàn cánh chuồn chuồn
ba cánh bướm trắng
Ai không nhìn vào
bụi đỗ quyên
sẽ không nghe tiếng suối
Con thuyền nhỏ lướt đi
hàng hoá là
vài âm tiết này đây
Thu mình cạnh chiếc bình
chú mèo lim dim nói:
tớ thật sự không thích cá
Ngã nhoài cùng đôi guốc mộc
tôi ráng chụp bắt
chùm tuyết đầu mùa
Trong vầng trăng chết
Nhìn! Một con thỏ sống!
Cạn nguồn cảm hứng
Nhà thơ câu cá không lưỡi câu
trong một chén sakê
Bình phong
Mọi khởi đầu
mọi hội tụ
thành vàng ròng
Hết thảy thiên nhiên
sinh ra từ vàng
hiện ra từ trận tắm gội
của vĩnh cửu
Chiếc quạt
Tôi vớt được không khí
trong một xứ sở hư cấu
Mực
nhựa sống của tinh thần
máu của tư tưởng
Trống không
khu vườn này
như cái chén bạn sẽ đến
để nếm tiên dược
trọn vẹn bức phong cảnh
tẩm hương thơm này
Song cửa
lúc rạng đông
mở ra màn sương mù trắng
xứ sở của hổ phách và lửa
Nhật Bản
như cây đàn tranh
toàn thân rung bần bật
dưới ngón tay Mặt Trời Mọc
Thủ bút một bài thơ của Paul Claudel, trích trong tập Cent phrases pour éventails
*
Nguồn: trích dịch từ Paul Claudel, A Hundred Movements for a Fan (Nguyên tác: Cent phrases pour éventails), do Andrew Harvey & Iain Watson dịch và dẫn nhập, Quartet Encounters 1992
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét