Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Ánh mặt trời biển Đông và Bùi Thị Hí: Bà tổ gốm Chu Đậu

Hà Vũ Trọng


"Chiếc bình Annam" bằng gốm sứ hoa lam do nghệ nhân Bùi Thị Hí chế tác và vẽ hoa văn, hiện trưng bày trong Bảo tàng Hoàng gia Topaki (Thổ Nhĩ Kì). Bình hình dạng củ tỏi, cao 54cm, quét trôn mộc oxit sắt. Thân bình trang trí hoa văn dây mẫu đơn, vai bình có dải hoa văn lá bồ đề với hoa sen và đề dòng lạc khoản vòng quanh gồm 13 chữ Nho, mỗi chữ xen lẫn hoạ tiết mây cuộn: Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi Th Hí bút, nghĩa: “Năm Đại Hoà thứ 8 [1450, triều vua Lê Nhân Tông] do thợ thủ công tại châu Nam Sách là Bùi Thị Hí vẽ”


Trong Bảo Tàng Hoàng cung Topaki Saray ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kì, vốn là cung điện nguy nga và từng là nơi cư ngụ bao đời của các quốc vương Sultan thuộc Đế quốc Ottoman. Chính tại đây có kho tàng gốm sứ lừng danh và đồ sộ của châu Á mà hoàng gia qua các đời ưa chuộng, gồm hơn 10,700 hiện vật, chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc cao cấp từ thời Tống-Nguyên-Minh đến Thanh, và đồ sứ Nhật Bản từ thế kỉ 17-19, sánh ngang với kho tàng của Viện bảo tàng Cố Cung Đài Loan. Thế nhưng giữa kho tàng này, bảo vật được xem là quan trọng nhất lại là một "Chiếc bình Annam" bằng gốm hoa lam do một nữ nghệ nhân Việt Nam chế tạo vào giữa thế kỉ 15 được liệt vào đồ quốc bảo. Từ năm 1933, chiếc bình này trở nên nổi tiếng thế giới, từ đó lôi cuốn nhiều sự quan tâm nghiên cứu và bàn cãi của thế giới nghệ thuật.

Đầu tiên, chiếc bình do học giả người Anh là R. L. Hobson phát hiện từ Bảo tàng Topaki cùng với minh văn 13 chữ Nho. Tuy nhiên, thời điểm 1933, Hobson cho rằng chiếc bình này do nghệ nhân Trung Quốc ở Việt Nam chế tạo, đồng thời ông đã dịch minh văn của nó rằng "Năm Đại Hoà thứ 8, do nghệ nhân ở châu Nam Sách tên họ là Trương vẽ chơi"  ("Painted for pleasure by Chuang a workman of Nan Ts’ê-chou in the 8th year of Ta Ho”), nhưng lại  không kèm theo 13 chữ Nho, và thông tin này được in trong các ấn phẩm triển lãm nghệ thuật Trung Quốc, kéo theo sự ngộ nhận lâu dài trong giới nghiên cứu và chuyên gia về lịch sử gốm sứ.  Và sự "lạc trong phiên dịch" (lost in tranlation) này tiếp diễn tới năm 1977 khi sử gia nghệ thuật uy tín nhất về gốm sứ Đông Nam Á là Roxanna M. Brown (bà từng là kí giả ở miền Nam Việt Nam trước 1975) đã thẩm định lại dòng lạc khoản, nhận dạng chữ thứ 10 là Bùi - họ của nghệ nhân gốm (chứ không phải Trương), và chữ thứ 11 thị (vốn gây nhiều tranh cãi nhất) chỉ giới tính nữ của người Việt Nam, và Hí là tên nghệ nhân (chứ không phải là "chơi"). Như vậy, Roxanna Brown là người đầu tiên đọc đầy đủ đúng tên và giới tính của chủ nhân chiếc bình là Bùi Thị Hí cùng địa danh chế tạo là châu Nam Sách, mà sau này xác định là vùng trung tâm của gốm Chu Đậu.


Tuy vậy, thật đáng tiếc vì mãi cho tới 1980, giới nghiên cứu Việt Nam mới thực sự ý thức tới sự tồn tại của "chiếc bình Annam" và nhất là biết tới 13 chữ Nho đó. Bắt đầu từ một bức thư của nhà ngoại giao văn hoá là ông Makoto Anabuki của Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội gửi cho Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương để hỏi thông tin về lai lịch nghệ nhân và nơi chế tạo. Trong thư cho biết ông là người để tâm nghiên cứu văn hoá Việt Nam và gốm cổ Việt Nam, rằng nhân dịp đi công tác ở Thổ Nhĩ Kì mới biết Viện Bảo tàng Hoàng gia Topaki vẫn bảo tồn một cái bình hoa lam của Việt Nam chế tạo vào thế kỉ 15, đặc biệt trên bình mang 13 chữ Nho: "Đại Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hí bút". 13 chữ Hán nói trên có nghĩa là: "Năm 1450, một người thợ tên là (bà) Bùi Thị Hí ở Nam Sách châu vẽ hoa văn trên bình". Cách đọc và hiểu minh văn cho thấy ông Anabuki không nghi ngờ về danh tính và giới tính của người nghệ nhân nữa, và trong lá thư, ông nhấn mạnh rằng việc tìm ra lai lịch nghệ nhân Bùi Thị Hí và địa danh châu Nam Sách là "Điều rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của phụ nữ nói riêng." Thực vậy, dòng lạc khoản trên chiếc bình này cung cấp thật ngắn gọn, đầy đủ và chính xác về thời gian, địa điểm và người tạo tác sản phẩm, và cũng là chiếc chìa khoá cho nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành vốn cũng đồng tình với cách hiểu minh văn của Anabuki, và từ năm 1983 ông đã chủ trì xúc tiến những cuộc nghiên cứu điền dã và khai quật. Sau 10 năm khoác lấy sứ mệnh, ông đã tìm ra nhiều di chỉ của nhiều trung tâm sản xuất đồ gốm cổ trên địa bàn Hải Hưng (cũ). Tuy vậy, cuộc đi tìm nhân thân của nghệ nhân Bùi Thị Hí mất khoảng thời gian đằng đẵng 30 năm.


Trở lại thời điểm tiếp nhận lá thư của Anabuki, hầu hết các học giả và các nhà nghiên cứu chủ yếu ở Hà Nội (đại biểu như GS Trần Quốc Vượng, TS Nguyễn Đình Chiến) đều chia sẻ thành kiến về sự "ngộ dịch" (mistranslation) giống như của Hobson và các tác giả phương Tây khác mắc phải từ những năm 1930 trở về sau, đều lập luận mọi cách để rốt cuộc bốn chữ cuối bùi thị hí bút đều được dịch và hiểu là "Ông họ Bùi vẽ chơi." Vì đa số cho rằng thời phong kiến trọng nam khinh nữ, nên phụ nữ không dùng tên riêng hoặc tên tục mà chỉ có tên hiệu, nói chi đến việc đề tên riêng lên sản phẩm. Thật ra, trường hợp những nữ nghệ nhân của Việt Nam từ xưa kí tên vào sản phẩm có thể chứng minh không phải là hiếm lắm, mà  riêng Hải Dương trong lịch sử đã xuất hiện nhiều phụ nữ kiệt xuất. Riêng nghĩa của cái tên Hí ở đây, thực ra không hẳn mang nghĩa là "chơi" mà hí đồng nghĩa với kịch, như trong hí kịch hay hí khúc, mà cụ thân sinh khi đặt tên cho con gái chắc hẳn là rất mê tuồng kịch.


Trong trường hợp Bùi Thị Hí, ta nên biết rằng, ngoài thuộc dòng dõi quý tộc, bà sống trong một thời đại phụ nữ Việt Nam vốn được tôn trọng và hưởng nhiều quyền tự do cá nhân, khác hẳn với phụ nữ Trung Quốc. Vậy, không khó hiểu lắm nếu ta đặt Việt Nam trong bối cảnh độc lập thời Lê Sơ khi các thiết chế chính trị, xã hội và văn hoá đã được tái cấu trúc. Điểm son của thời kì này được phản ánh đặc biệt, ở đây chỉ xét qua những pháp lệnh hết sức cấp tiến không thua bất cứ bộ luật hiện đại nào về địa vị phụ nữ và trẻ em đã được ban bố và thi hành mà sau đó gọi là Luật Hồng Đức. Chưa kể có nhiều quyền hạn đặc biệt trong hôn nhân, riêng những điều khoản về quyền lợi và địa vị của người phụ nữ, họ được có tài sản riêng và tham gia các hoạt động kinh tế. Về mặt lao động, phụ nữ được đánh giá cao và được trả tiền công ngang bằng với đàn ông, do vậy, địa vị xã hội của phụ nữ cũng tuỳ theo vị trí xã hội và kinh tế của họ. Tất nhiên, phụ nữ không được đi thi và làm quan, nhưng tài nữ Bùi Thị Hí, năm 22 tuổi với ý thức nữ quyền, bà đã hoá trang thành nam giới đi thi và đỗ tam trường trong kì thi Hương nhưng đến khoa thi Hội (để có học vị Tiến sĩ) đầu tiên thời Lê sơ, năm 1442 (do Nguyễn Trãi độc quyển), thì bị phát hiện là nữ và bị đuổi ra khỏi trường thi. Sự kiện độc đáo này không thể không nhớ tới nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Thị Duệ tức Bà Chúa Sao Sa cũng ở Hải Dương vào thời Mạc, năm 20 tuổi, bà giả trai đi thi Hội và đỗ đầu, sau khi bị phát hiện, Mạc Kính Cung lại hết sức khen ngợi và đã lấy bà làm phi, và cho giữ chức giáo sư trong cung. Sang tới thời Lê-Trịnh bà vẫn được trọng dụng làm giám khảo kì thi tiến sĩ và trông coi việc dạy học trong vương phủ.


Nhưng từ sự bất lợi về thân phận như vậy, người phụ nữ phi thường Bùi Thị Hí đã chuyển hoá thành lợi thế và cũng nhờ đó  trở thành điều may mắn cho sự phát triển nghệ thuật và kinh tế. Từ đó, khả năng trí thức và tài hoa của bà được chuyển sang phát triển các trung tâm làm gốm sứ.  Và việc xuất khẩu gốm sứ và các sản phẩm khác vào thời điểm này là một hạnh vận để đẩy mạnh việc giao thương hàng hải trong sự cạnh tranh với các nước lân bang, mà chính bà cũng là một nhà hàng hải tài ba. Các trung tâm gốm sứ Chu Đậu của bà đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm đạt tới phẩm chất hoàn thiện và quy mô hơn bao giờ hết. Chúng thuộc loại sản phẩm gốm sứ cao cấp, đạt những phẩm chất và mĩ thuật tinh mĩ vừa có bản sắc riêng để cung cấp cho hoàng triều, và chắc hẳn cho cả giới quý tộc và hoàng gia nước ngoài nữa, như trường hợp "chiếc bình Annam" và đồ gốm Chu Đậu đang được được lưu giữ và trưng bày trong mấy chục  bảo tàng trên thế giới; chúng được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, sang tới Ấn Độ Dương, vịnh Ba Tư và các nước phương Tây;  và quan trọng nhất là khiến sản phẩm gốm sứ Trung Quốc không còn giữ vị trí độc tôn nữa.








Một số đồ gốm hoa lam Chu Đậu thời Lê Sơ trục vớt từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Hội An)

Gốm Chu Đậu được cho là ra đời vào đầu thế kỷ 15, tức vào thời nhà Minh xâm lăng và thống trị (1400-1427) và kết thúc cuối thế kỷ 16 với niên đại cuối ghi năm 1592 do cuộc chiến khốc liệt của quân Lê-Trịnh với Mạc ở Hải Dương đã tàn phá vùng Nam Sách và xoá sổ trung tâm gốm Chu Đậu mất hết dấu tích suốt 400 năm. Vậy, trong thời kì bị đô hộ gần 30 năm đó cũng là cơ hội đủ để  kĩ thuật gốm sứ miền nam Trung Quốc truyền cảm hứng cho Việt Nam phát triển kĩ thuật gốm hoa lam có điểm độc đáo của bản địa để ra đời dòng gốm sứ Chu Đậu. Như ta biết, nguồn gốc việc sử dụng màu xanh cobalt trên gốm sứ đã bắt đầu ở Việt Nam vào thế kỉ 14 đồng thời với Trung Quốc; chất liệu màu xanh cobalt nguyên thuỷ được du nhập từ Ai Cập và Ba Tư, nơi mà qua nhiều thế kỉ được dùng để pha màu vào thuỷ tinh. Nói chung, đồ sứ đặc trưng của miền nam Trung Quốc gọi là thanh hoa (blue and white porcelain) với màu xanh cobalt được vẽ trên nền men trắng, trong khi đồ gốm với hoạ tiết màu xanh cobalt nằm dưới lớp men trắng là đặc trưng của gốm Chu Đậu, gọi là hoa lam (underglazed blue- and-white) bắt đầu thịnh hành và nở rộ vào đầu thế kỉ 15. Annam cũng trở thành thuật ngữ tương đương với hoa lam trong thế giới gốm sứ, mà tên gọi "Chiếc bình Annam" ở Bảo tàng Topaki là một ví dụ mẫu mực. 

