Nguyên tác tiếng Rumani: Lacrimi şi Sfinţii
E.M. Cioran viết và xuất bản năm 1937 tại Bucarest
Hà Vũ Trọng dịch theo bản Anh ngữ của Ilinca Zarifopol-Johnson:
Tears and Saints,
The University of Chicago Press 1995
Khi tìm kiếm nguồn gốc của nước mắt, tôi nghĩ đến các thánh. Phải chăng họ là mạch nguồn của thứ ánh sáng đắng cay từ châu lệ? Ai biết được? Có thể chắc chắn rằng, những giọt lệ là dấu vết của họ. Nước mắt không đi vào thế giới này qua các thánh, nhưng nếu không có họ, chúng ta sẽ mãi mãi không hiểu rằng mình khóc vì khao khát một thiên đường đã mất. Hãy cho tôi thấy một giọt lệ nào đã bị mặt đất nuốt chửng! Không, tất cả đều bay lên bầu trời theo những cách mà chúng ta không biết được. Nỗi đau đến trước nước mắt, và các thánh đã đảo ngược thứ tự này.
Không thể biết được thánh nhân. Chỉ khi nào ta đánh thức những giọt lệ đang ngủ yên trong sâu thẳm, và hiểu được qua chúng, ta mới có thể biết được cách một người từ bỏ làm một phàm nhân.
Phận thánh (sainthood) tự thân không có gì thú vị,
chỉ cuộc đời của thánh nhân mới thú vị. Làm sao một người có thể từ bỏ chính
mình và bước đi trên con đường nên thánh? Nhưng làm thế nào để trở thành
người viết tiểu sử các thánh? Bằng cách lần theo dấu vết các thánh, ướt đẫm bàn
chân mình trong dòng nước mắt của họ!
*
Djelal-eddin-Rumi: “Tiếng vĩ cầm là âm thanh khi
cánh cửa thiên đường mở ra.”
Vậy tiếng thở dài của thiên sứ nên được so sánh với điều
gì?
*
Người phụ nữ mù trong bài thơ của Rilke than thở: “Tôi
không thể sống chung với bầu trời trên đầu được nữa.” Chúng ta nên nói gì với
cô ta? Nếu nói rằng chúng ta cũng không thể sống chung với mặt đất dưới chân,
liệu có khiến cô ta cảm thấy chút an ủi không?
*
Nhiều thánh nhân (đặc biệt là thánh nữ) đã bày tỏ nỗi
khao khát được an nghỉ trong trái tim Chúa Giêsu. Tất cả họ đều được toại nguyện.
Giờ đây tôi cuối cùng đã hiểu tại sao trái tim của Đấng Cứu Thế lại không ngừng
đập suốt hai ngàn năm qua. Lạy Chúa tôi! Ngài đã lấy máu các thánh làm thức ăn
nuôi trái tim ngài, lấy mồ hôi trên trán họ để tắm rửa nó!
Làm sao chúng ta không yêu thánh nữ Teresa cho được?
Vào ngày Chúa Jesus tỏ mình ra là vị hôn phu, bà đã chạy ra sân tu viện, nhảy
múa điên cuồng, đánh trống, mời các tỉ muội cùng tham gia vào niềm hoan lạc xuất
thần của mình?
Năm sáu tuổi, cô bé đọc hạnh tích các thánh, trong tim
cô cất lên tiếng kêu lặp đi lặp lại: “Vĩnh cửu, vĩnh cửu!”. Sau đó, bà quyết
tâm đến với người Moor để cải đạo họ, đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng. Tuy
nguyện vọng không thành, nhưng lòng nhiệt thành của bà ngày càng mãnh liệt hơn.
Ngay cả cho đến hôm nay, ngọn lửa trong linh hồn bà vẫn không tắt, vì chúng ta
vẫn sống nhờ hơi ấm của nó.
Để giành được nụ hôn tội lỗi của một vị thánh, tôi sẽ
vui vẻ đón nhận bệnh dịch như một phước lành.
*
Liệu tôi có bao giờ thanh khiết đến mức chỉ có thể soi
gương trong nước mắt của các thánh?
*
Thật kì lạ khi có nhiều vị thánh sống trong cùng một
thời đại. Tôi cố tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ của các vị thánh, nhưng cả
trí tưởng tượng lẫn nhiệt tình của tôi có vẻ hơi vô ích. Thánh Teresa Avila, 52 tuổi, nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ, đã gặp Thánh Gioan
Thánh Giá, 25 tuổi, vô danh nhưng đầy nhiệt huyết, ngay tại Medina
del Campo! Chủ nghĩa thần bí Tây Ban Nha: một khoảnh khắc thiêng liêng trong lịch sử
nhân loại.
Một cuộc đối thoại của các vị thánh? Chỉ có
Shakespeare, với trái tim của một trinh nữ, hoặc một Dostoyevsky khi lưu đày ở
Siberia thiên đường, mới có thể viết nên tác phẩm này. Tôi sẽ lẽo đẽo theo sau
các vị thánh suốt đời.
Không
ai có thể sánh với Jalal al-Din Rumi, người đã tạo ra nhiều con đường dẫn đến
Chúa qua âm nhạc và vũ điệu, một thánh nhân mà những người ngưỡng mộ đã phong
thánh từ lâu. Cuộc gặp gỡ của ông với một người hành hương vô danh,
một nhà hiển triết mù chữ, Shams-eddin, đầy hấp lực kì lạ. Sau cuộc gặp gỡ, họ
đã tự khoá mình trong nhà của Rumi ở Konya suốt ba tháng, không rời nửa bước. Một sự xác tín theo bản năng đã khiến tôi tin rằng mọi điều đã được
nói ra ở đó.
Vào thời đó, mỗi người đều giữ kín những bí mật của
mình. Bạn có thể nói chuyện với Chúa vào bất cứ lúc nào, và Ngài sẽ chôn vùi tiếng
thở dài của bạn trong cõi hư vô của chính Ngài. Ngày nay chúng ta không còn được
an ủi vì không có ai để tâm sự. Chúng ta đã đến mức phải thú nhận nỗi cô đơn của
mình với những người phàm. Thế giới này hẳn đã từng sống trong Chúa. Lịch
sử tự chia thành hai giai đoạn: từng có một thời khi con người cảm thấy bị thu
hút về phía hư vô đầy màu sắc của thần linh; và hiện tại, khi sự hư vô của thế
giới bị trống rỗng tinh thần linh thiêng.
*
Âm nhạc khiến tôi trở nên không còn sợ hãi trước Chúa nữa. Đây chính là điều khiến tôi xa cách với những nhà thần bí phương Đông.
*
Trong Ngày Phán xét, chỉ có nước mắt mới được cân đong.
*
Trái tim Chúa Jesus là chiếc gối của các tín đồ. Tôi hiểu những nhà thần bí khao khát được gối đầu lên đó! Nhưng sự hoài nghi chỉ đưa tôi tới cái bóng của trái tim Ngài.
Không ai thực sự hiểu được phận thánh (sainthood) nếu không cảm nhận rằng trái tim là thế giới của nó. Trái tim là vũ trụ—đây là ý nghĩa sâu sắc nhất của thánh chức. Mọi thứ xảy ra trong trái tim: đó là chủ nghĩa thần bí và sự thánh khiết (saintliness). Nhưng điều này không có nghĩa trái tim người thường, mà là trái tim của các thánh.
*
Phận
thánh là sinh lí học biến hình, hay thậm chí là sinh lí học thiêng liêng. Mỗi quan
năng thân thể đều trở thành một chuyển động hướng lên cõi trời. Máu là một
trong những nỗi ám ảnh thường trực. Thánh khiết là sự chiến thắng của máu.
Máu tinh khiết của
Chúa Jesus là nước tắm và nước uống của các thánh. Vì thế, những lời cuối cùng
của Thánh Catherine Siena: ‘Ôi máu, máu!’ Bà đang kêu cầu đến công đức của máu
Đấng Cứu Thế.
*
Sự khác biệt giữa một nhà thần bí với
một vị thánh là nhà thần bí dừng lại ở một thị kiến nội tại, trong khi các
thánh thì đưa nó vào thực hành. Tính thánh khiết phải chịu hệ quả của chủ nghĩa
thần bí, đặc biệt là về mặt đạo đức. Một thánh nhân là một nhà thần bí, nhưng một
nhà thần bí không nhất thiết phải là một vị thánh. Bác ái (charity) không phải là thuộc tính cần thiết của chủ nghĩa thần bí;
nhưng chúng ta không thể nào hình dung thánh khiết mà không có bác ái. Đạo đức
cộng với huyển học tạo ra hiện tượng thú vị của phận thánh. Những nhà thần bí
nuôi dưỡng một nhục cảm thiên đường, một sự khoái lạc sinh ra từ sự giao tiếp với
cõi trời; chỉ có các thánh mới gánh trên vai gánh nặng của người khác, nỗi đau khổ
của những người không quen biết; chỉ có họ mới hành động. So với nhà thần bí
thuần tuý, thánh nhân là một chính trị gia. Ngoài là nhà thần bí, thánh nhân là
người hết sức năng động. Tuy nhiên, cuộc sống đầy rắc rối của họ không phải là
tiểu sử vì chúng chỉ có một chiều, là những biến tấu trên một chủ đề duy nhất: niềm
đam mê tuyệt đối.
“Nhà
thần bí là người tiết lộ bí mật của bạn trong khi bạn vẫn im lặng”. (Tôi không
nhớ một đại sư phương Đông nào đã đưa ra định nghĩa này).
*
Đôi
mắt không nhìn thấy. Catherine Emmerich đã đúng khi nói rằng bà chỉ nhìn thấy
qua trái tim. Đó là cách nhìn của các vị thánh. Chúng ta chỉ nhìn thấy bằng
giác quan, làm sao họ không thể nhìn thấy nhiều hơn chúng ta? Mắt có tầm nhìn hạn
chế: nó luôn nhìn từ bên ngoài. Nhưng với thế giới trong trái tim bạn, nội quan
là cách duy nhất để nhận biết. Không gian trực quan của trái tim = Chúa + thế
giới + hư vô. Nghĩa là, tất cả mọi thứ.
Con
mắt có thể phóng đại (magnify); trong
trái tim mọi thứ đều vĩ đại (magnificent)!
Tôi hiểu Mechthild Magdeburg khi bà than thở rằng cả vẻ đẹp của thế gian lẫn
các vị thánh đều không thể an ủi bà, không gì ngoài Chúa Jesus và trái tim của
Ngài. Cả những nhà thần bí lẫn các vị thánh đều không cần mắt; họ không nhìn ra
thế giới. Trái tim chính là mắt của họ.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét