Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

“Bà Chúa Sao Sa” Nguyễn Thị Duệ -- Nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam

Hà Vũ Trọng̣


Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trong khám thờ ở hậu cung Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)


Lịch sử Việt Nam ngay từ thời khởi nguyên, không chỉ nổi bật với những vị anh thư trỗi dậy đánh giặc ngoại xâm mà còn có những tài nữ, những nữ trí thức đóng góp vào các lĩnh vực như nhiếp chính, giáo dục, mĩ thuật và văn học chữ Hán và quốc âm, tuy họ sống trong điều kiện thân phận phụ nữ bị thành kiến và hạn chế trong nền quân chủ phong kiến, còn chính sử thì cũng khiếm khuyết khi nêu thân thế những phụ nữ kiệt xuất này. Trong số tài nữ lập nhiều công lao trong văn hoá và giáo dục, có Nguyễn Thị Duệ (sinh và mất vào khoảng 1590 - 1670) là một trường hợp đặc biệt, là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam và của cả khu vực Đông Á, là ngôi sao sáng láng cả về tài năng và nhân cách.


Vào thời nhà Mạc bị thất thế khiến phải bỏ thành Thăng Long rút lên Cao Bằng và chọn nơi đây làm kinh đô để lo sự nghiệp lâu dài. Suốt thời gian 1592-1677 ở Cao Bằng, ngoài  việc lo phòng thủ và trấn an nhân dân, vương triều Mạc cũng mở ra một thời thịnh trị đối với văn hoá giáo dục, tạo ra nhiều trí thức cả Việt lẫn Tày cho bộ máy chính quyền, phát triển một nền văn học đa dạng giao thoa giữa văn hoá miền xuôi và miền ngược (gồm chữ Hán, chữ Nôm, và chữ Nôm-Tày) cùng các loại hình nghệ thuật ca vũ nhạc. Cùng thời đại ấy, có một người phụ nữ kiệt xuất tên là Nguyễn Thị Duệ, bà còn có tên là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền, quê ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khi Trịnh Tùng đem quân đánh bại nhà Mạc và chiếm kinh đô Thăng Long, nhưng lòng dân còn nhiều người theo họ Mạc, trong số đó có cô bé Nguyễn Thị Duệ đã theo cha tị nạn lên Cao Bằng. Khi ấy, từ năm 10 tuổi, Nguyễn Thị Duệ đã thông minh tài sắc, hiếu học, biết làm thơ phú, văn chương, người cha thấy tiếc tài nên đã cho con gái mình cải nam trang để đi học.


Vào năm Bính Thìn, 1616, vua Mạc mở khoa thi Hội tại trường quốc học Bản Thánh, có đông đảo sĩ tử tham dự. Thời ấy (ở cả Đông lẫn Tây) tất nhiên phụ nữ không được phép học hành và thi cử, thậm chí không được phép tham dự các buổi bình văn. Nhưng vì sự hiếu học cùng với tinh thần nữ quyền để chứng minh cho sự bình đẳng về khả năng trí tuệ của cả nam lẫn nữ giới, và dù biết là phạm tội khi quân nhưng Nguyễn Thị Duệ vẫn cải trang, mang tên là Du cùng với người thầy họ Cao cùng các học trò của ông đi thi. Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu bảng, còn người thầy giáo họ Cao đỗ thứ nhì, đã khiến ông thốt lên: “Màu xanh vốn là màu lam mà ra, nhưng lại xanh hơn lam.” Triều đình sau đó mở yến tiệc đãi ngộ các tân khoa, khi Nguyễn Thị Duệ tiếp kiến Mạc Kính Cung, nhận thấy vị tân khoa này nhan sắc mặn mà, phong cách duyên dáng và khác lạ, chúa sinh nghi bèn cố tình gạn hỏi, rút cuộc Nguyễn Thị Duệ đã phải bộc lộ thân phận của mình. Tuy nhiên, Mạc Kính Cung đã không khép tội khi quân lại còn tỏ ra khen ngợi, sau đó vua đã nạp phi và mời Nguyễn Thị Duệ về Li cung Đống Lân để dạy học cho phi tần, hoàng tử, công chúa, và để tham vấn. Vua Mạc phong cho bà là Tinh Phi ngụ ý khen và khâm phục tài sắc của người cung phi này sáng láng như một vì sao. Người dân quen gọi là Bà Chúa Sao Sa.

 
Năm 1625, quân Lê-Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Khi Mạc Kính Cung bị bắt, Nguyễn Thị Duệ chạy trốn lên biên ải và vào tu ở chùa Sùng Phúc, châu Hạ Lang. Tại đây, bà trông nom tu sửa chùa, mở lớp dạy học chữ Hán, chữ Nôm, giảng kinh Phật cho dân trong vùng. Nhà Lê biết về tài năng của bà, đã cho người tìm đến Hạ Lang, không bắt mà mời bà về kinh đô, phong cho bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ. Dân ở châu Hạ Lang tưởng nhớ công đức mở mang dân trí của bà nên đã lấy đạo hiệu của bà đặt tên cho một bản ở gần châu lị Hạ Lang là bản Huyền Du (đạo hiệu bà là Diệu Huyền tên huý là Du).
 

Ở kinh đô Thăng Long năm 1631, bà được phong chức Lễ Thi giúp vua trông coi việc thi cử, xem văn bài các vị đỗ tiến sĩ ở các kì thi để chọn người có tài đức cho quốc gia. Phần lớn các kì thi Đình, thi Hội đều qua tay bà chấm chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lí kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Nguyễn Thị Duệ cũng góp ý kiến chỉnh đốn việc cai trị trong thời vua Lê chúa Trịnh. Vào thời của bà, nền văn học ở quê bà ở Chí Linh cũng phát triển mạnh nhờ công lao do bà đã lập ra một Văn Hội gồm những người học trò của bà. Do nhiều công lao, bà được thăng chức Chiêu Nghi, hiệu là  Nghi Ái Quan.

 
Trong những mối quan hệ giao du trí thức đương thời ở kinh đô, Trạng nguyên Lễ sư Nguyễn Thị Duệ làm bạn tri âm với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (con gái chúa Trịnh Tráng và vợ vua Lê Thần Tông) vốn hồi nhỏ đã giỏi văn thơ chữ nghĩa. Cả hai người phụ nữ tài năng này chia sẻ tình bạn và tri thức, họ thường đàm luận về thơ văn và Phật pháp, giao du với các sĩ phu danh tiếng, cùng nhau đi lễ chùa gặp các nhà sư thông tuệ và đạo hạnh khắp vùng. Trịnh Thị Ngọc Trúc vốn sùng đạo Phật và nghiên cứu kinh Kim Cương nên được dân chúng xưng tụng là Bà Chúa Kim Cương, cuối đời bà đi tu ở chùa Bút Tháp với đạo hiệu là Pháp Tính. Khả năng rất lớn khi các nhà nghiên cứu cho rằng pho từ điển Hán-Nôm đầu tiên và cổ nhất của Việt NamChỉ nam ngọc âm giải nghĩa do Trịnh Thị Ngọc Trúc và Nguyễn Thị Duệ là đồng tác giả soạn nên.


Tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Nguyễn Thị Duệ dạy học ở trong cung cho mãi đến năm 70 tuổi mới xin về quê nhà. Bà dựng am Đào Hoa để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong vùng. Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc, nhưng bà chỉ dành một ít tiền chi dụng, còn bao nhiêu dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo. Bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền. Bà sống tới khoảng 80 tuổi mới qua đời. Sinh thời bà viết nhiều văn thơ nhưng do những biến động lịch sử nên đã bị thất lạc hết. Tháp mộ của Nguyễn Thị Duệ gọi là Tháp Tinh Phi đặt trên đỉnh một quả đồi cạnh núi Phượng Hoàng ở quê hương bà, từ thời hậu Lê được liệt vào “Chí Linh bát cổ”, trên bia có khắc  10 chữ: “Lễ Thi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương.”(Vị Lễ Thi vốn thông tuệ, một tấm gương soi ba vương), nhưng tháp này nay đã mai một. Đình làng Kiệt Đoài cũng có một pho tượng đẹp gọi Nguyễn Thị Duệ là Vua Bà và một sắc phong thờ phụng: “Chánh vương phủ, thị nội cung tần, Lễ sư Nguyễn Thị Ngọc Toàn tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân…”. Tại đền làng Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cũng còn tượng “Bà Chúa Sao Sa” và một sắc phong của triều đình để lại.


Ngày nay, trong ngôi Văn miếu Mao Điền bề thế và đầy uy nghi đã tồn tại hơn 500 năm ở Hải Dương, thờ hơn 600 vị tiến sĩ, xây từ thời nhà Lê để mở mang việc học hành, đào tạo nho sĩ và quan lại. Phía hậu cung của văn miếu thờ 9 bài vị: chính giữa “bậc thầy muôn đời” là Khổng Tử , lần lượt hai bên là bài vị của 7 vị đại khoa: những người thầy lừng danh về văn hoá của Việt Nam gồm Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, bài vị thứ 9 là Nguyễn Thị Duệ - tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam - là ngôi sao Khuê lấp lánh và là tấm gương soi cho muôn đời sau.

 
Nhà bia tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ





  
Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Thị Duệ naynằm tại xã Vĩnh An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau khi bà qua đời, hài cốt của bà được đưa về đây an táng và dựng tháp, còn gọi với tên là Tinh phi cổ tháp̣, nay không còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét