Hà Vũ Trọng
Nguồn gốc trường phái nghệ thuật Phật giáo theo phong cách Hilạp (Greco-Buddhist) lừng danh này, theo một số học giả, bắt đầu khoảng thế kỉ 2 trước CN ở Gandhara, một danh xưng chung chỉ vùng thung lũng hạ lưu sông Kabul, gồm những thành phố quan trọng như Purushapura ở Peshawar, Pushkalavati ở Charsada, và Hadda (gần Jalalabad hiện đại) là nơi mà hai nhà chiêm bái Pháp Hiển (thế kỉ 4-5) và Huyền Trang (thế kỉ 7) có ghi chép trong du kí của họ về xứ "Càn-đà-la" này; ngày nay Gandhara thuộc phía tây bắc Pakistan và phía đông Afghanistan. Những phát hiện sau đó (1936) mà học giả M. Hackin có lẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến về quê quán của trường phái nghệ thuật này nằm ở Bactria. Ông nỗ lực chứng minh nó bắt nguồn ở Bactria và sau đó đã phát triển vào cuối thế kỉ thứ nhất và đầu thế kỉ thứ hai sau CN, đặc biệt dưới vương triều Kanishka ở Gandhara
Bản đồ thời kì Gandhara, từ thế kỉ 1 trước CN đến 5 sau CN. Sau cuộc xâm lăng của Alexandre Đại đế vào thế kỉ 3 trước CN, nhiều thế lực Hilạp định cư ở biên giới Ấn độ, từ đó phát sinh ra những nền văn minh giao thoa giữa Hilạp-Ấn độ ở Gandhara, ngày nay thuộc Pakistan và Afghanistan. Sự hợp lưu văn hoá này đã tạo ra nghệ thuật điêu khắc miêu tả Đức Phật và cuộc đời của ngài. Trong thời kì Kushan (1-3 sau CN), đế quốc này trải thẳng xuống vùng trung nguyên Ấn độ, và cũng làm nảy sinh ra những trung tâm nghệ thuật vĩ đại và đầy ảnh hưởng ở Mathura.
“Nghệ thuật Gandhara” đặc trưng đã được công nhận đầu tiên năm 1833-34 khi một tấm phù điêu tròn bằng đá mô tả Đức Phật được Tiến sĩ Gerad khai quật gần Kabul. Theo ông, khởi đầu của trường phái nghệ thuật này xảy ra trong thời đế chế Parthia cai trị ở Gandhara mặc dù lúc đó nó đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hoá Bactria-Hilạp. Chắc chắn trường phái này đã đạt tới sự cực thịnh dưới triều Kushan vào thế kỉ thứ hai sau CN và dần lụi tàn vào cuối thế kỉ thứ ba.
Như ta thấy, Aryana là nơi hội tụ những nền văn minh khác nhau. Những tư tưởng Hilạp và Bactria trộn lẫn vào nhau sau khi Alexander Đại đế thuộc địa hoá lãnh thổ này. Và phong cách nghệ thuật này đã tìm ra con đường để đi vào Ấn Độ. Những nghệ sĩ phụ trách việc kiến tạo các trụ đá Asoka có lẽ đã được đào tạo trong trường Hilạp ở Bactria. Theo Sir-John Marshall, những trụ đá này chính là công trình của các nghệ sĩ ở Bactria. Trong thế kỉ tiếp theo, cũng trường phái Bactria đã tạo ra những bức chân dung tả thực cùng những hình tượng vua chúa và thần linh trên những đồng tiền Ấnđộ-Hilạp. Trước đó, những đồng tiền Ấn Độ “dập nổi” đều thô sơ, xấu, không theo đúng tỉ lệ và không đòi hỏi giá trị nghệ thuật. Mãi cho đến khi có sự xuất hiện của các hoàng đế Hilạp-Bactria ở Ấn Độ (đầu thế kỉ 2 trước CN) thì ảnh hưởng Hilạp-Bactria mới thực sự tác động lên nghệ thuật Ấn Độ. Ảnh hưởng này biểu hiện nổi bật nhất là trên đồng tiền. Trọng lượng chuẩn mực của đồng tiền được người Athen thiết lập; những truyền thuyết Hilạp và những kiểu mẫu rút từ thần thoại Hilạp cũng được vẽ kiểu theo nét đẹp và duyên dáng của nền nghệ thuật này.
Sau đó, nghệ thuật Hilạp-Bactria đã trải qua sự chuyển hoá không thể tránh khỏi trên lãnh thổ Ấn Độ. Những truyền thuyết kể bằng hai thứ tiếng, một bên là tiếng Hilạp, bên kia là tiếng Kharoshthi đã thay thế cho tiếng Hilạp. Dần dà, những đặc thù Hilạp nhạt phai, và những yếu tố Ấn Độ thay thế vào đã làm thiếu đi sự mới mẻ và sinh động. Quá trình thoái hoá này tiếp tục và càng nhanh chóng hơn khi các hoàng đế Hilạp-Bactria bị người Scythia lật đổ và thế chỗ. Tầm ảnh hưởng Hilạp-Bactria không giới hạn chỉ trên những đồng tiền đúc mà cũng có thể tìm thấy trên những cổ vật Ấn Độ thứ yếu khác trong thời đại này, như đá ngọc, đất nung, vv…
Dưới triều Scythia, họ kế tục người Hilạp trong thế kỉ thứ nhất trước CN, nên nguồn ảnh hưởng những yếu tố ngoại quốc trong nghệ thuật Ấn Độ càng yếu đi và dần thoái hoá thành sự mô phỏng thô thiển những hình thức Hilạp. Nhưng sự xuất hiện của triều đại Kushan vào thế kỉ thứ nhất sau CN đã thổi một luồng kích thích mới cho văn hoá Hilạp ở Đông Aryana. Gandhara đã trở thành trung tâm của một đế chế lớn và là cơ sở hội tụ của những nền văn minh khác nhau như Bactria, Hilạp, Ấn Độ, Phật giáo và Iran. Từ đó ra đời một văn hoá mới tìm cách thể hiện qua một loại nghệ thuật mới gọi là Gandhara hay Trường phái Hilạp-Phật giáo. Trường phái này tìm cách thể hiện những tư tưởng Phật giáo bằng những hình thức Hilạp. Những hình tượng về Đức Phật và những thần linh khác theo khuôn mẫu hình dáng những vị thần linh của Hilạp. Những dạng hoa văn và tà áo cũng là bản sao của khuôn mẫu Hilạp.
Đầu tượng Phật Gandhara, tương tự với đầu thần mặt trời Apollo của Hilạp cổ điển
Tượng Phật đứng, TK 2-3
Khoảng năm 400 CN, một trường phái nghệ thuật đã trỗi dậy thổi một luồng sinh khí vào những yếu tố đang lụi tàn của Trường phái cũ. Trường phái này được gọi là Indo-Afghan để phân biệt với trường phái Hilạp-Phật giáo về tinh thần cũng như về chất liệu rất khác biệt mà các nghệ sĩ đã áp dụng. Trường phái Gandhara sử dụng một loại đá mềm có sắc xanh gọi là diệp thạch (schist) được khai thác từ vùng núi Swat và Buner nằm ở phía Bắc khu vục Peshawar, trong khi đó trường phái Indo-Afghan hay gọi đúng hơn là Phái Gandhara Hậu kì đã sử dụng chất liệu chủ yếu là vữa (stucco) hay đất sét.
Một bức tượng Bồ tát điển hình của trường phái Indo-Afghan, đất nung
Bồ tát Maitreya, trường phái Indo-Afghan
Chuyện cuộc đời Đức Phật là đề tài chính của hai trường phái này. Nên nhớ rằng những trường phái Ấn Độ trước đó chưa từng mô tả hình dạng con người của Phật: sự hiện diện của ngài chỉ được biểu thị bằng những biểu tượng (như cội bồ đề, dấu chân, ngai, hoa sen). Tuy nhiên, ở Gandhara, chúng ta giáp mặt với những mô tả hình dáng con người của ngài. Chiếc đầu Phật Gandhara (xem hình trên) được tạo dáng giống như thần mặt trời Apollo của Hilạp, và thể hiện nét mặt của chủng Cap-ca, tóc búi dợn sóng. Còn tư thế Phật đứng thì thường khoác bộ áo dày và dài tới đầu gối, có vòng hào quang dẹt phía sau đầu. Trên phù điêu, những nếp áo có đường cong ngang và song song, giống với chiếc áo choàng toga của Lamã.
Hình tượng Đức Phật có niên đại sớm nhất được khắc trên một cái rương đá tìm thấy tại di tích Bimaran ở Afghanistan, trong rương cũng chứa những đồng tiền đúc thời vua Azes II (cuối thế kỉ thứ nhất trước CN). Hình tượng thứ hai xuất hiện trên một cái rương khác phát hiện từ bảo tháp Shahi-ki-dheri, thuộc triều vua Kanishka Đại đế.
Đầu tượng phật bằng đồng phát hiện ở di tích Ba Thê (An Giang), niên đại TK 2 - 3 mang đặc trưng rõ rệt của nghệ thuật Gandhara đương thời.
Tượng Phật bằng đồng, Óc Eo (An Giang), niên đại khoảng cuối tk 4 đầu tk 5, gần gũi với điêu khắc Gandhara, nhất là tư thế đứng và bộ áo choàng, tuy nhiên hình dáng mảnh mai hơn, khuôn mặt mang những nét đặc trưng của chủng tộc Đông nam Á.
Cùng với sự lan toả của văn minh Ấn Độ dần dà xuyên qua Con đường Tơ lụa, thì gần như cùng thời gian, Phật giáo và Hindu giáo đã đến thẳng Đông nam Á bằng con đường biển, và cập bến vùng Châu thổ sông Cửu Long để thành lập nên vương quốc Phù Nam (gọi chung theo thuật ngữ khảo cổ là văn hoá Óc Eo, kéo dài từ thế kỉ thứ nhất và dần lụi tàn vào thế kỉ 10) đã đạt đến sự hưng thịnh. Vì thế, nghệ thuật Óc Eo ngay từ đầu đã có mối quan hệ trực tiếp với nghệ thuật Gandhara, có thể thấy qua những hiện vật bằng những chất liệu đa dạng như kim loại, gỗ, đá, đất nung, vàng lá… có niên đại rất sớm từ thế kỉ 2–3, sớm hơn ảnh hưởng từ Trung Quốc rất nhiều. Đặc biệt các pho tượng Phật đã mang phong cách Gandhara và cũng cho thấy những nét đặc trưng riêng của bản địa vùng Đông nam Á. Ánh sáng chiếu toả đáng kinh ngạc của nghệ thuật Phật giáo trên đồng bằng Cửu Long này là những chiếu quang từ cái nôi mẹ —trung tâm của vùng thánh địa nghệ thuật Ấn độ.
Giấc mơ voi trắng của hoàng hậu Maya
Hoàng hậu Maya sinh Đức Phật từ cạnh sườn, thời kì Kushan
Cuộc xuất li khỏi cung điện của Đức Phật, Gandhara TK 2
Đức Phật giảng đạo trong vườn Lộc Uyển, TK 2-3
Một cảnh trong cuộc đời của Đức Phật, TK 2-3
Đức Phật và hộ pháp Vajrapani (Kim cương thủ Bồ tát) đội lốt anh hùng Herakle (Hercule)
Phật nhập níêt-bàn
Tam tôn Phật: Đức Phật (giữa), Bồ tát Maitreya (trái), Avalokiteshvara (phải), hai bên là một tín đố và một tăng sĩ.
Bồ tát Maitreya trong tư thế đứng, TK 1—3
Bồ tát Maitreya, TK 4-5
Bồ tát Maitreya, TK 2-3
Bồ Tát Maitreya, Gandhara TK 2-3
Bồ tát đang quán tưởng, TK 2-3
*Tham khảo:
- International Encyclopaedia of Buddhism, Vol.1: Afghanistan, Anmol Publications 1996
- Lê Thị Liên, Nghệ thuât Phật giáo và Hindu giáo ở Đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỉ 10, Nxb Thế giới 2006
- Wikipedia: “Gandhara”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét