Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Cộng đồng "Chà Chetty" ở Sài Gòn xưa

Hà Vũ Trọng

Bài này chia thành ba phần: 
1. Tổng quan về cộng đồng Chetty
2. Lễ hội Thaipussam
3. Ba ngôi đền Ấn giáo ở trung tâm Sài Gòn qua hình ảnh.




Chiến xa bằng bạc rước thần Murugan trong lễ hội Thaipussam của cộng đồng Chetty trước đền Sri Thendayuthapani trên đường Ohier ở Sài Gòn (nay là Tôn Thất Thiệp góc Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.1, Sài Gòn) ; chiến xa này hiện vẫn còn lưu giữ tại ngôi đền này. Ảnh bưu thiếp của A.F Decoly năm 1910

PHẦN 1
TỔNG QUAN VỀ CỘNG ĐỒNG CHETTY

Trong bối cảnh một Sài Gòn đang vội vã lột xác quay lưng với quá khứ, thì kí ức về một cộng đồng Ấn Độ mà người Việt thường gọi với biệt danh “Chà Chet-ty” từng hiện diện nổi bật một thời ở trung tâm thành phố này cũng chóng nhạt nhoà.
Trên báo chí và văn học suốt thời thuộc địa ta thường thấy đề cập tới người "Sét-ty" và thường không thiếu những thành kiến về họ, vì đa số họ làm nghề ngân hàng và cho vay ngắn hạn, họ nổi tiếng là những người cho vay nặng lãi, mặc dù căn bản họ là những người làm ăn chân chính. Vài đơn cử về thành kiến ấy: “Cái hiểm-tượng ấy là cái hiểm-tượng bọn Chà-và cho vay, trong Nam-kỳ gọi là bọn “Xã-tri”, tức ngoài ta gọi là “Xét-ty.” (Phạm Quỳnh. trong Nam Phong Tạp chí, số 20,1919); hoặc: "Theo cái án của Chà Chet-ty nó truyền rao hôm trước đó, thì vốn lời có bốn chục ngàn, nếu mình không trả thì nó thi hành phát mãi ba trăm mẫu ruộng của mình." (Hồ Biểu Chánh trong Đoá hoa tàn, tiểu thuyết, 1936); thậm chí thành một thành ngữ nói chung ai cho vay bạc nặng lãi cũng bị gọi là “sét-ty”: “Mấy bọn nhà giầu nghề sét-ty, Bo bo giữ của có làm chi?" (NPTC, số 16, Nguyễn Song Kim, 1918; “À thôi! Có nghề này chóng giàu mà nhàn: nghề “sét-ty” (NPTC, số 24, 1919).
Ngày nay trên một số đường phố dẫn tới chợ Bến Thành ở trung tâm Sài Gòn, chúng ta vẫn còn lạ mắt trước mấy ngôi đền Ấn giáo bất ngờ hiện ra, bên trên những diềm mái và đặc biệt các cổng tháp raja gopuram mỗi tầng chen chúc những hình tượng điêu khắc chư thần sống động với màu sơn sặc sỡ. Đặc biệt ngôi đền thờ nữ thần Mariamman (là hoá thân khác của Parvati và Durga) mà người Việt gọi là Chùa Bà Đen trên đường Trương Định được tin là rất linh thiêng, hàng ngày vào những giờ mở cửa trong mùi tinh dầu đàn hương quyện với hương những vòng hoa nhài, không ngớt người Việt và Hoa vào làm lễ thành kính khấn xin; vị nữ thần này bảo trợ những phụ nữ trong chuyện tình duyên, thậm chí chiếu cố những phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài. Và nếu để ý, trên vài đường phố như Tôn Thất Thiệp (Ohier xưa) hay Hồ Tùng Mậu (D’adran xưa), ta vẫn có thể nhận ra một số dãy nhà có kiến trúc thuộc địa Anh gọi là kittingi của cộng đồng Chetty, một thời là nơi để giao dịch thương mại, vừa làm nhà nghỉ hoặc chứa hàng hoá, con phố này xưa chính là khu đại lí giao dịch ngân hàng hoặc cho vay của người Chetty.

Lễ hội Thaipusam của cộng đồng Chetty ở Sài Gòn diễn ra vào khoảng tháng 2

Người Chetty - họ chính là chủ nhân của ba ngôi đền Ấn giáo rất đẹp ở trung tâm Sài Gòn vẫn còn tồn tại như những chứng tích, và ta có thể mường tượng ra quang cảnh trước 1945, hàng năm vào khoảng cuối tháng Giêng và đầu tháng Hai, tại những ngôi đền này và trên đường phố, một lễ hội văn hoá tâm linh lừng danh thế giới và rất đặc dị là Thaipussam đã từng một thời diễn ra một cảnh tượng nhập thần không kém phần siêu thực.

Chúng ta thử tìm hiểu “Chà Chet-ty” thực sự là ai? Vai trò và ảnh hưởng của họ ở Đông Dương ra sao?


Bức tranh khắc năm 1872 (trong thời Tự Đức) miêu tả quang cảnh một ngôi chợ đa sắc tộc ở Sài Gòn cho thấy người Tamil đã sớm có mặt ở Nam Kì. Tranh vẽ khắc của D. Mailllart in trong tạp chí Le Tour du Monde (1875), gồm những minh hoạ cho cuốn du kí Voyage en Cochinchine (Chuyến du hành ở Cochinchine) vào những năm 1872-4 của bác sĩ Albert Morice

Trở lại khoảng hai ngàn năm trước ở vùng châu thổ Mekong, qua đường biển, người Ấn Độ thuộc các đẳng cấp đã tới thu phục dân bản địa, lập cảng thương mại quốc tế, khai sinh ra nền văn hoá Phù Nam theo khuôn mẫu gốc của văn minh và tâm linh Sông Hằng, mà ta có thể coi Phù Nam như một vương quốc Ấn Độ ở đàng xa, từ đó tạo cơ sở khai sinh ra các nền văn minh như Chămpa và Khmer. Về thể chế, Chămpa cơ bản như là những vương quốc Ấn giáo Tamil đã được thiết lập và Ấn Độ hoá cao độ qua thực hành hình thức của phái Shaivite từ những vùng miền Nam Ấn, cho tới khi Chămpa suy tàn dần dần theo cuộc Nam tiến và tàm thực của người Việt, để lại bao phế tích và đền tháp mô phỏng theo phong cách Dravidian của các vùng Nam Ấn.
Và rồi người Tamil quay trở lại theo một cung cách khác vào khoảng từ giữa và đặc biệt cuối thế kỉ 19, họ có mặt trước hết ở những thuộc địa Anh như Penang, Malacca, Singapore, Myanmar… rồi họ có mặt ở Đông Dương từ sau thời Pháp thuộc cho tới khi kết thúc chế độ thuộc địa theo những đợt sóng lưu nhập của cộng đồng các sắc tộc Ấn Độ có quá trình hơn nửa thế kỉ. Lần này họ chủ yếu thuộc đẳng cấp vaishya và có ảnh hưởng chủ yếu về kinh tế-xã hội tới dân bản xứ khu vực Đông Dương và Đông Nam Á nói chung.
Danh xưng Chettiar mà người Pháp gọi là Chetty - do họ sống tập trung ở vùng được gọi là ‘Chettinad’ - thuộc chủng Dravidian, để chỉ một nhóm thuộc các đẳng cấp sống ở khắp miền Nam Ấn Độ, tên này được cho là từ tiếng Sanskrit shrethi nghĩa là người đứng đầu phường thương gia, mà trong sử thi vĩ đại như Silappathikaram và các sử thi khác bằng tiếng Tamil đã nhắc tới nhóm thuộc đẳng cấp vaishya này (với danh xưng là Dhanavaisyas và Manimekalai) từ cổ xưa họ vốn là những thương gia buôn bán đá quý, hương liệu và muối. Do thành công trong kinh doanh, sự lương thiện và giữ chữ tín, họ được vua chúa hết sức biệt đãi và nhất là họ đã thiết lập các mạng lưới thương mại khắp các châu đại dương trong những thời vàng son mà những đoàn tàu của đế quốc Chola vượt sóng tới Malacca, Sumatra lên tới vùng châu thổ sông Mekong và Chămpa, và lên tới cả Trung Quốc. Những mối liên kết này đã kéo dài cả hàng ngàn năm và bị gián đoạn. Theo một thống kê năm 1891, có hơn một triệu thành viên thuộc những đẳng cấp này sống ở Bang Madrass nói tiếng Tamil và Tegulu. Nghề nghiệp điển hình của đẳng cấp này là thương mại và cho vay tiền. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến một trong những nhóm nội giao hay những đẳng cấp, mệnh danh là Nagarathar Chetty (có dân số khoảng 800 ngàn người vào cuối thế kỉ 19), và họ xuất hiện trong nghề kinh doanh ngân hàng hay nghề cho vay tiền trước cả thời thực dân Anh. Cộng đồng Chetty tự nhận họ thuộc đẳng cấp vaishya trong xã hội Hindu, riêng tộc Nagarathar Chetty là những nhà ngân hàng ưu tú.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền tây nam kì, tạo nên một thuộc địa đặt tên là Cochinchina và thiết lập một thủ đô hành chính của Indochine bên cảng sông Sài Gòn; hai cái tên này xác định sự thôn tính về địa lí chính trị của các đế quốc phương Tây thời ấy đang tranh giành với nhau trên bản đồ thế giới. Dựa trên sự khoanh vùng đó, cuối thế kỉ 19, Pháp đem người Tamil từ năm vùng nhượng địa dọc bờ biển nam Ấn như Pondicherry và Karikal, họ tới để chiếm một số những địa vị trong guồng máy chính quyền thuộc địa Pháp trong thời kì phôi thai. Trong số những sắc dân gốc Ấn xuất hiện giữa quang cảnh đô thị Đông Dương, ngoài giới thương gia buôn bán vải vóc hoặc nhân viên hành chánh theo Kitô giáo đến từ nhượng địa Pondicherry, chẳng bao lâu sau đó, những người Tamil của cộng đồng Chetty từ thuộc địa Anh, vốn lúc đó đang có mạng lưới thương mại khắp Đông Nam Á cũng lại theo chân người Pháp mở rộng địa bàn của họ vào Việt Nam. Ngay trước Thế Chiến Một, người Ấn dưới nền thuộc địa Anh cũng đã bắt đầu thiết lập những trung tâm kinh doanh ở Sài Gòn và Hà Nội, và từ đó làn sóng nhập cư này tăng dần.

Người Tamil ở Sài Gòn, ảnh chụp của Gsell khoảng 1870.

Phụ nữ Tamil ở Sài Gòn, ảnh Gsell chụp khoảng 1870


Người Chetty ở Sài Gòn. Bưu thiếp của A. F. Decoly khoảng 1910

Cộng đồng Ấn tuy không đông, nhưng phản ánh sự đa dạng về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, tông giáo và nghề nghiệp. Người Tamil từ Nam Ấn (chính xác là bang Madrass) là đại đa số dân Ấn nhập cư vào Đông Dương. Ta có thể phân biệt những sắc dân Tamil này như sau: từ vùng duyên hải Coromandel và từ quận Ramnad, và nhóm tập trung ở Sài Gòn thuộc chi tộc Chettiar. Nhóm từ Coromandel làm những nghề khác nhau: nhân viên thương mại, buôn bán sữa, chủ tiệm tạp hoá; họ phần lớn định cư lâu dài, một số kết hôn với người Việt và sống ở những quận huyện ngoại thành; ở Sài Gòn họ lập một làng sữa ở gần trại Ô Ma (Camp aux Mares). Người Tamil Coromandel dễ nhận dạng ra họ qua màu da bánh mật từ gốc chủng Dravidian. Họ quấn một cái chomin trắng có nếp gấp thả từ thắt lưng xuống chân và dải khăn dài vắt vai rất hợp với khí hậu ở Nam Kì đối với dân Nam Ấn. Còn đại đa số người Ấn Hồi giáo đến từ vùng Tamil Nadu thuộc Anh cai trị (khoảng 1000 người), sống chủ yếu ở Nam Kì, đặc biệt ở Sài Gòn. Còn người Hồi giáo Ấn độ thuộc Pháp, chủ yếu gốc Tamil, đa số là dân địa phương vùng Karikal, họ định cư chủ yếu ở Hà Nội và Phnom Penh. Bổ sung ở đây bảng phân các nhóm của G. Vidy (1949):
- Nhóm Tamil theo đạo Hindu từ Nam Ấn, chủ yếu là cộng đồng Chetty làm nghề giao dịch tài chánh, tiểu thương (buôn bán vải vóc, sữa), cho thuê nhà cửa, xe cộ, thuyền bè…
- Nhóm Muslim theo phái Sunnite (buôn bán sỉ lẻ hàng xuất nhập khẩu, đồ sang sức, đổi tiền);
- Nhóm theo Ki-tô giáo từ Pondicherry làm viên chức cho chính quyền thuộc địa Pháp;
- Nhóm Gujrati đến từ Bombay theo Hồi giáo Shiit và nhóm Sindhi theo Hindu, buôn bán sỉ hàng xuất-nhập khẩu, và bán vải và lụa;
- Nhóm Pathan theo Hồi giáo Sunnite, là những tiểu thương (các cửa hàng thịt, sữa) và làm bảo vệ;
- Và nhóm Punjab theo đạo Sikh làm nghề bảo vệ và xà ích (malabar).

Dân số người Ấn Độ vào những năm 1950 và 60 có khoảng 3000 – tới 4000, ở Sài Gòn có khoảng 1000 người Ấn Độ, trong đó khoảng 400 đến từ nhượng địa của Pháp ở Ấn Độ còn lại đến từ Bombay. Nhóm đến từ Bombay chủ yếu là những thương nhân người Sindhi và Gujarati sở hữu nhiều tiệm bán vải ở Sài Gòn và họ thành lập một hội thương gia.

Do Ngân hàng Nông nghiệp thời Pháp thuộc chỉ ưu tiên cho vay có bảo chứng cho nên hơn phân nửa nông dân ở Đông Dương đã vay từ người Chetty và vào giữa những năm 1940 món nợ chưa trả của nông dân lên tới 9 triệu đồng. Thật ra, tỉ lệ tiền lời của Chetty so ra không “cắt cổ” bằng người Hoa cho vay tiền, mặc dù mức rủi ro mà họ có thể gánh chịu khi cho người nông dân vay mà không có bảo chứng, nhưng thương nhân Chetty vẫn nhận được những lợi lộc rất lớn.


Cảnh trước ngôi đền Thendayuthapani trên đường Ohier (nay là Tôn Thất Thiệp) là khu phố ngân hàng của người Chetty. Bưu thiếp của Poujade de Ladevève, năm 1910

Năm 1939, một cuộc vận động của báo chí người Ấn ở Sài Gòn khuyến khích người đồng hương thuộc nam giới hấp thu Âu phục cho thích hợp với sinh hoạt trong thành phố, quanh khu chợ Bến Thành và trong những khu vực của cộng đồng Ấn (Rue Ohier). Phụ nữ Tamil thì khoác tấm sari màu sáng, tóc kiểu búi tó dày và giắt hoa nhài hoặc cài trâm vàng, đeo bông tai và đeo khoen, có chấm son bindi (bằng tro đàn hương) giữa trán, thỉnh thoảng người ta thấy họ đi mua sắm hoặc đi đền thờ.

Trang phục của phụ nữ Tamil. Ảnh chụp cuối thế kỉ 19

Người Chetty thiết lập việc kinh doanh và buôn bán trên một vài đường phố Sài Gòn, chủ yếu các phòng cho vay tiền nằm trên đường Rue Ohier (Tôn Thất Thiệp) trong những toà nhà gọi là kittingi theo kiến trúc ở các thuộc địa Anh mà ngày nay ta vẫn còn có thể thấy qua một số căn nhà thời trước còn sót lại, chẳng hạn trên đường phố Tôn Thất Thiệp (xem hình). Kittingi là những nhà dài, ngăn nhiều phòng. Mỗi người cho vay tiền chiếm một không gian với một cái tủ và một cái tráp gỗ của người thu ngân, và họ cất vào trong tủ vào cuối ngày khi xong việc. Mỗi nhà kittingi chức năng như một cộng đồng tự túc, có đầu bếp riêng, chỉ dành riêng cho nam giới vừa làm việc vừa ở, như vậy cũng xoá nhoà ranh giới giữa làm việc và cộng đồng. Tất nhiên rượu chè cờ bạc bị cấm, và phụ nữ không được ở trong kittingi.

   
 Một văn phòng cho vay tiền trong một kittingi ở Singapore trong thập niên 1950, không khác với Rue Ohier ở Sài Gòn

  Dãy nhà kittingi trên đường Hồ Tùng Mậu ngày nay (Photo: Hà Vũ Trọng)


Một góc trong đền Sri Thendayuthapani trên đường Ohier ở Sài Gòn (nay là Tôn Thất Thiệp góc Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.1, Sài Gòn). Hình chụp khoảng những năm 1920-30

Đền thờ được người Chetty coi như trung tâm thương mại. Khu tập trung của cộng đồng Chetty xưa là đường Ohier vốn là khu phố dịch vụ ngân hàng của họ. Người Chetty là những tín đồ theo phái Sivaite (thờ thần Shiva) và phần lớn các ngôi đền của họ ngoài bộ Lingam tượng trưng cho Shiva, họ thờ vị thần chính bảo trợ cho cộng đồng Chetty và thần Murugan (vị thần Chiến tranh còn gọi là Skanda - con trai của Shiva và Parvati) là thần bảo trợ của họ. Và họ xây dựng những ngôi đền thờ thần Murugan ở bất cứ đâu họ định cư và kinh doanh. Ngôi đền Thendayuthapani (tên gọi khác của Murugan) ở đường Tôn Thất Thiệp cũng là trung tâm hành chính của họ, cùng hai ngôi đền khác là Mariamman (Chùa Bà) ở đường Trương Định, và Sri Subramanyam (một tên gọi khác của Murugan; người Việt gọi đền này là Chùa Ông) ở đường Nam Kì Khởi Nghĩa. Các ngôi đền này do một uỷ ban điều hành mà vị “chủ tịch” chính là thần Murugan, có khi được gọi thân mật là "Chetty Murugan". Việc chỉ định một trong những vị thần chính trong điện chư thần Ấn giáo làm chủ tịch một hội đồng những người cho vay tiền nhất định là cách để thử thách lòng tin về sự công chính mà người Chetty đem vào trong hoạt động kinh doanh. Ngôi đền ở đây phục vụ như ngân hàng chính của người Chetty mà họ có thể vay từ quỹ của ngôi đền. Việc trả lại khoản vay được bảo đảm bằng phép đạo vì không có kẻ vay tiền nào lại dám làm trái ý hoặc lường gạt người chủ hay thủ quỹ của ngôi đền chính là thần Murugan! (Mô hình cho vay từ quỹ của ngôi đền này có lẽ là tiền thân của miếu Bà Chúa Xứ ở Chậu Đốc, An Giang sau này). Hệ thống tài chính của họ, một mặt, bổn phận của người Chetty vay tiền là phải trả lãi phần trăm cho đền thờ; mặt khác, một số quỹ tích luỹ được phân phối bởi uỷ ban của ngôi đền theo hình thức tín dụng với lãi suất thấp hơn dành cho thương gia trong cộng đồng, vì vậy có thể nói rằng mức rủi ro rất thấp. Người Chetty vay tiền nào dám chịu sự khiển trách của cộng đồng hoặc tồi tệ hơn là làm ngơ việc trả lại món nợ do chính thần Subramanian (con trai Shiva) 'cung cấp' trên ngai thờ tối cao của ngài trong những ngôi đền của người Chetty?

Tác giả Lê Văn Sâm có kể lại dịch vụ ngân hàng của người Chetty ở Sài Gòn: "Nơi khu tập trung Ohier (nay là Tôn Thất Thiệp) người Ấn đã khai sinh dịch vụ ngân hàng “thủ công nghiệp” gồm 3 dich vụ, đặt bàn đổi tiền lẻ, cho vay làm ăn gọi là tiền Chà Chetty và chuyển ngân. (...) Người Ấn đã đáp ứng với những bàn đổi tiền đặt khơi khơi hè phố để đổi với lãi suất nhẹ hều 0.02%. Sau đổi tiền là mở dịch vụ ngân hàng tư gia cho vay tiền Chà gọi là Chetty. Những công chức nhân viên tư chức có sổ lương, cửa hàng có môn bài, có hộ khẩu thời đó gọi là tờ khai gia đình…đều có thể đến xóm Chùa Ông vay bạc góp. Cũng nhờ hệ thống ngân hàng “dã chiến tư gia” này mà nhiều công nhân viên chức gia đình có thể mua sắm hay có vốn nhỏ để sinh nhai, giúp Sài Gòn phát triển dần lên. Nhưng còn thật bất ngờ và khâm phục về độ tín cẩn giữa hai bên ở xa cách phương trời qua dịch vụ chuyển tiền của người Ấn. Tỉ như người có nhu cầu xuất ngoại di tân Gia Ba (Singapore) muốn chuyển 5.000 USD qua trước, chỉ việc đến quầy của người Ấn giao tiền, người nhận chỉ xé một miếng giấy nhỏ của bao thuốc lá ghi ký hiệu gì đó không ai biết, cầm miếng giấy vụn đó đến nơi ở Tân Gia Ba là nhận được tiền."

Sau 1975, người Ấn Độ di tản khỏi Sài Gòn và chính phủ Ấn phải sắp đặt các chuyến bay cho họ hồi hương. Ngoại trừ nhiều người Ấn Muslim tìm cách ở lại, một bộ phận lớn những gia đình Ấn đã rời khỏi. Ngày nay chỉ còn khoảng 100 gia đình người Ấn thuộc trước 1975 còn lại ở Việt Nam, và họ vốn là những người Việt gốc Ấn lấy vợ Việt. Cộng đồng Ấn vốn có nhiều tài sản ở Sài Gòn, cũng như ở những thành phố khác như Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế,… Sau chính sách quốc hữu hoá, tài sản của của họ bị tịch thu mà không có dấu hiệu sẽ được hoàn trả hoặc đền bù. Sau khi chính quyền Cộng sản tiếp quản, những ngôi đền Ấn giáo bị đóng cửa, bị biến thành nhà kho, trụ sở của công nhân viên, thậm chí thành nơi chế biến hải sản để xuất khẩu, cho tới đầu những năm 1990 mới được mở cửa lại do sự bang giao với Ấn Độ.

Kết luận
Trong suốt thời kì thuộc địa từ thế kỉ 19 và 20, người Chetty đã bành trướng bằng cách lợi dụng hệ thống thuộc địa của Anh và sau đó của Pháp ở châu Á để mở rộng ảnh hưởng của họ ngay cả chính khu vực Đông Nam Á do người Hoa làm chủ. Hệ thống thương mại của người Chetty lên tới đỉnh cao trong suốt thời kì thuộc địa từ 1870 tới thời kì Đại Suy thoái 1930, là giai đoạn họ theo chân người Anh khi chinh phục và bình định Miến Điện và Malaysia, và rồi theo chân người Pháp từ những vùng nhượng địa của Pháp hoặc vùng thuộc Anh ở Ấn Độ để bành trướng hệ thống thương mại của họ vào Đông Dương. So sánh với những người Ấn định cư ở Đông Dương thời kì ban đầu đã mang theo họ một nền văn hoá phong phú, thì những người Ấn theo họ sau này gần 1000 năm sau đó lại có đóng góp rất ít về văn hoá. Những người Ấn quốc tịch Pháp đều được dành địa vị trong chính phủ và lợi thế kinh doanh bởi những nhà cầm quyền thuộc địa, như vậy khiến cho họ là đối tượng bị dân địa phương Việt dè bỉu và ganh tị, trong khi những người buôn bán nhỏ thì cung cấp và tạo ra một dịch vụ hữu ích cho dân thành thị ở Đông Dương. Sự sụp đổ toàn cầu về mậu dịch trong cuộc Đại Suy thoái khiến cộng đồng Chetty ở châu Á chịu sự tổn thất về tài chánh, và cuộc 'Khủng khoảng Chetty' báo hiệu sự cáo chung cho hơn một trăm năm vàng son của họ ở hải ngoại. Những thay đổi quy mô ở Đông Nam Á sau thế chiến Hai cũng vang lên hồi chuông báo tử, và nhiều nhà ngân hàng Chetty đã rút lui một cách lặng lẽ khỏi ngoại quốc để trở về quê hương xây lại cơ nghiệp. 

Tuy con số người Chetty hiện diện không nhiều, nhưng suốt một thời gian dài, họ là hình ảnh chủ đạo của người Ấn ở Đông Dương, cao điểm chủ yếu từ cuối thế kỉ 19 cho tới 1945 và chấm dứt hẳn vào 1975; ngay cả khi hệ thống Chetty đã suy thoái nhưng những tàn dư vẫn còn nguyên vẹn ở quy mô nhỏ hơn ở vài nước Đông Nam Á. 

Bằng sự sự giàu có và vận dụng những kĩ năng phong phú trong ngành kế toán, người Chetty có công đã du nhập vào châu Á hệ thống hạch toán kép và tạo nên một hệ thống ngân hàng độc đáo – bắt đầu từ Sri Lanka rồi lan rộng về phía đông, họ được coi là những nhà tiền phong hay tiền thân của ngân hàng hiện đại. Rồi trở nên ảnh hưởng đến nỗi họ trở thành đối tác với ngân hàng Anh khắp châu Á, mở rộng khắp Đông Nam Á, Đông Dương, Miến Điện, Malaysia, Trung Quốc. Cũng chính họ bỏ vốn lập những đồn điền trà ở Tích Lan, trồng lúa ở Miến Điện cùng với cao su và thiếc ở Malaysia. Chính những ngân hàng gia người Nagarathar đã bỏ vốn đầu tư vào những đồn điền trồng trà ở Sri Lanka, trồng lúa gạo ở Miến và cao su ở Mã Lai. Cộng đồng này từ miền nam bang Tamil Nadu đã lặng kẽ để lại một dấu ấn lên mọi thứ từ việc chế tạo tới ngân hàng, phân bón, cho tới kĩ nghệ điện ảnh.

Qua việc kinh doanh của người Chetty cùng với lối sống khắc khổ của họ khi hiến mình trọn vẹn cho việc kinh doanh, ta thấy họ có những điểm đặc trưng và được coi như một 'phiên bản Hindu' khi so sánh với với đạo đức Tin Lành (như Max Weber phân tích trong Đạo đức Tin Lành và chủ nghĩa Tư bản) do sự cộng tồn của tín ngưỡng Hindu cùng với việc thực hành chủ nghĩa tư bản.

Suốt hơn một thế kỉ, sự thành công vốn tích luỹ của họ của họ giàu có gần như không ngừng. Họ cũng nổi tiếng về công cuộc từ thiện rất độ lượng trong cộng đồng xã hội và tông giáo của họ. Họ xây dựng những dinh thự tư gia khắp vùng Chettinad được tạo từ những nguyên vật liệu cao cấp nhất hỗn hợp của cả thế giới để phối hợp vào truyền thống địa phương. Văn hoá của họ trở nên phong phú, trộn lẫn một cách sáng tạo những điểm tuyệt vời nhất của Ấn, Nam Ấn, Trung quốc và nghệ thuật châu Âu, đã được phát triển một cách độc đáo từ những kinh nghiệm văn hoá riêng của họ ở hải ngoại.

Và như thế, câu chuyện về một cộng đồng ưu tú lừng danh của Ấn Độ có một truyền thống và quá khứ vàng son về thương mại từ thời cổ đại mà nay vẫn còn được kể lại trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng ở trên quê hương của họ cũng như ở những nước Đông Nam Á, và họ vẫn tiếp tục thành công nổi bật về thương mại.

Tượng đài 'Từ những Chettiar [hay những người cho vay] tới những nhà tài chính' trước Bảo tàng Văn minh Singapore


*
Tham khảo:
-G. Vidy, ‘La communauté indienne en Indochine’, trong Sud-Est, Paris, Novembre 1948 (Bản PDF trên mạng)
- K S Sandhu và A Mani (chủ biên), Indian Communities in Southeast Asia, Singapore: Times Academic Press and Institute of Southeast Asian Studies,. 1993
- Geoffrey C. Gunn, Rice Wars in Colonial Vietnam: The Great Famine and the Viet Minh Road to Power, Rowman & Littlefield Publishers, 2014

3 nhận xét:

  1. Tư liệu rất quý. Cám ơn bạn nhiều!

    Trả lờiXóa
  2. rất ít bài viết về cộng đồng này. Cám ơn bạn

    Trả lờiXóa

  3. Tư liệu rất quí. Cảm ơn tác giả nhiều. Một điều interesting: chính người Hindu mang gemstone, nhất là hột xoàn/diamond vào miền Nam , trước đó phụ nữ chỉ đeo vàng,

    Trả lờiXóa