Đáng lưu ý về bối cảnh lịch sử, vào giữa thế kỉ 15, nhà Minh với chỉ dụ Hải cấm, cấm xuất khẩu và vận chuyển bằng tàu thuyền tư nhân trên đại dương (tuy không thể ngăn được sự buôn lậu, và lệnh cấm này chỉ được cởi bỏ vào 1567 sau thời Minh), đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng khiến hàng hoá Việt Nam mở rộng thị trường và đẩy mạnh sản phẩm ra thế giới, và tất nhiên cả sự phát triển mạnh về mặt hàng hải. Chính trong sự đình hoãn của Trung Quốc về xuất khẩu đồ gốm sứ vào giữa thế kỉ 15 ấy đã khiến cho Việt Nam có thể bước tới và đổ đầy khoảng trống; đó cũng là thời điểm "Chiếc bình Annam" (1450) vào tới cung đình đế quốc Ottoman. Trong khi ở phía bắc, nhà Minh một mặt lo đối phó với sự quay lại đe doạ của Mông cổ cùng với nạn hoạn quan trong nội cung, và mọi quan tâm đều hướng lên phương bắc, tài chánh thì đổ vào việc xây dựng kinh đô mới với Tử Cấm Thành, cho nên những chuyến viễn dương của các hạm đội khổng lồ như của Đô đốc Trịnh Hoà đã chấm dứt vì bị chỉ trích là tốn kém và phung phí. Hậu quả là sức mạnh phi thường về đường biển của Trung Quốc cũng dần suy thoái, mất ảnh hưởng, và bước vào thời kì trì trệ về công nghệ; tuy phải nhìn nhận rằng những cuộc viễn dương của Trịnh Hoà trước kia phần nào đã thiết lập sẵn và tạo điều kiện quy củ cho sự mậu dịch hàng hải, cũng như tạo sức kích hoạt cho sự gia tăng về giao thương và thịnh vượng chung ở khu vực Đông Nam Á.


Sau khi độc lập, nước Đại Việt đã được tái lập như một quyền lực mậu dịch quan trọng tại Đông Nam Á, và sự tái xác định tư cách chủ tể của Đại Việt trên vùng biển Đông cũng nằm trong mạng lưới mậu dịch trong khu vực. Từ giữa những thế kỉ 15-16 được mệnh danh là "Thời kì Thương mại" của Đông Nam Á, mà trên đó hình thành "Con đường gốm sứ" trên biển Đông, điều này ngày càng minh chứng qua kết quả trục vớt từ hơn chục con tàu đắm chở cổ vật gốm sứ dọc bờ biển Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á trong hai mươi năm qua. Đó là những kho báu xấu số ngủ triền miên dưới lòng biển trở thành chứng nhân cho một thời hoàng kim. Con đường biển rộng lớn này vào thời nhà Minh dưới triều hoàng đế Vĩnh Lạc trở thành hệ thống mậu dịch triều cống của các nước chư hầu và dành độc quyền cho hoàng triều. Thế nhưng, hoàn cảnh đã thay đổi sau độc lập, chính quyền triều Lê tự xem mình như một chính thể hoàn toàn độc lập, và cũng tự xem Đại Việt, nói theo sử gia Furuta Motoo, như một "Trung Quốc phương nam" với vị thế ngang hàng với Trung Quốc phương Bắc. Trong thời kì này, các cuộc viễn chinh của Đại Việt (từ 1446-1471) đã đem các hải cảng dọc theo Việt Nam vốn thuộc Chiêm Thành (ở Huế) và các vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nằm dưới sự kiểm soát con đường biển và mậu dịch của Đại Việt. Xa hơn nữa, theo Minh thực lục, dưới sự cai trị của vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460-1497), quyền lực của Đại Việt gia tăng một cách mau chóng đến nỗi trong năm 1481 Malacca đã liên tiếp cầu cứu lên triều đình nhà Minh rằng nếu không được trợ giúp, Malacca sẽ sớm bị sáp nhập vào Đại Việt. Cũng chính trong thời kì này, ngoài nhiều sản phẩm địa phương khác được xuất khẩu, đặc biệt đồ gốm sứ nở rộ ở nhiều trung tâm các làng xã và trang ấp của giới quý tộc như trang Quang Ánh của vợ chồng Bùi Thị Hí. Ngoài phong cách gốm hoa lam Chu Đậu cũng như các đồ gốm tráng men nhiều màu, đặc biệt nhờ sự cải tiến gốm hoa nâu vào cuối thời Trần với hoạ tiết chìm dưới lớp tráng men nên cũng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Thậm chí kĩ thuật chế tạo gốm sứ ở Đại Việt rất cao tới độ có thể làm được các loại gốm sứ cao cấp của các thời như Tống, Nguyên, và nhất là Minh, khi ấy đang trở thành nhu cầu lớn của bên ngoài, đó là lí do một một phần khiến nhiều nhà chuyên môn lầm tưởng là đồ gốm sứ chế tạo ở Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (gần Hội An ở Quảng Nam, được phát hiện và trục vớt từ 1997-2000) có niên đại vào giữa thế kỉ 15, tức khoảng 1450/60, nhiều khả năng là một trong những con tàu chở hàng xuất khẩu của trung tâm gốm Chu Đậu xuất phát từ địa danh Hải Dương - nghĩa là "Ánh mặt trời biển Đông" - đang dưới sự trông coi của Bùi Thị Hí. Một trong những chứng cứ kì diệu: trong số hàng trăm ngàn sản phẩm gốm Chu Đậu cao cấp tìm thấy được từ chiếc tàu đắm ấy, có một bức tượng đặt tên là "Nữ quý tộc" hiện lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Bức tượng ấy được nhận dạng giống hoàn toàn với chân dung bức tượng trước đây thờ Bùi Thị Hí ở chùa Viên Quang (xã Quang Ánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), vốn là ngôi chùa do bà xây khi về ẩn ở tuổi 73.


Bảy trang gia phả quý giá của hậu duệ tộc Bùi còn lưu giữ nhiều đời qua các hình thức, khiến ta biết được thân thế và gia tộc của chủ nhân chiếc bình. Theo đó, Bùi Thị Hí, hiệu là Vọng Nguyệt, sinh năm Canh Thân (1420) ở làng Quang Tiền (xã Đồng Quang), huyện Gia Lộc, là con gái trưởng của quan Mã vũ Bùi Đình Nghĩa, người đã hi sinh trong trận vây đánh thành Đông Quan, cháu ba đời lão tướng Bùi Quốc Hưng là khai quốc công thần đời Lê, một trong 18 người ở Hội thề Lũng Nhai, tham gia chống quân Minh cùng với Lê Lợi. "…Thuyết tích họ Bùi, trang Quang Ánh có nghề cổ làm sành sứ lâu đời, khởi nghệ do nữ tài Bùi Thị Hí. Bà là người có tài văn chương, chữ đẹp, kì tài về hoạ. Bà cải trang làm nam giới, thi tới tam trường, phạm quy, bị quan trường đuổi. Sau bà lấy chồng ở huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách nhưng không có con. Người phụ nữ tài năng có nhiều con đường tiến thân, bà có nghề cùng với chồng là ông Đặng Sĩ, một chủ lớn về trang Quang Ánh vào năm Thái Hoà thập niên (1452) cùng em trai là Bùi Khởi chiêu tập người làm thuê, dựng lò, ở bắc trang, nơi ấy thuận đường thủy, gần sông Định Đào, giao thương với châu Nam Sách, chế tác những sản phẩm đặc biệt, cống hoàng triều, xuất cho nhiều thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây, trao đổi gấm vóc, gỗ từng, cá, gạo, vàng bạc. Từ đấy nghề thịnh đạt, năm này qua năm khác tài lộc tăng nhiều, gia đình họ hàng giàu mạnh, cùng nhau khởi dựng đình trang. Đến thời đất nước đại loạn, bọn hung tặc triệt phá, con cháu xiêu tán, không thể tác nghiệp, nghệ vinh suy vong, nghề hết". Căn cứ thêm vào tấm bia mộ chí của bà Bùi Thị Hí khắc dựng ngày 10/10 năm Cảnh Thống (Nhâm Tuất 1502) do người chồng thứ hai của bà là Đặng Phúc lập, được các nhà sử học khôi phục toàn bộ văn bản gốc và phiên dịch như sau:


"Mộ người vợ kì tài họ Bùi, tên huý là Hí".
"Ngày 10 tháng 10 năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502), phu quân (chồng) là Đặng Phúc lập bia. Phu nhân, sinh năm Canh Tí (1420), thời Bình Định Vương Lê Lợi". “Mất ngày 12/8 năm Cảnh Thống Kỷ Mùi (1499)”. "...Sau Đặng Sĩ (chồng trước) cùng những người làm thuê gặp nạn, chết ở biển Đông. Phu nhân tái giá lấy đại gia Đặng Phúc, người trang Chu (Đậu). Phu nhân là một trang nữ tài võ, thông văn, làm chủ thương đoàn (đi) Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, đến nước ngoài buôn bán đặc phẩm (gốm, sứ).
Thật buồn thay, phu nhân kì tài làm bình gốm mà lại không con. Sau về trang Quang Ánh, hưng công làm chùa, đình làng, làm thí chủ xây dựng nhà thờ họ; hưng công bắc cầu đá Đôn Thư, Lâm Kiều (ở bản huyện). Đến đêm 12, tháng 8 năm Kỉ Mùi (1499), trời đất cuồng phong, mưa gió, sấm chớp. Lạ thay, phu nhân nằm trong bình phong mà phát ra ánh sáng hồng như con rồng bay lên. Đoạn phu nhân hóa. Sau rất thiêng, ai có tâm cầu cúng, tất hiển ứng". Chú dẫn: Khi thời thế thay đổi, bia đá cổ huyệt tổ cô giữ ở đất thiêng, cấm chỉ mọi vi phạm".

Trong số những di vật phát hiện mang thủ bút Bùi Thị Hí do hậu duệ của tộc Bùi tìm được ở lò gốm cũ ở làng Chu Đậu, có một cái đĩa men khắc chìm vào năm 1454 và một con nghê vào năm 1460, vốn là hai phế phẩm bị loại bỏ dưới chân lò với bút tích giống hệt trên chiếc bình ở bảo tàng Topaki, và một con rồng đất nung lớn mà bà dùng yểm tại ngã ba sông Định Đào để việc giao thương được hanh thông, và vô cùng quan trọng là chiếc la bàn đi biển bằng cẩm thạch của bà Bùi Thị Hí, trên có chữ "Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hí" (Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hí). Riêng chiếc đĩa bị phế bỏ này có điểm đáng bàn. Nói chung, tình trạng đĩa còn nguyên vẹn, chỉ riêng lớp men celadon còn sống vì nung chưa đủ chín, được tạo dáng bông hoa 12 cánh, mà các hoa văn theo quan sát là theo truyền thống Lí-Trần. Đặc biệt ở dưới trôn viết 18 chữ Nho: Diên Ninh nhất niên, Gia Phúc huyện, Quang Ánh trang, tỉ Bùi Thị Hí, đệ Bùi Khởi tạo. Nghĩa là: "Vào năm Diên Ninh thứ nhất (1454), tại trang Quang Ánh huyện Gia Phúc, chị là Bùi Thị Hí, em là là Bùi Khởi tạo ". Tuy nhiên, khi thông tin này ra quốc tế, qua hình ảnh hậu duệ họ Bùi cầm chiếc đĩa (ngoài hình dáng ra, còn chi tiết không rõ lắm), thì có những nhà gốm sứ Đông Nam Á cho rằng nó là chiếc đĩa cổ của Thái Lan mà nước men đã bị mài mòn. Về niên đại thì họ cho rằng hoàn toàn đúng giữa thế kỉ 15, nhưng lại gần như quả quyết rằng kiểu đĩa này được chế tạo ở các lò ở huyện Sawankhalok ở miền nam Thái Lan của vương quốc Sukhothai, chứ không phải Việt Nam. Điều này một lần nữa khiến ta có thể tham chiếu về quan hệ chế tạo và giao thương gốm sứ trong khu vực, mà trong đó Việt và Thái có quan hệ rất gần. Trong thế kỉ 15, Việt Nam và Thái Lan đều phát triển công nghệ gốm sứ và là những nguồn cung cấp gốm sứ chính cho thị trường Đông Nam Á. Đồ gốm vẽ hoạ tiết bằng màu oxit đen hoặc nâu có phủ men của Việt Nam và Thái đều thông dụng trong nửa đầu thế kỉ 15. Tuy nhiên vào nửa cuối thế kỉ 15, đồ men ngọc celadon của Thái và đồ gốm hoa lam của Việt Nam là những sản phẩm tiêu thụ chính của Đông Nam Á. Nhưng cả hai công nghệ gốm vẽ hoạ tiết màu oxit sắt có phủ lên lớp men nâu và đồ gốm men ngọc xanh celadon của thợ gốm Thái đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những người thợ gốm Việt Nam (mà ngay từ thời Lí -Trần đã hấp thu công nghệ gốm Từ Châu/Cizhou có từ thời Tống). Nhưng vào thời điểm những năm 1450/60, thì đồ gốm vẽ oxit sắt hầu như không còn thấy trên thị trường Đông Nam Á nữa vì không còn hấp dẫn, cho nên rất có thể thợ gốm Thái vào thời gian này đã sang Việt Nam học công nghệ tráng men ngọc celadon để có thể cạnh tranh trên thị trường cùng với đồ gốm hoa lam của Việt Nam khi ấy đã lên tới tuyệt đỉnh. Do vậy, việc chế tạo, phân phối và giao thương gốm sứ giữa Việt và Thái qua lại có lẽ rất mật thiết, mà ta có thể thấy trên con tàu bị đắm ở Cù Lao Chàm phát xuất từ Hải Dương, còn lại những dấu vết chủng người và vật dụng Thái Lan trên đó.

Như vậy, phải mất 50 năm, nếu tính từ 1933 khi học giả R. L. Hobson phát hiện 13 chữ Nho của người thợ gốm Bùi Thị Hí viết trên vai "Chiếc bình gốm Annam" cho tới khi tìm ra nơi phát tích dòng gốm hoa lam qua 8 lần khai quật, hàng vạn hiện vật xuất lộ khỏi lòng đất, gồm dấu vết lò nung, nhiều sản phẩm gốm sứ để khẳng định trung tâm gốm sứ Chu Đậu từ thế kỉ 15-16 nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đặc biệt con tàu đắm Hội An chở theo một kho hàng trên 250,000 sản phẩm gốm hoa lam là bằng chứng thuyết phục nhất về sự phổ biến của gốm hoa lam, và thực sự trả lại thanh danh cho dòng gốm cao quý này vào trang sử nghệ thuật thế giới. Nhưng phải mất thêm 30 năm nữa để tìm ra đầy đủ nhân thân của nghệ nhân chiếc bình là tài nữ Bùi Thị Hí, và cuối cùng là tìm thấy bia mộ chí. Hòn gạch đậy trên mộ có ghi "Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hí nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm" (Tro xương tổ cô Bùi Thị Hí trong bình cùng thanh kiếm của bà). Trong số các hiện vật liên quan đặc biệt có một viên gạch nung, trên mặt có khắc chìm chân dung một người phụ nữ, bên cạnh có khắc những hàng chữ Nho: "Cổ tượng hình tổ cô, hiệu Vọng Nguyệt, nguyên thị chủ thập dư trang phường đào từ bình. Đại loạn hoá tượng hoạ lai truyền hậu dã." Nghĩa là: Hình tượng cổ của tổ cô, hiệu là Vọng Nguyệt, nguyên là chủ trên 10 trang phường gốm. Do đại loạn tượng phải hóa (huỷ), vẽ lại để truyền cho đời sau." 


Tượng gốm chân dung một nữ quý tộc tìm thấy từ con tàu Đắm Cù Lao Chàm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội.

Hình tượng chân dung được khắc lại trên viên gạch tìm thấy trong ngôi mộ bà Bùi Thị Hí giống với bức tượng độc bản tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm

Hình tượng chân dung "Tổ cô" được vẽ lại trên viên gạch vào năm 1502, tức chỉ ba năm sau khi bà mất (1499), nguyên mẫu chắc hẳn từ pho tượng đặt tên là "Tượng nữ quý tộc" được tìm thấy từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (bị chìm trong khoảng 1450-60). Vì được gọi là "cổ tượng hình Tổ cô", như vậy chắc hẳn nó phải được tạo rất sớm trong thời bà còn sống: một quý phụ phục sức trang nghiêm quý phái trong tư thế đứng, với hai tay che trong ống tay áo khoanh lại tạo dáng ôm họa tiết một đoá sen, trong khi đang nâng một cái đĩa bán nguyệt mặt bằng trên đó có lỗ, chắc hẳn dùng để cắm trầm hương. Kiểu tóc búi cao có cài trang sức, đeo hai bông tai ngọc trai và hạt ngọc đính trước cổ áo, trên yếm ngực có hoạ tiết cánh chim hải âu hoặc có thể là tiên hạc, và trên trang phục mang những hoạ tiết quen thuộc của gốm Chu Đậu. Trông vẻ mặt chân dung độ khoảng ba mươi tuổi, tức vào khi phong cách nghệ thuật và sự nghiệp của bà đang ở thời tuyệt đỉnh, tức cũng vào khoảng năm 1450 khi bà tự tay đề tên mình lên "Chiếc bình Annam" để xuất khẩu qua hoàng gia của đế quốc Ottoman. Năm 1450 cũng là năm Bùi Thị Hí đã 30 tuổi cùng chồng chỉ huy thương thuyền, làm chủ đoàn buôn vượt trùng dương sóng gió đi giao thương với các nước trong khu vực và phương Tây. So sánh cùng thời kì này, nước Ý đang bước vào thời Tiền Phục Hưng với các maestro như Botticelli, Fra Angelico, Bellini, Lippi… Vì thế, thật khó tưởng tượng cho chúng ta ngày nay về một người phụ nữ Việt thời ấy với tư cách nghệ nhân, đã tự tay "kí tên" vào sản phẩm như một nghệ sĩ độc lập đầy uy danh ngày nay, hơn thế nữa, còn làm chân dung tượng chính mình lúc bình sinh. Tuy ta chưa thể biết rõ mục đích tạo ra bức tượng nữ quý tộc, nhưng tạm có thể suy đoán: được tạo ra như một sản phẩm mĩ thuật cho một đề tài để xuất khẩu; và do bởi bức tượng được tìm thấy từ chiếc tàu đắm Cù Lao Chàm vào thời điểm tài nữ này còn sống, và trong số 250,000 sản phẩm gốm hoa lam của Chu Đậu mà có lẽ pho tượng là món duy nhất, vậy rất có thể nó là một tín vật đại diện cho chủ nhân của dòng gốm này mà những thương thuyền phát xuất từ Hải Dương mang theo để bảo chứng uy tín sản phẩm tới với khách hàng. Nhất định tên tuổi và dấu ấn của bà trên sản phẩm gốm hoa lam vào thời điểm này rất được quý trọng và có thể là yêu cầu của khách hàng quốc tế.

Như vậy, ta có thể nhận thức, pho tượng nữ quý tộc Bùi Thị Hí, nghệ nhân chiếc bình hoa lam ở Bảo tàng Topaki, ngụ ý gián tiếp hay trực tiếp xác định truyền thống nữ quyền Việt Nam trong lịch sử, qua sự tuyên dương vai trò quan trọng và dấu ấn sản phẩm của phụ nữ thông qua con đường giao thương kinh tế với thế giới, đồng thời minh chứng nước Việt một thời tự lực tự cường và từng giữ vai trò chủ tể biển Đông và các hải đảo như đã khẳng định qua các bản đồ vào thời Hồng Đức. Và cuối cùng, như một tín vật cho hậu thế nhớ rằng hình tượng này chính là Bà tổ của một dòng gốm Chu Đậu tuyệt vời cách đây hơn 550 năm đã trở thành di sản rạng rỡ như ánh mặt trời biển Đông, mà cho tới nay cũng là sự đóng góp duy nhất về lĩnh vực mĩ thuật của Việt Nam cho thế giới.




______________

Tham khảo:

- Chiến Nguyễn, "Lạ kì chuyện tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu", Báo Gia đình và Xã hội Cuối tuần, Xuân Canh Dần 2010

- Xứ Đoài, "Bí mật ngôi mộ cổ", An ninh Thế giới, bản điện tử, 24.10.2010

- Nguyễn Duy Cương, "Những phát hiện mới về bà Bùi Thị Hý qua cuộc khai quật khảo cổ học tại Quang Tiền, Đồng Quang, Gia Lộc", 10/04/2013, trang điện tử của Sở Văn hoá Thông tin Tỉnh Hải Dương: http://sovhttdl.haiduong.gov.vn/

- "Người trả lại nguồn gốc thực sự cho gốm hoa lam Chu Đậu", trang: www.nguoiduatin.vn, 17.02.2013 

- "Insciption by Ms. Bui thi Hy? Possible biography for a most unsual lady", Southeast Asian Ceramics Museum Newsletter, vol. IV, No. 6, Nov.-Dec. 2007

- Explore Turkey:  http://www.exploreturkey.com/exptur.phtml?id=284

- Koh-Antique: http://koh-antique.com/

- Nguyễn Quảng Minh, Nguyễn Mộng Hưng, "Đôi điều về minh văn trên gốm sứ", Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (72). 2009; bản điện tử http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/4245/4056

- Momoki Shiro, "Đại Việt và mậu dịch vùng biển Nam Hải - từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 15", Ngô Bắc dịch; trang Gió-O: http://www.gio-o.com/NgoBac.html

- Nelson Spinks, "A Reassessment of the Annamese Wares", Journal of Siam Society, 1976: vol.64; bản pdf: Siamese-heritage.org

- Martin Stuart-Fox, A Short History of China and Southeast Asia - Tribute, Trade, and Influence, Allen & Unwin 2003

- Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, 3 tập, Hồ Bạch Thảo dịch và chú thích, Phạm Hoàng Quân hiệu đính và bổ chú, Nxb Hà Nội 2010

* Bài này đã đăng bản tóm lược trên báo Thể thao và Văn hoá Cuối tuần, số (?) tháng 10.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét