Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Pan – thần Dê của thành Pompeii bị nhốt trong mật thất suốt 200 năm

Hà Vũ Trọng 



Thần Pan giao hoan với dê cái, kiệt tác điêu khắc về phồn thực này phát hiện từ Dinh thự Papyri ở Herculaeum. Theo tôn giáo và thần thoại Hi Lạp, thần Pan (tên La Mã là Faunus) là con của Hermes với tiên nữ Dryope, là vị thần phồn thực, của thiên nhiên hoang dã, của gia súc, nghề săn bắn và nhạc đồng quê, và cũng là thần bảo trợ của các chàng mục đồng, Pan còn dạy họ biết cách thủ dâm. Trong nghệ thuật thường miêu tả Pan thổi sáo quạt, tán tỉnh và đuổi theo các tiên nữ trong rừng, và loại sáo quạt Panpipes được cho rằng do vị thần này sáng chế.


Những quan niệm về những gì bị gán cho là tục tĩu chỉ xuất hiện từ thế kỉ 18, tức bắt đầu từ thời đại Ánh sáng cho tới ngày nay, để từ đó hình thành nên quan niệm hiện đại về cái gọi là khiêu dâm. Điều này chứng thực qua những cuộc khai quật thành phố Pompeii ở Ý, được phân loại bằng một phương pháp mới, thế nhưng những hiện vật nghệ thuật liên quan tới tính dục thì bị xem là tục tĩu, không thích hợp với công chúng, và bị liệt vào loại khiêu dâm (pornography), vì vậy từ năm 1821 chúng bị khoá kín trong những gian gọi là Mật thất (Secret Cabinet), thậm chí cánh cửa Mật Thất bị xây kín vào năm 1849. Ở khu di tích Pompeii, người ta làm những gian phòng bằng sắt để rào kín những bức tranh huê tình (erotic) vẽ trên các vách tường trong những khu nhà thổ, nếu khách tham quan nào muốn xem phải trả thêm lệ phí, nhưng chỉ quý ông mới được xem, quý bà miễn xem. Như vậy, sự "dòm lén" này vẫn còn diễn ra ở Pompeii ngay cả trong những năm 1970 dành cho người "trưởng thành và biết tôn trọng đạo đức", nhưng lại cũng chỉ dành riêng cho đàn ông có học vấn, rồi tiếp tục đóng lại cho đến năm 2000.

Vào một chiều đẹp trời năm 1752, trong lúc vua Charles đệ Tam đang cùng với đoàn tuỳ tùng săn bắn ở trong rừng, thì được tin nhà khảo cổ hoàng gia là Karl Weber cũng đang ở gần đó, ông vừa phát hiện ra một kho tàng ở Herculaeum. Trước đó, qua những đường hầm khai quật đã đem ra ánh sáng ngôi Dinh thự Papyri, lần này đường hầm tiếp tục dẫn vào một khuôn viên vườn đầy những tượng điêu khắc. Trong ánh sáng âm u dưới hầm khó mà nhìn rõ những chi tiết, nhưng nhà khảo cổ này vẫn làm đúng nghĩa vụ là báo tin về sự phát hiện đặc sắc này. Vua và đoàn tuỳ vội vàng kéo tới hiện trường, họ tập họp ngoài trời trong khi chờ đám tù binh nô lệ đang mang từng hiện vật để trình lên.

Theo lời kể từ những trang nhật kí cùng thời, giữa đám triều thần trang phục lộng lẫy trong nhung lụa sột soạt, vua Charles và vợ người Phổ là Nữ hoàng Maria Amalia được rước tới một cách trang trọng, rồi cả hai ngồi vào những chiếc ghế xếp. Dưới lòng đất, một cụm tượng cẩm thạch trắng có hai hình thể đang ôm nhau mà Weber vừa phát hiện trong sân vườn có hàng cột bao quanh. Rồi từ miệng hầm, các tù nhân lao động xuất hiện, họ khệ nệ dùng cáng khiêng khối tượng đó lên. Một cơn rùng mình và hồi hộp lan toả khắp triều thần. Trước tiên người ta thấy cặp sừng cong cầu kì giống kiểu Hi Lạp. Khi toàn bộ nhóm tượng phô bày hai cái đầu thì người ta thấy cả hai thân thể. Một tượng trông giống người đàn ông, nhưng nhìn gần hơn thì thấy có hai cái sừng nhỏ trên đầu và gã đang nhìn chăm chú đầy âu yếm vào đôi mắt cẩm thạch lim dim của một con dê cái. Bị kềm chặt trong đôi tay lực lưỡng của chàng là một nàng dê, và chắc hẳn đây là nàng xinh đẹp nhất trong bầy mà thần Pan chọn để làm hành vi giao phối.

Vua Charles đã thất kinh trước pho tượng tả thực vị thần Pan nửa người nửa dê đang giao hoan với một nàng dê cái. Ngài rất bối rối, bèn vội vàng dẫn vợ và quần thần ra khỏi cảnh tượng “tục tĩu” ấy, ra lệnh phải khoá kín vị thần dê vào một mật thất, chỉ người nào có giấy phép đặc biệt của nhà Vua mới được vào trong Viện Herculaneum để xem ở Naples. Nhưng toan tính kiềm chế của vua Charles đối với những gì mà ông coi là tục tĩu bị thất bại ngay từ đầu. Sự cấm đoán thường lại đổ thêm dầu vào ngọn lửa ham muốn nhìn thấy nghệ thuật huê tình như một thứ trái cấm. Chẳng bao lâu, những kẻ làm đồ giả cổ đã tạo ra những hình ảnh trên tranh tường, và phiên bản những vật phồn thực tính dục lộ liễu nhất đã được chế tạo để bán cho du khách, còn những phác thảo vị thần Pan với nàng dê nổi tiếng đã lọt ra ngoài và phát tán đi khắp. Riêng đám đàn ông giới thượng lưu thời ấy coi việc giáo dục là chưa tới nơi tới chốn nếu làm một chuyến du hành châu Âu mà chưa tới chiêm ngưỡng “thánh địa của nghệ thuật huê tình” này.


Loại nghệ thuật huê tình này được phát hiện trong những thành phố quanh vịnh Naples nằm dưới bóng núi lửa Vesuvius, những thành phố bị nham thạch chôn vùi và tất cả đóng băng dưới lòng đất vào năm 79 Công Nguyên, đặc biệt là Pompeii và Herculaeum sau những cuộc khai quật kéo dài bắt đầu từ thế kỉ 18. Hai thành phố này đầy dẫy những nghệ thuật huê tình mà những nhà khai quật xếp chúng vào loại “khiêu dâm”. Thế nhưng trong rất nhiều căn hộ gia đình đều có những vật mang chủ đề tính dục, và chúng ở khắp mọi nơi cho thấy tập quán tính dục vào thời đó trong văn hoá La Mã cổ đại tự do phóng khoáng hơn hầu hết những nền văn hoá hiện đại, mặc dù đa số những gì chúng ta coi là huê tình (chẳng hạn những bộ dương vật to khá khổ) thực ra phần lớn không mang tính huê tình hay khiêu dâm mà là những biểu tượng phồn thực, là vật để trừ tà hoặc cầu tự, được coi là rất bình thường như trong mọi nền văn hoá phồn thực của Á Đông… Thế nhưng, văn hoá châu Âu trong thời hiện đại lại chịu cú sốc khi va chạm lại văn hoá quá khứ của chính nó, và tâm lí này đã dẫn tới nhiều hiện vật bị che giấu. Chẳng hạn, bức tranh tường vẽ thần Priapus, là vị thần cổ đại về tính dục và phồn thực có bộ dương vật cực kì to tướng, và để khỏi bị “mắc cở”, người ta đã phủ kín bằng thạch cao, và chỉ được phát hiện lại vào năm 1989 do bị mưa xói mòn đã để lộ ra. Điều này làm ta nhớ lại, những chiếc “lá nho” che đậy bộ phận sinh dục bị coi là tục tĩu của các nhân vật trong tượng và tranh của Michelangelo, phải được lột ra để trở về nguyên trạng.

Biểu tượng dương vật chắp cánh bằng đồng này của vị thần phồn thực La Mã rất  nhiều và đa dạng, phổ biến trong mọi gia đình thời La Mã, là những phong linh treo lên để đuổi tà.

Tượng đất nung vị thần phồn thực Priapus bảo hộ cho sự sinh sản và tính dục, cơ quan sinh dục nam, bảo vệ gia súc và vườn cây quả. Đôi khi Priapus được miêu tả đang cầm bàn cân: một bên là của quý so với trọng lượng bên kia là vàng.

Hàng trăm hiện vật nghệ thuật huê tình xuất hiện từ lòng đất dưới vương triều Bourbon, đặc biệt ở Pompeii. Nhiều tranh tường vẽ những cảnh làm tình theo nhiều tư thế, được phát hiện trên vách tường trong những khu vườn nội thất, có lẽ nhằm để chọc cười những vị khách. Cũng những vị khách này thường được chủ nhân tặng cho những món quà nhỏ trong bữa tiệc có hình dương vật. Những biểu tượng dương vật được tin là có thể đuổi tà và đem lại sự may mắn, thịnh vượng. Những phù điêu dương vật được gắn trên lối ra vào trên những lò làm bánh, hoặc được khắc vào tường và trên đá lót lối đi. Có khi là những chiếc dương vật khổng lồ nhú ra khỏi bức tường trong những nội thất, hoặc là những vật gia dụng như đèn dầu mang hình dương vật.


Nhiều tác phẩm và hiện vật đa dạng phát hiện liên quan tới tính dục ở thành Pompeii và Herculaneum khiến các nhà khảo cổ học choáng váng, vì họ đã luôn cho rằng La Mã cổ đại là một xã hội “thuần phong mĩ tục”, từ đó nảy sinh niềm tin cho rằng sự sụp đổ của Đế chế La Mã là do hậu quả của sự truỵ lạc. Có lẽ một phần đáp án lịch sử nằm dưới lớp nham thạch đóng băng trong thời gian dưới bóng núi lửa Vesuvius vào năm 79 CN. Lịch sử có chép rằng Hoàng đế Caligula áp đặt loại thuế mãi dâm vào năm 40 CN, chủ yếu là đem tính dục trở thành hoạt động “quốc doanh”, thậm chí thiết lập nhà thổ ngay trong cung điện. Cũng không chịu kém, người kế vị là hoàng đế Nero bày những cuộc truy hoan cho các thành viên của tầng lớp quý tộc. Rồi những thành phố nhỏ như Pompeii và Herculaneum cũng học chơi bời theo kinh đô. Phong hoá của La Mã bắt đầu bị thay đổi vào năm 69 CN, khi triều Vesparian bảo thủ trỗi dậy nắm quyền nhưng sức ảnh hưởng vừa nhen nhúm thì bị vụ núi lửa phun trào. Riêng Pompeii có 41 nhà thổ và và những căn cứ mà việc mãi dâm làm ăn phát đạt ở những khu nhà tắm công cộng, rạp hát, lữ quán, và những câu lạc bộ tính dục tư nhân bị thời gian đóng băng, trong khi đó những khu vực khác của Đế chế La Mã thì không bị ảnh hưởng do núi lửa phun trào thì đời sống vẫn tiến triển trong một xã  hội điều độ hơn.



Một trong trong rất nhiều cảnh sắc tình miêu tả trên những bức tường trong khu nhà thổ ở Pompeii

 Những biểu tượng dương vật trên bức tường của một nhà thổ Pompeii

Nhìn chung, sự khai quật và khám phá thành Pompeii mang một tầm quan trọng đối với sự quan tâm và thường gây tâm lí xung đột, và được xem như là phép thử những quan điểm riêng về lịch sử, cùng lúc nò thường loại trừ những gì được xem là không khớp với khuôn mẫu xã hội hiện đại, chẳng hạn nhà độc tài Mussolini xem Pompeii chứng thực cho sự liên tục của một “Nova Roma”, thế nhưng đối với những hình ảnh biểu hiện tính dục lộ liễu thì lại xem là “có vấn đề.”  Như đã nói trên, vừa khi những loại nghệ thuật “tục tĩu” ấy ló dạng, thì vua Charles đã cho khoá kín lại, nhưng vào năm 1758 người kế nhiệm là vua Ferdinand bắt đầu cho phép được xem hạn chế với sự cho phép đặc biệt. Năm 1918 bộ sưu tập được chuyển tới nơi ngày nay là Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Naples, và được trưng bày công khai, nhưng sự tự do này cũng ngắn ngủi thôi. Năm 1827, hai năm sau khi lên ngôi, Francis đệ Nhất nghe theo và chịu áp lực của một tu sĩ nên đã đem phòng trưng bày này vào Mật Thất, và chỉ mở cho “người tuổi trường thành và giữ đạo đức.” Và rồi kho tàng huê tình này duy trì bị khoá kín suốt 173 năm kế tiếp, rồi xuất hiện lại khoảng một năm vào 1848, một lần nữa vào năm 1860 sau khi Garibaldi đánh bại nhà Bourbon. Cứ vậy, qua hơn hai trăm năm khập khừng, bảo tàng bí mật này cứ hết mở lại rồi lại đóng, lại mở lại rồi lại đóng lại. Năm 1976 trong thời cách mạng tính dục, mật thất này mở lại trong một thời gian ngắn trước khi mở lại vào năm 2000 và báo chí tưng bừng loan tin, vì đây là lần đầu tiên cho cả nữ giới vào xem! Trước đây nó hạn chế cho người trưởng thành “biết giữ đạo đức”, còn giờ đây mở cho tất cả xem, ít nhất phải trên 14 tuổi. Mặc dù phòng triển lãm này vẫn bị cách li, và vị thần Pan vẫn bị dán nhãn là con dê “khiêu dâm”. Từ 2005, bộ sưu tập này được lưu giữ trong gian phòng cách li ở Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Naples.


Ai có dịp thăm Naples, không nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng một kho tàng nghệ thuật độc nhất từng chịu một số phận vô cùng lận đận, hết bị nham thạch vùi chôn suốt 1670 năm, được khai quật rồi lại bị tống giam thêm gần 200 năm nữa vì thành kiến của hậu thế, mà nhân vật chính là Pan – thần Dê đực và nàng dê cái, biểu trưng cho dục năng của nhân loại, gần đây vừa tạm được phóng thích sau hai trăm năm bị giam cầm.

Nguồn: Bài đã đăng trên Văn hoá thể thao, số Xuân Ất mùi 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét