Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Chân lí trong nghệ thuật

Điểm sách Art: A New History của Paul Johnson, Nxb HarperCollins, 2003, 777 trang




Lịch sử nghệ thuật không đơn thuần là việc mô tả theo trật tự biên niên mà đối với Paul Johnson còn là một kiến giải về trí thức. Với tư cách là một sử gia, Johnson có lợi thế hơn nhiều nhà phê bình nghệ thuật khác khi đặt nghệ thuật vào trong bối cảnh lịch sử của nó. Để thấu hiểu và thưởng ngoạn nghệ thuật được đầy đủ, người ta nên nhìn nó trong tương quan với văn hoá, lịch sử, và tư tưởng.

Cuốn Art: A New History (Tân lịch sử nghệ thuật ) của Paul Johnson, vẫn với phong thái đặc trưng của của ông là trong sáng, dứt khoát và dấn mình, đưa người đọc vào một khảo sát tổng quan lịch sử nghệ thuật phương Tây với nhiều tham vọng và đam mê. Như ta biết, Johnson nổi tiếng với những bộ sử quy mô viết theo truyền thống bảo thủ của Burke. Bản thân ông cũng là một hoạ sĩ nghiêm túc (chủ yếu vẽ tranh màu nước) và là con của một giáo sư. Trong Lời tựa cuốn sách, ông nói rằng hồi nhỏ có thể ông đã chọn sự nghiệp nghệ thuật, nhưng cha ông đã cảnh giác rằng tương lai rồi sẽ thuộc về những tay “đại bợm” như Picasso. Tuy cuốn sách là một thử thách và gây tranh cãi, nhưng Paul Johnson chủ yếu không phải là một nhà xét lại. Ông là một người yêu nhiệt tình với cái đẹp, ông đi tìm tính sáng tạo ở mọi nơi.  Lối tiếp cận lịch sử nghệ thuật của Johnson với quan điểm trực tiếp của bản thân là mẫu mực chúng ta đáng tán dương. Như ông nêu ra: “Công việc quan trọng hơn cả là nhìn thật lâu và thường xuyên vào nghệ thuật, và trên hết là nhìn vào bằng chính đôi mắt của mình. Những sự kiện ở bên ngoài thì cần việc học hỏi. Nhưng tình yêu nghệ thuật là hiện tượng chủ quan đến với ta qua con mắt cảm thông mà không có nhà chuyên môn nào được phép làm môi giới. Cuối cùng, đôi mắt của chúng ta chính là chiếc chìa khoá để làm nghệ thuật thành sự chỉ dẫn và nguồn khuây khoả, là lạc thú và sự nhàn hạ, là kẻ minh giải và là người cố vấn của chúng ta. Chúng ta nên sử dụng đôi mắt của chính mình, tập luyện chúng và tin cậy chúng. Cuốn sách này đặc biệt được trình bày để trợ giúp cho tiến trình đó”.

Johnson giải thích và dẫn chứng quan niệm nghệ thuật như là một “thế lực” sản sinh ra trật tự thẩm mĩ. Nghệ thuật đem vào trật tự cho kinh nghiệm con người, nó giúp ta hiểu và kiểm soát “cái thế giới hoang dã của tự nhiên”. Nghệ thuật tối cao, theo cách nhìn của Johnson, là kể sự thật về cuộc đời, mà đại thể là nghệ thuật tượng hình. Tất cả nghệ thuật đều là việc hiệu đính cho dù kết quả đã được cách điệu hoá hoặc mang tính tả chân như nhiếp ảnh. Chuẩn mực lành mạnh của nghệ thuật trong suốt lịch sử là một trương độ (tension) liên tục giữa quy tắc kĩ thuật và nhu cầu của cá nhân nghệ sĩ tự thể hiện. Cái trương  độ này mang hình dạng những làn sóng dài từ đó những phát sinh phức tạp và tinh xảo, lần lượt thay bằng những phát sinh tính đơn giản và “chủ nghĩa kinh điển”.

Johnson than phiền về những thành kiến hiện đại chống lại kịch tính trong nghệ thuật tượng hình. Cái mà thời Phục hưng gọi là terribilità. không khác biệt mấy với điều mà Burke hàm nghĩa về “cái trác tuyệt” (the sublime): “Niềm đam mê được tạo ra từ cái cao cả và cái trác tuyệt trong tự nhiên, khi những cơ duyên đó vận hành mạnh mẽ nhất, tạo nên sự Kinh ngạc; và sự kinh ngạc đó là trạng thái của tâm hồn, từ đó mọi xúc cảm lắng đọng, với một mức độ kinh sợ”.

Tác giả cũng nhấn mạnh về thực tại của “mĩ thuật”. Những tác phẩm như thế chỉ có thể sáng tạo với những kĩ năng thiện xảo, chúng cho ta sự nhìn ngắm đi ngắm lại về sau nữa. Một trong những đặc trưng của mĩ thuật là khả năng làm vui thú vượt qua thời đại của nó. Ở đây, cũng như những cung cách khác, nó khác với “nghệ thuật thời thượng” đặt cấp độ mới lạ vượt quá cấp độ kĩ năng. Hiệu quả của nghệ thuật thời thượng là dù cho khả năng làm hài lòng của nó tới đâu đi nữa nó cũng sẽ sớm kiệt sức, vì vậy càng đẻ thêm đòi hỏi ra nghệ thuật thời thượng, và cứ thế. Khi nghệ thuật thời thượng đổ xô ra mĩ thuật, thì đó là điều tồi tệ.

Johnson đặt tính độc đáo sáng tạo của cá nhân ở trung tâm của câu chuyện kể nghệ thuật. Ông đặc biệt chú tâm đối với các thời kì chủ chốt: sự xuất hiện của cá tính sáng tác trong thời Phục hưng, chủ nghĩa tân tả thực đầu thế kỉ 17, sự khám phá thể loại tranh phong cảnh như là một thể nghệ thuật riêng biệt, và sự trỗi dậy của nghệ thuật ý hệ. Ông lưu ý sự bất đồng giữa “nghệ thuật thời thượng” và mĩ thuật vào đầu thế kỉ 20, và giờ đây nó đã lan rộng như thế nào.Johnson đã thận trọng phát biểu nhiều giả định cơ bản để nhấn mạnh cho lối tiếp cận của ông, những giả định này xét mọi mặt, là tiêu chuẩn tương đối cần thiết trong việc thưởng ngoạn và lịch sử nghệ thuật nói chung. Chẳng hạn, ông cho rằng nhiều tác phẩm nghệ thuật giờ đây nằm riêng biệt trong các viện bảo tàng đã bị bứt ra khỏi khung cảnh chủ đích của chúng, vì vậy người ta phải cố gắng và dùng trí tưởng tượng để đặt chúng trở lại với môi trường ban đầu. Johnson nói, nếu hội hoạ có thể lên tiếng, chúng ắt hẳn sẽ có những câu chuyện kì lạ để kể và rọi sáng. Và do sự thiết yếu để làm vừa lòng những nhà bảo trợ cho nên khiến chúng ta cuối cùng buộc phải nhìn những hoạ sĩ làm việc dưới chế độ bảo trợ như là “một tù nhân của thời đại và văn hoá của y”. Dù nói vậy, Johnson cho phép với những tài năng ngoại lệ, những nghệ sĩ bướng bỉnh và đầy ý chí muốn phá vỡ khỏi chuẩn mực đang chế ngự và những hạn chế, để từ đó chuyên chở xã hội và công chúng cùng với họ hướng tới một nghệ thuật mới đầy cao cả. Tiến trình chuyển hoá này điển hình ở khởi đầu thế kỉ 17 bởi sự khước từ chủ nghĩa lí tưởng và chủ nghĩa cách điệu (mannerism) của Caravagio để tới một chuẩn mực mới của chủ nghĩa tả chân, mặc dù là một chuẩn mực mang kịch tính cao độ. Và tiếp theo sự thức tỉnh đó là những Rubens, Rembrandt, Velásquez…

Johnson thận trọng khi dạo qua những nét đặc trưng đáng sợ của nghệ thuật thời đại Cựu Thạch khí, nghệ thuật Cận Đông cổ đại, và đi vào thời đại Hi Lạp và La Mã. Sau đó câu chuyện bắt đầu về những nghệ sĩ và những kiệt tác đã được công nhận, chủ yếu là điêu khắc hình thể con người. Với thái độ buồn buồn, Johnson kể tiếp câu chuyện hội hoạ Hi-La, vì tác phẩm còn sót lại quá ít, vả lại không nhiều bức có giá trị, và cũng khó có lí do để cho rằng những kiệt tác bị đã bị mất có giá trị lớn hơn thế. Với sự suy đồi của nghệ thuật cổ điển, tất cả điều chúng ta thật sự biết được là có cái gì làm gián đoạn vào thế kỉ thứ hai sau Công nguyên. Một thế kỉ sau, các hoàng đế đã bần cùng tới mức phải tháo gỡ những hoạ tiết trang trí từ các đền đài trước đó để dùng cho tượng đài cá nhân của mình.

Johnson nhấn mạnh về tính liên tục giữa thời Trung Cổ và thời Phục hưng, vừa về măt biên niên vừa về địa lí. Phương bắc đã thúc đẩy công cuộc chuyển biến, đặc biệt về hình hoạ (drawing), vượt qua cả người Ý đã luôn thừa nhận và tự hào. Điều lí thú là Johnson có vẻ sốt ruột mong các hoạ sĩ vẽ theo lối tiêu biểu bằng sơn dầu, trên vải bố (hoặc sau này, bằng màu nước). Johnson cũng gần như cau có vì những hoạ sĩ tầm cỡ như Giotto vẫn còn hạn chế với tranh bích hoạ, một chất liệu bất tiện và dễ hư hại. Khi gặp Caravagio (1573-1610), Johnson gần như thở phào nhẹ nhõm: rút cuộc chúng ta đang bàn về hội hoạ sơn dầu, với bút pháp phối hợp sáng tối chiaroscuro, chủ đề bi tráng, và sự nắm bắt trọn vẹn về phối cảnh và ánh sáng. Người hoạ sĩ này đã được được Johnson đặc biệt chiếu cố. Nghệ thuật đã đạt được hình thức chín muồi, từ đó nó sẽ không suy đồi cho đến cuối thế kỉ 19. 

Caravaggio, Judith chặt đầu Holofernes, 1598



Bức tranh màu nước Đấng Thượng cổ (1824) được dùng làm trang mở đầu cuốn Châu Âu: Một dự ngôn của William Blake, thể hiện Thượng đế như người thợ theo thuyết Newton.


Vào khi sơn dầu trên bố tranh của Caravaggio vừa mới khô thì một loạt những cuộc phục hưng cổ điển bắt đầu điều chỉnh lại những gì được xem là thái quá của ông, đây là một biện chứng chạy liên tục suốt thời suy yếu lâu dài của nghệ thuật phương Tây. Kịch trường chính của sáng tạo đã thay đổi từ Ý (mà sinh hoạt văn hoá chẳng bao giờ phục hồi lại sau suy tàn dưới chế độ bảo trợ của giáo hoàng) sang phía tây và phía bắc. Từ đây, Johnson giải thích sự can thiệp của chính quyền Pháp đã làm hỏng hội hoạ kinh viện của Pháp, đặc biệt về loại tranh phong cảnh. Tranh chân dung tuyệt vời nhất trong lịch sử, tất nhiên, đã được sản sinh ra ở các nước vùng thấp (Low Countries), với một truyền thống vô tiền khoáng hậu và tiếp tục cho đến khi nền kinh tế Hà Lan bị Anh lấn át. Sự trỗi dậy của nền kinh tế tư nhân đã khiến cho truyền thống đó đi lên. Mẫu mực này cũng tự thể hiện trong kiến trúc ở Anh với những công trình kiến trúc quý tộc Whig xây dựng nên những những gia trang sánh ngang với sự lộng lẫy và hào nhoáng của Versailes.

Với bức Cotopaxi, 1862, Frederic Edwin Church (1826-1900) ghi lại những hiệu quả kinh ngạc của những hoả diệm sơn ở châu Mĩ La tinh, bức tranh được thực hiện công phu từ những phác thảo sơn dầu vẽ tại chỗ. Church là hoạ sĩ phái Quang chiếu (Luminist), được Johnson đánh giá là một trong những hoạ sĩ vẽ phong cảnh vĩ đại nhất thế giới, ngang tầm với Turner


Martin Johnson Heade (1819-1904), thành viên đứng đầu hoạ phái Quang chiếu (Luninist), ông đặc biệt chuyên vẽ cảnh thời tiết. Bức Cơn mưa rào mùa hạ (1865) là bức đặc trưng. Ông thích vẽ trạng thái dông bão sắp đến, mặt trời mọc và hoàng hôn.

Johnson mê tranh phong cảnh thế kỉ 19, chủ yếu là trường phái Hudson River của Hoa Kì Luminist hay phái Quang chiếu là thuật ngữ mà giới phê bình nghệ thuật đặt cho giai đoạn này), và ông cũng khảo sát những tác phẩm tương tự trong phần còn lại của thế giới nói tiếng Anh. Đặc biệt trong chương 25: “Tới muộn và những hào quang ảm đạm của nước Nga”, ông bàn về những hoạ sĩ như Issak Levitan và Ilya Repin. Ông đã dành lời khen ngợi cao nhất cho bức tranh vẽ một cảnh nội thất bất an từ nước Nga: “Không ai chờ đợi” (1884) của Repin, “một trong những bức tranh vĩ đại nhất sản sinh vào thế kỉ 19 – có thể là vĩ đại nhất”. Bức tranh đem người xem đi vào câu chuyện một người đàn ông lưu đày ở Siberia vừa trở về một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng, giá trị của bức tranh là nó buộc người xem phải tham dự vào trong tấn kịch của nó, hình dung đặt mình vào với thân phận người dân của nước Nga thời Sa hoàng. 


Ilya Repin, Không hẹn mà về, 1884-88


Trường hợp của Phong trào Tiền-Raphaelite và việc xử lí mới về ánh sáng của Turner đã đánh dấu một bước ngoăt lớn trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Turner đã cố gắng áp dụng lí thuyết về thị giác của Goethe với sự cảm thụ về màu sắc hơn là bằng hình thể, nhưng Turner không có chủ ý đi ra khỏi nghệ thuật tượng hình. Trong khi với phái Tiền-Raphaelites, họ là phong trào đầu tiên kèm theo bản tuyên ngôn và ý chí gây sốc. Điều đáng ngạc nhiên, họ là một bộ phận của cuộc phục hưng Kitô giáo, một phong trào ảnh hưởng đến mọi ngành nghệ thuật trong thế kỉ 19. Một sợi dây mang một chuỗi những hệ quả vô tình xảy ra về sau. 


John Everett Millais, Chúa Ki-tô trong nhà của cha mẹ, 1850


Chính tại Paris, Johnson cho rằng, mọi thứ đã bắt đầu đi trật đường ray. Những hoạ sĩ Ấn tượng thực sự là một nhóm bảo thủ, họ phần lớn là những hoạ viên tốt. Như Turner, họ cho rằng khía cạnh quan trọng nhất của hội hoạ là màu sắc. Họ thí nghiệm với trừu tượng như một dạng tiền cảnh. Manet đã du nhập một số cải cách kĩ thuật làm cho việc vẽ sơn được “nhanh chóng hơn”. Tất cả là để thể hiện kinh nghiệm trực tiếp. Khuynh hướng thực sự, tuy nhiên, là thể hiện những gì người hoạ sĩ đã biết, ngay cả có nghĩa là bỏ rơi cả phối cảnh và sự chính xác về hình hoạ. Và những hoạ sĩ Lập thể đã nhanh chóng thực hiện điều này. Chẳng bao lâu, những hoạ sĩ phái Siêu thực đã học cách xử lí tác phẩm đơn thuần như là một vật thể. Cả hai khuynh hướng đã di chuyển ra khỏi nghệ thuật cụ tượng (representational art). Cái mới lạ trở nên sản sinh ra dễ dàng hơn, và đã tìm ra một thị trường. Việc mồi lửa cho cỗ máy nghệ thuật thời thượng đã được bật lên và cái máy bay phản lực to lớn của sự lừa gạt đã cất cánh lên trời.

Johnson thấy có nhiều thứ để tán dương mĩ thuật trong thế kỉ 20, gồm những hoạ sĩ chính của phái cụ tượng, tuy con số không nhiều lắm. Ông khoan dung với một số hoạ sĩ trừu tượng như Kandinsky,với tác phẩm có thể thưởng thức mà không cần biết đến lí thuyết. Ngay cả hoạ sĩ có đầu óc lí thuyết như Mondrian là trung thực. Tuy vậy, phần lớn ông thấy nền mĩ thuật của thế kỉ 20 có tính yếm thế, phù phiếm, và rập khuôn. Điểm quan trọng cuối: những tác phẩm trang thiết (installation) và nghệ thuật hành vi (performance art) cuối thế kỉ 20 vừa qua, đơn thuần là sự lập lại phái Dada trong những thập niên đầu, nhưng lại thiếu tính hài hước ban đầu. Nghệ thuật thế kỉ 20 phần nhiều đã bị xâm phạm do những kẻ lường gạt tầm cỡ. Điển hình là Picasso, một nhà chế tạo ra những thứ thời thượng ở mức quy mô kĩ nghệ. Mĩ thuật ở khởi đầu thế kỉ 21 này vẫn còn chịu đựng những sự lệch lạc có hệ thống. Một tập đoàn những hoạ sĩ thời thượng, các giám đốc gallery, các nhà môi giới… ra sức đẩy giá cả của loại nghệ thuật thời thượng mới và bốc hàng vào các gallery. Người ta có thể hoặc không đồng ý với quan điểm của tác giả nhưng trong mọi trường hợp, Johnson khiến người đọc phải suy nghĩ và đó cũng là điểm đáng kể của cuốn sách này.

Điều hơi ngạc nhiên là đối với những người khổng lồ của nghệ thuật hiện đại như Cézanne và Van Gogh, Johnson đã không dành ra được đến một trang. Trong khi một trong những người hùng chính trị của ông là Winston Churchchill trong tiểu luận “Hội hoạ như là quá khứ” đã ca ngợi không tiếc lời đối với hai cột trụ của nghệ thuật hiện đại này. Điều này cho thấy có thể Johnson ưa thích những khuynh hướng tả thực trong nghệ thuật hơn là khuynh hướng siêu hình hoặc kì dị. Điều này rõ rệt qua sự ca ngợi mà ông dành cho các hoạ sĩ Hoa Kì như Andrew Wyeth và Edward Hopper. Có điều nghịch lí khi Johnson một mặt kết án Picasso và Matisse vì tính nô lệ cho sự thời thượng nhưng đồng thời lại khen ngợi một hoạ sĩ thương mại như Norman Rockwell, và thậm chí đi xa hơn khi cho Walt Disney là một trong những hoạ sĩ lớn nhất thế kỉ 20 (?) 


Andrew Wyeth (1917-2009), Nông trại cho thuê (1961) kết hợp các thành phần của nghệ thuật cao: hình ảnh khó quên, kĩ thuật sắc sảo, mục đích đạo lí, gây xúc động giác quan.


Như những người điểm cuốn sách cho rằng cuốn tân lịch sử về nghệ thuật này không có cái thẩm quyền khách quan như những bộ sử của Gombrich hay Janson. Nhưng cũng chính vì vậy mà cuốn sách của Johnson khác với truyền thống học viện điển hình cho lịch sử nghệ thuật cổ điển như của hai tác giả trên, vì ông đã có thể ra ngoài để khám phá và ca ngợi nhiều hoạ sĩ bị bỏ quên của thế kỉ 19 (đặc biệt ở khu vực Scandinavia, Đức, Nga và Mĩ châu, cũng như những hoạ sĩ nữ được trình bày ở đây là một “phần thưởng” của cuốn sách). Họ là những hoạ sĩ khuynh hướng tả thực xứng đáng được quan tâm. Hoạ phẩm của họ minh hoạ cái khí thế lịch sử kì vĩ và có tính then chốt của thế kỉ, đặc biệt những hoạ sĩ thể hiện chủ đề khuất phục thiên nhiên. Ông chọn ra một số hoạ sĩ Hoa Kì, như Thomas Cole, Frederic Church, và Albert Bierstadt – vì tác phẩm của họ chứa đựng tinh thần cao cả hay “cái trác tuyệt”. Điều lí thú là sự tái khám phá của Johnson đối với những hoạ sĩ châu Âu tả chân bậc thầy như Luke Fides, Frank Holl, và Ander Zorn, là những tên tuổi không quen thuộc trong thời đại chúng ta, mỗi người đã tìm ra những phương thức hội hoạ mà “thế giới hiện đại hi vọng cải thiện”.


Ander Zorn, Khiêu vũ mùa hè, 1897


Luke Fildes, Đám người đang chờ xin được vào khu cứu tế, 1874

Tranh minh hoạ trong Art: A New History hầu hết in màu, với hơn 300 bức trong cuốn sách khổ lớn, 777 trang, với phẩm chất khá tốt. Nhiều hoạ phẩm không thấy xuất hiện trong những cuốn sách khác về lịch sử nghệ thuật. “Nghệ thuật” ở đây hàm nghĩa những đối tượng nghệ thuật vật thể: hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, cũng như tranh mosaic, kính màu, tạo phong cảnh (landscaping), cả về nghệ thuật xâm mình và vẽ trên thân thể. Phần lớn là về nghệ thuật Phương Tây, phần còn lại của thế giới được đề cập đến khi nó có tác động đến nghệ thuật phương Tây, như trong chương 21: “Sự thâm nhập của châu Á vào phương Tây: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và nghệ thuật của chúng” .

Trong chương cuối, Johnson bàn về hoàn cảnh hiện tại trong việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Ông nói rằng sự giàu có của thế giới hiện đại đã đem lại lợi ích lớn cho việc nghiên cứu  nghệ thuật, và cũng chỉ ra rằng số lượng sách về lịch sử mĩ thuật đã xuất bản trong bốn mươi năm qua nhiều hơn hẳn tất cả lịch sử về trước.  

Lời cuối sách, ông viết “Tất cả những sai lầm gây ra trong thế kỉ qua có thể điều chỉnh… Loài người vẫn còn trong tuổi ấu trĩ. Câu chuyện nghệ thuật chỉ mới bắt đầu. Đời người thì ngắn nhưng đời nghệ thuật thì dài, và cái tuyệt vời nhất vẫn còn chưa tới.” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét