Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

BUTOH - VŨ ĐẠO CỦA BÓNG TỐI

Hà Vũ Trọng
Tưởng niệm tháng 8 Mưa Đen lần thứ 68


Tuy bắt đầu hiện đại hoá từ trước Thế Chiến Hai, nhưng chỉ sau khi hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8.1945, Nhật Bản mới thực sự trải qua một không khí tự do gần như hoàn toàn thoát khỏi những chuẩn mực nghiêm khắc và ước lệ xã hội, và cũng cho nước Nhật cơ hội tạo nên một loại văn hoá mới và xây dựng lại hình ảnh của họ. Trong Thế Chiến Hai, sự biểu lộ và sáng tạo nghệ thuật bị hạn chế vì quốc gia này tìm cách dẫn đạo nghệ thuật nhằm phù hợp với ý đồ chiến tranh, đồng thời cấm đoán và kiểm duyệt mọi loại hình ca, múa, kịch của phương Tây và những thứ khác. Chỉ sau khi Nhật đầu hàng và Hoa Kì chiếm đóng sau đó đã khiến chấm dứt việc kiểm duyệt này. Chẳng bao lâu sau dẫn tới một cuộc bùng nổ sáng tạo, những hoạ sĩ, nhà văn và diễn viên múa, họ đem nghệ thuật xuống đường, tham dự và dựng kịch nghệ đường phố, và dấn mình tích cực vào những cuộc biểu tình của giới sinh viên. Chính không khí này đã khởi hứng cho Tatsumi Hijikata, với sự trợ giúp của Kazuo Ohno, sáng tạo nên một hình thức nghệ thuật múa mới lạ hoàn toàn, có tên gọi là Butoh  (hay Butō 舞踏 Vũ đạo).

Thời điểm ấy, vũ đạo phương Tây trở nên thịnh hành, trước tiên ở Tokyo, rồi khắp nước Nhật. Trong những năm 1950, các trường dạy vũ đạo hiện đại đã mọc lên và nở rộ khắp Nhật Bản, và đoàn múa như Martha Graham  của Hoa Kỳ sang nước Nhật đã ảnh hưởng rất lớn tới vũ đạo hiện đại Nhật vào thời đó.

Năm 1959, Butoh công diễn ra mắt lần đầu tiên trong Lễ hội Vũ đạo Hiện đại ở Nhật Bản với vở múa Kinjiki (Cấm sắc hay Sắc màu bị cấm) của Hijikata và Yoshito Ohno (con trai của Kazuo Ohno). Hijikata và Kazuo Ohno cả hai là những người sáng lập của Butoh. Hijikata sinh năm 1928 ở một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc thuộc quận hạt Akita.

Tên khai sinh của Butoh là Ankoku Buyo nghĩa là ‘vũ đạo hắc ám’, được sinh ra từ không khí sáng tạo trong thời hậu chiến, “mang đặc chất Nhật” rút ra từ tuồng Noh và Kabuki. Ankoku tức là sự hắc ám, tăm tối của tâm hồn, hắc ám của xã hội. Hijikata tìm cách phát lộ cho thấy cái sự thực rằng vẻ dị hình, xấu xí và hắc ám kia đã và đang tồn tại trong chính nước Nhật, vốn là những chủ đề thường xuyên bị che đậy, tránh né và bị làm ngơ. Những chủ đề gây dị nghị khác, đặc biệt là đồng tính nam, cũng được thăm dò trong Butoh. Butoh cũng chịu ảnh hưởng của vũ đạo trường phái Biểu hiện của Đức vốn đã hấp thu từ cuối thập niên 1930, tìm cách phối hợp những yếu tố như tụng, chú, tiếng nhạc ầm ĩ, những lối biểu hiện kịch tính và gây cảm xúc. Hijikata bị thu hút do những tư tưởng mới lạ của phương Tây, ông đặc biệt cảm hứng từ “tranh của Bosch, Breughel, Goya, và từ chủ nghĩa Siêu thực, Dada, và sau đó là Pop Art của những năm 1960. Và cũng do được khởi hứng bởi những nhà văn như Mishima, Lautréamont, Artaud, Genet và de Sade, ông đã tìm tòi trong cái cõi kì dị, chắc ám, và băng hoại. Đồng thời, Hijikata khai phá sự biến chất của thân thể thành những hình thái khác, như của các loại động vật. Ông cũng khai triển một loại ngôn ngữ vũ đạo siêu thực và thi vị, gọi là butoh-fu (Vũ đạo phổ) để giúp người vũ công chuyển hoá thành những trạng thái khác trong cái cõi chúng sinh.

Loại sơn trắng bôi mặt mà vũ công Butoh thường dùng để bôi lên khắp thân thể, vốn  được lấy trực tiếp từ tuồng Kabuki, trong khi những động tác chậm rãi, đầy ý nghĩa và trì tục giống với với động tác của tuồng Noh. Sự thiếu vắng vẻ biểu lộ của nhân tính,và muốn thể hiện bản thân qua sự phi nhân tính là đặc điểm chia sẻ giữa tuồng Noh và Butoh. 




Đoàn vũ đạo Dairakudaka

Video: Kazuo Ono, The Dead Sea (Tử Hải)


Có thể do vũ đạo vốn dĩ là vô ngôn, vì vậy nó không nói thẳng, và Butoh thể hiện bằng những cách khác thường khi nổi loạn không chỉ chống lại những khuôn sáo nghệ thuật truyền thống mà còn chống lại những ước lệ đã được chấp nhận của một xã hội có thiết chế nghiêm khắc. Rõ ràng trong cuộc nổi loạn chống lại nước Nhật cũ, Butoh đã tìm cách phá vỡ kịch nghệ và vũ đạo ước lệ, các vũ công Butoh thường trình diễn loã thể, thân thể sơn toàn màu trắng. Sự loã thể không hổ thẹn của Butoh đã đẩy một bước xa khỏi với tính nhã nhặn kiểu Nhật. Sự kiện Nhật Bản kí kết Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng với Hoa Kì ngày 8.9.1945 đã châm ngòi cho cuộc biểu tình bạo loạn của người Nhật, cũng đã là nhiên liệu sáng tạo của Hijikata. Những thân thể loã lồ, trắng bệch nhảy mủa trên sân khấu ẩn dụ cho sự tự hào, vô liêm sỉ của quốc gia Nhật, trước Thế Chiến Hai, và sự Tây hoá của Nhật. Tuy thế, những thân thể méo mó, dị hình của Butoh có thể xem như công nhận về sự thất bại của Nhật Bản. 




Đoàn vũ đạo Sankai Juku

Vở múa Kinjiki (Cấm sắc) dựa trên tiểu thuyết của Yukio Mishima về đồng tính nam. Trước một đám khán giả khoảng 200 người, Hijikata đã tạo hiệu ứng giao cấu với một con gà, và siết chặt con gà này giữa đùi. Theo báo chí tường thuật, “có một vài khán giả đã ngất xỉu.” Chẳng bao lâu sau, Hijikata bị dán nhãn hiệu là diễn viên “nguy hiểm” do cái thế ưu thắng của nền vũ đạo Nhật. Còn “Đám khán giả bình thường cứ thắc mắc không biết những vũ công này có phải đã trốn khỏi nhà thương điên hay không.” 

Một ví dụ đặc biệt khác cho thấy bước ngoặt Butoh rẽ ra khỏi chủ nghĩa bảo thủ và truyền thống Nhật là vở múa Xác thịt nổi loạn của Hijikata, than vãn cho cái chết của nước Nhật, theo một mô tả: “Hijikata bề ngoài như quỷ ám, ông được khiêng lên sân khấu trên cái kiệu, dưới một cái lọng; cạnh ông, một con thỏ lòng thòng trên cái sào, một con gà trống bị treo móng chân lên. Trong một cái khố bằng dây đựng dương vật nhô lên, Hijikata giựt xốc người mạnh và dậm dật theo tiết nhịp từng cơn.Trong cảnh khác, ông xuất hiện với bộ áo đầm. Ở cao trào, ông treo lơ lửng ngang sân khấu, dây thừng quấn quanh người, như thể ông bị phanh thây hoặc trong tư thế bị đóng đinh.” 




Hijikata trong Xác thịt nổi loạn

Video: Hijikata với ba chương Butoh

Butoh, một trào lưu nghệ thuật đơn độc, tuy đã không thể tác động mạnh lên chính xã hội Nhật, mặc dù khi tập hợp những tác phẩm ảnh hưởng đến nghệ thuật và chính trị vào cuối thập niên 1940 cho tới 1960, chúng ta thấy rằng hiệu quả của nó thật đáng kể. Khác với Michio Ito, một đồng nghiệp lẫy lừng, chu du và trình diễn khắp phương Tây và cũng ảnh hưởng rất lớn lên vũ đạo Nhật Bản hiện đại, Hijikata (1928-1986) trọn đời mình gói trọn ở nước Nhật, ông từ chối nhận thẻ hộ chiếu, vì ông thấy rằng không cần thiết ra khỏi nước Nhật. Đây cũng là một ẩn số của các nghệ sĩ Nhật Bản khi họ đã đạt được thành công ở Nhật nhưng thấy rất khó được sự công nhận danh tiếng ở các nước phương Tây. Những diễn viên người Nhật rời đất nước, đã thành tựu bên ngoài và rồi trở về quê nhà được đối đãi như những người hùng và được kính nể, trong khi nếu ở Nhật họ không được như vậy. Hiển nhiên, Hijikata chưa từng bước chân khỏi nước Nhật, và sự truyền bá của vũ đạo Butoh khắp thế giới sau đó đã trở lại làm gia tăng sự thịnh hành của nó ở Nhật. Butoh trong hiện tại không còn là “Butoh” như trước, mà được xem là “hậu-Butoh”, vì tuổi của nó đã xấp xỉ ngoài năm mươi kể từ buổi diễn Kinjiki. Xưởng vũ đạo của Hijikata, Asubesto Kan,  sau khi ông qua đời vẫn còn duy trì, trong khi đó nhiều học trò của ông đã toả ra khắp theo những hướng riêng của từng người. Khác với loại vũ đạo thu hút đám đông, dành cho Hollywood, với những màn hào nhoáng sân khấu. Cái chất kì dị, sống sượng và thật của Butoh, trực diện chạm trán với những hoàn cảnh và chủ đề như cái chết, đồng tính, trạng thái điên loạn và nhiều chủ đề cấm kị khác vốn bị nước Nhật bỏ quên nhiều thế kỷ. Và khác với quan niệm thông thường cho rằng “vũ đạo không thể tách lìa khỏi âm nhạc”, thì Butoh có thể múa mà không cần nhạc, hoặc đôi khi không cần khớp với tiết tấu của nhạc.

Butoh ngày nay được khắp thế giới biết đến, nhiều đoàn múa Butoh luôn tạo ra tác phẩm mới, ở Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, Mexico, Australia, Nam Mĩ, và cả châu Phi. Ở Tokyo người ta có thể xem Butoh hàng đêm. Các vũ công khắp thế giới đã bổ sung thêm phong cách văn hoá của họ vào Butoh, chẳng hạn ở MexicoDiego Piñón, học trò của Yoshito Ohno, đã tạo ra loại hình Butoh kết hợp với vũ điệu nghi lễ Mexicano. Hoặc nghệ sĩ biên đạo múa Ea Sola Thuỷ, tác giả Hạn hán và cơn mưa, cũng xuất thân và từng “ăn nằm” với Butoh, và người nghệ sĩ này đã bỏ công quan sát từng động tác của người nông dân, của nghệ thuật chèo cổ, vv… và đã rút ra một loại ngôn ngữ vũ đạo riêng để khai triển trong tác phẩm của mình.

Tatsumi Hijikata luôn tin rằng “Butoh vẫn còn chưa thành tựu”, vì Butoh là một tiến trình không có kết thúc. Tất cả vũ đạo là vô cùng, không thể nào dứt, vì nó còn mãi đánh thức cái “đời sống nguyên sơ” vốn còn ngủ say trong thân thể mỗi người. 

Vũ đạo Sankai Kuju
__ 

Tham khảo: 

- Sondra Horton Fraleigh, Dancing Into Darkness: Butoh, Zen, and Japan, University of Pittsburgh Press, 2010

- Kyoto Journal
- Wikipedia: "Butoh"
Bài đã đăng trên Thể thao và Văn hoá cuối tuần 16.8.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét