Hoạ sĩ Ánh Dương vốn là một siêu mẫu nổi tiếng quốc tế nhờ ngoại hình quý phái và "exotic". Cô sinh năm 1960 ở Bordeaux (Pháp), cha Việt, mẹ Tây Ban Nha. Năm 1988, Ánh Dương sang New York học hội hoạ và đóng phim. Sau hơn một thập niên làm người mẫu cho các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng như Donna Karan, Christian Lacroix và John Galliano, hội hoạ trở thành nghề chính của cô.
"Khi Ánh Dương bắt đầu là hoạ sĩ, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Nhưng khi trở thành một hoạ sĩ thực thụ, cô lại bị mắc kẹt trong thân thể của một siêu mẫu" (Ingrid Sischy).
Tác phẩm của Ánh Dương gợi nhớ đến Egon Schiele và Frida Kahlo do sự táo bạo, hoa tình và thân mật. Tranh của cô không chú trọng đến đề tài mà ở tự thân bút pháp. Cô thuần vẽ tranh chân dung, hầu hết là chân dung tự hoạ được vẽ như nhật kí thường ngày. Tác phẩm của cô đã triển lãm tại các gallery trên thế giới như: Tony Shafrazi ở New York, và Galerie Jérôme de Noirmont ở Pháp.
Các chân dung tự hoạ của Ánh Dương, khác với tính luyến ngã (narcissism), chúng phơi bày chi tiết về những điểm bất hoàn hảo. Như cách so sánh của Glenn O’Brien cho rằng tranh của Ánh Dương như dạng tranh ngoại nhịp (syncopate), chúng cộng hưởng với "cái đẹp xấu xí" (ugly beauty) theo cách gọi của nhạc sĩ jazz Thelonius Monk với những hợp âm vừa được chơi trúng nhịp vừa ngoài nhịp quy định. Vẻ đẹp ở đây là tính trầm lặng, là sự chấp nhận hơn là đề cao hoặc tán dương.
Gương mặt được diễn đạt không phải là một hình bóng tự si mê (như câu chuyện Narcissus) mà là hình ảnh được chiêm nghiệm luôn giữ được cảm xúc trung tính. Một hình thể được lập đi lập lại và sự thực hành này gần như đối lập với tính luyến ngã. Tự hoạ của Ánh Dương có khuynh hướng tẩy xoá nội dung cảm xúc ra khỏi gương mặt, lột bỏ đi những gì không phải là thiết yếu. Từ đó, gương mặt trở thành một sân chơi của sự ngẫu nhiên, của ánh sáng và bóng tối. Ở đây hình thức và nội dung hiển nhiên nằm trên cùng một mặt phẳng. Cũng ở đây, tranh tự hoạ trở thành sự khách quan hoá tính chủ quan. John Galliano phát biểu về tranh Ánh Dương: "Mỗi bức tự hoạ nắm bắt một tinh thần thường hằng và một sắc thái thoáng qua. Nó chính là loại hội hoạ hết sức khó diễn đạt đúng cách, bất chấp người hoạ sĩ và đối tượng là người lạ hay đã quen nhau lâu rồi. Nó chính là ngành hoá học về những khoảnh khắc".
Phát biểu của hoạ sĩ Ánh Dương trong Cuộc trò chuyện với chính mình dưới đây được dịch từ cuốn Anh Duong - (Self) Portraits (Nxb Assouline 2002). Cuốn sách được trình bày đặc biệt do sự xắp xếp những bức ảnh thời trang hào nhoáng bên cạnh những bức tự hoạ của Ánh Dương. Chúng phơi mở một thế giới rất riêng tư tương phản với những bức ảnh về cô do nhiều nhiếp ảnh gia chụp. Trong tập tranh và ảnh này, ngoài phần dẫn nhập đặc sắc của cây bút Glenn O’Brien, còn có nhiều trích dẫn, phát biểu của nhiều nhân vật nổi tiếng về cô, như Dianne Von Ferstenberg, Bernado Bertolucci, Jullian Schabel...
*
Ánh Dương
Trò chuyện với mình
Vẽ, để đừng quên hơi thở bị tan biến. Mỗi dấu ấn đều gắn liền với một khoảnh khắc đời mình. Vẽ, không phải để tái sản xuất một gương mặt, mà để ghi giữ cái không thể thấy. Một cuộc kiếm tìm phi lí phản ứng lại với nỗi sợ mất mát. Một cảm giác về tình thế cấp cứu và tai nạn với sơn dầu. Một dấu ấn có thể tẩy xoá, để sót lại một vết tích ở đó mọi thứ là khả dĩ. Như một tâm hồn đớn đau phản ứng với nhu cầu sống còn.
Điều làm ta sợ hãi và những gì ta vẽ ra chẳng cứ giống nhau. Ta chẳng thể nào quay trở lại, thấy cái nhìn chòng chọc của mi một lần nữa trong cùng một luồng ánh sáng. Đây không phải ham muốn vẽ, mà để tiếp tục con đường dài hơi này, nơi mỗi bức tranh chẳng bao giờ hoàn tất, nơi mỗi bức thư tình chẳng bao giờ được nhận. Hãy làm lại từ đầu, mà không rán thành công, tiếp tục mà không muốn đạt tới. Quên đi những đòi hỏi của quy luật thị giác. Vẽ, bởi ta không thể nói lên bằng cách nào khác, cũng không màng đến ranh giới của mình. Và cuộc đàm thoại dang dở này giữ ta tồn tại và gián đoạn bởi những khoảnh khắc lạc thú tột độ, như những khoảnh khắc ân sủng. Ở đó người ta có thể cảm động đến rơi lệ, bởi cái ảo giác khi gam đỏ gặp gam đất son. Một sự hoà trộn của sự bất toàn và cảm hứng.
Ai chưa từng bận tâm bởi sự giống nhau, ngoài hiệu quả sản sinh ra bởi nét cọ. Nếu một đường nét có thể nói lên tất cả, ta xin ngưng ở đây. Ta không muốn mô tả, mà muốn làm cho hiển hiện. Và những gì không lên tiếng sẽ nói được nhiều hơn cả.
Chính trong sự trùng lặp mà ta giữ được sự hồn nhiên. Nhìn chằm chặp vào sự trần trụi trong tấm gương để quên chính mình. Ta không tin cậy trí tưởng tượng của mình, ta còn sợ rằng nó sẽ ghi nhớ ta. Nó hẳn sẽ bảo ta những điều ta biết rồi và sẽ làm ta nhàm chán. Hội hoạ là sự đối mặt trùng trùng, băng qua cự li giữa những gì trong những giấc mơ của ta. Và cả những gì giữa ban ngày ban mặt. Với cái biết thuộc lòng, ta sẽ chẳng còn gì để kì vọng. Khi nhìn vượt ngoài sự quen thuộc, ta sẽ không bị cám dỗ phải miêu tả, phải bám vào cái nhắc ta nhớ đến. Đề tài và câu chuyện không còn quan trọng nữa, chỉ có hình thể và màu sắc còn lại. Vậy ta sẽ trực chỉ hướng đến cái thiết yếu. Trước đó là vô sự, giờ đây cuộc phiêu lưu bắt đầu.
Mi phải yêu lấy người mẫu của mi hoặc học cách yêu lấy y. Đề tài tự thân không là gì, điều quan trọng là có thể nói mọi thứ về cuộc đời thông qua nó. Ta không chọn người mẫu, tự y đến với ta. Đánh thức sự khao khát của ta bởi màu sắc của chiếc áo len, màu vàng của tóc, ánh phản chiếu trong cặp mắt kính trên gương mặt. Ta muốn y tự nhìn vào mắt ta, bị quấy nhiễu bởi sự hiện hiện của ta, trong cuộc đối thoại câm lặng, ở đó thời gian qua đi, cả hai quên mất ai đang quan sát ai. Và ta sẽ chìm đắm khi tia nhìn của chúng ta trở thành cách giữ cho đối tượng ở một cự li, hoặc cho phép buông thả hoàn toàn.
Giống như băng qua một hành lang cách li hai căn phòng. Nó cho phép ta theo dõi từng vết nhăn trên gương mặt, từng vết bẩn trên làn da. Mỗi dấu vết trở nên một chỉ dẫn trên địa đồ dẫn ta tới đích. Cần đến sự tin tưởng rằng một nét nhăn sẽ tạo nên hình khối của một bên má. Thế nhưng, chính nhờ đi theo một cách mù quáng cái vết nhăn ấy mà mọi thứ trở nên có thể. Và người ta có thể xúc động sâu xa bởi cái sóng mũi nằm hấp hối cùng với sự ra đời của vầng trán. Đấy là khởi đầu của một câu chuyện tình, ở đó sẽ không gì bị lãng phí.
Tham khảo: Anh Duong (Self) Portraits, Assouline, 2001
Bài đã đăng trên Mĩ thuật, số tháng 3.2008
Các bạn có thể đọc thêm bài: Hoạ sĩ Ánh Dương từng mâu thuẫn khi nghĩ về Việt Nam:
http://www.elle.vn/content/hoa-si-anh-duong-tung-mau-thuan-khi-nghi-ve-viet-nam-0
http://www.elle.vn/content/hoa-si-anh-duong-tung-mau-thuan-khi-nghi-ve-viet-nam-0
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét