Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Nữ tính vĩnh cửu trong tranh shunga của Harunobu

Hà Vũ Trọng



Ngày nay tên tuổi của hoạ sĩ Suzuki Harunobu (鈴木春信Linh-mộc Xuân-tín, 1725–1770) thuộc phong cách hội hoạ Phù thế Ukyo-e thường bị lấn át bởi những tên tuổi lừng danh thế giới như Hokusai và Utamaro, nhưng trong lịch sử Ukyo-e, ông là một hoạ sĩ đã làm một cuộc cách mạng quan trọng. Đặc biệt, trong thế giới tranh mộc bản chủ yếu in bằng mực đen (sumizuri) (xem hình), Harunobu là hoạ sĩ đầu tiên, năm 1765, đã tạo ra tranh mộc bản đa sắc (xem hình). Những mộc bản lộng lẫy này bằng việc thêm những màu sắc rực rỡ và kĩ thuật tinh tế mà trước đó căn bản chỉ có trắng và đen, đã tạo nên một cú sốc về thị giác với thị dân Edo thời đó, đúng hơn là đối với cả nước Nhật. Loại tranh mộc bản này gọi là Edo-e (tranh Edo) hay nishiki-e (錦絵 cẩm hội, “tranh gấm”, tranh lộng lẫy như gấm dệt hoa văn nhiều màu). Haronobu sử dụng nhiều kĩ thuật đặc biệt và miêu tả nhiều đề tài đa dạng, từ thơ cổ điển cho tới những mĩ nhân đương thời. Cũng như nhiều hoạ sĩ khác, Harunobu sáng tác nhiều tranh shunga hay xuân hoạ. Cuộc đời của ông người ta biết rất ít. 

Torii Kiyonobu I, người sáng lập trường phái Torii của thể loại mộc bản đơn sắc, Một kĩ nữ đang vẽ trên bình phong, 1711


Suzuki Harunobu, Cô thợ dệt, 1765, sự kết hợp màu sắc rực rỡ của kimono cùng với nền đỏ chói, hẳn đã làm cho dân Edo đương thời kinh ngạc, vì họ vốn quen với loại tranh trắng đen sumizuri.


Nghịch chơi với hoa trà, 1765-70


Đạt Ma Sư Tổ đòi hút thuốc, 1765


Ông chịu ảnh hưởng từ nhiều hoạ sĩ như Torii Kiyomitsu, Ishikawa Toyonobu và các hoạ phái như Kawamata và Kanō, tuy nhiên nguồn ảnh hưởng mạnh nhất có lẽ là Ishikawa Sukenobu, người thầy trực tiếp của ông. Harunobu khởi đầu sự nghiệp với phong cách của trường phái Torii, ông tạo ra nhiều tác phẩm tuy tinh xảo nhưng không cách tân và trội bật mấy. Chính nhờ qua quan hệ của ông với một nhóm văn nhân samurai mà Harunobu có cơ hội tìm ra những hình thức mới và những phong cách mới. Năm 1764, do quan hệ giao tế, ông đã chọn giúp những văn nhân samurai này tạo nên loại lịch tranh e-goyomi  mà tầng lớp này say mê, loại lịch có minh hoạ tranh mộc bản trước đó rất hiếm. Harunobu vốn thân quen với nhiều hoạ sĩ nổi danh, nhiều học giả của thời kì này cũng như nhiều bạn hữu của vị shogun. Các cuốn lịch tranh của Harunobu phối hợp lịch pháp âm lịch đi kèm những hình ảnh, đã được những nhóm và đoàn thể ở Edo dùng làm quà tặng nhau đầu năm. Loại lịch tranh này là những mộc bản đa sắc đầu tiên. Ông đã thử nghiệm và dùng chất liệu như gỗ anh đào thay cho gỗ tử chúc (catalpa) và áp dụng các lớp màu dày hơn để đạt hiệu quả màu đục hơn. Việc cách tân quan trọng nhất là dùng rất nhiều tấm ván in rời để in một bức tranh; Harunobu đã áp dụng kĩ thuật mới đối với tranh ukyo-e có thể lên tới 10 màu khác nhau trên một tấm giấy đơn. Kĩ thuật mới này phụ thuộc vào cách vận dụng những khía hình chữ v và những cái nêm để giữ tấm giấy cho đúng chỗ và giữ cho những lần in chồng màu kế tiếp nhau được ngay ngắn. Kĩ thuật này lần đầu tiên sử dụng trong một cuốn lịch tranh, và năm khai sinh ra nó có thể tìm ra chính xác là 1765.  
  
Vào cuối những năm 1760, Harunobu trở thành một trong những hoạ sĩ quan trọng tạo ra thể loại mĩ nhân hoạ (bijinga) và các đào kép kabuki của Edo, cùng những chủ đề khác để cung cấp cho giới sành điệu về tranh mộc bản của thị trường Edo. Trong một vài trường hợp, nổi bật là bộ tranh shunga của ông nhan đề Phong lưu toạ phu bát cảnh (Furyu Zashiki hakkei/Tám cảnh phong lưu trong nội thất). Ở đây, tên hoặc dấu triện của nhà bảo trợ xuất hiện trên tranh cùng với, hoặc thay thế cho tên hay con dấu của Harunobu. Sự hiện diện của tên hoặc dấu triện của nhà bảo trợ, và đặc biệt bỏ qua tên hoặc dấu triện của hoạ sĩ, là một phát triển mới lạ khác trong thể loại ukyo-ecủa thời kì này.

Giữa những năm 1765 và 1770, Harunobu sáng tác trên 20 hoạ tập và hơn một ngàn bức mộc bản đa sắc, cùng với nhiều hoạ phẩm. Ông được xem là bậc hoạ sư của ukiyo-e trong những năm cuối đời này, và đã có nhiều hoạ sĩ mô phỏng tranh ông suốt nhiều năm sau khi ông mất ở tuổi 46. Phong cách của ông bị lu mờ sau đó do lớp hoạ sĩ mới xuất hiện như Katsukawa Shunshōvà Torii Kiyonaga

Harunobu cũng được coi là hoạ sĩ vĩ đại nhất thời đại này về miêu tả đời sống thành thị Edo. Đề tài của ông không hạn chế với giới kĩ nữ, đào képkabuki, và võ sĩ sumo, mà còn bao gồm những người bán hàng rong, các chú bé giúp việc, và nhiều đề tài khác giúp bổ khuyết vào những miêu tả văn hoá về thời kì này. Tác phẩm của ông phong phú đầy tính văn chương, ông thường trích dẫn thơ ca cổ điển Nhật, nhưng những minh hoạ kèm theo cũng thường pha chút hài hước nhẹ nhàng đối với chủ đề bằng cái kĩ xảo dí dỏm đặc trưng của ông gọi là mitate, thường diễu nhại đối với các đề tài cổ điển chẳng hạn như bộ Phong lưu toạ phu bát cảnh của ông diễu nhại bộ tranh Tiêu Tương Bát cảnh (xem dưới cùng).

Nhiều mộc bản có nền phủ kín một màu, tạo nên kĩ thuật gọi là tsubiki gây hiệu quả rất mạnh, và cái nền phủ màu ấy làm nên sắc thái chung cho toàn bức tranh. Ngoài những cách tân mang tính cách mạng đối với kĩ thuật mộc bản đa sắc, phong cách riêng của ông độc đáo về nhiều phương diện khác. Hình tượng nhân vật của ông tất cả đều mảnh mai, thanh thoát và trẻ măng. Tuy nhiên, cũng chính những thiếu nữ thanh xuân ấy là hình ảnh cô đọng cho phong cách riêng của Harunobu, và đó cũng là điều mà ông vượt qua tất cả những hoạ sĩ khác: hình ảnh nữ tính vĩnh cửu trong những cảnh đầy chất thơ.

Cặp trai gái và người bán mì rong ban đêm, 1766


Thần Daikoku từ bức tranh ra dòm lén (Daikoku: Đại Hắc Thiên, một trong bảy vị Phúc thần của Nhật, một loại thần tài, chủ về gia sự)


Cặp trai gái với đầu lân và em bé đánh trống


Vợ chồng thuyền chài, 1765-70


Cặp vợ chồng với đứa con nghịch đồ chơi hình cá, 1765


Dưới đây giới thiệu bộ tranh Phong lưu toạ phu bát cảnh 風流座敷八景 (Tám cảnh phong lưu trong nội thất), gồm 8 bức, có chú giải. Ý tưởng của Harunobu khi áp dụng khái niệm Tiêu Tương bát cảnh của Trung Quốc trong hình thức mitate (giả tá) phong cảnh của Nhật bản (như vùng Ômi, cảnh khu đèn đỏ Yoshiwara) chắc hẳn là ông dùng những thứ trần tục mitate cho những thứ cao viễn, để mang cái cao viễn vào đời sống hàng ngày. Trong những bộ tranh này là điển hình, tâm lí về tình dục được chuyển hoá sang hình ảnh thị giác, khiến chúng ta có thể hiểu được cái lạc thú thực sự của mitate, đồng thời vừa tư duy lại cái ý nghĩa thực của Bát cảnh Tiêu Tương cổ điển vừa mang một ý nghỉa sinh động về thực tại.   


1. Cầm trụ lạc nhạn  琴柱の落雁 (Đàn ngỗng sa xuống phím đàn), mitate của Bình sa lạc nhạn 平沙(Nhạn sa bãi cát)

Thơ đề: Phải chăng vì tiếng đàn quyến rủ, đàn ngỗng đầu tiên của năm nay, từ bầu trời sa xuống. 

Đây là kĩ xảo mitate đầy ngụ ýCảnh phía sau là tấm bình phong miêu tả cảnh đàn ngỗng sà xuống bãi cát, người xem dễ nhận ra dãy phím đàn koto mà cô gái trẻ đang chơi, là mitatecho “lạc nhạn” và mặt đàn koto là mitate cho “bình sa”. Trong bức tranh mô tả mối tình đầu của cặp trai gái rất trẻ, chàng trai vòng tay quanh vai cô gái đang chơi đàn, họ đang hôn nhau. Con chó mực quay đi chỗ khác làm như không nhìn thấy sự lãng mạn của chủ nhân.  



2. Phiến tử thanh lam 扇の清 (Quạt xếp, trời quang), mitate của Sơn thị tình lam 山市晴 (Chợ núi, trời quang).

Thơ đề: Theo làn gió quạt phe phẩy, những đám mây vẽ rồi biến đi, như mây bị gió núi xua tan. 

Trong tranh, người bán dạo quạt giấy xuất hiện ở cửa sau nhà vào một chiều hè, trong khi một cô vú nuôi đang coi một chú bé ờ gian sân trong nhà. Cái hộp đựng quạt đặt trên hiên vừa mở ra với bức vẽ “hổ trúc”. Bởi đa số người bán quạt dạo cho phụ nữ các gia đình thường là các chàng rất trẻ, như trong bức này, đầu vẫn còn để chòm tóc trước trán. Người đàn bà có lẽ là người giữ trẻ, đang lúc lựa mua quạt, bất chợt cơn dục tình nổi lên, cô táo bạo sờ soạng lên bẹnkimono của chàng trai rồi nắm lấy dương vật. Nghệ thuật mitate ở đây hoạ sĩ áp dụng ám chỉ “những đám mây” đang nổi “tình mây mưa” trong bầu trời xanh ngày đầu hè.  Điều hơi hóm hỉnh là hành động của đứa bé nắm lấy bình cổ chai và đang rót nước đầy chai, như thể đang nhại “công việc bằng tay” của cô vú nuôi.  


3. Thời kế vãn chung 時計の晩鐘 (Chuông đồng hồ ban chiều), mitate của Yên tự vãn chung 煙寺晚鍾 (Chuông chùa, khói chiều)

Thơ: Đêm xuống, đồng hổ điểm, càng thấm thía nỗi đơn côi.

Trong tranh, cái đồng hồ báo thức bên góc phải là mitate cho “chuông chùa”. Bố cục với người đàn ông và đàn bà đang làm tình trong một tư thế hiếm thấy trên tấm trải giường dày màu đỏ, trong khi một người đàn bà khác nhìn lén họ từ sau tấm cửa kéo, motif nhìn lén thường được Harunobu áp dụng (như trong loạt tranh chàng Hạt Đậu Maneemon). Có thể đoán đây là một cặp vợ chồng trẻ trong một gia đình thương gia giàu có. Chàng ta hãy con đeo phù hiệu trên kimono, cho thấy đây là hành động vội vã xảy ra khi chàng vừa về nhà. Nhưng trong bức tranh này người đầy tớ gái đang nhìn lén lại là nhân vật chính, và những dòng thơ phản ánh tâm trạng của cô “Peeping Tom” này: “Đêm xuống, nghe tiếng đồng hổ điểm, càng thấm thía nỗi đơn côi”, nỗi trống trải bị khuấy động. Chiếc đồng hồ điểm canh sau lưng và người tớ gái đang khom mình sau tấm cửa kéo có thể xem như nỗi dằn vặt vì dục tình trống trải của kẻ đơn chiếc. Người đàn bà không thể ngừng được động tác luồn bàn tay trái vào bộ phận kín của mình. 



4. Kính đài thu nguyệt 鏡台の秋(Trăng thu trên giá gương), mitate cùa Động đình thu nguyệt(Trăng thu Động Đình).

Người vợ ở trần đang trang điểm trước gương, có lẽ là cô dâu mới cưới vì vành lông mày còn chưa cạo. Vật đeo trên cổ là linh phù trong đó có miếng bùa hộ thân cho phụ nữ. Người chồng đang hút thuốc, ngắm nàng, bất chợt nổi cơn động tình, ôm choàng vợ từ sau, rồi vạch cạp váy kimono của nàng ra. Có thể cho rằng cái gương tròn gắn trên cái giá là mitate cho vành trăng thu, và tấm thân trắng ngần của người vợ mới cưới cũng là mitate của “trăng thu” đang bị “những đám mây” che bởi lớp y phục. Khi người chồng vạch lớpkimono ra thì cả phần thân trên và dưới của nàng lộ ra đủ hình dạng “trăng tròn vành vạnh”.  


5. Hành đăng tịch chiếu 行燈の夕 (Ánh chiều của đèn lồng), mitate của Ngư thôn tịch chiếu (漁村夕 (Thôn chài chiều xế)

Người vợ cầm chiếc đèn lồng xăm xăm bước vào một cảnh tượng: người chồng đang trong cơn lên tới cao trào trong gian phòng nhỏ dưới cầu thang. Ta thấy người vợ quấn chiếc iwataobi (tấm vải của đàn bà có bầu quấn quanh bụng để bảo vệ bào thai) nên có thể đoán được bà đang nghi ngờ chồng có mèo mỡ, ở đây là với người tớ gái. Cái đèn lồng mà người vợ cầm là mitate của ‘tịch chiếu”. Nói cách khác, bà vợ đang mang bầu là mitate của “xế chiều”, chuyển từ mặt trời ban ngày chói sáng, và hoàng hôn xuống, rồi những ngọn đèn nhà thắp lên. Quan tâm của người chồng giờ chuyển sang “đèn nhà” mitate cho tớ gái trong nhà. Sự không chung thuỷ của người chồng thay đổi giống như vào lúc chạng vạng không ai biết trước được. Tương phản giữa khuôn mặt người vợ giận dữ và người tớ gái vẫn đang còn đê mê, còn người chồng ở giữa mang vẻ đột nhiên nhận ra có chuyện xảy ra.  


6. Đài tử dạ vũ 台子の夜雨 (Mưa đêm trên giá), mitate của Tiêu Tương dạ vũ 瀟湘夜 (Mưa đêm Tiêu Tương)

Thơ đề: Đêm thâu, tiếng nước sôi ồ ạt—hay tiếng mưa nhỏ trên sàn? 

So sánh “tiếng nước sôi” từ ấm trà trên giá treo với “tiếng mưa đêm”. Phía trước cái giá treo ấm nước, một người đàn ông có lẽ là người chồng gạ gẫm một cô gái tay đang cầm khăn giấy kaishi (dùng trong trà đạo). Họ đang bị một người đàn bà theo dõi và mở hé cái cửa kéo. Lưu ý cặp lông mày của người đàn bà đã cạo, tức đã có con, vì thế có thể là người vợ. Như ở hoàn cảnh bức trước có một bà vợ chứng kiến cảnh sự không chung thuỷ của chồng. Thường thường nghe thấy tiếng chồng tận hưởng thú uống trà, nhưng đêm nay bất ngờ bà vợ nghe thấy những “tiếng mưa đêm” với âm thanh ứ hự thật đáng ngờ phát ra từ trà thất. Khi bà tới mở cánh cửa ra xem sao, nhìn kìa, người chồng đang trong tư thế tận hưởng một cơn hứng dục tình. Sự tương phản giữa vẻ mặt run rẩy của người vợ với bàn tay đưa lên miệng và cau mày, với lại vẻ mặt thống khoái của người chồng, đôi mắt nhắm nghiền mê mẩn, khiến chúng ta đoán được cơn lôi đình sẽ sớm xảy ra. Khác với cảnh trước, quả tim bất trung của người chồng là mitate cho “tịch chiếu”, trong bức này cảnh “dạ vũ” làmitate cho tâm lí của người vợ khi phát hiện ra sự bất trung của chồng. Phần lớn những loạt shunga không có tình tiết liên tục, nhưng lại thể hiện tâm lí tính dục từ những phía khác nhau của đàn ông và đàn bà.
 


7. Thủ thức quải quy phàm手拭掛帰帆 (Buồm về trên giá treo khăn), mitate của Viễn phố quy phàm遠浦帆 (Buồm về bến xa)

Thơ đề: Con thuyền buồm kia no gió, Nó tới bến này chăng? A, nó đang cập vào đây!

Quan sát cái vườn sau thật trang nhã với những bậc đá rải từ hiên tới cái cổng tre, gần cửa là người đàn ông trung niên với một cô gái đang nhổ râu cho chàng. Cặp này có lẽ là một ông chủ với cô tình nhân. Nếu vậy, có thể xem ngôi nhà của cô gái trẻ này như là mitate cho “bến xa” (viễn phố) và tình tự của người đàn ông hướng tới ngôi nhà của người tình như là mitatecho “buồm về” (quy phàm). Người đàn ông giờ đã đặt tay vòng vai cô, đang hôn, còn tay kia đang luồn dưới áo nàng.  


8. Đồ dũng mộ tuyết 塗桶の暮雪 (Tuyết chiều trên giá bông), mitate của Giang thiên mộ tuyết 江天暮 (Chiều tuyết trên sông)

Thơ: Chân Núi Fuji thẫm màu, nhưng khi tôi nhìn lên bầu trời sẩm tối, tuyết trắng lấp lánh

Bài thơ này sánh núi tuyết Fuji lúc sẩm tối với lại “chiều tuyết trên sông”. Trong tranh là cái giá bông tương phản phần dưới lộ màu đen sơn mài với phần trên phủ tấm vải bông màu trắng mitate cho núi Phú sĩ. Ở Edo thời đó, những phụ nữ làm nghề trải những tấm vải bông, đằng sau họ thường kiêm nghề bán dâm. Trong tranh, người đàn ông và đàn bà làm tình trong gian phòng trải vải bông, sau lưng người đàn ông là cuốn sổ kế toán trên đó ghi “sổ ghi chép việc trải bông”, ta có thể đoán ông là một thư kí một cửa tiệm đến để thu hàng vải bông và nghề của hai loại người này thường qua lại với nhau.

Tham khảo chính:
-         The Shunga of Suzuki Harunobu–Mitate-e and Sexuality in Edo, Nxb Nichibunken, Kyoto 2001
-         Wikipedia: “Suzuki Harunobu”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét