Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Mùa xuân hôn phối trong tranh Botticelli

'Xin ban xuống cho mùa xuân hôn phối...' (Hàn Mạc Tử)



























Sandro Botticelli, Mùa xuân (Primavera), 203 x 314cm, Florence, Galleria Degli Uffizi, 1480/82. 
Từ trái sang phải: thần Mercury, ba Mĩ thần, Venus, Flora, Chloris, Zephyrus.


Giờ đang là mùa xuân, mùa được yêu chuộng nhất trong Thiên nhiên. Ba Mĩ nữ thần (Graces) đang luân vũ, một nữ thần Thượng ngàn (Nymph) đang gieo rắc muôn hoa. Đây là thời điểm của những cuộc phiêu lưu tình ái, biểu tượng là nữ thần Venus và con trai của nàng là thần Ái tình Eros bịt mắt đang bay lượn và nhắm bắn bằng mũi tên cháy bỏng. Thần gió Zephyrus đang đuổi bắt Nữ Chúa Hoa Chloris. Còn thần Mercury đang cầm trượng xua tan những áng mây ra khỏi khu vườn hôn phối để đem tới ánh nắng mùa xuân.

Primavera hay Mùa xuân là bức tranh lừng danh nhất của danh hoạ Ý Sandro Botticelli (1445-1510), cùng với bức Venus sinh thành. Vào thời đại Botticelli sáng tác bức Mùa xuân, 1478, nhiều đầu óc đã mở ra với những tư tưởng mới của chủ nghĩa Nhân văn. Tông giáo không còn là chủ đề chính cần thiết cho tác phẩm của người nghệ sĩ nữa. Những tác phẩm mang chủ đề thần thoại nếu được vẽ khoảng 100 năm trước đó đã không được nhà thờ chấp nhận bởi vì chúng quá khác biệt so với những hoạ phẩm truyền thống. Khi hoạ phẩm mượn chủ đề thần thoại được hấp thu vào nghệ thuật Phục hưng, Botticelli đã làm một bước đột phá mới và là người đầu tiên tạo nên những bối cảnh thần thoại ở tầm mức hoành tráng. Có hai lối giải thích về bức tranh, thứ nhất, một số sử gia cho rằng nó là biểu tượng cho sự hôn phối dành cho việc cử hành một lễ cưới trong gia tộc Medici. Thứ hai, theo giải thích gần đây thì bức tranh chủ ý mô tả toàn bộ những ngành Nghệ thuật Tự do, đây cũng chính là điều đã mang lại sức sáng tạo thăng hoa qua việc bảo trợ nghệ thuật của thế gia Lorenzo de Medici.

Trong bức Mùa xuân, Botticelli sử dụng đề tài mùa Xuân để khai triển bốn tầng luận chứng:
1) Trật tự vũ trụ và sự tái tạo của thiên nhiên;
2) Tính dục thiêng liêng của tự nhiên và xem hôn nhân là văn minh;
3) Sự thịnh vượng về chính trị ở Florence dưới thời của Medici; và 
4) Cuộc phục hưng về văn hoá ở Florence cho thấy tư tưởng cao cả và tài lãnh đạo của Medici.

Khi hoạ sĩ Vasari nhìn thấy bức Mùa xuân trong dinh thự Medici ở Castello vào thế kỉ 16 đã làm ông liên tưởng và mô tả trong cuốn tiểu sử về các hoạ sĩ Ý rằng 'nữ thần Venus như là biểu tượng của mùa xuân, được các Mĩ nữ thần trang điểm bằng muôn hoa'. Tuy ẩn dụ tượng trưng phức hợp này vẫn còn trong vòng tranh cãi của lịch sử và nghệ thuật, nhưng có một điều gần như được tán đồng chung là tác phẩm này đã được khởi hứng từ những tác phẩm kinh điển như của Ovid, Lucretius, và Poliziano.


Trong chi tiết bức Mùa xuân, ở bên phải là thần gió tây Zephyrus sắc xanh da trời với đôi cánh đang bay, thổi gió và đuổi theo nữ thần thượng ngàn Chloris (nghĩa là màu 'xanh lá cây') để bắt nàng làm cô dâu của mình, và rồi nàng đã hoá thân thành nữ thần của muôn hoa nảy nở trong một cuộc hôn phối tưng bừng được nhân cách hoá cho mùa xuân. Botticelli đã chuyển hoá nhân vật Chloris này từ thần thoại Hilạp thành nữ thần Flora (tên tương đương trong thần thoại Lamã) và ông đã nắm bắt chính giây phút này, ‘Khi nàng cất tiếng, từ môi nàng thở ra những đoá tầm xuân: Ta chính là Chloris, giờ mệnh danh là Flora”(Ovid, Fasti, V.194-195). Cô dâu hạnh phúc của Zephyrus gom những đoá hoa trước bụng biểu hiện cho đàn con sẽ ra đời. Primavera cũng là một bách khoa về thực vật, hoạ sĩ đã quan sát và vẽ một cách tinh tế hơn 500 loài hoa và thảo mộc theo chu kì mùa xuân. 

Ở phía tay trái, chàng trai trẻ ngoài bìa bức tranh là thần Mercury với đôi xăngđan chắp cánh và chiếc mũ của kẻ lữ hành, đây là sứ giả của thần Jupiter và biểu tượng cho tri thức. Ở đây, Mercury là nhân cách hoá của những ngành nghệ thuật tự do, biểu hiện cho Trí tuệ trần gian trong một cuộc lễ hôn phối thần tiên có các thần linh tham dự.


Tất nhiên, thần Venus ở trung tâm khu vườn là nhân vật chính trong cuộc hôn phối này, nàng là nguồn cảm hứng cho sức hồi sinh của mùa xuân. Vị nữ thần này làm chủ về tính dục trong trời đất cũng như tình yêu hôn phối và dục tình. Tính phồn thực của Venus thường được các văn sĩ thời cổ điển và nhân văn của thời Phục hưng đặt nàng vào những khu vườn huê tình hoặc quang cảnh điền viên.

Như là những người đồng hành của Venus, ba Mĩ nữ thần xuất hiện trong nhiều đề tài gắn bó với nữ thần này. Các Mĩ nữ thần trong nghệ thuật cổ điển và Phục hưng thường được mô tả đứng bên nhau một cách cân xứng, những cánh tay và bàn tay của họ đan quyện vào với nhau. Botticelli đã chuyển hoá ba Mĩ nữ thần thành những nhân vật tụng ca mùa Xuân một cách năng động qua việc họ luân vũ, một vũ điệu quây tròn để ca ngợi sự ra đời của Venus.

Mùa xuân của Botticelli là một tụng ca của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng đối với thiên nhiên như là chốn của lạc thú tình yêu, vẻ đẹp thân xác, và tính phồn thực của tính dục, tất cả đều được xem là thiêng liêng. Và cuối cùng, mùa xuân trong Primavera nên được xem như có liên hệ tới sự tái sinh hay 'phục hưng' (renaissance) về văn hoá – mùa xuân cũng là thời hoàng kim để phục hưng trí tuệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét