Hà Vũ Trọng
Tuy nhiên trường hợp Hierholtz có khác với Ducuing, vì
ông đã sống cuộc đời gần 20 năm ở Hà Nội, đóng góp trực tiếp cho các bộ môn mĩ
thuật trong vai trò giám đốc trường mĩ thuật ứng dụng Hà Nội. Thế nhưng ngày
nay hầu như ông bị lãng quên, thậm chí tên tuổi không được nhắc tới trong những
trang sử mĩ thuật ở Đông Dương giai đoạn 1920 tới 1930; thời kì mà điêu khắc còn
là bộ môn nghệ thuật tạo hình được chú trọng trước khi hội hoạ được Victor
Tardieu chủ xướng với Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. May thay, chúng ta
có được nguồn tài liệu là một tập album mỏng do những người cháu của Hierholtz
kết tập và xuất bản (1981) để tưởng nhớ sự nghiệp điêu khắc của ông nội họ trong
thời kì ở Đông Dương từ 1915–1935, gồm một bản tiểu sử, một số lời thuyết
minh, và đặc biệt nhiều hình ảnh quý giá do chính Hierholtz chụp trong giai đoạn
làm Giám đốc của Trường Nghề Hà Nội. Tiểu sử và những thông tin về Hierholtz
cũng như phần lớn hình ảnh trong bài này mạn phép rút từ tập album nói trên.
Gustave Hierholtz sinh năm 1877 ở Lausanne (Thụy Sĩ), nguyên
quán cha mẹ người vùng Alsace miền Đông Bắc nước Pháp, đã quyết định thoát khỏi ách cai trị của Đức để định cư ở Pháp. Hierholtz học trường Cao đẳng Khoa học
Lausanne. Vốn mồ côi từ nhỏ, ông lên Paris học Trường Nghệ thuật Trang trí Quốc
gia,
đồng thời học các lớp tối ở Paris. Ban ngày ông làm việc, trong đó có những việc
như trang trí mặt tiền nhà hát Opéra Comique. Năm 1897, Hierholtz đi nghĩa vụ
quân sự ở Epinal, trải qua một thời gian làm lính bộ binh Zouave ở Algeria. Thời
kì này ở Bắc Phi đã gợi cảm hứng cho ông hướng tới trở thành nhà điêu khắc động
vật (animalier). Năm 1904 ông làm điêu khắc cho hãng mĩ thuật Th. Deck, do
Ernest Carrier làm giám đốc. Sang năm 1905, Hierholtz làm giám đốc một hãng
nghê thuật điêu khắc đá. Để trở thành nhà điêu khắc động vật, ông đã đào sâu kĩ
thuật qua các nghiên cứu miệt mài tại Vườn Bách Thảo Paris.
Năm 1906 ông làm việc trong xưởng nghệ thuật của Rodin và Frémiet, trong
quan hệ này ông trở thành học trò và cũng là bạn của Rodin.[i] Cùng năm, Hierholtz triển lãm lại
Salon du Champ-de-Mars tác phẩm “Kéo cày” (Le labour) bằng đồng (xem hình bên dưới), ta thấy
có ảnh hưởng phong cách điêu khắc hiện đại của Rodin, với lối tạo hình theo chủ
nghĩa tự nhiên qua sự chuyển động cuồn cuộn của cơ thể con người và động vật,
mà mỗi tác phẩm luôn tôn vinh tính cách, thể chất và cảm xúc cá nhân. Tất cả những
đặc điểm này ta sẽ thấy thể hiện trong hầu hết những tác phẩm điêu khắc của
Hierholzt dành cho con người và loài vật xứ Đông Dương, ở xứ Bắc Kì mà ông có gắn
bó lâu dài.
Năm
1907, những tác phẩm trưng bày của ông
được thợ bạc Falize chú ý và yêu cầu ông trở thành người sáng tạo mẫu điêu
khắc, nhờ vậy đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác một loạt tác phẩm lấy đề tài từ
truyện ngụ ngôn của La Fontaine, được trưng bày tại Salon des Artistes Français. Tác phẩm “Bầy voi” của ông do thợ
bạc Falize thể hiện và trong triển lãm ở London đã được Théodore Roosevelt mua.
1909 ông nhận Huân chương Salon des Artistes Français cho nhóm tượng chó ngao Bordeaux và
Basset. Năm 1910 pho tượng “Kền kền xoãi cánh” của ông thành biểu tượng giải
thưởng do Tổng thống Cộng hoà dùng trao tặng cho nhà phát minh hàng không
Blériot sau khi bay vượt qua eo biển Manche. 1912, ông kết hôn với Louise Lefebvre, con trai là Georges ra đời. Ông đã tạc
tượng “Bò mộng ở Alps”, được Nhà nước mua lại và được Thành phố Paris trao
tặng. Nhận học bổng học nội trú tại Villa Abd-el-Tif, do Toàn quyền Algeria
cung cấp. Ông ở đó cho tới khi chiến tranh, và điêu khắc một nhóm tượng
đà điểu bằng đồng, cũng như một chiếc bàn lớn trang trí hình tượng những phụ nữ
Algeria theo yêu cầu của Toàn quyền Algeria.
Năm 1914, được lệnh động viên, ông trở lại Épinal, nhưng mắc bệnh thương
hàn, vì vậy ông được phép trở lại Algeria với vợ và con trai. Năm 1915, khi vừa
xuất ngũ, ông xin nhập ngũ làm tình nguyện viên cùng những người bạn cũ của
quân đoàn Zouave trong một tiểu đoàn của Alsaciens-Lorrains sang Việt Nam để chiến đấu
ở Việt Trì bên sông Đà. Tại đây ông rung động và choáng ngợp trước danh lam
thắng cảnh của Bắc Kì. Tháng 10 năm 1917, trong một cuộc đụng độ với quân khởi
nghĩa Thái Nguyên, ông bị thương nặng, và do đang trong tình trạng sức khỏe
nguy cấp, ông đã nhận được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương Chiến
công bằng điện tín. Hierholtz được sơ tán đến Bệnh viện Hà Nội, sau đó được hồi
hương về Val de Grâce. Vết thương nặng ở hông buộc ông phải nằm giường cho đến
tháng 4 năm 1919; nhờ sự chăm sóc của bác sĩ Hervier, người phát minh ra một
thủ thuật y tế cho phép ông có thể đi lại.
Năm
1919, khi hòa bình lập lại, ông nhận thực hiện tượng đài với hình tượng hai con
gà trống Gaullois sừng sững đối diện nhau như cất tiếng gáy tự hào chiến thắng
trên hai đống đại bác lấy được từ quân Đức, được sắp đặt ngay giữa giao điểm
vòng xoay Rond-point des Champs Elysées (xem hình dưới). Đối với Hierholtz đây cũng là biểu
tượng cho sự phục sinh của chính ông từ vết thương ở Thái Nguyên đã khiến ông
nằm liệt suốt hai năm, giờ đây xương chân của ông dần hồi phục để có thể trở
lại với nghề điêu khắc.
Cùng
năm 1919, ông nhận lời mời từ Toàn quyền Albert Sarraut để quay lại làm việc
tại Đông Dương, với tư cách là Giám đốc Trường Nghệ thuật
Hierholtz
đi khắp Đông Dương trên chiếc De Dion-Bouton, đồng thời chụp hàng trăm bức ảnh
về cảnh vật và con người xứ Đông Dương, và ông cũng dùng làm tư liệu để thực
hiện những tác phẩm mà xứ Bắc Kì đặc biệt đã truyền cảm hứng cho ông sáng tác.
Ngoài những chân dung nhân vật từ hoàng đế tới quan chức, ông làm một số tượng
đài, đề tài yêu thích của ông chủ yếu về đời sống hàng ngày của cư dân Đông
Dương, đặc biệt giới lao động, những người thợ nghề, trẻ em, sư sãi, dân tộc
thiểu số, các động vật đặc hữu ở Đông Dương…
Đồng thời ông phát triển Trường Dạy Nghề do ông đảm nhiệm và đã khuyến
khích sự phát triển nghệ thuật cá nhân của thanh niên Việt Nam. Nhiều sinh viên nghệ thuật trẻ ít nhiều đều đã
được Hierholtz hướng dẫn về mĩ thuật cơ bản, như Lê Phổ đã học một năm với ông
về mĩ thuật ứng dụng, cả Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… nhờ vậy họ hội đủ điều kiện
được tuyển sinh vào trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương mở ra vào năm 1925, hoặc
Georges Khánh cũng vậy, đã sớm có tác phẩm điêu khắc mà ta có thể thấy sự tương
đồng với phong cách của Hierholtz. Trong số những học trò nổi tiếng của Hierholtz
như Nguyễn Đức Thục, Vũ Đức Thu, Hoàng Xuân Lan, và những nhà điêu khắc khác mà
ta hiện chưa xác định được tên tuổi qua những tượng đồng Đông Dương với kích
thước nhỏ ngày nay thường thấy trong những phiên đấu giá. Mặc dù một số có kí
tên vào tác phẩm, nhưng nhiều tượng có thể do hợp tác làm chung tuy không kí
tên nhưng ta có thể nhận ra phong cách và kĩ thuật đúc của cùng thời kì 1920-30
chủ yếu mang phong cách Art Nouveau và cũng để phân biệt với tượng đồng phong
cách Art Déco tính từ khoảng thập niên 1930 về sau – thời kì mà nhà điêu khắc Évariste
Jonchère sang Đông Dương năm 1932 và sau đó làm hiệu trưởng trường Mĩ thuật
Đông Dương từ 1938 – 1944.
Hierholtz đã tham gia tổ
chức triển lãm về nghệ thuật ứng dụng trong Triển lãm Marseille năm 1922, và
triển lãm nghệ thuật trang trí ở Paris năm 1925, đồng thời trưng bày tác phẩm tại
Hiệp hội các Họa sĩ phương Đông. Cuối cùng là cuộc triển lãm tráng lệ với nhiều
tác phẩm điêu khắc của ông tại Vincennes vào năm 1931 ở tại Cung Angkor cùng với
nhiều sản phẩm nghệ thuật ứng dụng của Trường Dạy nghề Hà Nội, đồng thời với hiệu
trưởng Victor Tardieu triển lãm thành quả kiệt xuất sau năm năm đào tạo ra thế
hệ hoạ sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, và chính cuộc triển
lãm này đã làm cho các khía cạnh thẩm mĩ của Đông Dương được biết
đến hơn ở châu Âu.
1935, Hierholtz trở lại Pháp lập xưởng và định cư ở Sceaux sau khi giao Trường Dạy nghề lại cho các cựu sinh viên của ông. Lí do trở về này hẳn là do mong muốn con trai của ông (Georges) tiếp tục học cao hơn ở Paris sau khi đã học ở Trường Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội. 1950 Hierholtz được bầu làm Thành viên của École Française. Ông thực hiện pho tượng một vũ công Madagascar có kích thước thật bằng đồng đặt trong Đại sảnh Danh dự tại Bảo tàng Pháp quốc Hải ngoại (Musée de la France d'Outre-Mer), và tiếp tục nhận làm điêu khắc chân dung cho đến khi ông qua đời vào năm 1957.
Như vậy, tính từ 1915 cho tới 1935 (trừ khoảng 2 năm trở về Pháp do bị thương) nhà điêu khắc Gustave Hierholtz đã sống gần 20 năm ở Đông Dương và đóng góp công lao không nhỏ cho công cuộc phát triển nền mĩ thuật Đông Dương, chủ yếu ở Bắc Kì. Đáng kể là số lượng sáng tác của ông lên tới hơn 200 tác phẩm điêu khắc về con người và xứ Đông Dương. Bảo tàng Pháp quốc Hải ngoại vẫn lưu giữ được 35 pho tượng của ông từng triển lãm ở gian An Nam trong Triển lãm 1931 (nay số tượng này được chuyển sang Musée de quai Branly) làm sống lại bức tranh đời sống của xứ Đông Dương.
Trong một cuộc triển lãm mĩ thuật tại Hà Nội (khoảng 1932), qua ảnh, ta thấy cả chục tác phẩm của Hierholtz: ở giữa là nhóm đà điểu làm trong thời gian ở Algeria, số còn lại làm ở Đông Dương, nổi bật là pho tượng kích thước khá lớn miêu tả một chiến binh Tây Nguyên hùng tráng với chiếc lao; chân dung một nhà sư đưa tay bắt ấn; một con voi Darlac với người quản tượng, và voi đang nhổ cây; một số đầu tượng hoặc bán thân người Việt; tượng phụ nữ Việt đứng ngực trần; ở ngoài cùng bên phải là tượng chân dung Hoàng Cao Khải.
Năm 1919, khi về đến Hà
Nội, Hierholtz trở thành giám đốc Trường Dạy nghề Hà Nội (vốn thành lập năm
1902) và ông đã đại tu hoàn toàn những ngành về mĩ thuật ứng dụng của Trường,
và kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí thuyết với thực hành. Trường chào đón tất cả
những người trẻ Việt Nam muốn học một nghề nghệ thuật, mục tiêu của ông là “đào
tạo ra những chuyên viên lành nghề, những người có gu thẩm mĩ ”. Gồm hai
ban: một ban liên quan cụ thể hơn đến điêu khắc, như đồ mộc, đồ kim loại, chạm
khắc, nghệ thuật nung lửa (như với đúc đồng, gốm, tráng men…), và ban kia liên
quan đến nghệ thuật phẳng, cụ thể hơn là vẽ và hội hoạ, vẽ trang trí, thảm
trang trí, thêu, nghệ thuật đồ hoạ... Các xưởng thực hành và các khoá học lí
thuyết được tổ chức: lịch sử nghệ thuật, thiết kế trang trí, các yếu tố phối
cảnh và cơ thể học nghệ thuật. Các giáo viên ban đầu được tuyển chọn từ Pháp,
một số bạn cũ của ông thời đi lính ở Algeria, và các quản đốc người Việt.
Tại
Trường dạy Nghề Hà Nội, Hierholtz chụp nhiều hình ảnh học sinh của ông tại nơi
làm việc. Ông khuyên học sinh bước đầu là sao chép các mẫu đồ nội thất của Pháp
vốn đã lẫy lừng về những phong cách tiên phong, sau đó ông cho họ thấy những
đặc sắc của nghệ thuật Bắc kì để duy trì, không kém so với nghệ thuật Huế nhưng
khác với nghệ thuật Trung Quốc. Ông muốn học trò dần dần có được sự tự tin,
trước tiên là sao chép các đồ vật cho chân thực, sau đó là sáng tạo và phát
minh theo truyền thống của mình.
Trong
cuộc Triển lãm Thuộc địa 1931 ở Paris, đã đem lại kết quả cho các học sinh
trường dạy nghề có một số lượng lớn đơn đặt hàng về đồ nội thất, đồ đồng, gốm,
khảm, sơn mài, kim hoàn, lụa the có hoa văn, tranh khắc và tranh vẽ, và họ đã
đạt được kĩ năng thành thạo không thể phủ nhận, phản ánh được phong cách độc
đáo của xứ sở mình. Trong số những lời tán dương trên báo chí nhân dịp này, có
thể ghi nhận: “Lần đầu tiên ở Khoa Mĩ thuật Hà Nội có một người thực sự ở đúng
địa vị của mình. Ông là một nghệ sĩ có khí chất và có tinh thần thực tiễn, một người
thầy biết cách khắc vào học trò mình trí tưởng tượng sáng tạo.”
Một nhà sư ở Hà Nội đã chấp thuận làm mẫu cho Hierholtz nắn tượng. 1920
Trong
một chuyến đến thăm Bắc kì vào tháng 12 năm 1932, vị Hoàng đế Bảo Đại trẻ tuổi
đã ngồi làm mẫu cho Hierholtz làm tượng. Chân dung bán thân của vua Bảo Đại trong triều phục long bào, đội mũ
xung thiên, được đúc bằng thép tấm, riêng những hoa văn trên mũ và long bào được
chạm và nạm vàng. Sau một thời
gian dài tượng được bảo tồn ở Bảo tàng Pháp quốc Hải ngoại, hiện nay ở Bảo tàng
Quai Branly, Paris. Kích thước 50cm x 40cm x 19cm.
Voi Darlac và quản tượng,
đồng gỉ nâu, 56x25x53cm
Tượng voi bằng đồng gỉ nâu, cao 37cm, dài 40cm. Voi dùng vòi tước lấy lõi cây cọ để ăn, mọi động tác gồng mình của nó được miêu tả sống động.
Chàng H’mong thổi khèn, đồng, cao 51cm, 1926
Tượng đài Thống chế Foch ở Hà Nội, khai mạc năm 1932, do Bộ Cựu Chiến binh đặt Hierholtz làm. Những đặc điểm và tính cách của Foch được miêu tả rất giống. Thống chế Foch là nhà lí luận quân sự Pháp, đồng thời là người hùng quân sự của khối Đồng minh thời Thế Chiến Một. Tượng được dựng ở vườn hoa Robin (phía sau Tượng đài Tử sĩ vườn hoa Canh Nông).
Tượng đài Tử sĩ ở Sài Gòn (ở địa điểm nay là Hồ Con Rùa) khánh thành năm 1929. Trên đỉnh là tượng nữ thần Vinh quang có cánh, tay cầm hai vòng nguyêt quế, mặt trước dưới chân tượng đài là hai chiến sĩ Pháp và Việt sát cánh trong Thế Chiến Một, ba mặt còn lại là hình tượng rồng chầu.
Cuộc Đại Chiến đã để lại nỗi đau lớn và sự bầm dập cho cả một thế hệ, vì vậy nước Pháp mong muốn vinh danh những người lính đã khuất, ngay cả mỗi ngôi làng cũng sẽ có một tượng đài được dựng lên. Điều này mở ra một thể loại mới cho các nhà điêu khắc: Tượng đài Tử sĩ (Monument aux Morts), một nghệ thuật được sinh ra từ cảm xúc về sự đau thương và mất mát. Từ đây, Tượng đài Tử Sĩ được các nhà điêu khắc dựng lên không chỉ trên khắp nước Pháp, mà còn trên các thuộc địa. Ta biết rằng, trong Thế Chiến Một, đã có khoảng 90 ngàn lính Việt sang chiến đấu hoặc làm hậu cần ở Pháp và châu Âu, vì vậy người Pháp cũng dựng cả gần chục tượng đài ở khắp ba miền Việt Nam tưởng niệm chung cho cả lính Pháp và lính Việt đã hi sinh, hoặc có tượng đài và đền dành riêng cho tử sĩ Đông Dương, ngay cả bên Paris cũng có.
Trong số ba tượng đài
Hierholtz thực hiện ở Đông Dương, có hai Tượng đài Tử Sĩ, ở Hà Nội năm 1928 và ở Sài Gòn
năm 1929, đều có sự cộng tác của Paul Ducuing (sau khi Ducuing đã làm tượng đài
Tử sĩ ở Phnom Penh) và các học trò của Hierholtz như Nguyễn Đức Thục. Tuy nhiên, đáng kể nhất là Tượng đài Tử sĩ tại
Hà Nội được xem là tượng đài đẹp và bề thế nhất ở Đông Dương, được khánh thành tại
Hà Nội ngày 11 tháng 11 năm 1928 đã trở thành một sự kiện đặc biệt long trọng. Bài
phát biểu khai mạc của Bác sĩ Piquemal thốt lên: “Trải qua nhiều năm tháng dài
với sự tàn sát và đau khổ vô cùng, chúng ta đã nhận ra bản chất khủng khiếp của
những cuộc chiến mà con người bị ném ra ngoài.” Và ông kết thúc bằng câu trích
dẫn nhà văn Drieu la Rochelle: “Chủ nghĩa anh hùng của người Pháp trong chiến
tranh là sự lựa chọn tự sát đẹp nhất!”. Còn theo quan điểm trước đó của M. Koch thì “Việc
dựng tượng đài cho những người lính Đông Dương hi sinh vì Tổ quốc thể hiện rằng
cái chết của họ đã có kết quả vì đã cho phép Thuộc địa được sống hoà bình trong
suốt bốn năm chiến tranh.”
Lễ khai mạc Tượng đài Tử sĩ tại Hà Nội ngày 11.11.1928
Điều đáng chú ý, Tượng đài Tử sĩ Đông Dương ở Hà Nội tuy là tượng đài đồ sộ nhất Đông Dương, nhưng cũng không thuần tuý là “tượng đài Tử sĩ” đúng nghĩa dù trên bệ mang hình tượng hai người lính (Pháp và Việt) trong tư thế chiến đấu, vốn đã trở thành một trong những mô thức chung cho hầu hết các tượng đài tử sĩ của Pháp. Điểm giá trị khác biệt và đặc biệt nhất ở tượng đài này (so với mọi tượng đài tử sĩ khác) là sự thể hiện quy mô bốn nhóm tượng nằm ở bốn mặt mới là điểm trội bật của tượng đài này; chúng độc lập và không liên quan đến chủ đề “Tử sĩ” trên danh nghĩa, như ta thấy chính cái tên “Tượng đài Canh Nông” do người dân đặt cho minh chứng cho điều này. Do đó, có thể nói nhà điêu khắc Hierholtz đã mượn cớ, thay vì dùng tượng đài vốn là công cụ thường dùng để phô trương sức mạnh của đế quốc đối với thuộc địa,[ii] ông lại “lợi dụng” cương vị của người nghệ sĩ được chính quyền thuộc địa uỷ thác để đem vào ý tưởng nghệ thuật riêng, bốn nhóm tượng ở bốn mặt tượng đài mà ông đã dành tâm huyết nghệ thuật nhiều nhất và muốn dùng tượng đài Tử sĩ làm cơ hội thể hiện như một cách vinh danh xứ sở và con người mà ông đã gắn bó mật thiết với cuộc đời và nghệ thuật của mình.
Mẫu tượng (đất sét) cho nhóm tượng
đài ở mặt chính
Mặt chính
Nhóm tượng mặt sau tượng đài với cảnh gặt lúa và gánh lúa
Tượng người thợ đồng ở mặt hông bên
trái
Hai mẫu tượng (đất sét) miêu tả người thợ gò đồng chạm gỗ (phía mặt hông bên trái) và người thợ chạm gỗ (mặt hông bên phải) của “Tượng đài Canh Nông”.
Có thể nói, Hierholtz đã “mượn” tượng đài Tử sĩ để thể hiện hai hình ảnh nổi bật và cũng để tôn vinh, không phải những anh hùng hay đề cao uy quyền của chính quyền thuộc địa, mà là những hình tượng “bình thường” về xã hội nông nghiệp, cụ thể là hình tượng con trâu vốn là “đầu cơ nghiệp” không chỉ cho nhà nông mà cho cả nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam suốt nhiều ngàn năm; đây cũng là lần đầu tiên con trâu được một nhà điêu khắc mạnh dạn thể hiện vẻ đẹp và hào quang của “linh vật” này trên tượng đài với kích thước lớn vượt trội. Thứ đến, là hình tượng nghệ nhân cũng được đem lên tượng đài như để tri ân sự đóng góp âm thầm của họ cho đời sống thẩm mĩ thực dụng hàng ngày. Vì vậy, quyết định của Thị trưởng Trần Văn Lai khi ra tay “xoá bỏ tàn tích thực dân” đã phá huỷ toàn bộ “Tượng đài Canh nông” này vào năm 1946, thay vì chỉ cần tháo bỏ tượng hai người lính và nên giữ phần còn lại, là sự thiếu suy xét và là một tổn thất không thể bù đắp, tương đương sau đó với sự phá huỷ bức tranh tường của hoạ sư Victor Tardieu vẽ cho Giảng đường Đại học Đông Dương. Hierholtz và Tardieu – cả hai đều là những Hiệu trưởng khả kính có nhiều tận tâm cống hiến phần lớn cuộc đời cho xứ sở mà họ yêu quý bằng sự nâng cao đời sống thẩm mĩ và công lao đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ toả sáng cho Việt Nam.
*
Các tác phẩm chân dung của Gustave Hierholtz tìm cách thâm nhập vào thế giới tâm hồn người Việt, ông nắm bắt được vẻ thuần khiết của ánh mắt trẻ thơ phản chiếu tâm hồn của chúng, những gương mặt thuần phác của dân tộc vùng cao, vẻ mặt khắc khổ nhọc nhằn của một cụ bà hoặc nụ cười hồn hậu tươi rói của một cụ ông, vẻ chú tâm chuyên cần của những người thợ, vẻ tĩnh tại hướng nội của một nhà sư…
*
Phụ lục
Hai pho tượng chân dung nam nữ trẻ An Nam bằng thạch cao phủ men màu đất nung, cao 36cm, do nhà điêu khắc Sylvain Raffegeaud (1831-1891), kí tên và ghi địa điểm làm tại Sài Gòn vào năm 1884. Có thể xem đây là những tác phẩm điêu khắc đầu tiên của người Pháp làm về Việt Nam. Raffegeaud được Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises) gửi sang Đông Dương để nghiên cứu thực địa, sau đó ông đã mang về Pháp nhiều pho tượng bán thân miêu tả những đặc trưng nhân dạng của người Đông Dương, đồng thời xuất bản hồi kí thuật lại những ấn tượng trong tập sách Voyage en Annam et au Tonkin (Hành trình ở An Nam và Bắc Kì)
Người phu kéo xe (Le Pousse-pousse) là hình ảnh nổi bật gây hiếu kì trong khu Triển lãm Thế giới năm 1889 tại Paris. Đây rất có thể là pho tượng chất liệu đồng đầu tiên miêu tả người An Nam do nhà điêu khắc Pháp Édouard Drouot làm tại Paris năm 1889, kích thước cao 33.5 x 36cm. Mẫu mực tượng đồng phong cách cổ điển với kích thước nhỏ này của Pháp đã được các nghệ sĩ điêu khắc Nhật du học thời Duy Tân hấp thu và sau đó thịnh hành suốt thời Minh Trị, đạt tới độ nghệ thuật tạo hình rất cao, thể hiện được nhiều đề tài gần gũi về con người và tập quán Nhật Bản và vì vậy đã rất ảnh hưởng tới Việt Nam. Với sự thành lập Trường Dạy nghề Hà Nội vào năm 1902, nhà điêu khắc Minao Ishikawa người Nhật được mời làm giám đốc xưởng đúc, (đúng thời điểm này Théodore Rivière cũng sang Hà Nội để làm việc và sáng tác), và sau đó tới Emile Boudon rồi tới Hierholtz. Tuy nhiên, loại tượng đồng nhỏ đặc trưng phong cách Đông Dương (Statuette Indochine) của các nhà điêu khắc xuất thân từ Trường Nghề Hà Nội đạt tới trình độ nghệ thuật cao, đa dạng, và xuất khẩu nhiều sang Pháp đặc biệt từ đầu thập niên 20, tức thời Hierholtz làm giám đốc. Ngày nay những tượng đồng Đông Dương vẫn giữ nguyên vẻ đẹp “vĩnh cửu” và luôn nằm trong những hạng mục đấu giá được các nhà sưu tập ưa chuộng.
Người lính Đông Dương, tượng đồng của Théodore Rivière làm tại Hà Nội khoảng năm 1901-02
Minao Ishikawa, Vị quan bước xuống bậc rồng đá, 30x24x30cm, 1917
Tham khảo:
Album de mon Grand-Père Gustave Hierholtz - statuaire en Indochine 1915 – 1935 (Album của Ông chúng tôi: Gustave Hierholtz - Điêu khắc ở Đông Dương 1915 – 1935). Hình ảnh được chọn lựa và thu thập do cháu trai Jacques Hierholtz; Bản văn của Roseline Grimaldi Hierholtz, Fontainebleau – 1981. Tài liệu sưu tập của ASRIEL Phạm Hoàng Việt đã cung cấp cho bài viết này.
Nadine André-Pallois, L'Indochine: un lieu d'échange culturel? Les peintres français et indochinois (fin XIXe-XXe siècle) (Đông Dương: một nơi giao lưu văn hóa? Những hoạ sĩ Pháp và Đông Dương), EFEO, 1997
-Exposition de Hanoi 1902 – Catalogue officiel Métropolitan. Publié par l’Office Conolial 1902
- France Archives – Portail National des Archives (Cổng Lưu trữ Quốc gia Pháp) liệt kê khoảng 55 tác phẩm điêu khắc về Đông Dương của Gustave Hierholtz hiện lưu giữ tại những bảo tàng Pháp.
Một số trang hình ảnh: alaintruong.com, Mạnh Hải Flickr, Drouot, Christie’s…
[i] Ta cần lưu ý rằng, vua Hàm Nghi trong thời gian lưu đày ở Algeria, từ năm 1895 cho đến khi Rodin qua đời, vào những kì nghỉ hè bên Pháp, ngài đều tới xưởng của Rodin ở Paris để học điêu khắc. Còn ở Algeria sau này, khi nhà điêu khắc Léon Fourquet là bạn học thân với Rodin, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mĩ thuật ở Algeria, thì ngài thường tới xưởng nghệ thuật của Fourquet để học và làm tượng. Trong cuộc Triển làm Thế giới tại Hà Nội năm 1902-3, Rodin ở trong ban giám tuyển chọn lựa các nghệ sĩ được đi triển lãm ở Hà Nội, tuy ông không thể tới được Hà Nội nhưng có tác phẩm điêu khắc trong triển lãm, Những nhân sĩ thành Calais (Les Bourgeois de Calais), có lẽ ông triển lãm một bộ phận trong nhóm tượng này chứ không phải toàn bộ), và dường như pho tượng này sau đó được lưu giữ bằng bản sao thạch cao mà cho tới những năm 1930, qua hình ảnh, ta vẫn còn thấy trong các lớp dạy hình họa của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Từ năm 1910-1912 Rodin là thành viên chính thức của Hiệp hội Bảo tồn Di tích cổ Đông Dương, và trợ giúp G. Bois phụ trách thành lập bảo tàng mới của EFEO tại Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét