Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

NHỮNG BỨC CHÂN DUNG PHAN BỘI CHÂU DO HƯƠNG KÝ CHỤP NĂM 1926

Có hai hiệu ảnh lớn và chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt: hiệu ảnh Khánh Ký của ông Nguyễn Đình Khánh (1874 – 1946) số 54 đường Bonnard (Lê Lợi), Sài Gòn, và hiệu ảnh Hương Ký của ông Nguyễn Lan Hương (1887–1949) ở số 86 phố Hàng Trống, Hà Nội. Một điểm chung là cả hai nhà nhiếp ảnh này đương thời đều ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thậm chí tham gia phong trào này, như trường hợp Khánh Ký (vì vậy có thời gian ông đã phải lánh sang Pháp và mở hiệu ảnh ở Paris; thời gian Hồ Chí Minh ở Pháp đã học nghề ảnh tại tiệm của ông). Các bức chụp chân dung Phan Châu Trinh mà ta biết tới đều do Khánh Ký chụp tại Pháp, và cuối cùng là bộ ảnh nổi tiếng của ông chụp đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn năm 1926.

Còn Hương Ký, ngoài là nhà nhiếp ảnh, ông cũng là nhà làm phim nổi tiếng của Hà Nội vào đầu những thập kỉ thế kỉ 20. Theo tTrung Bắc Tân Văn đăng tin: Hôm 6/1 [1926] mới rồi, một nhà chụp ảnh ở Hà thành có đến nơi công thự của quan Binh bộ thị lang Nguyễn Bá Trác là nơi tạm trú của ông Phan Bội Châu, xin làm phim chớp ảnh, được ông Phan bằng lòng cho làm.” Những bức ảnh do Hương Ký chụp Phan Bội Châu vào thời điểm nói trên, chỉ khoảng hai tháng sau sự kiện chấn động: thực dân Pháp lập phiên toà đem Phan Bội Châu ra xét xử vào ngày 23.11.1925. Sau phiên toà lịch sử lừng danh đó, Phan Bội Châu được "ân xá" cho về "an trí" ở Huế, đầu tiên ông tạm trú ở dinh làm việc của Nguyễn Bá Trác (từng là nhà cách mạng theo phong trào Đông Du, sau đó ông quay về Hà Nội làm về báo chí và văn hoá với Phạm Quỷnh). 

Trong số các bức chân dung do Hương Ký chụp quảng bá cho cuốn phim tài liệu về các giai đoạn cuộc đời Phan Bội Châu, có bức "ông đồ xứ Nghệ" với áo the, khăn vấn và đeo kính mảnh, đã trở thành một "icon' nổi tiếng nhất của cụ Phan. Còn cuốn phim tài liệu quý giá kia có lẽ do quan điểm không hợp với nhà cầm quyền Pháp vì sợ dấy động tâm tình người Việt yêu mến cụ Phan, cho nên sau đó không thấy được trình chiếu, và cũng không còn nghe biết tới số phận của cuốn phim đó nữa. Thật tiếc.


Bức ảnh tái hiện Phan Bội Châu khi chưa xuất dương, và đang còn là "ông đồ xứ Nghệ"


Phan Bội Châu ngồi trước thư án và đang nhập tâm viết. Ta thấy các bức thư pháp của ông viết và treo trên tường. Bức ảnh này tái hiện thời gian Phan Bội Châu ở Nhật, cắt tóc và ăn mặc Âu phục từ khi đem Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang. Đây là thời gian ông đã viết Việt Nam vong quốc sửLưu Cầu huyết lệ thư

Bức ảnh tái hiện thời Phan Bội Châu ở Quảng Đông





*

Nguồn hình ảnh trích từ cuốn: Sào Nam Phan Bội Châu tiên sanh lịch sử - Tấm lòng vì nước (Tường thuật về lịch sử thân thế cụ Phan, dư luận quốc dân và dư luận các báo từ khi Cụ về nước tới nay, phụ thêm ít vần thơ Cụ làm và người ta mừng Cụ), do Thịnh Quang Nguyễn Đức Riệu xuất bản, in tại nhà in Xưa-Nay, 62-64 Bonnard Boulevard, Saigon, 1926; Lưu ý địa chỉ nhà in cạnh tiệm ảnh Khánh Ký.
Nguồn tải sách: https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4228224d/f1.item.r=Phan%20B%E1%BB%99i%20Ch%C3%A2u


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét