Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

John Keats TỤNG CA NỖI SẦU

Hà Vũ Trọng tạm dịch



I.

Ôi đừng, đừng ra bến Sông Mê, cũng đừng vắt kiệt
Rễ sâu cây ô đầu làm rượu độc dược;
Đừng để vầng trán nhợt của bạn hứng nụ hôn từ cây cà độc dược
Chớ nếm rượu bồ đào hồng ngọc của Nữ vương Địa ngục;
Đừng dùng hạt độc thuỷ tùng để kết chuỗi hạt mân côi.
Cũng đừng để loài bọ hung hay bướm đêm
Hoá thành Linh hồn than khóc của bạn,
Cũng đừng để con cú đêm tinh khôn
Làm bạn đồng hành nhìn thấu nỗi buồn thầm kín của bạn;
Vì khi bóng tối chập chùng trở về chỉ càng thêm thẫn thờ
Và nhấn chìm nỗi khắc khoải thao thức trong hồn.

II.
Nhưng một khi cơn sầu bỗng ập xuống
như đám mây đen rơi lệ từ trời
Tuôn tưới những bông hoa gục đầu ủ rũ,
Và giấu quả đồi xanh trong tấm vải liệm tháng Tư;
Thì hãy để nỗi sầu của bạn say sưa với đoá hồng ban mai,
Hoặc với sắc cầu vồng lấp lánh trên sóng biển cát mặn,
Hoặc với vẻ rực rỡ của những đoá mẫu đơn hình cầu;
Hoặc nếu người tình của bạn có điều gì giận dỗi,
Hãy giam cầm bàn tay mềm mại của nàng, để nàng trút hết nguồn cơn,
Và hãy đắm chìm thật sâu vào đôi mắt đẹp vô song của nàng.

III.
Nỗi sầu ở cùng Vẻ đẹp—nhưng Vẻ đẹp sẽ phải tàn phai;
Và Niềm vui với bàn tay luôn đưa lên môi
Nói lời tạm biệt; và Lạc thú đau thương chờ chực
Biến thành độc dược khi miệng ong nhấm mật:
Ồ, ngay trong ngôi đền của Hoan lạc
Nỗi Sầu đã được giấu kín nơi bàn thờ tối cao,
Không ai thấy, trừ người nào với chiếc lưỡi nhạy bén
Có thể cắn vỡ trào quả nho Niềm vui trong vòm miệng tinh tế
Linh hồn người ấy một khi nếm vị âu sầu đầy uy lực ,
Liền trở thành chiến tích treo trong mây mù.

*

John Keats
ODE ON MELANCHOLY

I.
No, no, go not to Lethe, neither twist
Wolf's-bane, tight-rooted, for its poisonous wine;
Nor suffer thy pale forehead to be kiss'd
By nightshade, ruby grape of Proserpine;
Make not your rosary of yew-berries,
Nor let the beetle, nor the death-moth be
Your mournful Psyche, nor the downy owl
A partner in your sorrow's mysteries;
For shade to shade will come too drowsily,
And drown the wakeful anguish of the soul.

II.

But when the melancholy fit shall fall
Sudden from heaven like a weeping cloud,
That fosters the droop-headed flowers all,
And hides the green hill in an April shroud;
Then glut thy sorrow on a morning rose,
Or on the rainbow of the salt sand-wave,
Or on the wealth of globed peonies;
Or if thy mistress some rich anger shows,
Emprison her soft hand, and let her rave,
And feed deep, deep upon her peerless eyes.

III.
She dwells with Beauty—Beauty that must die;
And Joy, whose hand is ever at his lips
Bidding adieu; and aching Pleasure nigh,
Turning to poison while the bee-mouth sips:
Ay, in the very temple of Delight
Veil'd Melancholy has her sovran shrine,
Though seen of none save him whose strenuous tongue
Can burst Joy's grape against his palate fine;
His soul shalt taste the sadness of her might,
And be among her cloudy trophies hung.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

François Cheng NĂM TRẦM TƯ VỀ CÁI ĐẸP

Hà Vũ Trọng dịch


François Cheng (Trình Bão Nhất 程抱一) sinh năm 1929 tại Giang Tây, sang Pháp năm 1949, là nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp, ông đã sống ở Paris hơn 60 năm, tác giả của nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp: gồm 10 tập thơ và nhiều sách về hội hoạ, mĩ học, thi pháp Trung Hoa, và nhiều tiểu thuyết, cũng là dịch giả của một số nhà thơ lớn của Pháp sang tiếng Trung. Năm 2001, Francois Cheng được tặng Giải thưởng Lớn của Cộng đồng Pháp Ngữ (Grand Prix de la Francophonie), sang năm 2002 ông trở thành Viện sĩ gốc Á đầu tiên của Viện Hàn lâm Pháp (Académie Francaise).
Trong tác phẩm Năm trầm tư về cái đẹp (Cinq Méditations sur la Beauté), François Cheng kết hợp những cảm nhận sống độc đáo của mình, từ một góc nhìn vượt Đông-Tây, bắt đầu từ truyền thống nghệ thuật hàng ngàn năm của Trung Quốc với lí thuyết nghệ thuật, và mĩ học từ thời Phục hưng châu Âu, để nói về cái đẹp và mối liên hệ nội tại giữa cái đẹp và sự tồn tại của đời sống. Năm trầm tư về cái đẹp mang màu sắc của bài phát biểu với tiến triển theo hình xoắn ốc, kết quả của một hành trình sống độc đáo với nhiều lần gặp gỡ, vượt ra ngoài phạm trù tri thức thuần tuý, đi vào sâu thẳm trong suy tư. “Cái đẹp thực sự không chỉ tồn tại trong những thứ đã được công nhận là đẹp; nó gần như trước hết nằm trong khát vọng và xung động hướng tới cái đẹp. Đó là một quá trình trở thành, và chiều kích của tinh thần hoặc tâm hồn là thiết yếu đối với nó. Điều chi phối nó ở phía sau chính là nguyên tắc sống rộng lớn. Vì vậy, trong tất cả các tiêu chuẩn có thể, nguyên tắc duy nhất có thể đảm bảo tính chân thực của cái đẹp chính là: cái đẹp phù hợp với Đạo mới là cái đẹp thực sự. Đạo là gì? Đó là hành trình không thể ngăn cản hướng tới đời sống khai phóng. Nói cách khác, đó là giữ lời hứa, đảm bảo nguyên tắc sống cho mọi khả thể mở ra.”





Trầm tư thứ nhất


Trong một thời đại đầy dẫy khổ đau, bạo lực mù quáng, thiên tai và thảm hoạ sinh thái toàn cầu, việc nói về cái đẹp có thể trở nên không thích hợp, không đúng đắn, thậm chí khiêu khích—gần như giật gân. Nhưng chính vì lí do đó chúng ta thấy rằng cái đẹp, như là điều đối lập với cái ác, cái đẹp thực sự nằm ở cực đối diện của một thực tại mà chúng ta phải đối mặt. Tôi tin rằng nhiệm vụ khẩn cấp và thường xuyên của chúng ta là phải nhìn thẳng vào hai bí ẩn này vốn tạo thành hai cực của thế giới đời sống: ở một đầu là cái ác; ở đầu kia là cái đẹp. 

Chúng ta biết cái ác là gì, đặc biệt cái ác mà con người gây ra cho đồng loại. Do trí thông minh và tự do của mình, khi con người rơi vào hận thù và tàn bạo, họ có thể chìm xuống những vực thẳm không đáy, mà ngay cả loài thú dữ nhất cũng không làm được. Trong đó có một bí ẩn ám ảnh lương tâm của chúng ta, gây ra một vết thương dường như không thể chữa lành.

Cái đẹp, chúng ta cũng biết là gì. Tuy nhiên, chỉ cần suy ngẫm một chút, chúng ta không thể không ngạc nhiên: vũ trụ không bắt buộc phải đẹp, thế nhưng nó vẫn đẹp. Dựa trên quan sát này, vẻ đẹp của thế giới, bất chấp mọi thảm hoạ, cũng hiện ra với chúng ta như một bí ẩn. 

Sự tồn tại của cái đẹp có ý nghĩa gì đối với sự tồn tại của chính chúng ta? Và trước cái ác, câu nói của Dostoyevsky, “Cái đẹp cứu rỗi thế giới,” có ý nghĩa gì? Cái ác và cái đẹp: đó là hai thách thức mà chúng ta phải đối diện. Đừng quên rằng cái xấu và cái đẹp không chỉ nằm ở hai cực đối lập: chúng đôi khi còn đan xen vào nhau. Bởi vì chỉ ở cuối trục của nó, cái đẹp mới không thể bị cái ác biến thành một công cụ của sự lừa dối, thống trị, hoặc cái chết. Khi một cái đẹp không được xây dựng trên cái thiện thì nó có còn được coi là “đẹp” không? Liệu cái đẹp chân chính có phải là cái thiện? Một cách trực giác, chúng ta biết rằng việc phân biệt cái đẹp thật với cái đẹp giả là một phần nhiệm vụ của chúng ta. Những gì đang bị de doạ không gì khác ngoài sự thật về số phận con người, một số phận liên quan đến những sự kiện cơ bản về tự do của chúng ta.

Có lẽ đáng để tôi dừng lại một chút ở đây để đưa ra lí do sâu xa hơn khiến tôi đề cập đến vấn đề cái đẹp và không bỏ qua vấn đề cái ác. Bởi vì ngay từ khi còn nhỏ, trong khoảng ba, bốn năm, tôi đã bị “sét đánh” bởi hai hiện tượng cực đoan này. Cái đẹp đã đến trước.

Tổ tiên tôi có quê gốc ở tỉnh Giang Tây, nơi có dãy Lư Sơn. Mỗi năm vào mùa hè, cha mẹ tôi đều dẫn chúng tôi đến đó để nghỉ mát. Lư Sơn thuộc một dãy núi, có độ cao gần một nghìn năm trăm mét, nằm ở vị trí cao, một bên nhìn ra sông Dương Tử và bên kia là hồ Bà Dương.

Do vị trí đặc biệt, nơi đây được coi là một trong những địa điểm đẹp nhất Trung Quốc. Do đó, trong suốt khoảng mười lăm thế kỉ, nơi đây đã thu hút các thiền sư, hoà thượng, thi nhân và hoạ sĩ. Khi được người phương Tây phát hiện, đặc biệt là các nhà truyền giáo Tin Lành, vào cuối thế kỉ 19, nơi đây đã trở thành khu nghỉ dưỡng của họ. Họ tập trung quanh một ngọn đồi trung tâm, rải rác những ngôi nhà gỗ và nhà nghỉ. Mặc dù có những di tích cổ và những ngôi nhà hiện đại, Lư Sơn vẫn tiếp tục có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Những ngọn núi xung quanh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ, một vẻ đẹp mà truyền thống mô tả là huyền bí, đến mức câu nói của người Trung Quốc, “vẻ đẹp Lư Sơn” mang nghĩa “sự huyền bí khôn dò.”

Trương Đại Thiên, Lư Sơn toàn cảnh 

Tôi sẽ không mô tả vẻ đẹp này dài dòng. Nói ngắn gọn rằng nó bắt nguồn từ một vị trí đặc biệt, như vừa đề cập, điều này khiến mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ và những trò chơi ánh sáng biến hoá vô tận. Vẻ đẹp của nó cũng bắt nguồn từ những lúc mây mù sương che khuất hoặc hiển lộ một “Lư Sơn chân diện mục” ; từ những tảng đá kì dị hoà quyện với thảm thực vật dày đặc và đa dạng, từ những thác nước và dòng suối chảy tạo ra một bản nhạc không ngừng suốt ngày đêm qua bốn mùa. Vào những đêm hè giữa dòng Trường Giang và dải Ngân Hà, đom đóm thắp sáng, núi rừng toả nồng hương tinh dầu của mọi loại cây cối; những con thú hoang say sưa bừng dậy đắm mình trong ánh trăng, những con rắn cũng trải dài lớp da lượt là của chúng, lũ ếch rải những hạt ngọc trai, giữa hai tiếng kêu, đàn chim phóng ra như những mũi tên đen tuyền…

Tôi không có ý mô tả phong cảnh. Tôi chỉ muốn nói rằng Thiên nhiên, qua Lư Sơn, với tất cả sự hiện diện đáng sợ của nó, đã phô bày trước đứa bé sáu hoặc bảy tuổi là tôi khi ấy, như một bí mật vô tận, và trên hết, như một cơn mê đắm không thể cưỡng lại. Dường như nó gọi tôi tham gia vào cuộc phiêu lưu của nó, và tiếng gọi đó đã làm tôi choáng ngợp, khiến tôi gục ngã. Dù tôi còn trẻ, tôi cũng nhận thức được rằng Thiên nhiên cũng ẩn chứa nhiều bạo lực và tàn nhẫn. Tuy nhiên, làm sao tôi lại không nghe thấy thông điệp vang vọng bên trong mình: cái đẹp tồn tại! 

Một lần nữa trong cái thế giới gần như nguyên sơ này, thông điệp đó sẽ sớm được xác nhận bởi vẻ đẹp của thân thể con người, hay cụ thề hơn là thân thể phụ nữ. Khi lang thang trên đường núi, tôi bắt gặp những cô gái phương Tây mặc đồ bơi, họ đang đi tới những hồ nước được tạo thành bởi thác nước để tắm. Những bộ đồ bơi vào thời đó rất kín đáo. Nhưng nhìn cảnh đôi vai trần và cặp đùi trần dưới ánh nắng mùa hè, thật là sốc! Chưa kể tiếng cười vui vẻ của những cô gái trẻ đó đáp lại tiếng gầm thét của thác nước! Có vẻ như ở đây, Thiên nhiên đã tìm thấy một ngôn ngữ riêng để ca ngợi nó. Ca ngợi—đó chính là chiếc chìa khoá. Con người cần phải tạo ra thứ gì đó từ vẻ đẹp này mà Thiên nhiên đã ban tặng.

Tôi đã sớm khám phá ra điều kì diệu đó mang tên Nghệ thuật. Mắt mở to, tôi bắt đầu nhìn chăm chú hơn vào hội họa Trung Quốc, chúng tái hiện một cách tuyệt vời những cảnh mây và sương mù trên núi. Và, một khám phá trong những khám phá: tôi đã sớm tình cờ phát hiện ra một loại hội hoạ khác. Một trong những người dì của tôi trở về từ Pháp, đã mang đến cho chúng tôi những ấn bản tranh từ Bảo tàng Louvre và những nơi khác. Tôi bị sốc một lần nữa khi nhìn thấy hình ảnh phụ nữ khoả thân được thể hiện một cách đầy nhục cảm và lí tưởng: những nữ thần Vệ nữ Hi Lạp, những người mẫu của Botticelli, Titian và đặc biệt, gần gũi hơn với chúng tôi, là Chassériau, Ingres. bức "Nguồn suối" (La Source) của Ingres mang tính biểu tượng đã thấm sâu vào trí tưởng tượng của đứa bé, khiến nó rơi nước mắt, làm xao động dòng máu.

Dominique Ingres, Suối nguồn

Lúc đó là cuối năm 1936. Chưa đầy một năm sau, chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ. Những kẻ xâm lược Nhật Bản dự tính cuộc chiến sẽ ngắn ngủi, nhưng sự kháng cự của người Trung Quốc đã khiến họ bất ngờ. Khi, sau vài tháng, họ chiếm được thủ đô, một cuộc thảm sát kinh hoàng ở Nam Kinh diễn ra. Tôi vừa tròn tám tuổi.

Chỉ trong hai hoặc ba tháng, quân đội Nhật Bản, điên cuồng, đã thành công trong việc giết chết ba trăm nghìn người, bằng những phương thức tàn bạo và khác nhau: xả súng máy vào những đám đông đang chạy trốn; hành quyết hàng loạt bằng cách chém đầu bằng kiếm; ném thường dân vô tội xuống những cái hố lớn rồi chôn sống.

Những cảnh kinh hoàng khác: lính tù binh Trung Quốc bị bắt trói đứng vào các cột để lính Nhật tập dùng lưỡi lê. Lính Nhật, xếp thành một hàng, đối mặt với họ. Lần lượt, từng người lính bước ra khỏi hàng, hét lớn và đâm lưỡi lê vào máu thịt người sống…

Cũng kinh khủng không kém là số phận dành cho phụ nữ: hiếp dâm cá nhân, hiếp dâm tập thể thường kèm theo hành vi cắt xẻo, và giết người. Một trong những cơn cuồng trí của lính hiếp dâm: chụp ảnh người phụ nữ bị cưỡng hiếp và bắt cô ta phải đứng trần truồng cạnh mình. Một số bức ảnh đó đã được công bố trong các tài liệu Trung Quốc tố cáo tội ác của Nhật Bản. Từ đó trở đi, trong tiềm thức của đứa trẻ tám tuổi như tôi, chồng thêm lên hình ảnh vẻ đẹp lí tưởng bức tranh "Nguồn suối" của Ingres là hình ảnh người phụ nữ bị xâm hại, bị thương tật bởi kẻ bạo hành. 

Khi gợi lên những sự kiện lịch sử này, tôi hoàn toàn không muốn ám chỉ rằng những hành động tàn bạo là riêng biệt của một dân tộc nào. Sau đó, tôi có thời gian để tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc và thế giới. Tôi biết rằng cái ác, khả năng làm điều ác, là một thực tế phổ quát thuộc về toàn thể nhân loại.

Hai hiện tượng nổi bật và cực đoan này giờ đây liên tục ám ảnh nhận thức của tôi. Sau này, tôi dễ dàng nhận ra rằng cái ác và cái đẹp là hai thái cực của thế giới đời sống, tức là thực tế. Vì vậy, tôi biết rằng, từ nay trở đi, tôi sẽ phải chấp nhận cả hai đầu thái cực này: nếu chỉ xử lí một đầu này mà bỏ qua đầu kia, chân lí của tôi sẽ không có giá trị. Bằng trực giác, tôi hiểu rằng nếu không có cái đẹp, cuộc đời có lẽ không đáng sống, và mặt khác, một hình thức cái ác nhất định xuất phát chính từ việc sử dụng cái đẹp một cách vô cùng bại hoại.

Đây là lí do tại sao hôm nay tôi đến trước mặt các bạn, rất muộn màng trong cuộc đời tôi, để xem xét vấn đề về cái đẹp, mà không quên sự tồn tại của cái ác. Tôi biết đây là một nhiệm vụ khó khăn và bạc bẽo. Trong thời đại hỗn loạn về những giá trị, người ta cho rằng thà giễu cợt, hoài nghi, châm biếm, thất vọng hoặc thờ ơ. Sự can đảm đối mặt với nhiệm vụ này, tôi cho rằng, xuất phát từ mong muốn của tôi để thực hiện một nghĩa vụ đối với những người đã khuất, đang đau khổ, cũng như những người trong tương lai.  

Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng mình đầy nghi ngại, nếu không muốn nói là khắc khoải? Đứng trước mặt các bạn, tôi lo sợ rằng những câu hỏi mà các bạn đặt ra mặc dù tôi thấy hợp lí, như: “Bạn đang trình bày từ quan điểm nào? Bạn xuất phát từ vị trí nào? Bạn dựa vào sự hợp pháp nào?” Đối với những câu hỏi như vậy, tôi trả lời một cách rất đơn giản rằng tôi không có tư cách đặc biệt nào. Tôi chỉ tuân theo một quy tắc duy nhất: không bỏ qua bất cứ điều gì tạo nên một phần của đời sống; không bao giờ từ chối lắng nghe người khác, và suy nghĩ độc lập.

Không thể phủ nhận rằng tôi đến từ một vùng đất và một nền văn hoá nhất định. Hiểu rõ hơn về về nền văn hoá này, tôi tự giao cho mình nhiệm vụ trình bày mặt tốt nhất của nó. Nhưng do đời sống lưu vong đã khiến tôi trở thành một người không thuộc về nơi nào, hoặc thuộc về mọi nơi. Vì vậy, tôi không nói dưới danh nghĩa cho một truyền thống hay một lí tưởng nào đó được truyền lại từ những bậc tiền bối mà danh sách có giới hạn, càng không phải là một siêu hình học đã được định sẵn, hoặc một niềm tin cố định.

Thay vào đó, tôi tự nhận mình là một nhà hiện tượng học có phần ngây thơ, người quan sát và chất vấn không chỉ những sự kiện đã được lí tính phát hiện và xác định, mà còn về những gì ẩn giấu và bao hàm, chúng nảy sinh theo những cách không tiên liệu và bất ngờ, hiện xuất như một món quà và lời hứa. Tôi nhận thức rằng, trong thế giới vật chất, người ta có thể và cần phải thiết lập các định lí. Nhưng mặt khác, tôi biết rằng trong lĩnh vực đời sống, chúng ta nên học cách nắm bắt các hiện tượng khi chúng xảy ra, mỗi lần là độc nhất, khi chúng tự hiển hiện thuận theo Đạo, tức là đang hướng tới đời sống khai phóng. Bên cạnh việc suy tư, công việc tôi phải hoàn thành bao gồm việc đào sâu trong bản thân khả năng tiếp thu. Chỉ có một thái độ tiếp nhận – “làm khe nước cho thế giới” (vi thiên hạ khê) như Lão Tử nói – chứ không phải thái độ chinh phục, mới cho phép chúng ta, tôi tin chắc, tiếp nhận được một phần chân lí từ đời sống khai phóng.

Khi phát âm từ này, chân lí, một câu hỏi hiện lên trong đầu: Tôi đề xuất suy tư về cái đẹp, tốt lắm, nhưng liệu có chính đáng khi trình bày nó như là biểu hiện tối cao của thế giới được sáng tạo? Nếu chúng ta dựa vào truyền thống Plato, thì chẳng phải sự thật—hay chân lí—trong thế giới Ý niệm, phải chiếm vị trí cao nhất hay sao? Và lập tức theo sau chân lí, chẳng phải dành cho cái thiện hoặc sự tốt lành hay sao? Câu hỏi này dù chính đáng đến đâu, vẫn phải theo cùng chúng ta trong suốt những suy tư. Trong quá trình phát triển các ý tưởng về cái đẹp, chúng ta sẽ phải cố gắng biện minh cho nó dựa trên các khái niệm về sự thật và sự tốt lành.

Bây giờ, hãy bắt đầu bằng cách tiến hành điều sau đây. Rằng sự thật, hay chân lí là điều cơ bản dường như hiển nhiên với chúng ta. Bởi vì thế giới đời sống tồn tại nên phải có một chân lí tồn tại cho thực tại ấy, về tổng thể, có thể hoạt động. Còn về cái thiện, hay sự tốt lành, chúng ta cũng hiểu sự cần thiết của nó. Để thế giới đời sống này tiếp tục tồn tại, phải có một mức độ tối thiểu của sự tốt đẹp, nếu không, chúng ta có nguy cơ giết nhau đến người cuối cùng, và mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Còn cái đẹp thì sao? Nó tồn tại, mà sự tồn tại của nó ngay khi thoạt nhìn dường như không cần thiết chút nào. Nó hiện diện khắp nơi, kiên trì, thấm nhuần, trong khi vẫn tạo ra ấn tượng là thừa thãi. Đó là bí ẩn của nó: nó ở đó, trước mắt chúng ta, là bí ẩn lớn nhất.

Chúng ta có thể tưởng tượng một thế giới chỉ có sự thật mà không hề chạm tới một chút ý niệm nào về cái đẹp. Đây sẽ chỉ là một thế giới chức năng, nơi các yếu tố không phân biệt, đồng nhất, chuyển động theo cách hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau. Chúng ta sẽ phải đối phó với một trật tự của những “robot” chứ không phải trật tự của đời sống. Thực tế, các trại tập trung của thế kỉ hai mươi đã cho chúng ta một hình ảnh khủng khiếp về thứ “trật tự” này.

Để đời sống tồn tại, phải có sự phân hoá của các yếu tố. Khi nó tiến hoá, bằng cách trở nên ngày càng phức hợp, sự phân hoá này dẫn đến tính độc nhất của mỗi sinh vật. Điều này phù hợp với quy luật của đời sống, có nghĩa rằng mỗi sinh vật tạo thành một đơn vị hữu cơ cụ thể và đồng thời sở hữu tiềm năng phát triển và biến đổi. Đây là cách mà cuộc phiêu lưu bao la của đời sống đã tạo ra từng ngọn cỏ, từng bông hoa, mỗi người chúng ta, mọi người, đều độc đáo và không thể thay thế. Sự thật này quá hiển nhiên đến nỗi chúng ta không còn ngạc nhiên nữa. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn là người luôn thấy ngạc nhiên. Khi tuổi tác tăng lên, thay vì cảm thấy thất vọng, tôi vẫn tiếp tục ngạc nhiên. Tại sao tôi không nói ra điều đó: nó không bao giờ ngừng làm tôi vui sướng, bởi vì tôi biết rằng tính độc đáo của những sinh vật, của mỗi sinh vật, là một món quà quý giá.

Đôi khi tôi tưởng tượng mọi thứ diễn ra hơi khác một chút, tự nhủ rằng sự phân hoá các nguyên tố có thể đã được thực hiện theo những hạng mục lớn. Chẳng hạn, có thể có hạng mục hoa, nhưng với tất cả các loại hoa giống nhau, hoặc hạng mục chim, nhưng với tất cả các loài chim giống nhau, hạng mục đàn ông, hạng mục đàn bà, vv…

Nhưng không, có bông hoa này, con chim này, người đàn ông này, người phụ nữ này. Do đó, theo trật tự vật chất, ở cấp độ chức năng, chúng ta có thể thiết lập các định lí; đối với trật tự của đời sống, mọi sự thống nhất luôn luôn là độc nhất. Chúng ta phải nói thêm ở đây rằng nếu mỗi cá thể là độc nhất, thì ở mức độ mà tất cả những cá thể khác cũng là độc nhất. Nếu tôi là cá thể độc nhất, và nếu mọi cá thể khác đều giống hệt nhau, thì tôi sẽ chẳng là gì hơn một mẫu vật kì lạ, thích hợp để trưng bày trong tủ kính bảo tàng. Tính độc nhất của mỗi cá nhân chỉ có thể hình thành, khẳng định, dần dần bộc lộ và cuối cùng có được ý nghĩa nhờ vào tính độc nhất của những cá thể khác. Đó chính là điều kiện cho một đời sống khai phóng. Chính trong điều kiện này mà một đời sống khai phóng không bị nguy cơ nhốt kín trong một chủ nghĩa ái kỉ chết người. Mọi tính độc nhất thực sự đều kêu nài những sự độc nhất khác, nó chỉ mong mỏi những sự độc nhất khác.

Tính độc đáo được xác nhận cả trong không gian lẫn thời gian. Trong không gian, các cá thể nhận ra nhau và phân biệt nhau qua sự độc đáo của chúng. Trong thời gian, mỗi giai đoạn, mỗi trải nghiệm của mỗi cá thể, đều mang dấu ấn của sự độc đáo. Ý niệm về những khoảnh khắc độc nhất này, nếu chúng hạnh phúc và đẹp đẽ, đánh thức trong chúng ta những cảm xúc sâu sắc đi kèm với nỗi hoài niệm vô tận. Chúng ta phải chấp nhận rằng sự độc nhất của mỗi khoảnh khắc gắn liền với thân phận chúng ta là những sinh linh hữu hạn; đó là lời nhắc nhở chúng ta liên tục. Đó là lí do tại sao vẻ đẹp dường như luôn mang tính bi kịch, vì chúng ta bị ám ảnh bởi nhận thức rằng mọi vẻ đẹp đều phù du. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhấn mạnh mọi vẻ đẹp đều có mối liên hệ chặt chẽ với sự độc nhất của khoảnh khắc. Một vẻ đẹp thực sự không thể là một trạng thái đóng băng vĩnh viễn. Sự xuất hiện của nó, sự hiện diện của nó, luôn tạo thành một khoảnh khắc độc nhất; đó là cách tồn tại của nó. Vì mỗi cá thể là độc nhất, mỗi khoảnh khắc của nó cũng độc nhất. Bởi vì mỗi cá thể là độc nhất, mỗi khoảnh khắc của nó cũng độc nhất, vẻ đẹp của nó nằm trong sự thúc đẩy tức thời hướng tới cái đẹp, được làm mới không ngừng, và mỗi lần đều mới mẻ.

Trong mắt tôi, tính độc đáo chính là nơi bắt đầu khả thể của cái đẹp: hữu thể không còn là một cỗ máy giữa những cỗ máy khác, cũng không chỉ là một hình bóng giữa những hình bóng khác. Sự độc đáo biến mỗi hữu thể thành một sựvhiện diện, giống như một bông hoa hay một cái cây, theo thời gian, luôn hướng tới sự lộng lẫy trọn vẹn của nó, đó chính là định nghĩa về cái đẹp.

Khi hiện diện, mỗi hữu thể đều tiềm ẩn khả năng đạt được cái đẹp, và đặc biệt là “khao khát cái đẹp”. Nhìn thoáng qua, thế giới chỉ là một tập hợp những hình tượng đông đảo; trên thực tế, nó đông đảo bởi một tập hợp những sự có mặt. Tôi gần như nghĩ rằng mỗi sự có mặt không thể bị giảm thiểu thành bất cứ điều gì khác, thể hiện sự siêu việt. Đối với hình tượng con người một cách cụ thể hơn, tôi yêu thích và chấp nhận ý tưởng này của Henri Maldiney: 

Từ mỗi khuôn mặt con người toả ra một sự siêu việt không thể trở thành sở hữu, nó bao trùm và xuyên thấu chúng ta. Sự siêu việt này không phải là một biểu hiện tâm lí đặc thù, mà do phẩm chất tồn tại của mỗi khuôn mặt, chiều kích siêu hình của nó mang lại. Đó là sự siêu việt của thực tại, đang tự hỏi trong nó, ánh chiếu trong nó, và chính trong câu hỏi, nó là chiều kích kêu gọi của sự Khai phóng (l’Ouvert).

Từ thực tại này, khả năng nói “tôi” và “bạn” được ra đời, khả năng ngôn ngữ được hình thành, và có lẽ cũng là khả năng yêu thương.

Nhưng để giữ vững chủ đề về cái đẹp, chúng ta nhận thấy rằng bên trong sự hiện diện của mỗi hữu thể, và từ sự hiện diện này sang sự hiện diện khác, hình thành một mạng lưới phức hợp của vòng tuần hoàn và kết nối. Chính trong mạng lưới này là khát vọng mà mỗi hữu thể cảm nhận để mở ra với sự trọn vẹn về sự hiện diện của mình trong thế giới. Một hữu thể càng ý thức nhiều thì khát vọng này càng trở nên phong phú: khát vọng cho bản thân, khát vọng cho tha nhân, khát vọng cho sự chuyển hoá theo nghĩa của sự biến hình. Và theo một cách bí ẩn và huyền bí hơn, một khát vọng khác—khát vọng trở về tái hợp với cái Khát vọng khởi thuỷ mà từ đó thế giới dường như phát sinh, trong chừng mực mà vũ trụ này xuất hiện như một sự hiện diện trọn vẹn đầy vẻ lộng lẫy hiển lộ hoặc ẩn giấu. Trong bối cảnh này, sự siêu việt của mỗi hữu thể mà chúng ta vừa nói đến chỉ được phơi mở, chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ nâng cao và vượt qua nó. Sự siêu việt thực sự, một cách nghịch lí, nằm ở giữa, trong những gì bùng nổ mạnh mẽ nhất khi sự trao đổi quyết định giữa các hữu thể và sự Bản thể (l'Être) diễn ra.




Trầm tư thứ hai


Trong Trầm tư trước, tôi có nói rằng, bằng việc chuyển hoá những hữu thể thành sự hiện diện, tính độc đáo làm cho cái đẹp trở nên khả thi. Điều này không ngăn cản chúng ta đặt ra câu hỏi dai dẳng đó một lần nữa: thế giới không nhất thiết phải đẹp, nhưng nó thực sự đẹp; điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Liệu cái đẹp có phải chỉ là một thứ thừa thãi, một cái gì đó được thêm vào, một phụ gia trang trí, kiểu như “quả anh đào trên bánh cake”? Hay nó có nguồn gốc sâu xa hơn và tuân theo một chủ ý mang tính chất bản thể hơn?

Thế giới khiến chúng ta kinh ngạc vì sự tráng lệ, và Thiên nhiên tự bộc lộ vẻ đẹp vốn có là một sự thật được chứng minh qua trải nghiệm chung của chúng ta. Đừng quên vẻ đẹp của khuôn mặt con người: khuôn mặt của những phụ nữ được các hoạ sĩ thời Phục hưng tôn vinh; khuôn mặt người đàn ông được mô tả qua một số những thánh tượng. Nếu chúng ta chỉ xét riêng về Thiên nhiên, sẽ không khó để nhận ra một số yếu tố tạo nên cảm giác chung về cái đẹp mà tất cả chúng ta đều trải nghiệm: Sự lộng lẫy của bầu trời đầy sao trong màn đêm xanh ngắt; vẻ tráng lệ của bình minh và hoàng hôn ở khắp mọi nơi trên thế giới; vẻ uy nghi của một con sông lớn chảy qua những hẻm đá và làm màu mỡ cho những đồng bằng; ngọn núi cao vươn lên với đỉnh phủ đầy tuyết, những sườn đồi xanh tươi và những thung lũng đầy hoa; một ốc đảo nở hoa giữa lòng sa mạc; một cây bách đứng giữa cánh đồng; vẻ đẹp ngoạn mục của đàn linh dương trên thảo nguyên; đàn ngỗng trời bay trên mặt hồ.


Tất cả những cảnh này đều quá quen thuộc đến nỗi chúng gần như trở thành những sáo mòn khiến làm giảm khả năng ngạc nhiên và thích thú của chúng ta, trong khi mỗi cảnh riêng biệt, mỗi lần đều độc đáo, lẽ ra nên mang đến cho chúng ta cơ hội nhìn thấy thế giới như thể lần đầu tiên, như thể vào buổi bình minh của thế giới.

Ở đây, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta. Vẻ đẹp tự nhiên mà chúng ta quan sát—liệu nó có phải là một phẩm chất cơ bản, vốn có trong vũ trụ tự sinh, hay là kết quả của sự tình cờ, ngẫu nhiên? Câu hỏi này là hợp lí vì theo một số lí thuyết, sự sống chỉ đơn thuần là kết quả của cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của các nguyên tố hoá học khác nhau. Như vậy, một thứ gì đó đã bắt đầu chuyển động và đó là cách mà vật chất được ra đời. Một số lí thuyết mô tả sự sống như một hiện tượng phụ, và để hình dung rõ hơn, như là một thứ “nấm mốc” trên bề mặt của hành tinh, và mất hút như một hạt cát giữa đại dương bao la của những thiên hà. Tuy nhiên, nấm mốc này bắt đầu vận hành và tiến hoá, ngày càng phức tạp cho đến khi nó sản sinh ra trí tưởng tượng và tinh thần. Không chỉ hài lòng ở việc vận hành, nó còn thành công trong việc tự duy trì bằng cách thiết lập các quy luật di truyền. Không chỉ hài lòng với việc di truyền, nó còn trở nên đẹp đẽ.

Thật đáng ngạc nhiên khi “nấm mốc” bắt đầu hoạt động bằng cách tiến hoá. Càng ngạc nhiên hơn khi nó có thể tồn tại thông qua việc tự di truyền. Nó có xu hướng, có thể nói là không thể cưỡng lại việc hướng tới cái đẹp, thật kinh ngạc! Thế là, vào một ngày đẹp trời, vật chất đã trở nên đẹp đẽ. Hay có lẽ, từ ban đầu, vật chất đã tiềm ẩn một hứa hẹn về cái đẹp, một khả năng hướng tới cái đẹp?

Chúng ta sẽ không tốn công vô ích để phân định giữa một lí thuyết “hoài nghi” (cynique) và một lí thuyết “truyền cảm hứng” (inpirante) hơn. Điều quan trọng đối với chúng ta là giữ trung thành với thực tại, với tất cả thực tại, phải đủ khiêm tốn để đón nhận tất cả những thực kiện réo gọi chúng ta, và không để chúng ta yên.

Chúng ta có thể quan sát một cách khách quan rằng, thực tế, cảm nhận của chúng ta về cái thiêng liêng, cái thần thánh, không chỉ đến từ việc nhận thức sự thật, tức là từ một điều gì đó tồn tại và đảm bảo chức năng của nó mà còn đến nhiều hơn từ vẻ đẹp, tức là từ một cái gì đó nổi bật với sự lộng lẫy bí ẩn, làm choáng ngợp và mê hoặc. Vũ trụ không còn xuất hiện như một thứ sẵn có; nó tự bộc lộ như một món quà, nó mời gọi sự công nhận và tôn vinh.

Trong tác phẩm La Parole et la Beauté (Lời nói và vẻ đẹp), Alain Michel, giáo sư danh dự tại Sorbonne, nói: “Như mọi triết gia Hi Lạp cổ đại đã tin tưởng, cái thiêng gắn liền với cái đẹp.” Tất cả những văn bản tôn giáo vĩ đại đều đi cùng một hướng. Không cần phải dẫn chứng, chúng ta có thể tự quan sát điều này. Chẳng phải sự hiện diện của một ngọn núi cao vời vợi được bao phủ bởi tuyết vĩnh cửu, Kant coi nó là một trong những thực thể siêu phàm, đã truyền cảm hứng kính sợ thiêng liêng cho những cư dân xung quanh? Chẳng phải trong những khoảnh khắc kinh ngạc tột độ, những khoảnh khắc gần như ngây ngất, mà chúng ta thốt lên, “Thật thiêng liêng!”?

Nếu tôi đưa ra dòng suy nghĩ của mình xa hơn, tôi sẽ nói rằng cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa, cảm nhận về một thế giới có ý nghĩa, cũng xuất phát từ cái đẹp.  Điều này đúng trong chừng mực mà thế giới này, được cấu thành từ những nguyên tố có thể cảm biết và có thể nhận thức, luôn có một định hướng rõ ràng, như một bông hoa hoặc một cái cây hướng tới việc hiện thực hóa khát vọng được rực rỡ trọn vẹn của sự tồn tại mà nó mang trong mình, cho đến khi nó thể hiện trọn vẹn sự hiện diện của nó trong thế giới. Trong quá trình này, chúng ta có thể tìm thấy ba nghĩa của từ sens trong tiếng Pháp: cảm giác, chiều hướng, và ý nghĩa.

Nói rằng con người có mối quan hệ với cái đẹp thì có lẽ chưa đủ. Trong hoàn cảnh bi thảm của mình, thực sự là con người tìm thấy ý nghĩa và niềm vui từ cái đẹp. Hơn nữa, khi chúng ta tiếp cận vấn đề về sự sáng tạo nghệ thuật, chúng ta sẽ cố gắng tham khảo một vài truyền thống thẩm mĩ lớn, và rút ra một số tiêu chí để đánh giá và phán đoán cái đẹp. Ở đây, chỉ cần nói rằng cái đẹp mà tôi đã chứng kiến không chỉ giới hạn trong những sự kết hợp của các đặc điểm bên ngoài, ở vẻ bề ngoài, mà có thể được mô tả bằng một kho từ vựng phong phú: xinh đẹp, hấp dẫn, đầy màu sắc, lấp lánh, tráng lệ, thanh lịch, hài hoà, cân đối, và nhiều hơn nữa.

Vẻ đẹp hình thức tồn tại, điều đó hiển nhiên, nhưng nó không bao quát toàn bộ thực tại của cái đẹp. Điều này liên quan đến vấn đề Bản thể, được thúc đẩy bởi khao khát mãnh liệt về cái đẹp. Cái đẹp thực sự không chỉ nằm trong những gì đã được cho là đẹp; nó chủ yếu nằm trong sự khao khát và xung lực. Đó là một quá trình trở thành, và chiều kích của tinh thần hoặc tâm hồn là thiết yếu đối với nó. Do đó, nó được điều chỉnh bởi nguyên tắc sống. Vì vậy, trong tất cả các tiêu chí có thể, chỉ có một tiêu chí đảm bảo tính xác thực của nó: cái đẹp thực sự là cái đẹp đi theo hướng của Đạo, tiến trình này không thể cưỡng lại việc hướng tới đời sống mở—nói cách khác, một nguyên tắc sống giữ trọn vẹn lời hứa luôn mở ra. Tiêu chí này dựa trên nguyên tắc sống—và tôi không quên vấn đề về cái chết, mà chúng ta sẽ đề cập sau—loại trừ mọi việc lợi dụng cái đẹp như một công cụ lừa dối hoặc thống trị. Việc lợi dụng như vậy chính là sự xấu xí, và luôn dẫn đến huỷ diệt. Đúng vậy, luôn phải tránh nhầm lẫn giữa bản chất của sự vật và những cách mà nó được sử dụng. Điều đó mới thật đúng với cái đẹp!

Để làm rõ hơn những nhận xét của mình, tôi xin nói thêm: cái đẹp là thứ tồn tại gần như mãi mãi, một khao khát phát sinh từ bên trong những hữu thể, hay Bản thể, như một nguồn suối vô tận, mà hơn là một hình thức vô danh và cô lập, nó tự bộc lộ như một sự hiện diện rực rỡ, kết nối, khuyến khích sự đồng thuận, tương tác và biến hình.

Vốn thuộc về sự tồn tại chứ không phải về sở hữu, cái đẹp thực sự không thể được định nghĩa như một phương tiện hay công cụ. Về bản chất, nó là một phương thức tồn tại, một trạng thái hiện hữu. Hãy quan sát nó qua một trong những biểu tượng của cái đẹp: hoa hồng. Chúng ta có nguy cơ rơi vào diễn ngôn “đẫm mùi sến” (à l’eau de rose)! Hãy chấp nhận rủi ro này. Bằng cách nào thói quen và sự bóp méo đã khiến hoa hồng trở thành một hình ảnh có phần tầm thường, hơi sến sẩm, trong khi vũ trụ đã phải tiến hoá hàng tỉ năm để tạo ra thực thể kì diệu này từ sự hài hoà, nhất quán và quyết tâm?

Hãy chịu khó ngắm kĩ bông hồng này. Bắt đầu bằng cách nhớ lại câu thơ của nhà thơ Angelus Silesius xứ Silesia vào thế kỉ XVII, người cùng truyền thống với các nhà thần bí như Meister Eckhart và Jakob Böhme của phái huyền học Rheno-Flemish [Bỉ và Rhineland]:

Hoa hồng nở chẳng cần lí do,

     hoa nở bởi vì hoa nở;

Chẳng màng tới bản thân nó,

     cũng chẳng mong được ai thấy.*

(La rose est sans pourquoi, fleurit parce qu’elle fleurit;

Sans souci d’elle-même, ni désir d’être vue.)

Trước những câu thơ nổi tiếng và đáng ngưỡng mộ, ta chỉ có thể cúi đầu. Thật vậy, hoa hồng nở mà không cần biết tại sao, như mọi sinh vật sống, như tất cả chúng ta. Tuy nhiên, nếu một người quan sát ngây thơ muốn thêm điều gì đó thì có thể nói rằng: để là một bông hồng hoàn toàn, trong sự độc đáo của nó, mà không phải là thứ gì khác, tự nó cũng đủ là lí do tồn tại. Điều này đòi hỏi hoa hồng phải dốc toàn bộ sức sống mà nó có. Từ khoảnh khắc chồi non nhú lên khỏi mặt đất, nó sinh trưởng theo một hướng, như thể bị thúc đẩy bởi một ý chí không thể lay chuyển. Qua đó, một dòng lực được hình thành và kết tinh thành một búp nụ. Bắt đầu từ búp nụ này, những chiếc lá và sau đó thì những cánh hoa sẽ sớm hình thành và nở ra, tạo thành những đường cong, những nét uốn lượn, chọn lựa màu sắc và hương thơm. Từ giờ trở đi, không gì có thể ngăn cản nó đạt được dấu ấn của mình, thoả mãn sự khao khát được hoàn thiện, được nuôi dưỡng từ đất, nhưng cũng từ gió, sương, và những tia nắng mặt trời. Tất cả những điều này nhằm hướng tới sự viên mãn của tồn tại, một sự viên mãn đã tiềm ẩn từ trong hạt giống, từ một cội nguồn rất xa xôi, từ vĩnh cửu, có thể nói như vậy.

Cuối cùng, đây là đoá hồng biểu hiện trọn vẹn vẻ rực rỡ của sự hiện diện, lan toả những làn sóng nhịp nhàng hướng tới phía mà nó khao khát: không gian thuần khiết vô biên. Sự mở ra không thể kiềm chế này vào trong một không gian như một mạch nước phun trào không ngừng từ sâu thẳm. Bởi vì nếu đoá hồng muốn kéo dài thời gian của số phận, nó cũng phải phụ thuộc vào việc bắt rễ sâu trong lòng đất. Giữa đất và không khí, giữa đất và trời diễn ra một sự trao đổi. Điều này được biểu trưng bởi chính hình dạng của những cánh hoa, một hình dạng rất đặc trưng, vừa cong vào bên trong vừa quay ra ngoài bằng một cử chỉ dâng hiến. Jacques de Bourbon Busset* tóm gọn điều này bằng một câu tuyệt đẹp: “vẻ rực rỡ của nhục thể, bóng tối của tinh thần.” (éclat de la chair, ombre de l’esprit) Thật đúng là nhục thể cần ở trong ánh sáng và tinh thần cần ở trong bóng tối, để tinh thần hỗ trợ nguyên tắc của đời sống điều khiển nhục thể, để ngay cả khi những cánh hoa đã rơi rụng và hoà vào lớp mùn màu mỡ, hương thơm vô hình của chúng vẫn tiếp tục tồn tại như toả ra từ tinh chất hoặc dấu hiệu của sự biến hình.

“Bằng một cử chỉ dâng hiến,” như đã nói trên. Tuy nhiên, nhà thơ đã viết, “Chẳng màng bản thân, cũng chẳng mong được thấy” Thật vậy, lí do của một bông hồng là để trở thành một bông hồng trọn vẹn, khoảnh khắc nó viên mãn trùng khớp với sự viên mãn của chính Bản thể. Nói cách khác, mong muốn về cái đẹp được hấp thụ vào trong cái đẹp; cái đẹp không còn phải biện minh cho chính nó nữa. Nếu chúng ta muốn tiếp tục suy nghĩ theo khái niệm “được thấy” và “không được thấy,” chúng ta có thể nói rằng—ngoài vai trò của nó trong việc “giáo dục” cái nhìn của con người—cái đẹp của bông hồng mà sự rực rỡ của nó vang vọng với toàn thể sự rực rỡ của vũ trụ, cuối cùng chỉ có thể được tiếp nhận bằng một cái nhìn thần thánh. Ý tôi là: đón nhận nó, không phải là hái nó! (l’accueillir, et non la cueillir)

Tôi lại nhớ đến những gì đã nói về ba ý nghĩa của từ sens. Từ đơn âm này dường như nén lại hoặc cô đọng bên trong nó ba trạng thái thiết yếu của Tồn tại như được nêu ra bằng đoá hoa hồng: cảm giác, hướng đi, ý nghĩa. Cần làm rõ rằng khi nói đến ý nghĩa, chúng ta không nhất thiết hiểu đó là một hành động có chủ đích hướng về một điều gì đó. Nếu có một mục tiêu, đó là khoái cảm, vì sự thật là chúng ta chỉ có thể hoàn toàn tận hưởng Tồn tại bằng cách tận hưởng tất cả các giác quan của mình. Những giác quan này bao gồm nhận thức bản năng về sự hiện diện của bản thân trong thế giới như một “dấu hiệu đời sống”, một dấu hiệu bao hàm mọi tiềm năng và khả năng mà chúng ta mang trong mình.

Cảm giác không chỉ giới hạn ở mức độ cảm quan, và cái đẹp thực sự là tiềm năng và khả thể mà mọi hữu thể hướng tới. Ở đây, một lần nữa, gần như không thể tránh khỏi, chúng ta chuyển từ sens trong tiếng Pháp sang một chữ Nho tương ứng, thậm chí còn phong phú hơn, chữ ý .

Về cơ bản, chữ ý là văn tự biểu ý để chỉ những gì đến từ sâu thẳm của một hữu thể: động lực, ham muốn, ý định, khuynh hướng. Tất cả những ý nghĩa này có thể được bao hàm gần đúng trong ý niệm về “ý hướng tính”. Khi kết hợp với các kí tự khác, nó cung cấp một loạt từ ghép có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng có liên kết hữu cơ với nhau, đại khái có thể phân loại thành hai nhóm: nhóm từ thuộc về tâm trí – ý niệm, ý thức, ý đồ, ý chí, ý hướng, ý nghĩa; và những từ thuộc về tâm hồn – phong vị, hương vị, ý muốn, ẩn ý, ý nguyện, tâm tình. Cuối cùng, bao trùm tất cả chúng là cụm từ ý cảnh 意境, “trạng thái cao cấp của tinh thần, chiều kích tối cao của tâm hồn”.

Khái niệm cuối cùng này, ý cảnh 意境, đáng được nhấn mạnh. Ở Trung Quốc, nó đã trở thành tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá giá trị của một bài thơ hoặc bức hoạ. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này. Theo định nghĩa, chúng ta có thể thấy rằng nó liên quan nhiều đến tâm trí cũng như tâm hồn: tâm trí và tâm hồn của nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm, tất nhiên, nhưng cũng là tâm trí và tâm hồn của thế giới đời sống, một thế giới tự tạo ra chính nó, tự tạo ra chính nó, như người Trung Quốc gọi bằng thuật ngữ Tạo vật, “Sáng tạo”, thậm chí là Tạo vật chủ, “Đấng sáng tạo”. Nhìn chung, người ta thường nói rằng tư tưởng Trung Quốc không bao gồm ý tưởng về “Sáng thế” theo nghĩa Kinh thánh của từ này. Đúng là tư tưởng Trung Quốc không bị ám ảnh bởi ý niệm về một Thượng đế nhân vị; mặt khác, nó rõ ràng bao gồm ý thức về nguồn gốc và phát sinh ra, như lời của Lão Tử chứng minh: Có sinh nơi Không (Hữu sinh ư Vô);Đạo sanh Một, Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh Vạn vật”. Điều này chắc chắn gần với khái niệm về đấng sáng thế, ngay cả khi chứa đựng nhiều sự phức tạp hơn, tinh tế hơn.

Sau Trang Tử - một trong những người sáng lập Đạo giáo vào thế kỉ IV TCN - đã hai lần dùng từ Tạo vật chủ, “Đấng sáng tạo”, từ đó một số nhà thơ và nhà tư tưởng trong suốt lịch sử - như Liễu Tông Nguyên, Tô Thức, Lí Thanh Chiếu, Chu Hi và Trịnh Tiếp - đã phát triển khái niệm “Tạo vật hữu ý” (Tạo hoá được phú cho dục vọng và ý chí). Đến nỗi lí thuyết gia vĩ đại vào thế kỉ XVIII là Bố Nhan Đồ* đã có thể khẳng định một cách ngắn gọn rằng “Sức mạnh của Ý vô cùng lớn vậy thay; Ý đã tồn tại trước cả trời và đất.” (Ý chi vi dụng đại hĩ tai, phù ý tiên thiên địa nhi hữu).

Tôi nhắc lại những ý tưởng này để lưu ý rằng, theo quan điểm của người Trung Quốc, một tác phẩm được sáng tạo, tác phẩm do một cá nhân hoặc thế giới sống động như một tác phẩm, nhất định xuất phát từ hình thức, nhưng ở mức độ rất lớn thì cũng xuất phát từ ý! Khi mà ý đạt được biểu hiện cao nhất trong một tác phẩm cụ thể, đến mức cộng hưởng hài hoà với ý phổ quát, tác phẩm đó đạt được giá trị về sự viên mãn và cái đẹp. Vượt ngoài ý nghĩa của nó là “trạng thái tâm trí cao độ, chiều kích tối cao của tâm hồn”, ý cảnh được đề cập do đó biểu thị “sự hài hoà, đồng cảm, hiệp thông”.

Trong mắt người Trung Quốc, vẻ đẹp của một sự vật nằm trong ý của nó, bản chất vô hình này khiến nó rung động. Ý là hương vị vĩnh cửu, tạo ra hương thơm cùng sự cộng hưởng bất tận. Khi nói đến một người mà linh hồn bất diệt và sự hiện diện của người đó vẫn tiếp diễn, người ta dùng thành ngữ lưu phương bách thế, nghĩa là “hương thơm lưu lại mãi mãi”. Ở đây, hương thơm kết nối linh hồn với thể xác trở thành dấu hiệu của chính linh hồn. Vì vậy, trở lại với hoa hồng, qua hương thơm mà nó đạt được sự vô hạn của bản thể. Mùi hương không còn là phụ gia của hoa hồng nữa mà là bản thể của hoa hồng, theo nghĩa là hương thơm giúp hoa hồng hoà hợp trở về với sự liên tục của Đạo, và mở ra trong cõi vô hình.

Hơn nữa, trong trí tưởng tượng của người Trung Quốc coi mùi hương và sự cộng hưởng là hai thuộc tính nổi trội của cõi vô hình, cả hai đều lan toả, như chúng ta đã nói, từ những làn sóng nhịp nhàng. Ví dụ, chúng được kết hợp trong thành ngữ, “Điểu ngữ, hoa hương” - “tiếng chim hót và mùi hương hoa -  để gợi lên một khung cảnh điền viên, và trong thành ngữ, Hương khí chung thanh “hương nhang và tiếng chuông”, gợi lên bầu không khí tôn giáo hoặc trạng thái tâm linh. Nhưng quan trọng nhất, hai thuộc tính này được kết hợp để tạo thành một văn tự biểu ý, hinh , có nghĩa chính xác là “mùi hương lan toả xa; mùi hương bất diệt”.

Văn tự biểu ý này bao gồm hai bộ phận, phần trên dùng kí hiệu “khánh” (cái khánh đá), và phần dưới, kí hiệu “hương”. Nó gợi nhớ tới chương “Cảm ứng” trong Hoài Nam Tử, một luận thuyết Đạo giáo vào đầu thời Hán từ thế kì II TCN: vào thời cổ đại, khi một vị nhạc sư gõ vào cái khánh, thì một âm hưởng phát sinh và lan đi rất xa, liên miên bất tuyệt. Toàn bộ kí tự hinh xác nhận điều này: thay vì là một làn hương thoáng qua, mùi hương còn là bài ca trì tục mãi mãi.

 

Hầu như tất cả các nhà thơ phương Tây đều ca ngợi hoa, và nhiều người trong số họ đã ca ngợi hoa hồng. Tôi có thể trích dẫn Ronsard, Marceline Desbordes-Valmore, và đặc biệt là Rilke. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe Claudel, vì lí do đơn giản là tôi đang trong đọc ông, nhân dịp kỉ niệm năm mươi năm ngày mất của ông. Trước tiên, chúng ta hãy lắng nghe đoạn văn này, trong đó, dưới ánh sáng của Đạo, tức là “Con đường của đời sống khai phóng”, ông nói về những sinh vật mọc lên từ bóng tối trong lòng đất của Sáng thế, như chúng ta vừa mô tả khát vọng sinh trưởng không thể cưỡng lại của hoa hồng. Trong Connaissance de l’Est (Nhận thức phương Đông), ông nói:

Đạo là gì?... Dưới mọi hình thức, cái không có hình, cái nhìn mà không cần mắt, cái dẫn dắt mà không cần tri thức, cái vô tri chính là tri thức tối cao. Liệu có sai khi gọi nhựa sống này là Mẹ, hương vị bí ẩn của vạn vật, mùi vị của Nhân duyên, sự run rẩy của tính chân thực, dòng sữa này hướng dẫn từ Nguyên tuyền? A, chúng ta ở giữa thiên nhiên như một đàn heo con đang bú sữa một con heo mẹ đã chết! Lão Tử bảo với chúng ta điều gì nếu không phải là nhắm mắt lại và ghé miệng vào chính nguồn mạch của Sáng tạo?

Giờ chúng ta hãy lắng nghe đoạn trích này từ “Bài ca hoa hồng” trong Hợp xướng cho ba giọng (“Cantique de la Rose” en Cantate à trois voix):

Hoa hồng, hoa hồng là gì? Ôi, hoa hồng! Ồ, điều gì thế này! Khi chúng ta hít vào mùi hương vốn mang lại sự sống cho thần thánh, liệu chúng ta có đến được với trái tim nhỏ bé mong manh này hay không, vừa khi chúng ta nắm lấy nó giữa những ngón tay, thì những cánh hoa sẽ rụng rơi và tan chảy, giống như máu thịt lìa khỏi thân thể, và bị nụ hôn của chính nó siết chặt với hàng ngàn nếp gấp? À, tôi nói cho chị em biết, đó không phải là toàn bộ hoa hồng! Chính mùi thơm của nó, một khi hít vào là cả một thiên thu! Không chỉ đơn thuần là hương thơm hoa hồng! Mà là tất cả hương thơm mà Chúa đã tạo ra trong mùa hè của Ngài! Chẳng phải hoa hồng, mà lời nói hoàn hảo này trong một tình huống không thể tả được mà mọi thứ, cuối cùng trong một khoảnh khắc tại giờ phút tối cao này đã được sinh ra! Ôi thiên đường trong bóng tối! Đó là thực tại hé nở trong một khoảnh khắc với chúng ta dưới những lớp mạng che mỏng manh này, và niềm vui sâu thẳm của linh hồn trước mọi thứ mà Chúa đã tạo ra! Đối với một sinh vật phù du, còn điều gì trí mạng hơn khi thở ra tinh hoa vĩnh cửu này, trong một giây phút, là mùi hương vô tận của hoa hồng? Khi một vật càng gần cái chết, càng gần tới hồi kết, nó càng cạn kiệt ra khỏi lời vốn không thể nói ra và xa khỏi cái bí mật đang kéo nó xuống! Ôi, thật mong manh nhưng cũng khắc nghiệt và lơ lửng biết bao, cái khoảnh khắc vĩnh hằng này lại diễn ra vào giữa năm!

Claudel đặt hoa hồng vào bối cảnh của thời gian, hay chính xác hơn là vào một khoảnh khắc trong vĩnh hằng. Ông nhấn mạnh đến hương thơm của hoa hồng, tuy ngắn ngủi nhưng đồng thời lại “vô tận”. Hẳn nhà thơ biết cách giải thích khoa học về lợi ích của mùi hương. Nhưng ông tràn ngập sự ngạc nhiên vì một thứ tinh tuý như vậy tồn tại. Mùi hương được trải nghiệm như một phần vô hình của hoa hồng, phần cao quý hơn có thể nói chính là phần linh hồn của nó. Mùi hương không bị giới hạn bởi hình thức hay một không gian hữu hạn. Nó là sự chuyển hoá hoa hồng thành những làn sóng, thành bài ca, trong cõi vô hạn.

Khi nói đến điều này, tôi bất giác nhớ đến câu thơ của Baudelaire, “Phúc thay cho người nào bay bổng trên cuộc đời, hiểu dễ dàng ngôn ngữ các loài hoa và những điều vô ngôn.” (Heureux celui qui plane sur la vie, et comprend sans effort le langage des fleurs et des choses muettes).  Thật vậy, đối với người biết cách đón nhận nó, hoặc lắng nghe nó, mùi hương này khơi dậy một niểm vui gần như không thể diễn tả; nó tồn tại trong kí ức của người nhận như một thứ gì đó thanh thoát hơn, tinh tuý hơn và bền bỉ hơn. Ngay cả khi những cánh hoa tàn rơi xuống đất, mùi hương vẫn còn vương vấn trong kí ức, một lời nhắc nhở rằng những cánh hoa đó, hoà cùng đất mùn, sẽ tái sinh dưới hình dạng một bông hồng khác, rằng, từ hữu hình đến vô hình và từ vô hình đến hữu hình, trật tự đời sống vẫn tiếp tục theo con đường chuyển hoá chung của vạn vật.

Tiếp tục ý tưởng của Claudel coi hoa hồng là hiện thân của khoảnh khắc vĩnh hằng, tôi muốn mở rộng ý tưởng này và tiếp cận câu hỏi về mối quan hệ giữa cái đẹp với thời gian nói chung và ngầm hiểu là với cái chết. Trước hết, chúng ta hãy nói rằng sự đối lập với trật tự đời sống không phải là cái chết tự nhiên, vốn là một hiện tượng tự nhiên và là một phần không thể thiếu của đời sống. Để đời sống là đời sống, ngụ ý sự tăng trưởng và tái tạo, cái chết phải là một thành phần tất yếu, nếu không muốn nói là cần thiết. Và theo dòng thời gian, như chúng ta đã nói, chính viễn cảnh về cái chết khiến cho từng khoảnh khắc trở nên độc đáo. Cái chết góp phần tạo nên sự độc đáo của đời sống. Nếu có cái ác, nó nằm ở những hoàn cảnh bất thường và bi thảm, bằng những cách lạm dụng cái chết một cách lệch lạc và biến thái. Đặc biệt những điều sau cùng này, chúng diễn ra bên ngoài trật tự của đời sống; thậm chí có khả năng phá huỷ trật tự của chính đời sống.

Tóm lại, cần phải phân biệt hai loại cái chết, đó là điều mà Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo đã thực hiện. Nhà tư tưởng này về Đạo – sự tiến triển của trật tự đời sống – giải thích trong một câu dự ngôn: “Chết mà không mất là sống lâu dài” (Tử nhi bất vong giả thọ).* Cả hai chữ tử vong đều có nghĩa là “chấm dứt đời sống”, theo cách sử dụng thông thường, nhưng theo quan niệm của Lão Tử, chữ tử mang ý nghĩa là “trở về với Đạo” (phục quy ư đạo).

 “Sống lâu dài” là gì? Không thể phủ nhận rằng tâm trí con người mơ về sự vĩnh cửu. Nó khao khát sự vĩnh cửu của cái đẹp, tất nhiên không phải của nỗi bất hạnh, trong khi vẫn biết rằng tất cả cái đẹp đều mong manh và phù du.  Ở đây có mâu thuẫn không? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào cách chúng ta hình dung về sự vĩnh hằng. Liệu sự vĩnh hằng có phải là sự lặp lại đơn điệu của cái giống nhau? Trong trường hợp này, nó sẽ không còn là cái đẹp thật sự, hay của đời sống thật sự nữa. Bởi vì, như đã được nhăc lại, cái đẹp thật sự là xung lực của sinh mệnh Tồn tại hướng tới cái đẹp, cùng sự tái tạo của xung lực đó; đời sống thật sự là xung lực của Tồn Tại hướng tới đời sống và sự tái tạo của xung lực đó. Một sự vĩnh hằng tốt đẹp chỉ có thể được tạo thành từ những khoảnh khắc nổi bật mà trong đó đời sống bùng nổ về cường độ hưng phấn trọn vẹn của nó.

Nếu điều đó là đúng, chúng ta cảm thấy như thể mình biết một chút về cõi vĩnh hằng này, vì quãng đời con người về cơ bản là như nhau. Chẳng phải nó cũng bao gồm những khoảnh khắc nổi bật khi đời sống lao về phía Khai phóng? Trong trường hợp đó, chúng ta đã là một phần thuộc về vĩnh hằng, chúng ta đang ở trong cõi vĩnh hằng! Một số người có thể thấy thị kiến này quá thiên tiên. Vậy hãy dành nó cho những tâm hồn ngây thơ trong chúng ta!

Trong khi đó, điều quan trọng với chúng ta là thời lượng của đời người. Tôi cố ý sử dụng thuật ngữ durée (thời lượng), thay vì temps (thời gian) ở đây. Trong khi thời gian gợi lên một dòng chảy cơ học, một chuỗi không thể tránh khỏi của những mất mát và quên lãng, thì thời lượng ám chỉ đến một sự liên tục về chất lượng trong đó những gì đã sống và đã mơ ước tạo thành một hiện tại hữu cơ. Tât nhiên, tôi mượn thuật ngữ durée từ Bergson. Bằng cách đơn giản hoá đến mức tối đa, với rủi ro bóp méo nó, chúng ta hãy cố gắng tóm tắt tư tưởng của triết gia này như sau.

Nếu mỗi chúng ta ở thế giới bên ngoài đều chịu sự chi phối của dòng chảy thời gian, thì bên trong mỗi ý thức cá nhân, nhờ vào kí ức, những kinh nghiệm và trí tưởng tượng, cũng như các yếu tố tạo nên tri thức, tạo nên một thời lượng (durée) hữu cơ, có thể nói là nó siêu việt những đứt đoạn, khoảng trống và tách biệt trong thời gian và không gian. Các thành phần của thời lượng này vẫn duy trì trong trạng thái “đồng thời”, coi nhẹ trình tự thời gian và liên tục hội tụ về một hiện tại: một hiện tại mà thực ra, luôn liên tục mở ra một quá khứ và một tương lai. Tương tự như một giai điệu, không chỉ đơn thuần hình thành bằng việc thêm các nốt nhạc, mà trong đó mỗi nốt nhạc theo sau nốt trước và tô điểm sắc thái cho nốt tiếp theo. Thời lượng cũng hoạt động bên trong chính nó. Thông qua một quá trình liên tục, mỗi thành phần cho phép nó được đánh dấu bởi những thành phần khác, trong khi vẫn để lại dấu ấn của nó lên những thành phần khác.

Quay trở lại với chủ đề cái đẹp, chúng ta có thể nói rằng trong thời lượng tồn tại của ý thức, cái đẹp thu hút cái đẹp, theo nghĩa là một trải nghiệm về cái đẹp gợi nhớ đến những trải nghiệm trước đó về cái đẹp, và đồng thời, nó kêu gọi những trải nghiệm về cái đẹp trong tương lai. Trải nghiệm càng mãnh liệt về cái đẹp, thì tính chất chua xót về sự ngắn ngủi của nó càng tạo ra sự khao khát làm mới trải nghiệm, tất nhiên là dưới một hình thức khác, vì mỗi trải nghiệm đều là duy nhất. Nói cách khác, trong ý thức đang nói đến, nơi hoài niệm và hi vọng hoà quyện, mỗi trải nghiệm về cái đẹp gợi nhớ đến một thiên đường đã mất và kêu gọi một thiên đường hứa hẹn.

Có lẽ đó là cách mà chúng ta nên hiểu câu thơ của nhà thơ John Keats: “Một cái đẹp là một niềm vui mãi mãi.” (A thing of beauty is a joy for ever). Rằng cái đẹp có thể là một món quà trường cửu, điều này sẽ được nhận thức nếu chúng ta nhớ rằng cái đẹp là một lời hứa được giữ ngay từ ban đầu. Đó là lí do tại sao niềm khát khao cái đẹp không còn bị giới hạn ở một đối tượng đẹp; sự thiết tha tái hợp với cái khát vọng khởi thuỷ về cái đẹp đã hiện hữu từ khi thế giới ra đời với cuộc phiêu lưu của đời sống. Mỗi trải nghiệm về cái đẹp, dù ngắn ngủi nhưng lại vượt thời gian, đều dẫn chúng ta trở về với sự tinh khôi thuở bình minh của thế giới.

______ 

dịch theo bản tiếng Anh: 

François Cheng, The Way of Beauty- Five Meditations for Spiritual Transformation, do Jody Gladding dịch, Inner Traditions, 2009

đối chiếu với nguyên tác tiếng Pháp:

François Cheng, Cinq méditations sur la beautéÉditions Albin Michel, 2006



Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

John Donne CON BỌ CHÉT (The Flea)

Hà Vũ Trọng dịch


Lời dẫn:
“Con bọ chét” là một bài thơ "siêu hình" về sự quyến rũ, nhưng người lên tiếng lại có cách tiếp cận không bình thường để đưa người phụ nữ của mình lên giường. Thay vì ca ngợi vẻ đẹp của nàng hay hứa hẹn hạnh phúc… thì anh ta lại khẳng định rằng trinh tiết không quan trọng và có mất đi sẽ không phải là sự xấu hổ hay ô danh đáng kể. Bằng cách này, anh ta chống lại các giá trị của xã hội, vốn coi trọng trinh tiết của phụ nữ và gây áp lực cho họ phải giữ gìn nó cho đến khi kết hôn. “Con bọ chét” do đó cố gắng tạo ra một không gian cho khoái cảm tính dục bên ngoài ranh giới của hôn nhân.
Bọ chét là một loại kí sinh trùng phổ biến trong đời sống ở nước Anh thời đại Elizabeth, hầu như mọi người cũng như mọi thứ đều bị lây bọ chét. Chúng cũng là một đặc điểm khá phổ biến trong thơ tình. Sự tự do của bọ chét trong việc tận hưởng thân thể của người nữ khiến chúng trở thành một hình tượng mơ ước cho các nhà thơ thời này (ngay cả một nhà văn hiện đại Nhật Bản như Akutagawa cũng chịu ảnh hưởng qua truyện ‘Thân thể đàn bà’/Nyotai, khi nhân vật chính thu nhỏ thành một con rận để nhìn thế giới qua ánh mắt con rận và rồi chiêm ngưỡng thân thể của vợ mình, mới nhận ra bầu vú của vợ mình tuyệt đẹp như một ngọn núi tuyết). Hơn nữa, người thời đại Elizabeth tin rằng tính dục liên quan đến sự hoà trộn của máu, vì vậy khả năng của bọ chét trong việc hút máu của người khác khiến nó trở thành một phép ẩn dụ hoàn hảo cho tính dục.

 

*
Nhìn xem con bọ chét này, nhìn vào nó,
Điều em từ chối anh nhỏ bé làm sao;
Nó hút máu anh trước, giờ nó hút máu em,
Trong con bọ này, hai dòng máu chúng ta hoà lẫn;
Em biết đó, điều này không thể gọi là
Tội lỗi, xấu hổ, hay mất đi trinh tiết,
Nhưng con bọ này vẫn tận hưởng mà không cần tán tỉnh,
Bụng nó căng no dòng máu nuông chiều của hai ta,
Điều này hỡi ôi chúng ta không bằng nó.
Ôi đừng giết, hãy tha cho ba mạng trong một con bọ chét,
Trong đó chúng ta gần gũi còn hơn cả hôn nhân.
Con bọ này vừa là em vừa là anh, và nó là
Giường tân hôn và lễ đường của chúng ta;
Dù cho cha mẹ và cả em có ác cảm, nhưng chúng ta đã kết hợp,
Và giấu kín trong những bức vách như mặc ngọc này
Cho dù em thường có ý giết anh,
Chớ có thêm vào đó việc tự sát,
Phạm sự thánh, ba tội giết ba sinh mạng.
Ôi tàn nhẫn và đột ngột, kể từ lúc này
Móng tay em đã nhuốm đỏ máu vô tội?
Con bọ chét này có tội tình gì,
Ngoại trừ nó đã hút một giọt máu của em?
Thế nhưng em đã đắc thắng nói rằng
Bản thân em và anh cũng chẳng thấy mất mát gì hơn
Đúng vậy, mới biết rằng nỗi sợ hãi là giả dối ra sao;
Danh dự biết mấy khi em chịu nhường anh,
Sự mất mát chẳng qua cũng như sinh mạng
của con bọ chét này mà em đã lấy đi .


*

THE FLEA
by John Donne
Mark but this flea, and mark in this,
How little that which thou deniest me is;
It sucked me first, and now sucks thee,
And in this flea our two bloods mingled be;
Thou know’st that this cannot be said
A sin, nor shame, nor loss of maidenhead,
Yet this enjoys before it woo,
And pampered swells with one blood made of two,
And this, alas, is more than we would do.
Oh stay, three lives in one flea spare,
Where we almost, nay more than married are.
This flea is you and I, and this
Our marriage bed, and marriage temple is;
Though parents grudge, and you, w'are met,
And cloistered in these living walls of jet.
Though use make you apt to kill me,
Let not to that, self-murder added be,
And sacrilege, three sins in killing three.
Cruel and sudden, hast thou since
Purpled thy nail, in blood of innocence?
Wherein could this flea guilty be,
Except in that drop which it sucked from thee?
Yet thou triumph’st, and say'st that thou
Find’st not thy self, nor me the weaker now;
’Tis true; then learn how false, fears be:
Just so much honor, when thou yield’st to me,
Will waste, as this flea’s death took life from thee.
__

John Donne (1572 - 1631) nhà thơ Anh thi phái Siêu hình, tác giả của thơ sonnet, thơ tình, bi ca và những bài thuyết giáo nổi tiếng, là một trong những nhà thơ lớn của Anh thế kỉ 17 .