Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

John Donne - Suy niệm 17: Chuông nguyện hồn ai và Không ai là một hòn đảo


Suy niệm thứ 17 của John Donne được biết đến nhiều nhất với hai câu thường được trích dẫn: "For Whom the Bell Tolls"- “Chuông nguyện hồn ai” - Hemingway đã lấy làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông; và "No Man is an Island" - “Không ai là một hòn đảo”, cũng là nhan đề một tập sách chiêm nghiệm tâm linh nổi tiếng của Thomas Merton.

John Donne (1572-1631) là một trong những nhà văn, nhà thơ Anh nổi tiếng nhất thời Phục hưng; ông cũng là giáo sĩ Anh giáo. Donne là nhân vật trung tâm trong nhóm các nhà thơ Siêu hình vào thế kỷ 17. Những nhà thơ này kết hợp những ẩn dụ phức hợp và khác thường với những điển cố triết học và khoa học, thơ của họ thường tập trung vào những tình huống khó xử mang tính siêu hình, vì vậy mang tên Thơ Siêu hình (Metaphysical Poetry). Sau khi nổi tiếng trở lại vào đầu thế kỷ 20, vị thế của Donne với tư cách là nhà thơ và nhà văn xuôi vĩ đại nhất của Anh đã được đảm bảo và trở thành một trong những nguồn ảnh hưởng lớn nhất tới thơ ca hiện đại (như T. S. Eliot, J. Brodsky...)

Donne viết Suy niệm 17 khi ông bị bệnh nặng vào năm 1623, tuy đây không phải là một bài thơ nhưng bài giảng này vẫn khám phá những bí ẩn siêu hình của cái chết. Sau khi khỏi bệnh (thường được cho là bệnh sốt phát ban), Donne đã xuất bản loạt 23 bài giảng trong một tập sách vào năm 1624 lấy tên Devotions Upon Emergent Occasions (Sự sùng kính trong những trường hợp khẩn cấp). 

Dưới đây là bản dịch nguyên văn bài Suy niệm 17 trong tập bài giảng nói trên.  

Georgia O'Keeffe. Chuông giáo đường, 1917


Suy niệm thứ 17

 “Nunc lento sonitu dicunt, morieris.”

Giờ đây hồi chuông này chậm rãi vang lên báo tử cho ai đó, nó nói với tôi: Ngươi phải chết

Có lẽ hồi chuông này rung lên cho một người đang bệnh nặng đến nỗi không biết rằng nó đang cáo phó cho chính mình. Và có lẽ bản thân tôi tự phụ rằng mình mạnh khoẻ hơn rất nhiều so với thực trạng, trong khi những người xung quanh thì thấy rõ, mà tôi thì không biết điều đó. Giáo hội mang tính công giáo, phổ quát, mọi hành động của Giáo hội cũng vậy; mọi việc giáo hội làm đều thuộc về tất cả. Khi một đứa bé được rửa tội, việc đó liên quan đến tôi; vì đứa bé nhờ đó được kết hợp với cái đầu cũng là đầu của tôi, và được ghép vào một cơ thể mà tôi là một chi thể. Và khi một người được chôn cất, điều đó khiến tôi âu sầu; toàn thể nhân loại đều được sáng tạo bởi một tác giả, và cùng một cuốn sách; khi một người chết, không phải là một chương bị xé rời khỏi cuốn sách mà được dịch sang một ngôn ngữ hay hơn; và đó là cách mỗi chương được dịch; Chúa đã thuê một số dịch giả; một số chương được phiên dịch do tuổi già, một số do bệnh tật, một số do chiến tranh, một số do công lí; nhưng có bàn tay Chúa ở trong mọi bản dịch, và bàn tay Ngài sẽ khâu đóng tất cả mọi trang giấy rải rác lại với nhau, và trong thư viện đó, nơi mọi cuốn sách sẽ được đặt cạnh nhau để đọc; do đó, giống như tiếng chuông rung lên cho buổi thuyết giảng, không chỉ kêu gọi người thuyết giảng mà còn gọi cộng đoàn đến; vì vậy tiếng chuông báo tử này cũng vang lên kêu gọi tất cả chúng ta: và hơn thế nữa, là tôi, người đang đau yếu cận kề cửa tử.

Trước đây từng có cuộc tranh cãi và thậm chí là kiện tụng (trong đó, lòng sùng đạo và danh dự, tôn giáo và lòng kính mến đều trộn lẫn vào nhau) xem dòng tu nào nên được rung chuông cầu nguyện trước tiên vào lúc bình minh; và người ta đã quyết định rằng ai dậy sớm nhất sẽ rung chuông trước. Nếu chúng ta hiểu đúng sự trang trọng của tiếng chuông này vang lên cho buổi cầu nguyện ban tối thì chúng ta sẽ vui vẻ biến nó thành của mình, bằng cách dậy sớm với hi vọng rằng nó là của ta cũng như của người khác vậy. Tiếng chuông vang lên cho ai nghĩ rằng nó dành cho mình, và ngay cả khi nó gián đoạn, nhưng kể từ giây phút đó, do duyên cớ tác động đến, người ấy vẫn được kết hợp với Chúa. Ai mà không ngước mắt nhìn mặt trời khi nó mọc?  Nhưng ai lại rời mắt khỏi sao chổi khi nó bùng vỡ? Ai không lắng nghe một tiếng chuông báo hiệu cho sự kiện nào đó?  Nhưng ai có thể lấy ra khỏi tiếng chuông đang truyền đi một phần của chính mình ra khỏi thế giới này?

Không ai là một hòn đảo, tự mình khép kín; mỗi người là một phần của lục địa này, một phần của toàn thể; nếu một cục đất bị biển cuốn đi, châu Âu sẽ càng nhỏ đi, cũng vậy nếu một mỏm đất, một cơ ngơi của bằng hữu hoặc của chính bạn bị cuốn trôi;  cái chết của bất kì ai cũng đều là sự mất mát với tôi, bởi tôi gắn bó với nhân loại, vì vậy đừng bao giờ hỏi hồi chuông cáo phó cho ai; nó cáo phó cho bạn.

Chúng ta cũng không thể gọi đó là ăn xin nỗi khốn khổ, hay sự vay mượn nỗi khốn khổ, như thể bản thân chúng ta chưa đủ khốn khổ hay sao mà phải lấy thêm từ nhà bên cạnh, gánh lấy nỗi khốn khổ của hàng xóm. Quả thực, đó là sự tham lam có thể tha thứ được nếu chúng ta làm như vậy; vì đau khổ hoạn nạn là một kho báu, hiếm ai có đủ nó.  Không ai trải qua đủ đau khổ mà không trưởng thành và hoàn thiện nhờ nỗi đau khổ đó và trở nên xứng đáng với Chúa nhờ nỗi đau khổ đó. Nếu một người mang theo một kho báu bằng vàng thỏi hoặc bạc nén và không được đúc thành đồng tiền hiện hành, kho báu của người ấy sẽ không phải hao phí khi đi du lịch. Về bản chất, sự đau khổ là kho báu, đó không phải là loại tiền bạc thông thường có thể sử dụng được, nhưng nhờ nó, chúng ta ngày càng đến gần hơn ngôi nhà của mình, là thiên đường. Một người khác cũng có thể bị bệnh, bệnh đến chết, và nỗi đau khổ này có thể bị chôn vùi trong ruột gan của anh ta, như vàng trong mỏ, và chẳng có ích gì cho anh ta; nhưng chiếc chuông này nói cho tôi biết về nỗi đau khổ của người ấy, đã đào ra được số vàng đó: khi xem xét đến mối nguy cơ của người khác, tôi sẽ suy ngẫm về mối nguy cơ của chính mình, và nhờ đó, tôi tự bảo vệ bằng cách chạy đến Chúa của tôi, Đấng chở che duy nhất của chúng ta.



Hà Vũ Trọng dịch
Nguồn văn bản: https://www.luminarium.org/sevenlit/donne/meditation17.php


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét