Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Tên trộm nghệ thuật của Hitler và di sản nghệ thuật đen tối


Hà Vũ Trọng lược thuật

  


Trái: Cornelius Gurlitt; Phải: Bức tranh 'Người đàn bà ngồi' của Matisse, một trong 1500 tác phẩm nghệ thuật phát hiện trong căn hộ của người đàn ông 81 tuổi ở Munich


Vụ đánh cắp nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử với tổng cộng 650.000 tác phẩm bị Đức Quốc xã cướp đoạt khắp châu Âu, rất nhiều trong số đó không thể tìm thấy lại. Di sản đen tối này mãi ám ảnh nước Đức cho mãi tới 80 năm sau. Và rồi, tháng 11 năm 2013, cả thế giới xôn xao được biết nhà chức trách Đức đã tìm ra khoảng 1500 tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn một tỉ đô la trong một căn hộ ở Munich từ một người đàn ông cao niên tóc bạc trắng, sống ẩn dật.

Vụ việc được phát hiện từ tháng 2 năm 2012, trong quá trình điều tra những vụ trốn thuế, công tố viên quận Augsburg bất ngờ phát hiện và tạm thu giữ kho tàng nghệ thuật này trong một căn hộ của Cornelius Gurlitt, là con trai và kẻ thừa kế chính của Hildebrand Gurlitt vốn là sử gia nghệ thuật uy tín và cũng là nhà môi giới nghệ thuật nổi tiếng. Với tư cách là nhà môi giới chính thức cho Hitler và Goebbels, Gurlitt đã trở thành một trong những nhà cướp đoạt nghệ thuật lớn nhất của Đế chế thứ Ba. Thế nhưng, ông cũng lợi dụng và lại đánh cắp từ Hitler, và được cho là để giải cứu nghệ thuật hiện đại.

Kho tàng này gồm những bậc thầy cổ điển cũng như Ấn tượng, Lập thể, và Biểu hiện của những hoạ sĩ như Monet, Renoir, Matisse, Cezanne, Kirchner, Franz Marc, Chagall, Otto Dix, Beckmann, Munch, Max Liebermann... và được xác định gồm 380 bức tranh mà Đức Quốc xã dán nhãn hiệu là Nghệ thuật Suy đồi và bị lấy ra khỏi những bảo tàng vào giữa những năm 1933-1945, và trong đó có khoảng 590 tác phẩm cướp đoạt từ người Do Thái, và phần còn lại không rõ lai lịch. Sau đó cũng phát hiện hơn 60 tác phẩm nữa gồm Monet, Renoir, Picasso... trong ngôi nhà của Corlenius ở thành phố Salzburg (Áo).

Goring đang trầm trồ trước một bức tranh tặng cho Adolf Hitler (đứng cạnh) nhân dịp sinh nhật thứ 45. Bức ảnh chụp ngày 13/1/1938.


 
Hilderbrand Gurlitt (1895-1956), nhà môi giới nghệ thuật của Hitler

Cornelius Gurlitt, người đàn ông cô độc và sống như một bóng ma giữa di sản đen tối đầy những kiệt tác này. Trong một chuyến tàu từ Zurich tới biên giới Lindau, ông bị những viên chức hải quan ở Bavaria tình nghi trong khi kiểm tra hành khách, vì ông mang theo số tiền mặt 9000 Euro và tỏ vẻ hoảng sợ. Ông khai với quan chức hải quan rằng ông có căn hộ ở Munich, nhưng lại sống ở Salzburg, và không thể tìm thấy hồ sơ nào về sự tồn tại của ông ở Munich hoặc ở bất cứ đâu trên nước Đức. Các nhà điều tra thuế vụ phát hiện ông không có hưu trí, không bảo hiểm y tế, không hồ sơ thuế, không tài khoản ngân hàng, chưa từng có việc làm, thậm chí không có trong danh bạ điện thoại. Một kẻ thực sự vô hình.

Để minh bạch với số tác phẩm bị đánh cắp, chính phủ Đức sau đó đã mở một trang mạng cung cấp cơ sở dữ liệu về những tác phẩm bị thất lạc này nhằm hoàn trả về cho chủ cũ hoặc người thừa kế. Một trong những bức tranh giá trị trong căn hộ của Cornelius, định giá từ 6 tới 8 triệu đô (nhưng các chuyên gia định giá nó có thể đấu giá lên tới 20 triệu đô) – đây là bức tranh của Matisse vốn thuộc sở hữu của nhà môi giới nghệ thuật nổi tiếng Paul Rosenberg người Pháp, đã bị mất cắp mà những người thừa kế của ông vẫn còn giữ biên lai mua bán từ năm 1923 và đã nộp đơn nhận nó trở về. Tuy thế, đã có tới 30 đơn khai nhận vơ bức Matisse này là của họ!


Một bức ảnh chụp kết hợp tác phẩm bị tịch thu do công tố viên quận Augsburg, Munich

Tuy nhiên, sự kiện phát hiện kho tàng nghệ thuật này cho chúng ta biết thêm về con người Hitler nhiều hơn những gì chúng tiết lộ về nhà môi giới nghệ thuật Gurlitt, cho thấy rằng tội ác của Hitler với tham vọng bá chủ toàn bộ kiệt tác nghệ thuật của châu Âu, chủ yếu bằng cách tước đoạt. Năm 1945, nước Đức trong tình trạng hoang tàn, có tới 5 triệu tác phẩm nghệ thuật bị đóng bụi trong những hầm mỏ, dưới hầm những lâu đài và những tu viện dọc sông Danube, trong những cơ quan nhà nước, và trong 1.500 nhà kho của Đế chế bại trận. Cuộc thập tự chinh của Hitler đối với nghệ thuật có thể mang yếu tố trả thù cho giấc mơ trở thành hoạ sĩ không thành của y – một mặt, tước đoạt và đem những kiệt tác về để chất đầy vào trong bảo tàng riêng của y (Fuhrermuseum), mặt khác, phá huỷ sinh mệnh và sự nghiệp của các hoạ sĩ thành công trong thời đại của y với những vận động thanh trừng về thẩm mĩ.


Biệt đội Bảo vệ Di tích

Trong những ngày cuối cuộc thế chiến, quân đội Hoa Kì có một đơn vị đặc nhiệm gọi là Monuments Men hay Biệt đội Bảo vệ Di tích, gồm những sử gia nghệ thuật, những chuyên gia bảo tàng và những phụ tá với sứ mệnh truy lùng tác phẩm nghệ thuật, cổ vật hay thư khố bị Quốc xã đánh cắp và cất giấu, và cứu chúng thoát khỏi bị phá huỷ. Cuốn phim" The Monuments Men" của đạo diễn George Clooney ra mắt năm 2014 miêu tả chính xác một số sự kiện lịch sử này. Trong hồ sơ của nhóm điều tra này về lai lịch các tác phẩm nghệ thuật bị quốc xã tịch thu, có nhắc tới một nhân vật quan trọng là Haberstock: “Ông Karl Haberstock, từ Berlin, là nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng nhất châu Âu. Y là nhà sưu tập tư nhân của Hitler và trong nhiều năm đã chiếm đoạt những kho tàng nghệ thuật ở Pháp, Hà Lan, Bỉ và ngay cả Thuỵ Sĩ và Ý, dùng những biện pháp bất hợp pháp, vô lương tâm và thậm chí tàn bạo. Tên tuổi của y khét tiếng trong số những nhà sưu tập ở châu Âu.” Về Gurlitt, họ viết, là “một nhà sưu tập nghệ thuật từ Hamsburg có mối liên hệ mật thiết với giới cao cấp của Phát-xít, y hành động thay mặt cho các quan chức Đức Quốc xã khác và đã làm nhiều chuyến sang Pháp để mang các bộ sưu tập về nước. Những bộ sưu tập này bao gồm những tác phẩm cướp đoạt từ những nước khác”. Nhóm Monuments Men đã xác định Gurlitt là một nhà môi giới nghệ thuật cho Fuhrer.

Một số tác phẩm nghệ thuật bị quân Đức cướp đoạt đã được biệt đội Monuments Men tìm thấy và tạm cất giữ trong một giáo đường ở Bavaria.

Tháng Năm 1945, nhóm Monuments Men phát hiện ra kho tàng nghệ thuật khổng lồ mà Đức Quốc xã cất giấu tại Lâu đài Aschbach, trong số những người trú ẩn tại đó, họ đã bắt giữ Gurlitt và vợ cùng với 20 kiện hàng nghệ thuật ở lâu đài này. Gurlitt khai rằng chúng là một phần trong bộ sưu tập cá nhân của ông còn lại mà hầu hết bộ sưu tập và mọi hồ sơ của ông đã bị phá huỷ trong trận mưa bom xuống Dresden vào tháng Hai 1945. Ông đã tự vẽ chân dung mình như một nạn nhân bị Đức Quốc xã bách hại vì gốc gác (một phần tư) Do Thái của ông, nhờ những lí lẽ đó ông đã được thả. Vả lại, ông không hề nhắc tới công việc của ông sang Pháp nhằm mua hoặc đem kiệt tác của những bậc thầy Pháp về cho Bảo tàng Fuhrer của Hitler từ năm 1941, một năm sau khi quân Đức xâm lăng Pháp. Những bộ sưu tập này bị tịch thu, hoặc chủ sở hữu của chúng bị cưỡng bách phải bán với những giá thấp một cách vô lí, và có khoảng 100.000 tác phẩm nghệ thuật của người Do Thái ở Pháp bị Đức Quốc xã cướp đoạt. Sau chiến tranh, nhờ những lí lẽ biện minh xảo quyệt, bộ sưu tập của Gurlitt chủ yếu còn giữ nguyên vẹn, ông rời tới Dusseldorf, và tiếp tục buôn bán nghệ phẩm. Danh tiếng của ông dần phục hồi, và ông được bầu làm giám đốc cho liên đoàn Kunstverein, là một cơ chế nghệ thuật danh giá của thành phố này. Kí ức về những gì ông đã làm trong cuộc chiến ngày càng mờ nhạt. Năm 1965, Gurlitt chết trong một tai nạn xe hơi. Trong những lời cáo phó ca ngợi ông là một nhân vật quan trọng trong thế giới nghệ thuật Tây Đức sau chiến tranh; Gurlitt gốc Do Thái là dòng họ có tiếng tăm với nhiều đời làm nghệ sĩ trong các ngành nghệ thuật. Con trai của ông, Cornelius, người thừa kế bộ sưu tập đen tối này của người cha, thời gian sống ở lâu đài Ashbach vào cuối cuộc thế chiến, khi ấy lên 12 tuổi.

Vào những năm đầu cuộc chiến khi quân sự của Đức thành công lên tới đỉnh cao, Gurlitt bành trướng lãnh thổ của y, gồm Hà Lan, Bỉ, và Pháp, từ đó có liên hệ với Muller Hofstede lúc đó là giám đốc Bảo tàng Silesian ở Breslau (nay là Wroclaw ở Ba Lan) để định giá những bộ sưu tập bị tịch thu của người Do Thái bị bắt bớ và bán chúng ra thị trường. Năm 1943, Gurlitt trở thành một trong những người thu mua chính cho Bảo tàng Fuhrer của Hitler ở thành phố Linz (Áo). Những tác phẩm phù hợp với thị hiếu của Fuhrer đã được vận chuyển sang Đức, bao gồm không chỉ hoạ phẩm mà còn thảm trang trí và đồ nội thất. Gurlitt nhận được hoa hồng 5 phần trăm cho mỗi giao dịch. Ông là một kẻ bí hiểm và xảo quyệt, và luôn luôn được chào đón, vì ông có sẵn hàng triệu đồng Reichsmark mà Goebbels giao cho để chi tiêu. Gurlitt thuộc trong số bốn nhà môi giới nghệ thuật nhận lệnh của Hitler và Goering đem bán những tác phẩm nghệ thuật hiện đại của Đức bị gọi là Nghệ thuật Suy đồi ra ngoại quốc để lấy tiền mặt, đằng khác, đi thu mua những kiệt tác của châu Âu, thậm chí bằng vũ lực ở những quốc gia mà Đức chiếm đóng, với giá rất hời, để đem về bảo tàng của Hitler.


                                        Biệt đội bảo vệ di tích 

‘Nghệ thuật Suy đồi’ - loại nghệ thuật bị Hitler ghét

Nghệ thuật Hiện đại những thập niên đầu thế kỉ 20 vốn đầy sự mới mẻ, lạ lẫm và hoang dại, đã là cái gai đối với chế độ Đức Quốc xã và bị dán nhãn là "Nghệ thuật Suy đồi" và không còn được chấp nhận trong Đế chế thứ Ba nữa, thế nhưng lại là cơ hội ngàn vàng đối với những nhà môi giới nghệ thuật cho chế độ này như Gurlitt, và chúng trở thành món hàng xuất khẩu béo bở.

Ta hãy trở lại cách đây đúng 80 năm, mùa Hè 1937, Munich, tại Haus der Deutschen Kunst (Ngôi nhà Nghệ thuật Đức) – công trình kiến trúc hoành tráng đầu tiên của Đức Quốc xã dành cho công cuộc tuyên truyền; cũng nói thêm, mô hình bảo tàng tượng trưng cho quyền lực ý hệ mà Đức Quốc xã tự hào đem trưng bày trong cuộc Triển lãm Paris 1937 lại ở sát bên cạnh bức "Guernica" của Picasso! Để khai trương bảo tàng này, Đế chế thứ Ba tổ chức trưng bày gần như đồng thời hai cuộc triển lãm lớn nhằm cho nhân dân Đức hiểu được sự khác biệt giữa "Nghệ thuật Đức Vĩ đại với "Nghệ thuật Suy đồi". Những tác phẩm nghệ thuật Hiện đại bị đem ra nhạo báng trước khi bị phá huỷ, đầy rẫy những đề từ lăng mạ như: "Những bức toan bị tra tấn", "tinh thần suy đồi", "những kẻ bất tài điên rồ"…

 Hitler đi tham quan số tác phẩm nghệ thuật bị tịch thu ở Berlin, tháng 1/1938.

 Hitler và Bộ trưởng Tuyên truyền Goebbels trong cuộc triển lãm Nghệ thuật Suy đồi năm 1937

Triển lãm 'Nghệ thuật Suy đồi' (Degenerate Art exhibition) năm 1937



Max Beckmann với "Khởi hành", bộ ba tấm vẽ năm 1933, so sánh với "Bốn nguyên tố" cũng bộ ba tấm vẽ năm 1937 của họa sĩ theo Đức Quốc Xã là Adolf Ziegler, bức tranh này được treo trên lò sưởi của Hitler.

Đây là cuộc triển lãm khét tiếng đánh dấu khởi đầu của chế độ kiểm duyệt quy mô đối với loại nghệ thuật mà Hitler căm ghét, còn Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels gọi các nghệ sĩ suy đồi của Đức là đồ rác rưởi. Số tác phẩm nghệ thuật này do một uỷ ban tịch thu do lệnh phát động của Hitler, giữa 1937 và 1939, lấy khỏi những bảo tàng Đức. Đã có hơn 20.000 tác phẩm nghệ thuật bị tịch thu, và hơn 5000 bức bị phá huỷ – nhiều tác phẩm bị tước đoạt này rốt cục lại nằm trong bộ sưu tập của những quan chức cao cấp của Đế chế. Cho tới ngày nay, hậu quả của những cuộc thanh trừng "Nghệ thuật Suy đồi" vẫn còn cảm nhận được và vốn đã làm suy sụp các viện bảo tàng Đức.

Hitler khai mạc cuộc triển lãm "Nghệ thuật Suy đồi" do y bảo trợ bằng bài diễn văn cũng khét tiếng không kém, trong đó y mô tả nghệ thuật Đức là căn bệnh trầm trọng và tai hại, tới đoạn gần kết, nước miếng văng vãi trong cơn giận dữ: ‘Tôi quan sát thấy trong số tranh gửi tới đây có nhiều bức làm người ta thật sự đi đến kết luận rằng con mắt cho thấy sự vật khác hẳn với một số người so với những gì mà chúng thực sự là, và đúng là có những kẻ nhìn dân tộc chúng ta chỉ như lũ đần độn thối rữa; trên nguyên tắc, họ nhìn thấy cánh đồng màu lam, bầu trời màu lục, đám mây màu vàng lưu huỳnh, vân vân – hoặc, như họ nói họ kinh nghiệm chúng như vậy. Tôi không muốn tranh cãi ở đây về vấn đề liệu những kẻ ấy có thực sự nhìn thấy hoặc không nhìn thấy hoặc cảm thấy theo cách đó hay không, nhưng, nhân danh dân tộc Đức, tôi muốn cấm ngặt những kẻ bất hạnh tội nghiệp này vì rõ ràng họ mắc bệnh đau mắt và đang cố hết sức tạo ra những sản phẩm từ cách diễn giải lệch lạc về thời đại chúng ta đang sống, thậm chí còn mong muốn thể hiện chúng thành Nghệ thuật.’

Không ngạc nhiên khi thấy cuộc triển lãm "Nghệ thuật Đức Vĩ đại" trưng bày những tác phẩm thân Đức Quốc xã đều theo phong cách cổ điển và thường lí tưởng hoá những lối miêu tả của phong cảnh đồng quê một cách khuôn sáo. Trái lại, "Nghệ thuật Suy đồi" tập trung vào những tác phẩm của một số hoạ sĩ bị cho là xúc phạm tới phụ nữ, người lính, nông dân, và bôi bác tôn giáo. Triển lãm này đưa ra khoảng 650 tác phẩm của những hoạ sĩ như Emile Nolde, Franz Marc, Kurt Schwitters, George Grosz, Beckman, Otto Dix và nhiều hoạ sĩ nổi bật khác của Đức vào thời đó. Thế nhưng, để đảm bảo khách tham quan hiểu đúng chủ ý cuộc triển lãm, trên các bức tường đã được bôi lên bằng những khẩu hiệu và những bình luận đầy ác ý. Giám đốc cuộc triển lãm này là Adolf Ziegler, bản thân là hoạ sĩ và chủ tịch của Phòng Nghệ thuật Thị giác của Đế chế đã phát biểu, ‘Chúng ta thấy đầy dẫy những bột phát điên rồ, của sự xấc xược, toàn những tác phẩm vụng về và thoái hoá ở xung quanh chúng ta’, ông đích thân giám sát cuộc thanh trừng những tác phẩm nghệ thuật không được ưa thích. Trong số những hoạ sĩ kiệt xuất trở thành nạn nhân, đặc biệt là Max Beckmann, hơn 500 bức tranh của ông đã bị các bè phái của Hitler tịch thu, hoặc để trưng bày tại cuộc triển lãm này, hoặc sau đó bị phá hủy hoặc bán ra ngoài.

Triển lãm ‘Nghệ thuật Suy đồi’ ở Hause der Kunst bế mạc sau bốn tháng rưỡi, thu hút số lượng 2 triệu khách tới xem, và nếu tính thêm sau đó được triển lãm lưu động ở 12 thành phố khác, thì số người lên tới khoảng 3 triệu, vượt rất xa so với triển lãm ‘Nghệ thuật Đức Vĩ đại’ mà Hitler tuyên dương có khoảng nửa triệu người xem. Như vậy, người ta có khuynh hướng tin rằng ‘Nghệ thuật Suy đồi’ đã thắng vòng đấu, và cho tới ngày nay nó vẫn là cuộc triển lãm nghệ thuật hiện đại có con số kỉ lục nhiều người xem nhất!

Di sản 1500 tác phẩm nghệ thuật này được xem là phát hiện lớn nhất từ kỉ nguyên hậu chiến, đi cùng với một chương đời đen tối nhất của Hildebrand Gurlitt trong vai trò là một trong những nhà môi giới nghệ thuật quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba, và hành động trực tiếp thay mặt cho lãnh tụ Quốc xã, Aldolf Hitler. Người thừa kế là con trai của ông, Cornelius, một người yêu nghệ thuật, sống ẩn dật và ôm giữ kho tàng này trong bóng tối, ông đã qua đời vì bệnh tim vào năm sau đó, ông đã di chúc để kho tàng này lại cho bảo tàng Bern ở Thuỵ Sĩ. Toà án ở Munich đã mở đường cho hai cuộc triển lãm đột phá ngay sau phán quyết chống lại lời tuyên bố của một thành viên gia đình cho rằng đầu óc của Cornelius đã không tỉnh táo khi ông làm di chúc này. Hai cuộc triển lãm được liên kết đồng thời tổ chức ở hai viện bảo tàng ở Đức và Thuỵ Sĩ vào mùa thu 2017 để công chúng lần đầu tiên tận mắt thấy những tác phẩm nghệ thuật vốn 5 năm nay chỉ nghe nói nhiều trên tin tức. Cuộc triển lãm là cơ hội để nhìn vào một di sản nghệ thuật từng bị khép vào tội suy đồi, phải sống ngoài vòng pháp luật, và cũng là một cách tưởng niệm những nạn nhân của cuộc đánh cướp nghệ thuật vĩ đại của Quốc xã, số phận những nghệ sĩ Do Thái, cũng như tưởng nhớ tới những nghệ sĩ đã bị lăng mạ và bị bách hại bởi chế độ này. Đúng 80 năm sau cuộc tuyên chiến của Hitler chống lại nghệ thuật Hiện đại. 


Tháng 11 năm 2017, một số tác phẩm nghệ thuật trong kho tàng bị Đức Quốc xã tước đoạt được tìm thấy ở căn hộ Munich đã được trưng bày lần đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Bonn, khoảng 250 tác phẩm, gồm bức "Cây cầu Waterloo" của Monet; pho tượng cẩm thạch "Người đàn bà cúi mình" của Rodin; "Thánh Gregory" của Rubens...



1 nhận xét:

  1. Cảm ơn thông tin chi tiết về điều mà minh lơ mơ. Đức Hòa

    Trả lờiXóa