Hà Vũ Trọng dịch
Bút kí của
Leonardo bao gồm nhiều chuyện kể, ngụ ngôn, châm ngôn, mê ngữ, và những ghi
chép khác giàu trí tưởng tượng, một số trong đó có lẽ sáng tác để diễn xướng trong
những buổi tụ họp xã giao. Ngôn ngữ của ông giản dị và trong sáng, tính hài
hước súc tích và sắc bén.
Dưới đây chọn lọc các chuyện kể về
đời sống thú vật có nguồn gốc từ những sách cổ mà ông sở hữu. Những chuyện
kể này được tiếp theo bằng những ngụ ngôn và châm ngôn do chính ông sáng tác, dựa
trên những quan sát về tự nhiên và được viết phù hợp với tập quán xưa, dùng
như những gương mẫu luân lí để vạch trần sự vô ơn bạc nghĩa, thói hư tật xấu, sự
ngu muội, và tán dương tính khiêm cung, đức hạnh và sự thành thật. Sau đó, là chọn lọc “những dự ngôn”(prophecies) của ông và một vài chuyện kể nhan đề “những
chuyện khôi hài”.
Phần cuối chương dành cho những miêu
tả giàu trí tưởng tượng về thế giới tự nhiên.
I.
NGỤ NGÔN THÚ VẬT
13 chuyện kể
dưới đây là những bản chép lại từ một tập ngụ ngôn về thú vật nhan đề Fior
di Virtù (Đoá hoa đức hạnh) thời trung cổ, vốn rất nổi tiếng từ thế kỉ
13 trở về sau.
Tình yêu đoan chính
Người ta nói rằng, loài chim chiền chiện khi nó bay
tới trước mặt một bệnh nhân, nếu người ấy sắp lìa đời, thì chim quay đầu đi và
không nhìn lại người ấy nữa. Còn nếu bệnh nhân sắp hồi phục thì chim nhìn
vào người ấy không dứt và đó là nguyên nhân chữa khỏi bệnh.
Cũng
tương tự với tình yêu đoan chính. Nó không nhìn vào bất cứ thói xấu hoặc điều
ti tiện nào, mà luôn chăm chú vào những điều thiện lương và đoan chính và chọn
trú ngụ trong một tâm hồn cao thượng, giống như loài chim chọn những khu rừng
xanh trên cành trổ hoa. Và tình yêu này tự nó chứng minh trong ngịch cảnh hơn là
trong vinh hoa, như ánh quang minh chói ngời nhất ở đâu nó thấy hắc ám
nhất.
Nỗi buồn
Nỗi buồn giống như con quạ khi nó phát hiện thấy đàn
con sơ sinh của nó có màu trắng, nó ra đi với nỗi đau thương cực độ và bỏ rơi chúng bằng những tiếng kêu bi thảm. Quạ mẹ không nuôi con cho tới khi thấy một số lông
vũ màu đen mọc trên thân chúng.
Bình an
Chúng ta đọc thấy rằng con hải li khi bị săn đuổi,
nó biết là vì do cặp tinh hoàn của chúng có công dụng dược tính, và khi không có
khả năng trốn thoát, nó đứng lại; và để được bình an với những kẻ săn đuổi, nó
bèn tự cắn đứt cặp tinh hoàn của mình bằng hàm răng sắc, rồi để lại cho kẻ
thù.
Giận dữ
Người ta nói về con gấu rằng, khi nó tới tổ ong để
lấy mật, đàn ong bèn chích nó để nó phải bỏ lại mật và vội vã trả thù; vì mong
muốn ra tay trả thù với tất cả bọn chích nó, nhưng nó không thể báo thù được gì;
rồi cơn giận của nó biến thành cơn điên, nó vừa vật mình trên mặt đất vừa cáu
tiết một cách vô hiệu, cố gắng tự vệ bằng tứ chi.
Tham lam
Con cóc sống nhờ vào mặt đất và luôn chống xuống đất,
bởi nó chẳng bao giờ thoả mãn—nên nó rất sợ sẽ không còn mặt đất nữa.
Nịnh hót
Nữ thần Siren hát ngọt đến nỗi nàng ru đám thuỷ thủ
ngủ thiếp đi; rồi leo lên tàu và giết những thuỷ thủ đang ngủ.
Cẩn thận
Con kiến, do tính biết lo xa bẩm sinh, vào mùa hè nó
dự trữ cho mùa đông, làm chết các loại hạt nó thu hoạch được để chúng không thể
nảy mầm, dùng làm thức ăn khi cần đến.
Xuẩn ngốc
Con bò rừng căm ghét màu đỏ, đám thợ săn phủ màu đỏ
lên thân cây để con bò chạy tới và với cơn điên tiết dữ dội nó húc cặp sừng vào
đó, và lập tức, đám thợ săn giết chết nó.
Công chính
Chúng ta co thể sánh đức hạnh công chính với con ong
chúa, nó ra lệnh và sắp xếp mọi việc bằng sự phán đoán. Một đám ong được lệnh
đi tìm hoa, đám khác được lệnh lao động, đám khác phải chiến đấu với lũ ong bắp
cày, đám khác phải dọn vệ sinh, đám khác phải tháp tùng và hộ vệ ong chúa; khi
nó già nua và không còn đôi cánh nữa thì chúng chở nó đi. Và nếu có con nào
không làm xong bổn phận thì bị trừng phạt ngay.
Giả dối
Con cáo, khi nó thấy bầy quạ xám hoặc bầy ác là hoặc
những loại chim tương tự, đột nhiên nó lăn đùng trên mặt đất, há hốc mồm trông
như thể chết rồi; khi những loài chim này muốn mổ vào lưỡi của nó, nó liền
ngoạm đứt đầu chúng.
Dối trá
Con chuột chũi có đôi mắt rất nhỏ và luôn sống dưới
lòng đất; và nó còn sống chừng nào còn trong bóng tối, nhưng khi ló ra ánh
sáng, nó chết ngay lập tức bởi nó bị nhận ra. Cũng thế với những dối trá.
Sợ hãi hay sự hèn nhát
Con thỏ rừng luôn luôn hoảng sợ; khi lá cây rơi
xuống vào mùa thu, luôn làm nó kinh hãi và thường làm nó chạy trốn.
Kiên trinh
Kiên trinh biểu tượng bằng chim phượng hoàng nhờ
tính chất tái sinh của nó, nó có tính kiên trinh chịu đựng lửa cháy thiêu huỷ,
và sau đó nó lại tái sinh.
Những chuyện kể
dưới đây là những bản chép lại từ tác phẩm Acerba của Cecco d’Ascoli. Tác giả là một chiêm
tinh gia, người cùng thời với Dante.
Con cá sấu— giả đạo đức
Con vật này bắt được một người rồi giết ngay; sau
khi kẻ ấy chết, nó khóc bằng một giọng thảm thương và nước mắt chảy đầy mặt.
Sau khi than khóc xong, nó ăn tươi nuốt sống người ấy một cách tàn bạo. Cũng
vậy với kẻ giả đạo đức, đối với chuyện nhỏ nhoi thì mặt đầm đìa nước mắt, nhưng
bên trong mang quả tim loài hổ lang, mừng thầm trước đau khổ của người khác trong
khi khoác bộ mặt thương xót.
Con trai—bội tín
Vào ngày trăng tròn, con trai há miệng ra hết cỡ; con
cua nhìn thấy bèn ném một viên đá hoặc miếng tảo biển vào trong nó, con trai không
thể khép lại vì thế nó thành bữa ăn cho cua. Cũng vậy với kẻ hớ miệng nói ra
điều bí mật, vì thế, nó đặt mình dưới quyền của kẻ nghe bất cẩn.
Sâu bướm—đức hạnh thông thường
Con sâu bướm, bằng việc chế tác cẩn thận để dệt
quanh thân nó cái kén mới với thiết kế đáng phục và tài khéo léo tuyệt vời, sau
đó nó chui ra ngoài với đôi cánh màu rực rỡ, rồi bay vào bầu trời.
Con nhện
Con nhện tự nhả tơ dệt thành mạng lưới tinh vi khéo
léo, và con mồi bắt được trở thành sự báo đáp cho nó.
Văn miêu tả dưới
đây là một cải biên từ tác phẩm Lịch sử tự nhiên của Pliny, triết gia tự nhiên người La-mã.
Con voi
Loài voi to lớn có những phẩm tính tự nhiên hiếm
thấy nơi con người, đó là tính thành thật, cẩn trọng, một cảm quan về sự công
chính, và giữ nghi thức tín ngưỡng. Bởi thế, lúc trăng thượng tuần, chúng đi xuống
sông rồi trang trọng tắm rửa, sau đó chúng kính lễ hành tinh rồi trở về rừng.
Khi lâm bệnh, chúng nằm xuống và vung thảo mộc hướng lên trời như thể chúng
muốn cúng tế. Chúng chôn cặp ngà khi tuổi già làm rơi rụng. Trong cặp ngà này,
chúng sử dụng một cái để đào lấy rễ cây làm lương thực, còn cái ngà sắc nhọn
kia dành khi chiến đấu; khi chúng bị đám thợ săn bắt được, bị kiệt sức, chúng
đập cặp ngà và rút ra để chuộc thân. Chúng có lòng thương xót và biết những
hiểm nguy, nếu có con nào thấy có người bị lạc một mình, nó tử tế chở trên lưng
và đem trở lại con đường mà y bị nhỡ. Nếu nó phát hiện thấy dấu chân của người
nó thấy y trước đây, nó sợ sự phản bội, vì vậy nó đứng lại thổi gió, khi chỉ cho
những con voi khác thấy dấu chân ấy, và rồi chúng hình thành một đoàn rồi đi
một cách cảnh giác.
Những
con vật này luôn đi thành đoàn, con lão nhất mở đường, con lão nhì đoạn hậu; và
như vậy chúng kết thành đoàn. Chúng sợ bị hổ thẹn và chỉ bắt cặp vào ban đêm
một cách kín đáo, sau đó chúng cũng không nhập lại bầy mà trước tiên đi tắm
sông. Chúng không bao giờ chiến đấu với những con giống cái như những loại động
vật khác. Chúng yêu hoà bình tới nỗi bản tính không bao giờ muốn đả thương
những con vật yếu ớt hơn mình; còn nếu nó gặp một bầy cừu, nó tránh sang một
bên sao cho thân mình không dẫm đạp chúng dưới chân; và nó chẳng bao giờ gây
thương tích những con vật khác trừ phi bị khiêu khích. Khi một con trong bầy bị
ngã xuống hố, những con khác trút đầy cái hố bằng cành cây, đất, và đá, như vậy
nâng đáy lên để nó dễ dàng lên khỏi. Chúng hết sức khiếp sợ tiếng lợn kêu ủn ỉn
và vội rút lui làm gây tổn hại không ít cho bàn chân của chúng so với kẻ địch.
Chúng thích thú ở những dòng sông và luôn lang thang quanh những nơi đó; nhưng
do thể trọng quá lớn cho nên chúng không thể bơi. Chúng liếm đá và những thân
cây là lương thực khoái khẩu của chúng. Chúng ghét chuột. Lũ ruồi ưa thích mùi
voi, khi chúng đậu trên lưng voi, những nếp nhăn của da gấp lại sâu và khít làm
chết lũ ruồi. Khi băng qua sông, chúng cử những voi con đi về phía dòng dưới,
còn chúng đứng chận ở dòng trên làm suy yếu lực chảy của thuỷ lưu để không cuốn
chúng đi xa. Chuồn chuồn thường lao mình lên mình voi và đuôi của nó ràng vào
chân voi; đôi cánh và móng siết vào cạnh sườn voi, và răng cắn vào cổ họng voi;
voi bèn đổ lên nó làm cho chuồn chuồn bẹp nát. Vì vậy cái chết của nó là sự
phục thù đối với kẻ địch.
II.
NGỤ NGÔN
Những ngụ ngôn
của Leonardo đưa ra bức tranh về miền quê nước Ý. Những rặng liễu trồng thẳng
hàng, và xén ngọn. Những dàn nho được uốn trên những rặng cây này và tạo dàn
bóng mát giữa chúng. Những cành liễu non dùng để buộc dàn nho vào cây. Những
cây quả nặng trĩu với quả hồ đào, hạt dẻ, đào, vả, và quả thanh yên giống như chanh
lớn. những quả bầu khổng lồ nằm trong nắng mặt trời với lá rợp mặt đất. Phương
thức nông nghiệp ở Tuscany và Lombardy không đặc biệt kể từ thời đại của
Leonardo.
Cây thuỷ lạp và chim sáo
Trong ngụ ngôn
này, Leonardo chế diễu những kẻ cho rằng mọi người và mọi thứ thứ tồn tại chỉ để
phục vụ họ.
Cây thuỷ lạp cảm thấy những cành mềm của nó trĩu quả
non bị nhói đau do móng vuốt và mỏ sắc của con chim sáo bướng bỉnh, nó than với
chim sáo với lời can gián và khẩn khoản đáng thương vì chim sáo ăn cắp những
quả ngon, ít ra nó nên chừa lại lá để gìn giữ chúng khỏi ánh nắng cháy, và xin
đừng cào xước lớp vỏ mềm bằng vuốt sắc nữa. Nghe thế, chim sáo đáp lại bằng mắng
nhiếc giận dữ: “Ồ, im đi bụi cây vô văn hoá! Ngươi không biết thiên nhiên làm
cho ngươi sinh ra quả này để bồi dưỡng ta sao; ngươi không biết rằng ngươi ở
trên trần gian này để cung cấp lương thực cho ta sao; ngươi không biết rằng,
hỡi loài thấp hèn, mùa đông tới ngươi sẽ làm lương thực và làm mồi cho lửa hay
sao? Cây thuỷ lạp nhẫn nhục nghe những lời này, không thể cầm được nước mắt.
Chẳng bao lâu sau, con sáo bị người ta giăng lưới bắt được, còn những cành cây
bị cắt để làm thành cái lồng nhốt con sáo. Những nhánh cây mềm dẻo bị cắt lìa
khỏi cây thuỷ lạp dùng để đan lồng chim; nhìn thấy nó chính là nguyên nhân mất
tự do của chim sáo, thuỷ lạp cao hứng nói: “Hỡi chim sáo, tôi còn đây và chưa
bị đốt như bạn nói. Tôi nhìn thấy bạn trong ngục tù trước khi bạn thấy tôi bị
đốt cháy”.
Nguyệt quế, sim, và cây lê
Cây lê tự hào,
nó khinh và tội nghiệp nguyệt quế và sim, bởi gỗ của nó là chất liệu ưa thích
của thợ điêu khắc và thích ứng với những mục đích nghệ thuật—trong khi nguyệt
quế và sim dùng làm những vòng hoa, và mục đích thực dụng không lâu dài.
Nguyệt quế và sim nhìn thấy cây lê bị đốn ngã, chúng
la lớn: “Hỡi cây lê, bạn đi đâu thế? Niềm kiêu hãnh của bạn đâu rồi khi bạn phủ
đầy quả chín? Giờ đây bạn không còn che bóng chúng tôi nữa bằng tàn cây sum
suê”. Cây lê đáp: “Tôi sắp đi với người nông phu, y đã đốn tôi ngã và sẽ đem
tôi tới xưởng của một nhà điêu khắc giỏi, bằng tài nghệ của mình, ông sẽ ban cho
tôi hình dáng của thần Jove (Zeus); và tôi sẽ được dâng hiến vào đền thờ, được
người ta sùng kính thay vì thần Jove, trong khi đó các bạn không ngừng bị cắt
xén, bị tước bỏ cành, và sẽ được đặt quanh tôi để vinh danh tôi”.
Cây dẻ và cây vả
Kẻ tự mãn và xem
thường kẻ khác sẽ bị đặt vào vị trí của họ.
Cây dẻ nhìn thấy một người trên cây vả đang bẻ cong cành
hái quả chín bỏ vào miệng nhai nghiến với hàm răng cứng, nó bèn tung cành cây
dài lên xào xạc rồi la lên: “Hỡi cây vả, sức tự vệ bẩm sinh của ngươi so với ta
kém biết bao. Hãy nhìn xem ta, những quả của ta được bố trí ra sao trong những
mảng bọc kín: đầu tiên được bao phủ bằng những lớp bọc mềm bên ngoài lớp vỏ nhưng
nhăn nheo một cách mềm mại; như thể còn chưa đủ, thiên nhiên còn
cho quả một chỗ trú ẩn vững chắc, và phủ lên đó những gai sắc sít lại để tay
con người không thể đả thương ta”. Khi ấy, cây sung và quả của nó ồ cười và sau
trận cười, nó nói: “Bạn không biết con người khéo tới mức y sẽ lấy quả của bạn
xuống bằng gậy, bằng đá và cọc; sau khi quả rơi xuống, y sẽ dùng chân đạp hoặc
dùng đá đập để lấy quả ra khỏi lớp áo giáp bị giập hoặc bị xén bớt; trong khi
tôi được bàn tay của y chạm vào cẩn thận, chứ không như bạn bằng gậy, đá và...
Cây liễu và dây bầu
Kẻ yếu bị kẻ
mạnh lợi dụng; và khi cố gắng thoát thân thì có khả năng trở thành con mồi cho những kí sinh tệ
hại hơn.
Cây liễu rủi ro, thấy rằng nó không thể hưởng được khoái
lạc nhìn thấy những cành mảnh mai của nó sinh trưởng và đạt được chiều cao mong
muốn, hướng thẳng lên trời, bởi nó luôn bị cắt xén, bị chặt bớt và bị tổn hại
vì lợi ích của dàn nho và bất kì cây nào mọc gần. Nó lấy lại phấn chấn, mở cửa
trí tưởng tượng; không ngừng trầm ngâm, nó tìm trong thế giới thực vật một loại
cây có liên kết với nó mà không cần trợ giúp của những cành liễu. Một lúc nào
đó, trong trí tưởng tượng phong phú, hình tượng dây bầu chợt nảy ra trong ý
tưởng của nó, nó lắc lư mọi cành với niềm vui sướng cực độ, nó nghĩ đã tìm ra
đồng bạn thích hợp cho mục đích, bởi dây bầu có xu hướng bám vào những cây khác
hơn là cần được bám vào. Sau khi tới kết luận này, cây liễu duỗi cành lên trời
chờ đợi vài loài chim thân thiện làm kẻ trung gian cho ước vọng của nó. Nhìn
thấy chích choè trong số những chim khác gần nó, bèn nói: “Hỡi loài chim dịu
dàng! Vì đi tìm nơi ẩn trú mà bạn tìm ra cành cây của tôi trong những ngày này
vào buổi sáng, khi con chim ưng đói, tàn bạo, và tham lam muốn ngấu ngiến bạn,
và lúc ngừng lại, bạn luôn tìm thấy tôi khi đôi cánh của bạn thèm muốn nghỉ
ngơi, và vì lạc thú bạn tận hưởng trên cành của tôi khi đùa chơi với đồng bạn
và khi tình ái hoan lạc, tôi thỉnh cầu bạn hãy đi tìm dây bầu xin ít hạt, và
nói với nó rằng những dây bầu sinh ra sẽ được đối đãi như con cháu tôi; và theo
cung cách này, hãy dùng hết mọi lời như thế cho cùng mục đích thuyết phục; tuy bạn
quả là bậc thầy về ngôn ngữ, mà tôi không cần nói nhiều. Nếu bạn làm việc này
cho tôi, tôi sẽ vui lòng cho bạn làm tổ trên chạc cây và cả gia đình bạn được
miễn phí”. Và rồi chích choè sau khi thương lượng một số điều kiện nhất định với
cây liễu—chủ yếu nó không cho phép dung nạp bất cứ con rắn hoặc chồn nâu nào,
rồi nó vểnh đuôi, cúi đầu, lao mình xuống khỏi cành và phó trọng lượng cho đôi
cánh; nó đập cánh lướt nhanh và đảo quanh để thăm dò đây đó, trong khi dùng
đuôi như bánh lái, rồi bay đi tìm dây bầu. Ở đó, với vài lời lịch sự và cúi đầu
cung kính, chích choè có được một số hạt yêu cầu rồi mang tới cho cây liễu và
được hớn hở đón nhận. Và chích choè dùng móng cào đất gần cây liễu, bằng cái
mỏ, nó gieo hạt thành một vòng tròn quanh cây.
Chẳng
bao lâu, những hạt này bắt đầu nảy mầm, và những nhánh sinh trưởng lan ra và
bắt đầu chiếm hết mọi cành liễu, trong khi lá to che hết vẻ đẹp của ánh nắng và
bầu trời. Tuy thế, vẫn chưa đủ tai hại; những quả bầu bắt đầu thòng xuống mặt
đất trọng lượng nặng nề của chúng làm cho những cuống chồi non phải chịu sự méo
mó và khó chịu.
Và rồi,
cây liễu, trong vô hiệu, nó rung thân mình hết sức vì muốn dứt bỏ dây bầu. Sau
cơn điên tiết suốt những ngày vô hiệu quả bởi độ bám chắc và bền của dây bầu
như thể ngăn cản những dự định như thế, nó thấy cơn gió bay qua bèn phó mặc bản
thân cho gió. Cơn gió thổi mãnh liệt làm cho những thân liễu già rỗng toác ra
làm đôi xuống tận tới rễ rồi đổ xuống; cây liễu than vãn, và nhận ra rằng nó
sinh ra với một số phận hẩm hiu.
Truyền thuyết về rượu nho và Muhammad
Leonardo mô tả
ngạo khí của rượu vang và hậu quả của nó đối với người nghiện rượu và ông tán
thành việc cấm rượu như Muhammad đã cưỡng chế.
Rượu, nước quả bồ đào ngọt thiêng, thấy mình trong kim
bôi trạm trổ tinh xảo ở trên bàn của Muhammad, nó khà khà với ngạo khí vì được
quá nhiều vinh dự; đột nhiên, nó bị choáng vì một ngịch khí nói với tự thân:
“Ta là gì ư, khi ta cao hứng, chẳng còn nhận ra mình đang tới gần cái chết và
sẽ rời bỏ chỗ ở từ chén vàng này để đi vào những hang hốc hôi thối và tan rữa
trong cơ thể con người, từ một dịch thể thơm tho ngọt ngào biến thành lưu thể
hôi thối hạ tiện. Và như thể bao nhiêu thứ xú uế còn chưa đủ, ta sẽ phải trường
kì nằm trong những chỗ chứa gớm ghiếc và hỗn hợp vào với những biến chất thối
nát từ đại tràng thải ra của con người”. Và rồi, nó cầu cứu lên tới thiên đình
đòi phục thù vì bị thiệt hại quá lớn, và từ đó trở đi một sự chấm dứt đối với
sự lăng mạ, và chính vì xứ sở này đã sản xuất ra những loại nho tuyệt vời nhất
thế giới, ít ra sẽ không được chế tạo thành rượu. Tiếp theo, thần Jove khiến
cho rượu mà Muhammad uống vào thành tửu quỷ bốc lên não ngài; làm ô uế nó và khiến
ngài phát điên và sinh ra nhiều hành động điên rồ tới nỗi khi ngài phục hồi,
ngài đã ra điều luật không người châu Á nào được uống rượu; từ đó cây nho để
mặc với trái của nó.
Vừa khi
rượu đi vào bao tử, nó bắt đầu lên men và phình ra, sau đó, linh hồn của kẻ ấy bắt
đầu bỏ rơi thân thể, trỗi lên trời và não thấy nó li khai thân thể. Và rồi nó
bắt đầu giáng cấp y, và làm cho y cáu tiết như kẻ điên, thậm chí phạm phải
những sai lầm bất khả vãn hồi, giết chết bạn mình.
Con kiến và hạt kê
Những tranh luận
dài dòng là thừa, khi lí trí sai khiến hành động.
Con kiến tìm thấy một hạt kê, hạt kê thấy nó bị bắt
được, khóc xin: “Nếu bạn tử tế cho phép tôi hoàn tất nhiệm vụ sinh sản, tôi sẽ
cho bạn một trăm hạt giống như tôi đây”. Và sự việc quả thực như thế.
Con nhện và chùm nho
Kẻ vô sỉ và lợi
kỉ lấy oán báo đức, tất bị trừng phạt.
Con nhện thấy một chùm nho thơm ngọt hấp dẫn đàn ong
và các loại côn trùng bay tìm tới. Gần như nó tìm ra một địa điểm thuận tiện
nhất để giăng lưới và bố trí tấm mạng tinh xảo của nó vào nơi cư trú mới. Từng
ngày, núp trong những khoảng giữa những quả nho, nó như tên trộm trước những
sinh vật bất hạnh vốn không ý thức về mối nguy hiểm. Nhưng sau ít ngày, người
hái nho đến rồi cắt chùm nho và đặt nó vào những chùm khác để bị giẫm đạp
chung, và như vậy những quả nho là cái bẫy và hầm bẫy vừa cho con nhện lừa đảo
vừa cho lũ ruồi bị lừa.
Hạt đào và tháp chuông
Sự xảo quyệt và
vô ơn bạc nghĩa của những kẻ luồn lọt và lợi dụng vì tư lợi.
Hạt đào thấy nó bị con quạ tha lên chóp tháp chuông
cao, và vì bị đánh rơi xuống vào kẽ tường cho nên nó thoát khỏi cái mỏ trí mạng
của quạ; và nó cầu khẩn bức tường vì ân điển của Thượng đế đã ban cho nó được
phép lớn lên thật cao và to lớn, và quý biết bao với những quả chuông đẹp đẽ
với thanh âm cao quý nhường ấy, hẳn sẽ cứu giúp nó; rằng vì nó không thể rơi
được xuống dưới những cành lá xanh của cha già nó và nằm trong luống đất bao
phủ những lá khô, và bức tường hẳn không bỏ rơi nó, vì khi nó nằm trong cái mỏ
con quạ tàn bạo nó đã thề nếu thoát được, từ đó nó sẽ kết thúc cuộc đời trong
một cái lỗ nhỏ. Nghe những lời này, bức tường động lòng thương xót và bằng lòng
che chở nó ở chỗ nó rơi xuống; và trong thời gian ngắn, hạt đào bắt đầy nảy mầm
và bắt rễ vào giữa kẽ hở của những viên đá, và đẩy chúng tách ra, rồi đâm chồi
lên từ chỗ hổng; và những chồi này chẳng bao lâu trỗi lên trên toà nhà, và khi
những rễ cuộn xoắn lại càng lúc càng rậm hơn, chúng bắt đầu xô những bức tường
tách ra và đẩy những viên đá cổ ra khỏi vị trí cũ. Thế rồi, quá trễ và vô hiệu,
bức tường khóc than cho nguyên nhân bị tàn phá của nó, và trong một thời gian
ngắn, nó rã ra từng mảnh, một phần lớn đổ xuống thành phế tích.
Con bướm đêm và ánh nến
Một cảnh giác
đối với những ai bỏ rơi ánh sáng chân chính để theo đuổi những vinh quang nhất
thời.
Con bướm đêm tự phụ và lang thang, không thoả mãn
với năng lực bay du nhàn tự tại trong không trung, và bị khuất phục bởi ngọn
lửa hấp dẫn của cây nến, nó quyết định bay vào; nhưng động tác khoan khoái của
nó là nguyên nhân của tai hoạ tức thời; vì trong ngọn lửa, đôi cánh mỏng manh
của nó bị thiêu rụi. Và con bướm đêm bất hạnh buông rơi tất cả đôi cánh hoả
thiêu dưới chân giá nến. Sau nhiều than van và ân hận, nó lau nước mắt ròng
ròng, ngẩng mặt lên kêu lên: “Hỡi ánh sáng giả dối! Bao nhiêu người như ta hẳn đã
bị ngươi lừa gạt tội nghiệp trong quá khứ; và nếu ta muốn nhìn thấy ánh sáng,
hẳn là ta không thể nào phân biệt được ánh mặt trời với lại ánh chập chờn của
miếng mỡ?
Cây thanh yên
Hậu quả của tự
mãn và và kiêu ngạo
Cây thanh yên (citron) kênh kiệu về vẻ đẹp của nó,
tự tách mình nó ra khỏi những cây cối xung quanh nó, vì vậy nó quay sang hướng gió;
nó không bị gẫy vì trận cuồng phong, mà bị hất bật rễ lên mặt đất.
Hậu quả của tự
phụ và xuẩn ngốc.
Cây thanh yên, muốn sinh ra một quả tuyệt ngon và
cao quý ở chồi cao nhất, nó dồn hết sức nhựa vào đó. Nhưng khi quả này đã tăng
trưởng, khiến cho ngọn thẳng và cao nhất của cây bị oằn xuống đất.
Cây đào,
ganh tị với số lượng quả trên cây hồ đào (walnut) mọc gần đó, quyết chí làm
giống như thế, nó kết trĩu quả lên bản thân tới nỗi trọng lượng của nó kéo nó
xuống đất, bật rễ và bị gẫy thân.
Cây hồ
đào đứng bên đường phô bày quả mọc xum xuê, nó bị chọi đá hễ cứ có người ngang
qua.
Khi cây
vả không quả thì không ai thèm nhìn nó; và khi nó muốn được người ta trầm trồ
khen vì sai quả, nó bị họ bẻ cong và bị làm gẫy cành.
Cây vả
đứng cạnh cây du và nhìn thấy những cành không quả của cây du trơ trẽn che ánh
mặt trời với những quả chưa chín của mình, nó mắng mỏ: “Du à, bạn không biết
xấu hổ khi đứng che trước mặt tôi sao? Chờ cho tới khi quả của tôi chín, bạn sẽ
thấy chỗ của bạn mà!” Nhưng khi quả của nó chín thì đoàn binh lính ngang qua,
họ ngả lưng lên cây vả rồi hái quả, cắt và bẻ gẫy cành. Nhìn thấy cây vả đứng trơ
với mọi chi thể bị cắt xén như vậy, cây du nói: “Vả à, thật tốt biết bao nếu
không có quả hơn là vì chúng mà gây nên cảnh ngộ thê thảm đến thế”.
Cây huệ bên bờ nước chảy xiết
Những sự vật
kiêu hãnh về vẻ đẹp có thể thấy địa điểm chúng thiết lập đang xói lở dần dưới
chân.
Cây huệ bên bờ sông Ticino, và rồi dòng nước cuốn
đất bờ sông trôi cùng với cây huệ.
Dàn nho và cây liễu
Số phận của một
cá thể được quyết định bởi số phận của những đồng bạn và đồng liêu
Dàn nho lâu năm leo trên một thân cây già cỗi, nó
ngã xuống theo thân cây bị đổ sụp rồi lụi tàn với một tình bạn xấu.
Cây liễu
khi nó sinh trưởng nó hi vọng vượt qua mọi cây khác bằng những chồi cây dài của
nó, nhưng nó bị xén què quặt cứ mỗi năm vì nó phải nó phải kết hợp với dàn nho.
Viên đá bên đường
Yêu đời sống cô
đơn và đồng quê
Một viên đá lớn vừa lộ ra bên những dòng nước, nó nằm
trên một địa điểm rìa một lùm cây duyên dáng, trên một con đường đầy đá, cây
cối bao quanh và các loại hoa đủ màu sắc, nhìn lên một khối lượng rất lớn đá
tập hợp với nhau ở lòng đường đi bên dưới. Nó mong ước được thả mình xuống dưới
đó, nó tự nhủ: “Tôi làm gì với những loại thảo mộc này đây? Tôi muốn sống chung
với những chị em tôi”. Rồi nó thả mình rơi nhanh xuống để đậu ngay giữa những
đồng bọn mà nó muốn. Qua một thời gian, nó thấy liên tục khốn khổ vì những bánh
xe vận chuyển, vì móng sắt của lũ ngựa, và bàn chân của khách qua đường. Kẻ thì
đá nó lăn lóc, kẻ đạp lên nó; có khi nó tự nhô lên một chút trong khi bị bùn
lấp hoặc phân của một số động vật, và nó
vô vọng khi nhìn lên địa điểm từ đó nó đã đến, là một nơi cô đơn và thanh tĩnh.
Cũng thế
đối với những người rời bỏ đời sống trầm mặc cô đơn để chọn tới ở đô thị giữa những
con người vô vàn những tính xấu.
Lưỡi dao cạo
Lưỡi dao rỉ sét sánh với đầu óc biếng
nhác
Một ngày kia, lưỡi dao cạo ló ra khỏi cán vốn dùng
như một vỏ bọc, nó nằm dưới mặt trời, nhìn thấy ánh mặt trời phản chiếu lên
thân mình khiến cho nó hết sức kiêu hãnh, và suy nghĩ đắn đo, nó bắt đầu tự
nhủ: “Ta có nên quay lại cửa hiệu mà ta vừa tới hay không? Chắc chắn không!
Không thể nào thần linh vui sướng khi cái đẹp rực rỡ như vầy lại bị sử dụng hèn
hạ đến thế! Thật là ngu ngốc nếu ta phải đi cạo những bộ râu sùi bọt của những
gã nông dân cục mịch và làm cái công việc đầy tớ như thế? Phải chăng thân thể
này tiền định cho loại việc như thế? Chắc chắn không! Ta sẽ ẩn mình ở những nơi
kín đáo và ở đó sống cuộc đời thảnh thơi yên tĩnh”. Vì thế, nó tự ẩn mình mấy
tháng, cho tới một ngày ra ngoài và ló ra khỏi vỏ, nó thấy rằng vẻ ngoài của nó
bị sần sùi rỉ sét, bề mặt dao không còn phản chiếu lóng lánh ánh mặt trời nữa.
Với sự hối hận vô dụng, nó xót xa cho trò tinh quái không thể đền bù, và thầm
nói: “Ôi, tốt hơn biết bao nếu được dùng trong tay người thợ cạo để khỏi mất đi
lưỡi sắc bén của ta ! Đâu rồi bề mặt sáng loáng thanh nhã ấy? Đúng là sự phiền
toái và rỉ sét khó coi này đã tiêu huỷ nó!
Cũng giống
như thế xảy ra với những đầu óc thay vì rèn luyện lại buông thả cho sự lười
biếng; những đầu óc này như lưỡi dao đánh mất đi độ sắc bén, và để cho rỉ sét
làm hư hỏng.
Khi con bướm rực rỡ nhởn nhơ lượn qua bóng tối thì
nhìn thấy một ánh lửa, nó lập tức bay hướng tới đó, và bay quanh thành những
vòng tròn và lấy làm kinh ngạc vô cùng trước vẻ đẹp chói lọi như thế. Và không
chỉ nhìn ngắm, nó coi ánh lửa, theo thói quen, như những đoá hoa thơm, rồi mạnh
dạn bay tới tìm cách tới gần ánh lửa, ngay sau đó nó bị lửa cháy xém đầu cánh,
chân và những bộ vị khác; rồi rơi xuống chân ngọn đèn, nó bắt đầu thắc mắc tai
hoạ này làm sao gây ra được; vì nó không thể nào ngờ bất kì bất hạnh nào hoặc
gây tổn hại nào khả dĩ xảy đến với nó lại từ một vật đẹp đẽ đến thế; và rồi khi
lấy lại một phần sức lực bị mất, nó cất cánh lần nữa bay qua chính giữa thân
ngọn lửa, trong một khoảnh khắc nó bị thiêu cháy rồi rớt vào trong dầu đèn, nó
cố chút hơi tàn chỉ đủ để phản ánh về nguyên nhân huỷ diệt nó, rằng: “Hỡi ánh
sáng đáng nguyền rủa: ta nghĩ rằng ở ngươi, ta tìm thấy hạnh phúc! Vô ích, ta
thật tiếc thương cho khao khát điên rồ của ta, và bằng sự tàn lụi của mình, ta
mới biết được bản chất tham tàn và huỷ diệt của nhà ngươi”.
Ngọn lửa
đáp: “Ta đối xử như thế với ai không biết sử dụng ta đúng cách”.
Điều này
áp dụng cho những ai, khi họ thấy trước mắt họ những thú vui xác thịt và trần
tục, họ vội vã như con bướm mà không hề suy xét tới tính chất của chúng, rồi họ
sẽ học biết được nỗi ô nhục và thất bại.
Viên đá
lửa, bị cây que đánh vào, nó hết sức ngạc nhiên rồi nói với cây que bằng một
giọng nghiêm nghị: “Sao bạn làm tôi bực tức với lối ngạo mạn như thế? Đừng làm
phiền tôi, vì bạn đã chọn lầm tôi; tôi chẳng bao giờ làm hại ai”. Cây que trả
lời: “Nếu kiên nhẫn bạn sẽ thấy một kết quả phi thường phát sinh ra từ bạn”.
Nghe những lời này, viên đá lửa dịu lại và kiên nhẫn chịu đựng sự khổ hình; và
nó thấy từ bản thân phát sinh ra Nguyên tố Lửa tuyệt diệu mà nhờ thần lực ấy, nó
thành nhân tố trong vô số sự vật.
Điều này
áp dụng cho những ai nản chí khi bắt đầu việc học tập và rồi họ khởi sự đạt
được sự làm chủ đối với bản thân họ và dâng hiến mình trong kiên nhẫn đối với
những nghiên cứu bằng những kết quả phi thường.
III.
NHỮNG DỰ NGÔN
Những cách ngôn nhan
đề Profetie không luận về những biến cố tương lai. Để
giải đáp cho những tuyên bố bí ẩn, những biến cố nổi tiếng và những diễn biến
trong đời sống hàng ngày đều được trích dẫn; và những thông giải này đều thấm
nhuần kịch tính.
Văn bản đầu tiên gồm một dự định nhằm phân
loại và những bản cải biên sau đó được sắp xếp sao cho hết sức đi theo chuỗi miêu
tả.
Phân loại dự ngôn
Loại nhứ nhất gồm những sự vật liên hệ tới động vật
lí tính. Loại thứ hai gồm sự vật không có năng lực lí tính, loại thứ ba gồm
thảo mộc, loại thứ tư gồm những lễ nghi, loại thứ năm gồm phong tục tập quán,
loại thứ sáu gồm những mệnh đề, sắc luật và tranh luận, loại thứ bảy gồm những
mệnh đề trái với tự nhiên—nói về một vật chất càng được thủ đắc nó càng tăng
trưởng, thứ tám gồm những sự việc triết lí. Và dành những sự vụ có trọng lượng
cho tới kết cục và mở đầu với những sự vụ ít quan trọng hơn. Đầu tiên cho thấy
tội ác, sau cho thấy sự trừng phạt.
Có nhiều kẻ sẽ lóc da mẹ mình rồi cuộn bộ da đó lại;—những
kẻ canh tác đất đai.
Người ta
sẽ đánh đòn ác liệt đối với nguyên nhân sống của mình: họ đập lúa.
Những thợ xẻ
Sẽ có nhiều người di chuyển chống lại nhau, trong
tay nắm thanh thép cắt. Những kẻ này sẽ không làm tổn thương nhau ngoài việc
gây mệt mỏi; vì khi kẻ này đẩy tới thì kẻ kia rút ra sau. Nhưng khốn cho kẻ nào
đi vào giữa họ, vì rút cuộc y sẽ bị cắt ra từng mảnh.
Bóng theo người
Những dáng và hình của người và động vật sẽ thấy đuổi
theo nhau, bất kể khi người và động vật này di dời tới đâu. Đúng như khi hình
thể này di động thì hình thể kia cũng di động; nhưng điều thật diệu kì là sự đa
dạng về chiều cao mà chúng mang lấy.
Cái bóng
của ta do mặt trời đổ xuống và bóng phản chiếu của ta trên mặt nước thì đồng
thời xuất hiện.
Nhiều khi
một người trông thành ba người và cả ba cùng nhau di động, và thường cái bóng
giống kẻ ấy nhất bỏ rơi hắn.
Ở mức độ lớn, con bò là nguyên nhân huỷ diệt thành
thị, ngựa và trâu cũng như thế.
Bằng
việc kéo những khẩu đại pháo.
Những con lừa bị đánh đập
Hỡi Thiên nhiên lãnh đạm, sao ngài thiên vị đến thế,
với một số đứa con ngài là bà mẹ dịu dàng nhân từ, còn với những đứa con khác
ngài là bà mẹ ghẻ tàn bạo và nhẫn tâm? Tôi thấy lũ con của bà bị đem làm nô lệ
cho những kẻ khác, chẳng có chút thuận lợi nào, thay cho được trả công vì những
phục dịch mà chúng đã làm, chúng lại được trả bằng sự đau đớn khắc nghiệt nhất,
và chúng trải qua cả cuộc đời để làm lợi cho kẻ áp bức chúng.
Bầy ong
Và nhiều con ong sẽ bị đánh cắp kho tồn trữ và lương
thực của chúng, và sẽ bị nhận chìm xuống nước một cách tàn bạo bởi những gã
thiếu lí trí. Hỡi công lí của Thượng đế! Sao ngài không thức tỉnh để nhìn thấy
những tạo vật của ngài bị hành hung như thế?
Cừu, bò, dê, và vân vân
Vô số chúng sẽ bị lấy ra khỏi bầy con nhỏ, cổ họng
chúng sẽ bị cắt, và chúng sẽ bị phanh thây một cách man rợ nhất.
Lương thực sống
Một bộ phận lớn những thân thể vốn đã từng sống sẽ
đi vào những thân thể của những động vật khác, đó là những ngôi nhà không còn
cư trú, sẽ từng mảnh thông qua những ngôi nhà có cư trú, chăm sóc cho nhu cầu
của chúng và mang theo những phế thải; tức là, sự sống con người làm bằng những
thứ mà y ăn vào, và những thứ này mang theo chúng một số bộ phận của người
chết.
Con chuột bị con chồn bao vây trong cái hang nhỏ của
nó, với cảnh giác liên tục trông chừng bị tiêu diệt, xuyên qua một khe hở nhỏ
xíu để xem xét mối nguy hiểm lớn. Giữa lúc đó, con mèo đi đến bất ngờ vồ lấy
con chồn rồi lập tức ngấu ngiến nó. Thế rồi, chuột hết sức đội ơn vị thần của
nó, và dâng cúng một số hạt dẻ lên thần
Jove, rồi ra ngoài hang để lấy lại sự tự do vừa bị đánh mất, nhưng tức khắc nó
bị tước đoạt đi tự do này và mạng sống của nó bởi, những móng vuốt tàn bạo và
hàm răng của con mèo.
Lũ chim hoạ mi hết sức mừng khi nhìn thấy một người
bắt được con cú mèo và tước đoạt tự do của nó, và trói chặt chân nó. Nhưng con
cú này sau đó bằng phương tiện nhựa bẫy chim là nguyên nhân mà lũ hoạ mi không
chỉ mất đi tự do mà cả mạng sống của chúng. Điều này khuyến cáo cho những quốc
gia vui mừng khi thấy những nhà cầm quyền bị mất tự do, hậu quả là từ đó chính
họ bị mất đi tất cả sự trợ giúp và bị khuất phục dưới quyền lực của kẻ thù, mất
cả tự do và thường là cả sinh mạng.
Loài kiến
Loài này sẽ họp thành nhiều cộng đồng, chúng tự ẩn
náu với ấu trùng cùng với lương thực dự trữ trong những hang tối, chúng sẽ nuôi
bản thân và gia đình chúng trong nơi tăm tối suốt nhiều tháng không ánh sáng,
dù là ánh sáng nhân tạo hay tự nhiên.
Nước chảy thành một dòng đục ngầu hỗn hợp với đất và
sương mù; sương mù hỗn hợp với không khí, còn lửa hỗn hợp bằng nhiệt của nó với
mỗi nguyên tố.
Tất cả
những Nguyên tố hoà chung với nhau trào lên thành khối khổng lồ, khi thì hướng
về trọng tâm thế giới, khi thì hướng lên bầu trời, có khi thành cuồng lưu từ
những vùng phương nam chảy lên phương bắc băng giá, khi khác, từ đông chảy sang
tây, và sau đó lại từ bán cầu này sang bán cầu khác.
Những quả núi cao lớn nhất, dù ở xa bờ biển, từ chỗ
của nó vẫn có thể suy động được biển.
Chính bởi
những dòng sông mang theo đất mà chúng cuốn trôi từ những núi rồi thả lên bờ
biển; và ở đâu đất tới thì biển lùi.
Những kẻ ngủ trên ván gỗ
Có những người sẽ ngủ, ăn, và làm việc ở chỗ giữa
cây rừng và những cánh đồng.
Những hạt hồ đào, ôliu, sồi, dẻ, vân vân
Nhiều đứa con sẽ bị vỡ vì những cú đánh tàn nhẫn từ
chính những cánh tay của mẹ chúng, bị quăng xuống đất và rồi bị tàn phế.
Quả ôliu từ cây rơi xuống, cho chúng ta
dầu cho ánh sáng
Những thứ rớt xuống mãnh liệt từ bên trên, sẽ cho
chúng ta dưỡng chất và ánh sáng.
Tàu buồm
Cây cối từ rừng lớn của những rặng Taurus, Sinai,
Apennines và Atlas sẽ nhìn thấy tốc độ nhanh chóng bằng phương tiện không khí
chạy từ đông sang tây và từ bắc sang nam; và việc chuyên chở rất đông người bằng
phương tiện không khí. Ôi, bao thề nguyền! Ôi, bao cái chết! Ôi, bao chia li
của thân bằng quyến thuộc! Bao người sẽ chẳng còn thấy lại quê hương hoặc tổ
quốc! Và họ sẽ chết không nơi chôn cất, xương trắng của họ rải rác khắp những
vùng thế giới.
Những than vãn vào ngày thứ Sáu tuần
Thánh
Các dân tộc lớn trên khắp mọi vùng đất châu Âu sẽ
than vãn cho cái chết của một người ở phương Đông.
Tín đồ Ki-tô
Nhiều kẻ giữ đức tin về người con nhưng chỉ xây đền
thờ dưới danh nghĩa người mẹ.
Lễ mai táng, đám rước, đèn nến, chuông,
và tín đồ
Những vinh danh và những lễ nghi long trọng nhất sẽ
dành cho những người không biết đến.
Giáo đường và những nơi cư trú của giáo
sĩ
Nhiều kẻ sẽ từ bỏ công việc, lao động, đời sống
nghèo khó và tài sản, rồi vào sống giữa sự giàu có trong những kiến trúc lộng
lẫy, để tạo cho họ được Thượng đế đón nhận.
Những giáo sĩ chỉ tốn ngôn từ, lại được
những lễ vật quý giá và ban cho thiên đường
Đồng tiền vô hình sẽ thu được thắng lợi cho nhiều kẻ
tiêu xài nó.
Những tu sĩ là những người giải tội
Những phụ nữ bất hạnh sẽ tự nguyện tiết lộ với những
đàn ông mọi tội lỗi và những việc làm ô nhục và thầm kín nhất của họ.
Điêu khắc
Than ôi, Tôi thấy ai? Đấng cứu tinh lại bị đóng
đinh.
Những thập tự giá bị đem bán
Tôi thấy đấng Ki-tô bị bán và lại lần nữa bị đóng đinh,
còn các thánh đang chịu tuẫn đạo.
Thờ phượng hình ảnh các thánh
Người ta sẽ nói với những người không nghe; đôi mắt
họ mở nhưng không thấy; người ta nói với họ nhưng họ không đáp; người ta sẽ xin
tha thứ từ người có tai nhưng không nghe, người ta sẽ dâng đèn nến cho những
người mù, và với người điếc họ sẽ lôi cuốn bằng tiếng huyên náo.
Về việc bán thiên đàng
Nhiều người sẽ bán, công khai và không bị ngăn cản,
những thứ có giá cao nhất, mà không được phép của Chủ mình, dù những thứ này
chẳng thuộc về họ cũng không trong phạm vi quyền lực của họ; và công lí con
người sẽ không ngăn cản nó.
Đạo của những giáo sĩ sống bám vào các
thánh vốn đã chết từ lâu
Những người đã chết cả ngàn năm sẽ thanh toán phí
sinh hoạt của nhiều người đang sống.
Những thầy thuốc sống bằng con bệnh
Con người tới lúc khốn cùng đến nỗi họ mang ơn những
kẻ lợi lạc bằng đau khổ của họ, hoặc do mất đi tài sản chân thực của họ là sức
khoẻ.
Của hồi môn của những thiếu nữ
Trong khi, ngay từ đầu, những thiếu nữ không thể
được bảo vệ khỏi dục vọng và bạo lực của đàn ông, cũng như bởi sự bảo vệ của
cha mẹ hoặc bởi sức kiên cố của bốn vách tường, thời điểm sẽ đến khi nó những người
cha và thân quyến của những thiếu nữ này phải trả một giá cao cho bất cứ ai
muốn kết hôn với họ, ngay cả họ giàu, cao quý, và rất xinh đẹp. Chắc chắn, gần
như thiên nhiên muốn tận diệt loài người, như một vật vô dụng, và là kẻ huỷ diệt
của mọi tạo vật.
Về lũ trẻ con bọc tã
Hỡi những đô thị của biển! Trong ngươi, ta nhìn thấy
những công dân vừa nữ vừa nam, bị trói chặt tay và chân, bằng những dải băng
kiên cố bởi những gã không hiểu ngôn ngữ của ngươi. Và ngươi sẽ chỉ có thể làm
khuây nỗi buồn và mất tự do bởi những oán trách đẫm lệ và thở dài và than vãn
giữa các ngươi; vì những ai trói buộc ngươi sẽ không hiểu được ngươi, ngươi
cũng không hiểu họ.
Nước trút xuống từ những đám mây sẽ thay đổi tính
chất của nó khi duy trì một thời gian dài trên những sườn núi mà không tạo ra
bất cứ chuyển động nào. Và điều này sẽ xảy ra trên nhiều vùng đất khác nhau.
Hoa
tuyết rơi xuống vốn là nước.
Có nhiều thứ sẽ to dần theo sự huỷ hoại của chúng:
Tuyết
cầu lăn trên tuyết.
Một bộ phận lớn của biển sẽ bay hướng lên không
trung và suốt một thời gian dài nó sẽ không quay lại:
Những
áng mây.
Những tảng đá núi lớn sẽ loé ra lửa, thí dụ như sẽ
thiêu rụi gỗ của nhiều khi rừng bao la và nhiều dã thú vừa hoang dã vừa thuần
hoá:
Viên đá
lửa trong hộp mồi lửa tạo ra một ngọn lửa đốt cháy hàng đống bó củi làm quang
những khu rừng, và với ngọn lửa này thịt dã thú bị nướng chín.
Bùi nhùi
Với đá và đồ vật sắt sẽ làm hiển hiện cái trước đó
không thấy được.
Kim loại
Thứ này sẽ xuất lộ từ hang tối; và sẽ khiến cho cả
loài người chịu nhiều bất an, hiểm hoạ, và cái chết. Nhiều kẻ thuận theo nó,
sau nhiều ưu sầu nó sẽ đem lại nguồn vui, nhưng với kẻ nào ngịch lại nó sẽ chết
trong bần cùng và bất hạnh. Nó sẽ dẫn tới can phạm vào vô số những tội ác; nó sẽ
tăng thêm kẻ xấu và khuyến khích họ gây việc ám sát, cướp bóc, và nô lệ; nó sẽ
làm cho những kẻ thuận theo nó trong hồ nghi; nó sẽ tước đoạt đi điều kiện hạnh
phúc của những thành phố tự do; nó sẽ khiến cho con người hành hạ lẫn nhau với
nhiều âm mưu, lừa dối, và phản bội. Hỡi quái vật! Tốt biết bao cho loài người
nếu ngươi trở về với hang động của ngươi! Chính vì nó mà cây cối của những khu
rừng mênh mông bị chặt phá, vì nó mà vô số thú vật bị mất mạng.
Lửa
Nó sẽ nảy sinh từ những nhen nhúm ban đầu rồi nhanh
chóng lớn dần; nó có được sự tôn trọng vì không phải là một tạo vật; nhưng do
quyền lực của nó, nó sẽ chuyển hoá hầu hết mọi thứ từ điều kiện tự nhiên sang
thành điều kiện khác.
Nỗi sợ nghèo đói
Một thứ tai ách và kinh hãi lan rộng sẽ khiến cho con
người hết sức sợ hãi, trong nỗi khao khát hoảng hốt của họ muốn thoát khỏi nó,
họ sẽ càng chóng tăng cường năng lực vô tận của nó.
Cuộc tranh đấu
vì của cải và tham lam tiền bạc cho thấy là một cái ác cơ bản của xã hội.
Tiền và vàng
Từ những hố sâu, một thứ ló dạng, sẽ khiến cho mọi
dân tộc trên thế giới phải vất vả cực nhọc với những dằn vặt cực kì, khao khát
và lao lực để có thể có được sự trợ giúp của nó.
Những khẩu đại pháo ra khỏi hầm và khuôn
đúc
Từ dưới lòng đất sẽ xuất hiện một vật với tiếng ầm ầm
kinh động làm giật mình mọi kẻ lân cận và bằng hơi thở của nó, nó sẽ giết chết
con người và huỷ diệt những thành phố và lâu đài.
Gươm giáo tự bản thân chúng không làm
hại ai
Một thứ mà tự bản thân ôn hoà và không thể tấn công
sẽ trở nên đáng sợ và hung bạo do đồng bọn ác độc, và sẽ lấy đi sinh mạng nhiều
người một cách cực kì tàn nhẫn, và nó sẽ giết nhiều hơn nếu thân thể những
người này không được hộ vệ—đó là bằng những áo giáp sắt, vốn bản thân chúng
không có sự sống và xuất lộ từ những hầm mỏ.
Sự chết sẽ đến từ lòng đất và những chuyển động ác
liệt của chúng sẽ khiến vô số người lìa trần.
Sắt, vốn
xuất thân từ lòng đất, là sự chết, nhưng những khí giới làm từ nó thì giết
nhiều người.
Ôi, biết bao kiến trúc lớn sẽ bị đổ nát vì Lửa: lửa
từ những khẩu đại pháo.
Xương kẻ chết sẽ được nhìn thấy qua những di động
nhanh chóng chi phối vận mệnh của kẻ phát động: hột súc sắc.
Những
chiếc lông vũ sẽ đưa con người lên tới trời: bằng chữ viết bằng bút lông ngỗng.
Sự chết sẽ mang chở người sống đi các nơi khác nhau:
xe và tàu.
Chiêm bao
Người ta sẽ bước đi mà không chuyển động, họ nói với
kẻ không hiện diện, họ lắng nghe kẻ không lên tiếng.
Gần như đối với con người khi họ nhìn thấy những huỷ
diệt trên trời, và lửa từ trời giáng xuống gần như bay đi trong kinh hoàng; họ
nghe được mọi loài sinh vật nói tiếng người; họ sẽ chạy trong thoáng chốc tới
những vùng khác nhau trên thế giới, mà họ không chuyển động; họ sẽ nhìn thấy
những ánh huy hoàng chiếu toả trong bóng tối.
Hỡi điều
kì diệu của loài người! Điều gì khiến các người mê cuồng đến thế! Các người sẽ
nói chuyện với mọi loài và chúng nói chuyện với bạn bằng tiếng người. Bạn sẽ tự
chứng kiến mình rơi xuống từ những đỉnh cao mà không bị bất cứ thương tích nào;
những cuồng lưu sẽ đem bạn theo, và bạn sẽ hoà vào dòng nước chảy xiết.
Giấy được làm thành từ giẻ rách
Thứ ấy sẽ được tôn kính và xưng tụng, những giáo
huấn của nó sẽ được lắng nghe với lòng sùng kính và yêu quý, thoạt đầu nó vốn
bị khinh miệt, bị cán và bị giày vò qua nhiều lối đả kích.
Sự tàn bạo của con người
Những loài thụ tạo trên thế gian sẽ luôn đánh nhau,
với những mất mát vô cùng, mặt khác, đưa tới cái chết thường xuyên. Độc ác của
chúng sẽ không có giới hạn; bằng những chi thể mạnh mẽ, một bộ phận lớn cây cối
trong rừng bị đốn hạ; sau khi chúng đã no nê, để thoả dục vọng chúng sẽ phân
phát cái chết, đau đớn, sợ hãi, và xua đuổi mọi sinh vật; và với sự kiêu ngạo
vô độ, chúng sẽ muốn lên tới trời, nhưng trọng lượng chi thể quá nặng của chúng
sẽ níu chúng xuống. Không gì sẽ còn lại trên mặt đất, hoặc dưới mặt đất, hoặc
trong nước mà không bị truy đuổi, quấy phá, hoặc bị cướp đoạt, chính là khi một
quốc gia này xoá bỏ một quốc gia khác. Và những thân thể sẽ chất thành nấm mồ
và thành đường đi làm bằng mọi thân thể sống mà họ đã giết chết.
Hỡi mặt
Đất, tại sao ngươi không không mở ra và hất nhào chúng xuống kẽ nứt sâu từ
những vực thẳm và hang động bao la của ngươi, và không còn phô bày dưới thanh
thiên bạch nhật một quái thú tàn bạo và kinh khiếp đến thế.
Ham muốn giàu có
Con người vì sợ hãi lại sẽ đuổi theo cái mà họ sợ
hãi nhất: có nghĩa là, họ sẽ khốn cùng vì sợ rằng họ sẽ sa vào cảnh khốn cùng.
IV.
CHUYỆN KHÔI HÀI
Một chuyện hài
Một linh mục đi quanh xứ đạo vào ngày thứ Bảy trước
ngày lễ Phục sinh để rảy nước thánh trong những ngôi nhà theo tục lệ, rồi ông
đi tới một căn phòng của một hoạ sĩ, rồi rảy nước lên một số bức tranh. Người
hoạ sĩ bực mình quay sang hỏi ông sao lại rảy nước lên tranh, vị linh mục đáp
đây là tục lệ, bổn phận của ông phải làm vậy, và ông đang làm việc tốt, rằng ai
làm việc tốt có thể mong được báo đáp thậm chí tốt hơn; vì Chúa có hứa rằng mỗi
việc tốt làm được dưới đất sẽ được trên trời thưởng gấp trăm lần. Và rồi, người
hoạ sĩ chờ cho vị linh mục bước ra ngoài, từ trên cửa sổ liền hắt một thùng
nước lớn lên lưng vị linh mục rồi nói: Đây là phần thưởng gấp trăm lần từ trên
cao xuống như ngài nói từ việc tốt mà ngài đã làm cho tôi, vì nước thánh của
ngài đã làm hư phân nửa số tranh của tôi.
Những khất sĩ dòng Franciscan có thói quen giữ chay định kì khi họ không ăn thịt trong tu
viện, nhưng trong những chuyến đi ra ngoài, họ sống nhờ từ thiện và được phép
ăn bất cứ lương thực nào bố thí trước mặt. Bấy giờ, có hai khất sĩ du hành
trong hoàn cảnh ấy, họ dừng chân trước một quán trọ và đồng bọn với một gã lái
buôn, họ ngồi chung bàn với y, quán trọ ở đây nghèo không có gì khác ngoài một
con gà nhỏ nướng. Gã lái buôn thấy trong hoàn cảnh này đồ ăn dành cho hắn sẽ ít
ỏi, y bèn quay sang các khất sĩ và nói: “Nếu tôi nhớ không lầm, vào mùa này,
các thầy không ăn bất cứ loại thịt nào trong tu viện”. Nghe thế, các khất sĩ vì
giữ giới luật nên nhịn không cãi vã trong trường hợp này; vì thế gã lái buôn
đắc ý ăn hết cả con gà, còn các khất sĩ thì ăn ráng những gì có thể.
Sau bữa
ăn tối, ba người người cùng bàn ra đi, sau khi đi được một quãng thì tới một
con sông rộng và sâu đáng kể, và vì cả ba đều đi bộ—các khất sĩ vì lí do khó
nghèo, còn gã kia thì bủn xỉn— thiết yếu, theo phong tục đồng hành, một trong
những khất sĩ đi chân không sẽ cõng gã lái buôn; vì thế người khất sĩ, đưa cho
y giữ đôi guốc rồi cõng hắn lên. Thế
nhưng, việc xảy ra với vị khất sĩ khi ra tới giữa dòng sông, ông nhớ lại một
giới luật khác, rồi dừng lại một chút giống như Thánh Christopher, ngẩng đầu
hướng lên gã đang nặng trĩu trên lưng ông rồi hỏi: “Cho tôi biết, ông có tiền
trong người không?” “Thầy biết rõ là tôi có mà”, gã trả lời. “Làm sao một lái
buôn như tôi ra ngoài mà không mang tiền nong sao đặng?” “Chao ôi!” khất sĩ
nói, “giới luật của chúng tôi cấm mang theo bất cứ đồng tiền nào trên mình” và tức
thì, ông thả gã kia xuống dòng nước. Khi gã lái buôn nhận ra rằng sự việc này
là một trò đùa để trả đũa sự xúc phạm mà gã đã gây ra cho họ, gã mỉm cười và đỏ
mặt, có phần xấu hổ chịu đựng một sự báo thù một cách hoà bình.
Có kẻ muốn chứng minh quyền uy của Pythagoras [với
thuyết về linh hồn chuyển kiếp], cho rằng hằn ta đã từng hiện hữu trên trần
gian vào kiếp trước, và một người khác nữa không cho phép y kết thúc tranh
luận, kẻ đầu tiên nói với kẻ thứ hai: “Đây là chứng cớ tôi đã ở đây thuở xưa,
tôi còn nhớ anh từng là một thợ xay”. Kẻ kia cảm thấy bị châm chích vì những
lời này nên đồng ý là đúng vì anh vẫn còn nhớ như một bằng chứng rằng kẻ lên
tiếng đầu tiên đã từng là con lừa chở bột cho anh.
Một người đoạn giao với một người trong nhóm bạn bởi
vì y có tật hay nói xấu về những người bạn khác của mình. Một ngày kia, người
bạn bị đoạn giao này trách anh ta rồi than phiền và năn nỉ cho biết lí do tại
sao anh bỏ rơi một tình bạn lớn của họ; anh ta đáp: Tôi không muốn bị thấy trong
đám bạn của anh chút nào nữa bởi vì tôi thích bạn, và nếu anh nói xấu tôi, là
bạn anh, với những người bạn khác, anh có thể tạo cho họ có một ấn tượng xấu về
anh, như tôi làm khi anh nói xấu họ với tôi. Nếu chúng ta không còn dính líu gì
tới nữa như thì như thể là chúng ta đã trở thành kẻ thù, và việc anh nói xấu về
tôi, như thói quen của anh, sẽ không bị trách móc nhiều nếu chúng ta không
thường xuyên giao du với nhau.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét